Tác động của Covid-19 đến chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại điện tử

ThS. ĐOÀN HOÀNG QUÂN (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Đại dịch Covid - 19 đã tác động mạnh, làm thay đổi chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đại dịch đã làm đứt gãy chuỗi cung cứng hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, gây cản trở cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa… nhưng cũng đem đến cơ hội trong thời điểm vàng để các doanh nghiệp thương mại điện tử phát triển.

Trong bài viết này, tác giả đề cập đến xu hướng phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam, từ đó đưa ra những thách thức cũng như cơ hội của khối doanh nghiệp này trong bối cảnh đại dịch Covid- 19.

Từ khóa: doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiến lược, quản lý chiến lược, chiến lược thương mại điện tử, thương mại điện tử, công nghiệp 4.0.

1. Đặt vấn đề

Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động kinh tế - xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp tại Việt Nam bằng hình thức online cho thấy, trong đợt dịch Covid -19 lần thứ tư năm 2021, có đến 84% doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Trong đó, 40% thiếu vốn kinh doanh; thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%; phải cắt giảm lao động chiếm 52%; bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%; bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%;... Như vậy, trong bối cảnh đại dịch Covid- 19, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang đứng trước muôn vàn thách thức và khó khăn. Việc thay đổi chiến lược phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử là cần thiết.

2. Lý thuyết chiến lược áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nhiều tài liệu chỉ ra rằng, việc áp dụng thương mại điện tử sẽ tạo ra nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ [4, 11, 15-16].Tassabehji (2003, 12-13) và Niranjanamurthy et al. (2013) khẳng định rằng, việc áp dụng bất kỳ hình thức thương mại điện tử nào tạo điều kiện cho việc mở rộng của một doanh nghiệp vào thị trường quốc tế, làm giảm hoạt động và chi phí viễn thông, cho phép một doanh nghiệp thực hiện tùy chỉnh hàng loạt và giảm thiểu mức độ tồn kho [10]. Nhìn chung, lợi ích của việc áp dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được nhận thấy rất nhiều và được khẳng định bởi nhiều tác giả [4, 12, 15].Qua đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ nỗ lực áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh sẽ có khả năng được hưởng lợi từ nó.

Chiến lược trong doanh nghiệp nhỏ và vừa được định nghĩa là một tập hợp của [3] các hoạt động có kế hoạch đang được thực hiện để đạt được các mục tiêu, nguồn lực và khả năng đang được triển khai để hành động các đề xuất chiến lược, thị trường đang tham gia, môi trường cung cấp các tín hiệu được lọc qua mạng lưới cá nhân và doanh nghiệp. Theo Zich (2010), chiến lược linh hoạt luôn đặt các mục tiêu quan trọng trong các tiêu chí của doanh nghiệp [19]. Việc xác định mục tiêu phải dựa trên tổng thể sự phát triển của công ty, bởi chiến lược thương mại điện tử bao gồm cả kinh doanh điện tử và thương mại điện tử trong ngắn hạn và dài hạn. Chiến lược thương mại điện tử không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp trực tuyến [8, 14, 18].

Power (2005) nêu bật tầm quan trọng của các nguồn lực (vật chất, thông tin, nhân viên, vốn) cần thiết để tạo ra một chiến lược thương mại điện tử thành công [13]. Jiang và Yu (2009) nhấn mạnh rằng, chiến lược điện tử phải là một phần độc quyền của chiến lược kinh doanh và không thể bị bỏ qua trong phát triển kinh doanh [9].

Do tính chuyên môn hóa hẹp của các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể xác định nhóm khách hàng mục tiêu, bao gồm cả nhu cầu cụ thể của họ [5]. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại điện tử thường không có một chiến lược cụ thể được xác định cho thương mại điện tử và thiếu một khái niệm và chiến lược cách tiếp cận để phát triển kinh doanh trong môi trường ảo [6-7]. Thương mại điện tử đã được mở rộng trong ngắn hạn và các doanh nghiệp thương mại điện tử mới đang nổi lên [17]. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối mặt với sự thất bại thị trường dễ dàng hơn nhiều so với các doanh nghiệp lớn trong việc thu thập và xử lý thông tin cần thiết để xác định mục tiêu của họ và chiến lược [2].

Các yếu tố quyết định phát triển chiến lược trong thương mại điện tử được chia thành các khía cạnh chung của quản lý chiến lược. Các yếu tố quyết định bên trong của phát triển chiến lược và các yếu tố bên ngoài quyết định phát triển chiến lược có ảnh hưởng rõ rệt đến quá trình quản lý chiến lược trong thương mại điện tử. Quá trình quản lý chiến lược trong thương mại điện tử được chia thành 5 giai đoạn: Phân tích, Chuẩn bị và xây dựng chiến lược, Lập kế hoạch, Thực hiện, Kiểm soát. Trong quá trình quản lý chiến lược trong thương mại điện tử, các yếu tố quyết định đã được xác định cần được coi là quan trọng như nhau.

3. Xu hướng phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam

Năm 2019 đánh dấu nhiều sự thay đổi của thương mại điện tử Việt Nam trong giai đoạn 5 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 1563/QĐ - TTg ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Với mức tăng trưởng cao của nền kinh tế với GDP đạt 7,02%, thương mại điện tử góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy dòng chảy hàng hóa và dịch vụ, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm cơ hội sản xuất và kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và sự lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Năm 2019, số người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến đã cán mốc 44,8 triệu người, so với 30,3 triệu của năm 2015 và 32,7 triệu người năm 2016, 33,6 triệu của 2017 và 39,9 triệu người của năm 2018, lượng người tham gia mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng mạnh mẽ [1].

Trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19 (từ tháng 2 tới hết tháng 4/2020), kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp như xuất nhập khẩu, du lịch… nhưng doanh thu từ mua sắm online qua các trang thương mại điện tử B2C của một số doanh nghiệp vẫn tăng từ 20 - 30%, thậm chí tăng mạnh với các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm… [1]

Hình 1: Quy mô thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam

Quy mô thị trường thương mại điện tử B2C Việt Nam

Nguồn: Sách trắng Việt Nam  năm 2020

4. Một số đề xuất giải pháp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại điển tử

Thứ nhất, đổi mới sản phẩm và dịch vụ.

Đại dịch Covid - 19 đã làm thay đổi sâu sắc nhu cầu và thói quen mua hàng của khách hàng theo hướng chuyển từ tương tác trực tiếp, truyền thống sang tương tác trực tuyến nhiều hơn. Trong bối cảnh đó, bản thân mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại điện tử cần chú trọng vào chất lượng sản phẩm, khâu chăm sóc, phục vụ khách hàng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam có nhiều lợi thế về kinh doanh, phạm vi thị trường, khách hàng để tham gia vào hoạt động thương mại trong nước, khu vực và quốc tế. Để nâng cao chất lượng sản phẩm và năng suất lao động, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý quá trình, trong đó, việc coi trọng đầu tư cho khoa học công nghệ. Đây là mấu chốt giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid - 19 và tận dụng được cơ hội để phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh.

Thứ hai, tái cấu trúc doanh nghiệp.

Với các doanh nghiệp yếu thế như doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần đảm bảo tính chuyên nghiệp và linh hoạt để có thể nhanh chóng thích ứng với sự thay đổi của môi trường kinh doanh. Trước những tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid - 19, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực thương mại điện tử cần tái cấu trúc, từ chiến lược, tài chính, nhân sự, hệ thống quản lý đến văn hóa doanh nghiệp,... để chủ động và nhanh chóng có giải pháp ứng phó với sự biến động của môi trường kinh doanh, nhất là môi trường số trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Thực hiện mục tiêu này, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực thương mại điện tử cần thực hiện tái cấu trúc theo 4 bước sau: (i) Tái thiết lập lực lượng bán hàng và khả năng tương tác với khách hàng; (ii) Đẩy mạnh tích hợp giữa các mô hình kinh doanh mới và hiện tại; (iii) Chuyển đổi chi phí marketing sang các kênh có khả năng nắm bắt nhu cầu khách hàng; (iv) Cắt giảm những sản phẩm mang lại lợi nhuận thấp, cắt giảm chi phí hàng tồn kho;…

Thứ ba, thực hiện chuyển đổi số.

Quá trình hội nhập và kinh tế số đã trở thành một xu thế tất yếu đối với các quốc gia trên giới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam cần đầu tư, làm chủ công nghệ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực của mình thông qua việc thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống sang chuyển đổi số, thương mại điện tử.

Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tăng cường sự chính xác và minh bạch trong doanh nghiệp; nâng cao hiệu suất làm việc, tăng thu, giảm chi,… Chuyển đổi số có thể bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như chuyển từ hình thức sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử, bán hàng online, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, dùng chatbot (thảo luận trực tuyến), dùng các hệ thống tự động hóa,…; hay đơn giản là thay đổi phương thức làm việc trên giấy tờ, email, zalo,… bằng một phần mềm quản lý công việc tập trung trực tuyến.

Thứ tư, tăng cường thực hiện cắt giảm chi phí.

Kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid - 19, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần thực hiện tốt những quy định về y tế như sử dụng sử dụng khẩu trang, nước sát khuẩn tay và giãn cách xã hội. Việc tuân thủ các quy định này sẽ làm tăng chí phí sản xuất của doanh nghiệp. Để cắt giảm chi phí, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần thay đổi phương thức hoạt động theo hướng ưu tiên thương mại điện tử, hoạt động trực tuyến thông qua việc tăng cường sử dụng nền tảng thương mại điện tử và các công cụ marketing trực tuyến như: Amazon, Alibaba, Facebook, Zalo,…

Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chú trọng thực hiện các giải pháp như sau:

(ii) Tái cấu trúc dây chuyền, khu vực sản xuất, thực hiện đổi mới công nghệ sản xuất và cải tiến quy trình sản xuất theo hướng tăng năng suất lao động, loại bỏ tối đa các thao tác dư thừa gây tốn sức người, nguyên, nhiên liệu.

(iii) Thiết kế cơ cấu tổ chức sản xuất tinh gọn, tối thiểu hóa thời gian chờ việc của công nhân và giảm tối đa xung đột giữa các công đoạn sản xuất.

(iv) Thiết kế hệ thống quản trị chuỗi cung ứng đảm bảo thông suốt giữa các công đoạn từ khâu tiếp nhận đơn đặt hàng - xác định tiêu chuẩn nguyên liệu - lựa chọn nhà cung cấp - tiếp nhận lưu kho - xuất kho nguyên vật liệu.

(v) Xác định lượng vật tư, hàng hóa tồn kho tối ưu theo hướng tối thiểu hóa chi phí tồn trữ, chi phí dự trữ an toàn và chi phí mua hàng, sử dụng các nguồn cung ứng và dịch vụ kho vận đa dạng hơn. Đồng thời, thực hiện tốt chức năng dự báo nhu cầu tiêu thụ và nguyên vật liệu để chủ động trong kế hoạch sản xuất giảm thiểu sự thiếu hụt, cũng như dư thừa nguyên vật liệu, thành phẩm tồn kho.

Thứ năm, ưu tiên đầu tư vào thị trường ngách.

Dịch bệnh Covid - 19 đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong hành vi và thói quen của người dân Việt Nam. Người tiêu dùng đang có xu hướng ưu tiên tiện nghi gần nơi sinh sống; ủng hộ những thương hiệu địa phương bằng việc hỗ trợ ngành kinh doanh, cộng đồng, thương hiệu, nhà bán lẻ địa phương,… Do vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử cần có định hướng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ như sản xuất linh kiện, phụ tùng; sản xuất phục vụ ngành Dệt may, Da giày; phục vụ công nghiệp công nghệ cao, phát triển mảng giao - nhận hàng,… Đây là những lĩnh vực vừa giúp doanh nghiệp Việt Nam chủ động tăng cường chuỗi cung ứng nội địa, liên kết tốt hơn giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử với chuỗi cung ứng nội địa; góp phần hạn chế tác động của sự gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế và hoạt động cung ứng đầu vào do ảnh hưởng của đại dịch Covid -19, vừa đảm bảo giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử tận dụng được cơ hội từ thị trường, phục hồi và phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được đánh giá đang tăng trưởng liên tục và còn nhiều tiềm năng phát triển hơn nữa. Vì vậy, nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng định hướng chiến lược cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong bối cảnh thị trường và các yếu tố kinh doanh bị biến động do thay đổi môi trường kinh doanh và môi trường tự nhiên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương. (2020). Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020. Hà Nội: NXB Công Thương.
  2. Broome, P. A. (2016). Conceptualizing the Foundations of a Regional E-commerce Strategy: Open Networks or Closed Regimes? The Case of CARICOM. Cogent Business & Management, 3(1), 1-32.
  3. Burke, G. I. & Jarratt, D. G. (2004). The Influence of Information and Advice on Competi tive Strategy Definition in Small and Medium-sized Enterprises. Qualitative Market Research: An International Journal, 7(2), 126-138.
  4. Chaffey, D. (2009). Emarketing Excellence: Planning and Optimizing Your Digital Marketing. 4th edition. Abingdon, Oxon: Routledge.
  5. Feindt, S.; Jeffcoate, J. & Chappell, C. (2002). Identifying Success Factors for Rapid Growth in SME E - commerce. Small Business Economics, 19(1), 51-62.
  6. Grandon, E. E. & Pearson, M. (2004). Electronic Commerce Adoption: An Empirical Study of Small and Medium US Businesses. Information & Management, 42(1), 197-216.
  7. Grandon, E. E.; Nasco, A. S. & Mykytyn, P. P. Jr. (2011). Comparing Theories to Ex plain E-commerce Adoption. Journal of Business Research, 64(3), 292-298.
  8. Hernandéz, B.; Jiménez, J. M & Martín, M. J. (2009). Key Website Factors in E-business Strategy. International Journal of Information Management, 29(5), 362-371.
  9. Jiang, Y. & Yu, S. (2009). The Empirical Study of Relationship between Enterprise Strategy and E-commerce. In: YU, F. (ed.): Proceedings: The 2009 International Symposium Computer Science and Computational Technology (ISCSCT 2009), Huangshan, China, 26-28, Dec., (pp. 156-161). Oulu, Finland: Academy Publisher.
  10. Nanehkaran, Y. (2013). International journal of scientific & technology research. An Introduction to Electronic Commerce, 2(4), 190-191.
  11. Niranjanamurthy, M.; Chahar, D., Kavyashree, N. & Jagannath, M. (2013). Analysis of E Commerce and M-Commerce: Advantages, Limitations and Security issues. International Journal of Advanced Research in Computer and Communication Engineering, 2(6), 2360-2370.
  12. Pham, T. (2014). Thực trạng và giải pháp phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Thừa Thiên Huế.
  13. Power, D. (2005). Strategy Development Processes as Determinants of B2B E-commerce Per formance. Internet Research, 15(5), 557-581.
  14. Raisehani, M. S.; Meade, L. & Schkade, L. L. (2007). Strategic e-Business Decision Analysis Using the Analytic Network Process. IEEE Transactions on Engineering Management, 54(4), 673-686.
  15. Savrul, M., Incekara, A. & Sener, S. (2014). The Potential of E-commerce for SMEs in a Globalizing Business Environment. Procedia - Social and Behavioral Sciences, 150, 35-45.
  16. Tassabehji, R. (2003). Applying e-commerce in business. London: SAGE Publications.
  17. Tu, Y. (2016). Study on the Strategies of Financial Management in E-Commerce Enterprises. Proceedings of the 2016 International Conference on Education, Management, Computer and Society, 37, 1350-1352.
  18. Yoon, J. & Chae, M. (2009). Varying Criticality of Key Success Factors of National e-Strategy along the Status of Economic Development of Nations. Government Information Quarterly, 26(1), 25-34.
  19. Zich, K. (2010). Khái niệm thành công và khái niệm chiến lược. E+M Economics and Management, 13(1), 60-73.

IMPACTS OF THE COVID-19 PANDEMIC

ON THE DEVELOPMENT STRATEGIES

OF E-COMMERCE SMES

• Master. DOAN HOANG QUAN

Faculty of Business Administration, Van Lang University 

ABSTRACT:

The COVID-19 pandemic has forced SMEs, especially e-commerce SMEs, to change their development strategies. The brigh side of COVID-19 pandemic is that it brings opportunities to e-commerce businesses to transform and develop rapidly. This paper presents the development trends of e-commerce SMEs in Vietnam and points out both challenges and opportunities brought by the COVID-19 pandemic to them.

Keywords: small and medium-sized enterprises, strategy, strategic management, e-commerce strategy, e-commerce, Industry 4.0.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]