Giải quyết việc làm cho người dân thuộc diện thu hồi đất tại các huyện ven đô - Thành phố Hà Nội: Một số vấn đề cần trao đổi

ThS. NGUYỄN THỊ HOA (Khoa Quản trị nguồn nhân lực, Trường Đại học Nội vụ Hà Nội)

TÓM TẮT:

Giải quyết việc làm cho người dân thuộc diện thu hồi đất là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tất cả các địa phương, đặc biệt tại các huyện ven đô, thành phố Hà Nội khi tiến hành đô thị hóa nông thôn. Bài viết nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nhằm giải quyết việc làm cho người dân thuộc diện thu hồi đất, tạo công ăn việc làm, đảm bảo đời sống cho người dân, giúp ổn định kinh tế - xã hội tại các địa phương này.

Từ khóa: Giải quyết việc làm, người dân bị thu hồi đất, huyện ven đô, TP. Hà Nội.

1. Một số lý luận cơ bản về việc làm và giải quyết việc làm

1.1. Khái niệm việc làm và giải quyết việc làm

Việc làm là phạm trù tổng hợp liên kết các quá trình xã hội và nhân khẩu, nó thuộc những vấn đề chủ yếu của toàn bộ đời sống xã hội. Việc làm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoạch định cơ chế, chính sách quản lý nguồn nhân lực. Khái niệm việc làm là tiền đề cơ bản giúp chúng ta nhận dạng một cách chính xác, thống nhất về mối quan hệ giữa lao động và việc làm trong nền kinh tế thị trường. Tùy theo từng cách tiếp cận, người ta có những cách hiểu khác nhau về việc làm.

Theo các nhà kinh tế học lao động, việc làm được hiểu là sự kết hợp giữa sức lao động với tư liệu sản xuất, nhằm biến đổi đối tượng lao động theo mục đích của con người.

Theo Khoản 1, Điều 9, Bộ luật Lao động (sửa đổi bổ sung năm 2012), việc làm được xác định là: “hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm”. Từ quan niệm trên cho thấy, khái niệm việc làm bao gồm những nội dung sau: Việc làm là những hoạt động lao động của con người; Là hoạt động lao động nhằm mục đích tạo ra thu nhập; Là hoạt động lao động đó không bị pháp luật cấm. Đây là một khái niệm được thừa nhận về mặt pháp lý và được phổ biến trong các văn bản của Nhà nước. Những loại hoạt động không được coi là việc làm như: mại dâm, buôn bán ma túy… Tuy những hoạt động này cũng phải tốn nhiều công sức tạo ra lợi nhuận, thu nhập, nhưng bị pháp luật cấm, nên không được coi là việc làm.

Tùy theo mức độ sử dụng, người ta chia ra thành:

- Việc làm chính: là công việc mà người ta thực hiện dành nhiều thời gian nhất hoặc có thu nhập cao hơn so với các công việc khác.

- Việc làm phụ: là công việc mà người ta thực hiện dành nhiều thời gian nhất sau công việc chính.

- Việc làm được tự do lựa chọn là sự đáp ứng tối ưu nhất nhu cầu về việc làm cho người lao động. Nó không những đưa lại thu nhập cao cho người lao động, mà còn đưa lại năng suất lao động cao cho xã hội. Việc làm được tự do lựa chọn là sự kết hợp tối ưu giữa sức lao động với các yếu tố sản xuất. Người lao động có thể lựa chọn công việc phù hợp với nhu cầu vật chất.

- Theo ILO, việc làm bền vững là cơ hội cho nam giới và nữ giới có được việc làm bền vững và năng suất trong điều kiện tự do, bình đẳng và nhân phẩm được tôn trọng. Mục tiêu chính của ILO ngày nay là tạo cơ hội cho nam, nữ có được việc làm bền vững trong điều kiện tự do, bình đẳng, công bằng, an toàn và tôn trọng giá trị nhân phẩm.

- Việc làm bền vững chính là những khát vọng của con người trong cuộc sống lao động của họ về cơ hội và thu nhập, quyền lợi, tiếng nói và sự thừa nhận; sự ổn định gia đình và phát triển cá nhân; sự công bằng và bình đẳng như nhau. Phản ánh mối quan tâm của chính phủ, người lao động và người sử dụng lao động, những người sẽ cùng nhau tạo ra một sự hợp nhất về đối thoại 3 bên.

- Việc làm xanh là công việc trong các ngành nông nghiệp, sản xuất, nghiên cứu và phát triển, hành chính và các hoạt động dịch vụ góp phần đáng kể để bảo tồn hoặc khôi phục chất lượng môi trường.

- Giải quyết việc làm: Giải quyết việc làm là nâng cao chất lượng việc làm và tạo ra việc làm để thu hút người lao động vào guồng máy sản xuất của nền kinh tế. Giải quyết việc làm không chỉ nhằm tạo thêm việc làm, mà còn phải nâng cao chất lượng việc làm. Đây là vấn đề còn ít được chú ý khi đề cập đến vấn đề giải quyết việc làm, người ta chỉ quan tâm đến khía cạnh thứ hai của nó là vấn đề tạo ra việc làm.

- Tạo việc làm: Tạo việc làm là hoạt động kiến thiết cho người lao động có được một công việc cụ thể, mang lại thu nhập cho họ và không bị pháp luật ngăn cấm. Người tạo ra công việc cho người lao động có thể là Chính phủ thông qua các chính sách, có thể là một tổ chức hoạt động kinh tế (các công ty, doanh nghiệp, các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh) và các cá nhân, thông qua các hoạt động thuê mướn nhân công.

Quá trình tạo việc làm là quá trình tạo ra những của cải vật chất (số lượng, chất lượng tư liệu sản xuất), sức lao động (số lượng, chất lượng sức lao động) và điều kiện kinh tế - xã hội khác. Mô hình hóa quy mô tạo việc làm theo phương trình sau: Y= f(C, V, X…)

Trong đó: Y là số lượng việc làm được tạo ra; C là vốn đầu tư; V là sức lao động; X là thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Trong đó, quan trọng nhất là các yếu tố vốn đầu tư C và sức lao động V. Hai yếu tố này hợp thành năng lực sản xuất của doanh nghiệp.

1.2. Khái niệm người lao động, lao động nông thôn

Người lao động” là danh từ chung dùng để nói đến những người làm công ăn lươngbằng sức lao động hoặc trí óc làm ra các sản phẩm vật chất hoặc về tinh thần cho người khác.

Người lao động còn được hiểu là lực lượng về con người và được nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh. Trước hết với tư cách là nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội, bao gồm toàn bộ dân số có thể phát triển bình thường cả về thể lực lẫn trí lực (không bị khiếm khuyết, dị tật bẩm sinh).

Nguồn lao động ở nông thôn là một bộ phận sinh sống và làm việc ở nông thôn trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật (nam từ 16 đến 62 tuổi, nữ từ 16 đến 60 tuổi) có khả năng lao động.

Lực lượng lao động ở nông thôn là bộ phận của nguồn lao động nông thôn, bao gồm những người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, đang có việc làm và những người thất nghiệp nhưng có nhu cầu tìm việc làm.

Tuy nhiên, do tính chất mùa vụ của công việc ở nông thôn, lực lượng tham gia sản xuất không chỉ có những người trong độ tuổi lao động, mà còn có những người trên hoặc dưới độ tuổi tham gia sản xuất với những công việc phù hợp với mình. Từ khái niệm người lao động ở nông thôn, cho thấy lao động ở nông thôn rất dồi dào, nhưng đây chính là thách thức trong vấn đề giải quyết việc làm cho họ, khi tư liệu sản xuất chính của họ là ruộng đất bị thu hồi do các mục đích sử dụng đất khác của Nhà nước và của địa phương.

2. Tính cấp thiết của giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta chủ trương đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước, chuyển từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát huy mọi nguồn lực trong nước, khai thác tận dụng các nguồn lực ngoài nước, nắm bắt thời cơ vượt qua thử thách, tiến hành thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Trong quá trình thực hiện CNH, HĐH, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, triển khai các dự án lớn của nền kinh tế diễn ra mang tính quy luật; đất đai được chuyển đổi mục đích sử dụng đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm tiềm lực an ninh quốc phòng. Chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng đặt ra các vấn đề cần được giải quyết thấu đáo, đồng bộ, như: đời sống, việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định và nâng cao mức sống cho người lao động nói chung, người bị thu hồi đất nói riêng.

Chính bởi những lý do trên, công tác giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất càng trở nên quan trọng, đặc biệt ở các vùng ven đô thành phố Hà Nội, khi đất nông nghiệp đã được thu hồi để mở rộng đô thị, chuyển dần các khu công nghiệp, hoặc thành lập mới các cụm điểm công nghiệp là chủ trương lớn của Thành phố và địa phương. Với tư liệu sản xuất quan trọng nhất là ruộng đất canh tác, với phương thức canh tác nông nghiệp trong bao đời nay đã dần phải thay thế bởi một phương thức làm ăn mới, người dân được nhận một khoản tiền đền bù từ việc thu hồi đất nhưng chưa biết cách sử dụng chính những đồng tiền đền bù đó đang trở thành một câu chuyện đáng được các nhà quản lý lưu tâm, khi bàn đến các vấn đề về kinh tế - văn hóa - xã hội hay các vấn đề an ninh trật tự.

3. Một số đặc điểm cơ bản của người dân bị thu hồi đất tại các huyện ven đô thành phố Hà Nội

Đất nông nghiệp là tư liệu sản xuất, giúp người nông dân tạo ra thu nhập, là điều kiện để họ có thể sinh tồn. Người lao động bị thu hồi đất không còn đất để tham gia lao động sản xuất, cũng như mất đi quyền lợi của chính mình. Họ cũng rất khó chuyển đổi nghề sau khi bị thu hồi đất. Một phần vì họ quen với nghề nông, một phần vì họ không có tay nghề, không có trình độ.

Để có được việc làm, họ phải cạnh tranh với số lượng lao động được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng, các trường nghề khác. Biết được những yếu thế của mình, nhưng lao động bị mất đất tại các huyện ven đô, thành phố Hà Nội chưa thực sự cố gắng để khắc phục những yếu kém của mình, mà trở nên buông xuôi, không muốn nỗ lực trong việc nâng cao kiến thức, trình độ với mong muốn tìm được công việc mới tốt hơn.

Bên cạnh đó, một số người sau khi bị thu hồi đất, diện tích đất còn lại bị thu hẹp, nhưng vẫn cố bám trụ với nghề nông như trồng lúa, hoa màu, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà để kiếm sống. Tuy nhiên, họ chỉ biết lao động với phương thức đơn giản, truyền thống. Vì vậy, thu nhập của những người này sau khi thu hồi đất rất thấp, không đủ sống.

Việc thu hồi đất có một số ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhân dân như ô nhiễm môi trường gây bất bình, lo lắng cho sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng. Đồng thời, nó tác động không nhỏ tới việc du nhập các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm, cơ bạc… Bởi những người sau khi bị thu hồi đất, họ bị mất việc làm, trở nên vô công rồi nghề. Hàng ngày, họ chỉ biết tìm cách hưởng thụ khoản tiền được đền bù. Chính vì vậy, họ dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội.

Ngoài ra, nông dân bị thu hồi đất còn thấy chưa thật sự hài lòng với chính sách đền bù, giải tỏa mặt bằng, chuyển đổi việc làm. Nguyên nhân là do việc thu hồi đất kéo dài thành nhiều đợt, khiến cho tiền đền bù nhận được lẻ tẻ, gây khó khăn cho việc đầu tư, ổn định, phát triển sản xuất. Nhưng cơ bản nhất vẫn là việc thiếu thỏa đáng trong đền bù.

Chính vì các yếu tố trên, công tác giải quyết việc làm cho đối tượng là nông dân bị thu hồi đất càng trở nên cấp thiết hơn.

4. Một số trao đổi về giải pháp giải quyết việc làm cho người dân thuộc diện thu hồi đất tại các huyện ven đô, thành phố Hà Nội

4.1. Nhóm giải pháp chung

Từ phía Ủy ban nhân dân các huyện: cần quan tâm, ưu tiên đầu tư cho việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ đào tạo nghề như xây dựng cơ sở vật chất, trường học, đầu tư mua sắm trang thiết bị giảng dạy và học tập… Mặt khác, cần thực hiện dân chủ, công bằng trong tiến trình đào tạo nghề cho các đối tượng là nông dân bị thu hồi đất canh tác, đặc biệt với các đối tượng chính sách, người nghèo càng cần được hỗ trợ về tài chính trong học nghề và đào tạo nghề.

- Cần xã hội hóa đào tạo nghề, khuyến khích việc xây dựng cơ sở đào tạo nghề ngoài công lập.

- Mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo nghề đối với các cơ sở đào tạo nghề đối với các cơ sở đào tạo nghề công lập. Xây dựng cơ chế tự chủ tài chính để các đơn vị này phát huy được các tiềm năng về nhân lực, tài lực và vật lực, gia tăng cung cấp dịch vụ đào tạo cho xã hội, tăng thu, tiết kiệm chi phí, giảm dần sự bao cấp của ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong đơn vị.

- Xác định rõ trách nhiệm và gắn kết trách nhiệm của các bên trong hỗ trợ đào tạo nghề cho người nông dân bị thu hồi đất canh tác; giữa chính quyền địa phương, chủ đầu tư là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện, bản thân người nông dân được đền bù có trách nhiệm tài chính với đào tạo nghề.

- Đa dạng hóa nguồn và phương thức đóng học phí đối với người học nghề. Điều này nhằm thu hút, huy động thêm nguồn vốn cho các cơ sở đào tạo nghề, nâng cao trách nhiệm học tập đối với người học nghề.

Thứ nhất, không ai khác chính là những người nông dân bị thu hồi đất cần tự nhận thức được đúng đắn chủ trương của Đảng, Nhà nước, của chính quyền địa phương trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đặc biệt là công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Người dân cần thấy được tầm quan trọng của các chính sách Nhà nước và chính quyền địa phương trong vấn đề quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn huyện.

Thứ hai, người dân cần nhận thức và ủng hộ các chủ trương thu hồi đất nông nghiệp của huyện phục vụ các mục đích xây dựng các khu, cụm, điểm công nghiệp, xây dựng đường xá, cầu cống... Tất cả những việc đó đều phục vụ cho chính lợi ích của người dân và địa phương; đồng thời cần học nghề, chuyển sang một nghề mới, một lĩnh vực sản xuất mới để có được một việc làm trong xu hướng thay đổi của xã hội, có thu nhập ổn định, giúp duy trì cuộc sống của bản thân họ, gia đình họ.

Thứ ba, người nông dân cần ý thức hơn nữa về việc sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích số tiền được đền bù, không sa đà vào mua sắm, xây dựng, ăn chơi.

Thứ tư, người dân cần chủ động tìm việc, những công việc phù hợp nhu cầu, sở thích, năng lực của chính mình, không chỉ ngồi trông chờ vào một công việc mà ai đó đem đến cho mình.

4.2. Nhóm giải pháp cụ thể

Để có thể tạo việc làm, giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:

Một là, việc quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải gắn chặt với kế hoạch đào tạo nghề và sử dụng lao động ở những vùng bị thu hồi đất. Trong đó, quy hoạch đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cần được tính toán kỹ trước khi thu hồi đất và việc đào tạo nghề phải hoàn thành trước khi giải phóng mặt bằng, tránh tình trạng sau khi thu hồi đất, người dân không có việc làm mới tính đến đào tạo để chuyển nghề cho người nông dân. Như vậy, có thể dẫn đến tình trạng người dân bị “sốc” vì không có nghề và mất việc làm.

Trong quá trình xây dựng, quy hoạch phải thực hiện dân chủ hóa, cán bộ chính quyền địa phương cần lắng nghe và tiếp thu ý kiến của người dân, tránh tình trạng số đất đai còn lại bị xâm phạm, không có khả năng canh tác, gây lãng phí lớn. Mặt khác các địa phương phải có những quy định về thời gian cụ thể cho việc thu hồi đất, các dự án chậm hoặc không có khả năng triển khai, giao cho lao động mất ruộng tạm sử dụng, tránh lãng phí tài sản đất đai của nhân dân.

Công tác đền bù cần xác định giá trị đền bù đất cho nông dân với trách nhiệm là phải bù đắp và tạo cho họ một nguồn vốn tương xứng với tài sản quý giá mà họ đã mất đi, tạo cho những người nông dân một nguồn lực đủ để tạo được việc làm mới và sự phát triển bền vững của họ.    

Hai là, phát triển các nghề, các làng nghề truyền thống: Sự phát triển làng nghề truyền thống luôn gắn với sự phát triển của văn hóa dân tộc. Sản phẩm của làng nghề truyền thống là sự  kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần. Nó được tạo ra từ bàn tay tài hoa, khéo léo và bộ óc sáng tạo, tinh tế của người thợ thủ công. Vì thế, các sản phẩm thường mang phong cách văn hóa  riêng. Tổ chức lại đơn vị làng nghề truyền thống trên cơ sở lấy hộ gia đình làm đơn vị kinh tế tự chủ, đồng thời phát triển mạnh mẽ các hiệp hội, liên kết giữa các gia đình, tiến tới thành lập nhiều hơn nữa những doanh nghiệp vừa và nhỏ, qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp này phát triển, hỗ trợ các đơn vị về vốn, công nghệ và thị trường tiêu thụ.

Ba là, ban hành một số chính sách khuyến khích về vốn, tín dụng, thuế và giải quyết mặt bằng cho sản xuất đối với các làng nghề, nghề truyền thống ở giai đoạn khôi phục và phát triển mới.

Bốn là, có chính sách “ưu đãi” đối với các nghệ nhân, thợ giỏi, hỗ trợ công tác đào tạo, truyền nghề để những ngành nghề truyền thống không bị mai một, như: thành lập Hội nghệ nhân với các nghề truyền thống trên địa bàn huyện, hỗ trợ về vật chất, kinh tế để các nghệ nhân tích cực hơn trong việc truyền nghề, mở các hội thi giữa các làng nghề để thúc đẩy phong trào khôi phục nghề truyền thống.

Năm là, tăng cường hơn nữa công tác xuất khẩu lao động. Thông qua xuất khẩu lao động, không chỉ giảm bớt gánh nặng về việc làm trước mắt mà hàng năm số lượng ngoại tệ người lao động gửi về làm tăng thu nhập cho bản thân người lao động, gia đình và Nhà nước.

Sáu là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn: Việc đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn được coi là giải pháp trọng điểm.

5. Kết luận

Giải quyết việc làm cho người dân bị thu hồi đất thuộc các huyện ven đô, thành phố Hà Nội đã và đang là một chủ trương lớn của Thành phố và chính quyền địa phương. Quá trình đô thị hóa nông thôn đã và đang mang lại cho người nông dân ngoại thành nhiều cơ hội phát triển, cải thiện đáng kể đời sống dân sinh. Tuy nhiên, chính tốc độ đô thị hóa quá nhanh đó đã đẩy hàng chục vạn nông dân bị mất đất rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong những năm qua, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân những vùng bị thu hồi đất như chính sách định cư tại chỗ, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, nhưng do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nên số lượng nông dân mất việc làm, thiếu việc làm vẫn chưa thể khắc phục triệt để. Chính vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm chưa bao giờ mất đi tầm quan trọng của nó, đặc biệt đối với người dân bị thu hồi đất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ luật Lao động, Nxb Lao động, 2014.
  2. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 04/6/2010 phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.
  3. Viện Ngôn ngữ (2008), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Hồng Đức.
  4. Một số báo cáo về giải quyết việc làm của một số huyện ven đô.
  5. Http://www.ilo.org

CREATING JOBS FOR PEOPLE WHOSE LAND IS ACQUIRED

AT SUBURBAN DISTRICTS OF HANOI: SOME DISCUSSIONS

● Master. NGUYEN THI HOA

Faculty of Human Resource Management

Hanoi University of Home Affairs

ABSTRACT:

Creating jobs for people whose land is acquired is one of the most important tasks of all localities, especially in suburban districts of Hanoi during the city’s urban expansion process. This paper researches and proposes a number of solutions to create jobs for people whose land is acquired in order to ensure the livelihood of people, stabilizing the socio-economic situation in suburban districts of Hanoi.

Keywords: Job creation, people whose land is acquired, suburban districts, Hanoi.