Giải pháp phát triển dừa Bến Tre theo hướng bền vững

ThS. HUỲNH NGỌC PHƯỢNG (Trường Đại học Quốc tế Đại học Quốc gia - HCM)
Tóm tắt:
Sự phát triển của ngành Dừa tỉnh Bến Tre trong thời gian qua chưa thật sự bền vững, nguồn nguyên liệu và thị trường đầu ra không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa đồng bộ, khó khăn trong đổi mới công nghệ, đặc biệt biến đổi khí hậu có tác động lớn đến phát triển của ngành Dừa. Để phát triển bền vững ngành Dừa, trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre cần phải chọn các giống dừa mới thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường liên kết giữa nông dân trồng dừa với doanh nghiệp chế biến, từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ cây dừa, tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm dừa tại thị trường nội địa, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, tăng cường các hoạt động khuyến nông.
Từ khóa: Dừa, phát triển bền vững, tỉnh Bến Tre.

1. Giới thiệu
Bến Tre là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 2.360 km2, được hợp thành bởi cù lao An Hóa, cù lao Bảo, cù lao Minh và do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ thành. Bến Tre cách thành phố Hồ Chí Minh 86 km, cách thành phố Cần Thơ 120 km, phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang, phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Trà Vinh, phía Đông giáp biển Đông. Trong hơn 5 năm qua, kinh tế tỉnh Bến Tre có sự phát triển đáng kể, không chỉ tạo ra diện mạo mới cho Thành phố Bến Tre mà cả các vùng nông thôn. Có được thành tựu đó là do có sự đóng góp rất lớn của ngành Nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp toàn Tỉnh Bến Tre đạt khoảng 5.69%/năm. Trong đó, giá trị sản xuất các sản phẩm dừa năm 2017 ước đạt 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 20015 - 2017 là 9,54%/năm. Thị trường xuất khẩu dừa được mở rộng thêm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ, từ 80 lên 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tăng từ 150 triệu USD năm 2016 lên hơn 192 triệu USD năm 2017, chiếm 23,19% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2017.
2. Thực trạng ngành Dừa Bến Tre thời gian qua
Bến Tre là tỉnh châu thổ nằm sát biển thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có gần 53.000 ha trồng dừa, sản lượng đạt trên 400 triệu trái năm, chiếm 36% tổng sản lượng dừa của cả nước. Sản phẩm từ dừa đã xuất khẩu đến trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cây dừa với một chuỗi giá trị toàn diện, tạo ra hàng trăm dòng sản phẩm đang chiếm vị trí then chốt trong sự nghiệp phát triển không chỉ riêng về kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch, mà còn góp phần tích cực vào quá trình ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường của tỉnh Bến Tre.
Số liệu thu thập từ Cục Thống kê của tỉnh Bến Tre cho thấy diện tích dừa tăng nhanh trong 5 năm qua; lúa, mía giảm (diện tích dừa từ 55,9 nghìn ha, tăng lên 70 nghìn ha; lúa từ 77 nghìn ha, giảm còn 41 nghìn ha; mía từ 5,3 nghìn ha, giảm còn 1,2 nghìn ha). (Bảng 1)

Riêng sản lượng dừa từ năm 2010 đạt 427.460 tấn, đến năm 2016 đạt 594.500 tấn. Trong vòng 5 năm qua, sản lượng dừa của tỉnh cũng tăng đáng kể. Cuối năm 2017, diện tích dừa toàn tỉnh đạt 71.461ha, tăng trưởng bình quân 2 năm 2016, 2017 là 2,39%/năm. Sản lượng năm 2017 đạt 569,73 triệu trái. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa năm 2017 đạt 192,46 triệu USD, chiếm 23,19% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng trưởng bình quân 9,68%/năm.
Tình hình tiêu thụ các sản phẩm dừa tại tỉnh Bến Tre trong thời gian qua với sản lượng dừa trái của Bến Tre trên dưới 500 triệu quả/năm, khoảng từ 20 - 25% được xuất khẩu sang Trung Quốc. Sản lượng dừa còn lại 75 - 80% cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu của tỉnh và bán ra ngoài tỉnh để tiêu thụ nội địa
Các sản phẩm chế biến từ dừa, được phân thành 02 nhóm: (i) Nhóm chế biến tinh, bao gồm các sản phẩm: cơm dừa nạo sấy, sữa dừa đóng hộp lon, nước dừa đóng hộp lon, bột sữa dừa, than hoạt hoạt tính (xà phòng than hoạt tính), dầu dừa nguyên chất, mặt nạ thạch dừa. Đây là các sản phẩm thành phẩm có giá trị cao, được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới; (ii) Nhóm chế biến thô, bao gồm các sản phẩm: thạch dừa, chỉ xơ dừa, các sản phẩm từ chỉ, than thiêu kết: các sản phẩm này chưa có bao bì hoàn chỉnh, chưa được đăng ký nhãn hiệu, được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc bán thành phẩm. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, một số ít được xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc.
Hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa chủ yếu tiêu thụ tại thị trường nội địa (tiêu thụ tại các khu du lịch, cửa hàng bán hàng lưu niệm hoặc gia công cho các doanh nghiệp kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ các tỉnh, thành phố. Hiện nay, Bến Tre có hàng trăm cơ sở thủ công mỹ nghệ nằm rải rác khắp 9 huyện, thành phố, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các huyện Châu Thành, Mỏ Cày Bắc. Xã Tân Thạch (huyện Châu Thành) là nơi phát triển mạnh nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa. Sản phẩm phần lớn phục vụ khách du lịch. Có thể nói, nghề thủ công mỹ nghệ từ dừa đã và đang phát triển và trở thành một thế mạnh về kinh tế cũng như nét đẹp riêng của quê hương Bến Tre. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ dừa cũng góp phần giới thiệu hình ảnh đất và người Bến Tre với bè bạn gần xa.
3. Những vấn đề đặt ra về tính bền vững đối với ngành dừa Bến Tre
Một là, nguồn nguyên liệu không ổn định: Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến dừa của Bến Tre nếu chạy hết công suất, mỗi năm sẽ tiêu thụ khoảng 1,1 tỷ trái dừa khô, chưa kể hiện có 03 doanh nghiệp đầu tư mới và 02 doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất chưa đi vào hoạt động. Như vậy, việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu dừa sẽ là thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp chế biến dừa trong thời gian tới.
Hai là, thị trường đầu ra không ổn định. Mặc dù các sản phẩm dừa của Bến Tre đang có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau trên thế giới, nhưng những biến động kinh tế toàn cầu sẽ có thể ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu trong tương lai. Việc tiếp tục củng cố và gia tăng thị phần tại thị trường các nước trên thế giới là một thách thức lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm dừa của Bến Tre.
Ba là, chất lượng sản phẩm chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp xuất khẩu còn gặp trở ngại khi thâm nhập vào thị trường thế giới do quy định của các nước nhập khẩu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra rất nghiêm ngặt sẽ là rào cản lớn cho hoạt động xuất khẩu.
Bốn là, khó khăn trong đổi mới công nghệ. Các doanh nghiệp chế biến dừa phải đối mặt với áp lực đổi mới công nghệ, một số doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn trong đổi mới công nghệ, do vậy, vẫn duy trì sản xuất, chế biến xuất khẩu các sản phẩm thô dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp hoặc thua lỗ.
Năm là, biến đổi khí hậu tác động lớn đến phát triển của cây dừa. Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam nằm trong danh sách 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển dâng lên là 3 - 5m thì điều này đồng nghĩa với việc có thể xảy ra thảm họa ở Việt Nam.
Nước mặn đang gia tăng mức độ xâm nhập vào các tỉnh ĐBSCL. Nếu như đầu tháng 1/2013 nước mặn chỉ mới xâm nhập địa bàn Bến Tre, thì ngày 14/3/2017 đã vào các tỉnh: Kiên Giang, Trà Vinh, Tiền Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long… Tại Bến Tre nước mặn đã lấn sâu vào 3 huyện: Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại, độ mặn từ5-27‰. Trên sông Hàm Luông, nước mặn đã lấn sâu vào đến cầu Hàm Luông. Hàng ngàn héc ta hoa màu đã bị ảnh hưởng. Tại Long An, nước mặn đã tràn vào sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tại huyện Cần Giuộc, trên sông Rạch Cát độ mặn đo được tới 11,6‰.4. Giải pháp phát triển để bền vững ngành Dừa Bến Tre trong thời gian tới
Thứ nhất, chọn các giống dừa mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc chọn giống dừa, chọn cây và trái để làm giống phát triển vườn dừa là một trong những yếu tố hết sức quan trọng tác động đến năng suất trái và hiệu quả kinh tế của vườn dừa suốt trong nhiều năm về sau. Khuyến khích nông dân tuyển chọn cây giống tốt năng suất cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Chọn tạo các giống dừa mới thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay cây dừa là cây trồng sẽ chống chịu được với vùng đất mặn lợ, vùng đất bị mặn xâm nhập vào mùa khô. Dừa - một cây trồng tuyệt vời cho sự thích nghi với việc thay đổi khí hậu vì giữ độ cao của mực nước ngầm, kiểm soát xói mòn. Cây dừa hoạt động như những bức tường chắn gió mạnh mẽ và làm bớt những cơn bão và lốc xoáy.
Thứ hai, tăng cường liên kết giữa nông dân trồng dừa với doanh nghiệp chế biến. Doanh nghiệp và người trồng dừa phải chia sẻ hài hòa về lợi ích. Người nông dân trồng dừa khi đã thực hiện ký kết hợp đồng và tuân thủ nguyên tắc hợp đồng. Cùng với chính sách của Nhà nước, doanh nghiệp xây dựng cơ chế riêng để gắn bó chặt chẽ với người trồng dừa. Đây là “chìa khóa” để giải bài toán về liên kết cho nông dân và cho cả ngành Dừa nói chung. Khắc phục được tình trạng khi giá dừa thấp thì người nông dân bị bỏ rơi do không ai mua, giá cao thì doanh nghiệp phải nhập khẩu. Từ đó, đảm bảo nguyên liệu ổn định, tạo tiền đề cho ngành Dừa phát triển bền vững.
Thứ ba, từng bước xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm từ cây dừa. Tăng cường nghiên cứu, phát triển thêm các sản phẩm mới có giá trị cao từ cơm dừa, nước dừa, dầu dừa, mật hoa dừa, chỉ xơ dừa, than gáo dừa. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên phát triển theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, phục vụ cho cả thị trường xuất khẩu và nội địa. Trước khi đầu tư sản xuất, cần phải nghiên cứu trước nguồn nguyên liệu đầu vào và nhu cầu thị trường đầu ra. Các sản phẩm phải đáp ứng theo nhu cầu thị trường và đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Ngoài ra, doanh nghiệp nên quan tâm đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường trong nước và từng bước vươn ra đăng ký bảo hộ thương hiệu tại thị trường nước ngoài; Nghiên cứu áp dụng các quy trình - tiêu chuẩn sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường và đáp ứng trách nhiệm xã hội để tăng cường hình ảnh và chất lượng sản phẩm dừa Bến Tre.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm dừa tại thị trường nội địa. Thành lập cửa hàng giới thiệu sản phẩm, mở rộng hệ thống tiêu thụ tại các chợ, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, các trạm dừng chân, khu du lịch, thiết lập hệ thống đại lý tại các tỉnh, thành phố.Các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao cần giữ vững thị trường xuất khẩu, tạo chỗ đứng cho thương hiệu tại thị trường ngoài nước.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết hợp tốt giữa nguồn kinh phí ngân sách cấp với nguồn kinh phí của các cơ sở, doanh nghiệp đóng góp để mở rộng các hình thức xúc tiến thương mại nhằm quảng bá hình ảnh dừa và sản phẩm dừa Bến Tre tại thị trường trong nước, ngoài nước.
Thứ năm, nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác với các đơn vị nghiên cứu. Hoạt động nghiên cứu tạo ra các giống mới, các qui trình canh tác, bảo vệ thực vật hiệu quả, đặt nền tảng lý luận và thực tiển cho các mô hình canh tác bền vững. Kết quả liên kết giữa các đơn vị là các tiến bộ kỹ thuật được triển khai, áp dụng trong sản xuất. Cơ quan nghiên cứu còn là các đầu mối tốt, xây dựng, phát triển các quan hệ quốc tế để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và kể cả thúc đẩy đầu tư cho các tỉnh trồng dừa. Các mối liên kết này cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Thứ sáu, tăng cường các hoạt động khuyến nông thông qua việc đào tạo, tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tổ chức tham quan, hội thảo đầu bờ, nhằm đánh giá và nhân rộng các mô hình hiệu quả.
5. Kết luận
Tỉnh Bến Tre dẫn đầu trong cả nước về sản xuất dừa: diện tích, sản lượng dừa, hiệu quả kinh tế mang lại từ vườn dừa đạt cao nhất. Dừa là cây trồng rất quan trọng đối với kinh tế tỉnh Bến Tre. Để cây dừa tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất thêm sản phẩm mới có giá trị cao từ cây dừa nhằm nâng cao chuỗi giá trị cây dừa.
Ngành Dừa Bến Tre cần khéo léo vận dụng các mô hình phát triển bền vững trong nước và trên thế giới để phát triển cây dừa vừa đảm bảo năng lực cạnh tranh cao, vừa đảm bảo các yếu tố môi trường và đảm bảo đời sống người dân. Đồng thời, các hộ nông dân trồng dừa cần thực hiện đồng bộ các khâu từ chọn giống, mật độ trồng hợp lý, bón phân cân đối, tưới nước kết hợp tủ gốc trong mùa khô, phòng trừ sâu bệnh kịp thời,… Nếu tất cả các hộ trồng dừa đều quan tâm và ứng dụng triệt để, tin chắc rằng năng suất và chất lượng và hiệu quả từ cây dừa sẽ ngày càng nâng cao, sẽ góp phần cho ngành Dừa Bến Tre phát triển bền vững.

Tài liệu tham khảo:
1. Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, Niên giám thống 2016, Nhà xuất bản Thanh niên Bến Tre - 2015.
2. Cục Thống kê tỉnh Bến Tre, Niên giám thống 2017, Nhà xuất bản Thanh niên Bến Tre - 2017.
3. Đại học Quốc gia Hà Nội (2006), Bài giảng Phát triển Bền vững, Nxb Đại học Quốc gia Hà nội.
4. Vũ Văn Nâm (2009), Phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, Nxb Thời đại, Hà Nội.
5. Văn phòng chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH tỉnh Bến Tre (2011), Đánh giá tác động chi tiết kịch bản biến đổi khí tỉnh Bến Tre và đề xuất giải pháp ứng phó, UBND tỉnh Bến Tre.
6. Phân viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp Nam Bộ (1995), Đánh giá thực trạng và định hướng phát triển nông nghiệp tỉnh Bến Tre giai đoạn 1994 - 2000 và sau 2000, TP. Hồ Chí Minh.

SOLUTIONS TO DEVELOP THE COCONUT INDUSTRY IN BEN TRE PROVINCE SUSTAINABLY

Master. Huynh Ngoc Phuong

International School Vietnam National University - Ho Chi Minh City

Abstract:

The development of the coconut industry in Ben Tre Province has not been sustainable. The industry has faced with a range of challenges including an unstable market for the supply of raw materials and the consumption of products, asynchronous qualities and difficulties in technological innovation. Especially, climate change has had major impacts on the development of the coconut industry. To develop a sustainable development of the coconut industry, Ben Tre Province should select new coconut varieties that adapt to clime change, strengthen the link between coconut growers and processing enterprises, gradually build the value chain of coconut products, continue to promote the consumption of coconut products in the domestic market, improve the effectiveness of cooperation with research units and strengthen agricultural extension activities in the coming time.

Keywords: Coconut, sustainable development, Ben Tre Province.