Giảm khai thác tài nguyên - Đổi mới mô hình tăng trưởng

Chính phủ thúc giục các bộ, ngành, địa phương tạo điều kiện thu hút đầu tư xã hội, trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựa vào khai thác tài nguyên sang các ngành sản xuất kinh doanh không p

Sự chuyển đổi bước đầu

Kết thúc quý đầu tiên của năm 2017, các con số thống kê được đưa ra. Các sắc màu thăng, giáng cũng đã được nhận diện: Xuất khẩu, khu vực dịch vụ, số doanh nghiệp thành lập mới, dòng vốn FDI, tín dụng… tăng nhanh; GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công… tăng chậm lại.

Tuy nhiên, tâm điểm của mọi sự chú ý dường như dồn cả vào một chỉ số: GDP quý I năm nay tăng chậm lại, chỉ đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Đã có ngay sự giải thích, hết sức thuyết phục, chúng ta đã chủ động giảm khai thác tài nguyên. Cụ thể, năm 2016 đã khai thác 15,2 triệu tấn, trong khi kế hoạch khai thác của 2017 giảm đi 3 triệu tấn, chỉ còn 12,28 triệu tấn. Trên thực tế, quý I năm nay khai thác giảm 600 ngàn tấn so với cùng kỳ năm trước.

Theo thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, nếu mức khai thác dầu thô quý I năm nay bằng với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng GDP quý I năm nay sẽ là 5,95%, cao hơn nhiều so với 5,48% của cùng kỳ 2016.

Như vậy là mô hình tăng trưởng kinh tế nước ta đã chuyển đổi!

Sự chuyển đổi theo hướng giảm phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, vào vốn; hướng tăng trưởng vào những nhân tố mang giá trị gia tăng cao hơn như năng suất, chất lượng, nhân lực; hoặc những nhân tố đảm bảo cho giá trị gia tăng cao hơn như ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, phát triển sự đa dạng của năng lực sản xuất.

Cho đến nay, mô hình tăng trưởng mới đã có những kết quả nhất định. Thứ nhất, theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia, những năm gần đây mức đóng góp của vốn vào tăng trưởng đang giảm dần. Nếu trước đây đóng góp của vốn vào tăng trưởng khoảng 60% thì gần đây giảm xuống còn 54-55%, nhường chỗ cho các nhân tố khác tích cực hơn.

Thứ hai, nếu cho đặc trưng cơ bản nhất của sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng là chuyển từ dựa nhiều vào khai thác tài nguyên sang các lĩnh vực sản xuất thì việc Nikkei Việt Nam vừa công bố về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 đạt 54,6 điểm, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất trong quý I/2017, đạt mức cao nhất trong 6 năm, kể từ khi khảo sát bắt đầu vào đầu năm 2011.

Hơn thế nữa, một chỉ số khác là “niềm tin”, với 63% số nhà sản xuất trong nước đang rất tự tin rằng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới. Bình luận về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, ông Andrew Harker, tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, cho rằng, ngành sản xuất chắc chắn sẽ tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng GDP trong quý đầu năm và cho cả năm 2017.

Thứ ba, mô hình tăng trưởng dựa vào doanh nghiệp nhà nước và khối FDI đã chuyển nhanh một phần sang doanh nghiệp tư nhân, và doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu, những năm trước, trên 80% tăng trưởng xuất khẩu đến từ khối doanh nghiệp FDI, thì quý I năm nay, tăng trưởng xuất khẩu chia đều cho cả 2 khu vực. Cụ thể,kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 12,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13%.

Các bước tiếp sau sẽ ra sao?

Xét trên kết quả cuối cùng là tăng trưởng GDP thì sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện chưa đạt mục tiêu, có nghĩa là chưa thay thế hoàn toàn cho mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào khai thác tài nguyên; trong khi Chính phủ quyết tâm không quay lại mô hình cũ nữa, vậy các bước tiếp theo sẽ như thế nào?

Đây chính là cơ hội cho cải cách mạnh mẽ trong việc xác lập rõ hơn vai trò của Nhà nước đối với thị trường, đối với doanh nghiệp.

Với tinh thần kiến tạo, Chính phủ đã cải cách thể chế, phát động phong trào khởi nghiệp, để toàn dân có thể tiếp cận được nhiều hơn các nguồn lực, kể cả các nguồn lực trước đây nhà nước nắm giữ 100%. Năm 2016 và quý I/2017, số doanh nghiệp mới được thành lập đều lập kỷ lục so với những năm trước.

Sự bùng nổ số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong bối cảnh GDP quý I năm nay tăng thấp, khiến dư luận hoài nghi về sự đóng góp của khối này trong GDP.

Đây đó đã xuất hiện những kiến giải rằng,trong tổng số doanh nghiệp thành lập mới từ trước đến nay, chỉ có 13,72% hoạt động trong lĩnh vực chế biến - chế tạo, nơi tạo ra sản phẩm hàng hóa cho xã hội, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Còn lại là hoạt động dịch vụ, đặc biệt là có tới 35,4% hoạt động trong ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy… đều không tạo ra sản phẩm vật chất cho xã hội.

Nhưng nhìn trên tổng thể, trong vòng hơn 2 năm qua, doanh nghiệp mới thành lập đã tạo việc làm cho khoảng trên 3 triệu người, góp phần giải quyết thu nhập, an sinh xã hội và đang thúc đẩy tiêu dùng.

Mặc dù con số 13,72% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến - chế tạo, nơi được coi là trung tâm tạo ra hàng hóa cho xã hội; nhưng nếu thiếu vắng những doanh nghiệp tuy không làm ra hàng hóa vật chất, song đang tạo ra thu nhập cho hàng triệu người tiêu dùng thì doanh nghiệp chế biến - chế tạo khó lòng phát triển được thị trường.

Do đó, trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện các cơ chế, chính sách về khuyến khích khởi nghiệp; quyết liệt tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thông qua cổ phần hóa, bán toàn bộ hoặc phần lớn vốn Nhà nước, tạo điều kiện thu hút đầu tư từ mọi tổ chức, cá nhân, trong bối cảnh đổi mới mô hình tăng trưởng từ dựavào khai thác tài nguyên sang các ngành sản xuất kinh doanh không phải khai thác tài nguyên.


Nguyễn Văn