Tối 23/7, Sở Công Thương Hà Nội và các doanh nghiệp phân phối cho biết đã tiến hành làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung, nâng cao trữ lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để sẵn sàng phục vụ khách hàng.
[Hà Nội giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 từ 6 giờ ngày 24 tháng 7]
Vì vậy, người dân yên tâm không nên đổ xô đi mua hàng tích trữ gây bất ổn xã hội và tập trung đông người sẽ ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch.
Ghi nhận tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như Vinmart Võ Thị Sáu, MM Mega Market Hoàng Mai, các chợ đầu mối, chợ dân sinh truyền thống chiều và tối nay, không ghi nhận tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa.
Tại chợ truyền thống như Kim Liên, Thành Công… và chợ đầu mối người dân đi chợ khá đông, nhưng chủ yếu do hôm nay là ngày 14 tháng 6 âm lịch, người tiêu dùng đi mua đồ lễ, hoa quả, thắp hương cho ngày mai 15/6 Âm lịch.
Tại các chợ dân sinh, giá rau củ quả cũng không có sự biến động. Giá khoai tây 15.000 đồng/kg; giá bí xanh 20.000 đồng/kg; giá thịt lợn 110.000- 140.000 đồng/kg… tùy loại. Còn tại các siêu thị, giá cả ổn định, nguồn cung dồi dào, lượng người đi mua hàng cũng chỉ như những ngày thường.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tại khu vực Hà Nội, nhằm đáp ứng đầy đủ hàng hóa, giúp người dân yên tâm chống dịch, hệ thống siêu thị Big C (thuộc tập đoàn Central Retail) đã tăng cường nguồn cung hàng hóa, đa dạng các kênh bán hàng, kéo dài thời gian hoạt động đến 22h đêm.
Sắp tới cần thiết, đơn vị này sẽ kéo dài thêm thời gian để phục vụ khách hàng mua sắm và tạo điều kiện mua sắm giãn cách.
Về nguồn cung hàng hoá, Big C đã tiến hành làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung, nâng cao trữ lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để sẵn sàng phục vụ khách hàng.
Cụ thể, ngoài việc mở cửa cho mọi người đến mua sắm trực tiếp, Big C còn tăng cường kênh bán hàng trực tuyến như: Ứng dụng GO! & Big C; Hotline mua hàng 1900 1880; Zalo shop; Grab mart; Now.
Để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, doanh nghiệp đã tăng cường lượng lớn hàng hoá dự trữ từ 30 - 50%, thậm chí có những mặt hàng dự trữ tăng 100%, sẵn sàng cho nhu cầu tăng cao của khách hàng.
Cụ thể, đối với hàng thực phẩm khô, Big C dự trữ tăng từ 30 - 50% so với thông thường, đặc biệt có thể lên 100% với một số mặt hàng có nhu cầu cao. Với hàng tươi sống, Big C đã làm việc với các nhà cung cấp về kế hoạch giao hàng hằng ngày với lượng tăng lên từ 200 - 300% so với thông thường.
Thời gian mở cửa 8h - 22h ngày thường và 8h - 22h30 ngày cuối tuần và có thể kéo dài hơn tuỳ tình hình thực tế để phục vụ khách hàng tốt hơn.
“Nếu mức mua hàng tươi sống tăng đột biến vào buổi tối thì có thể không có hàng. Bình thường vào khoảng 20h tối thì hàng tươi sống đã hết. Lúc đó, khách hàng vào gấp 4- 5 lần so với tối bình thường thì có thể thiếu hàng tạm thời, nhưng phía doanh nghiệp khẳng định, chuyện sẵn sàng cho ngày hôm sau là doanh nghiệp hoàn toàn làm được, người tiêu dùng yên tâm, không lo thiếu”, ông Phong cho biết.
Cùng với việc chủ động nguồn cung, phía siêu thị Big C, GO!, Topsmarket đã luôn chủ động tuân thủ 5K theo chỉ đạo của Bộ Y tế với các biện pháp phòng chống dịch.
Còn theo ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail, đơn vị đã chuẩn bị các kịch bản về hàng hóa, làm việc với các nhà cung ứng để đặt kế hoạch sản xuất, lưu tại kho nhà sản xuất, lưu tại kho của doanh nghiệp tại Hà Nội và các địa phương, từng địa điểm siêu thị cũng nâng lượng trữ hàng để đáp ứng nhu cầu, phục vụ nhu cầu mua sắm.
Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị Vinmart cho biết, hiện nay, doanh nghiệp có 4 kho hàng, các kho hàng đều vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn. Riêng kho ở Bắc Ninh, hàng hóa vận chuyển về tới Hà Nội chỉ mất khoảng 2 tiếng.
Phía doanh nghiệp phân phối đã cam kết đủ nguồn cung hàng hóa, người dân không nên đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.
Doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa đảm bảo 3 tại chỗ gồm: lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ phục vụ người tiêu dùng Hà Nội với lượng hàng thực phẩm thiết yếu tăng gấp 3 lần ngày thường, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần so với ngày thường.
Phía các doanh nghiệp còn đang tăng dự trữ các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây… Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động, liên tục làm việc với các nhà cung ứng như Masan, Medeli để lên kế hoạch sản xuất đảm bảo không để tình trạng trống kệ hàng.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hàng hóa hiện đang rất dồi dào, các hệ thống phân phối đều tăng nguồn hàng, tăng cường nguồn nhân lực để phục vụ người tiêu dùng. Người dân cũng rất bình tĩnh, không có tình trạng đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.
Hiện Hà Nội cũng chưa có tình trạng găm hàng, giữ giá đối với những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cùng với Sở Công Thương Hà Nội và các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên túc trực kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch cũng như chương trình bình ổn giá đăng ký với thành phố Hà Nội, đáp ứng nhu cầu người dân; kiên quyết không găm hàng, tăng giá, trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh.
Bên cạnh việc xây dựng phương án 3 cấp độ để đảm bảo nguồn cung hàng bình thường như 6 tháng đầu năm 2021 với số lượng dự trữ tăng 3 lần bình thường, hiện Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị hệ thống phân phối tăng thêm nguồn hàng.
Hà Nội cũng huy động tổng lực, sẵn sàng xe vận chuyển xuyên đêm để đưa hàng vào thành phố, cũng như tăng giờ bán. Hà Nội cũng sẵn sàng kích hoạt gần 2.000 điểm bán hàng lưu động để các đơn vị phân phối và hộ kinh doanh trong chợ có thể bán hàng lưu động phục vụ nhân dân.
Hà Nội cũng chỉ đạo các lực lượng như công an, quân đội, đoàn thanh niên sẵn sàng chi viện lực lượng cho các hệ thống phân phối để đảm bảo vừa giãn cách chống dịch khi mua sắm, vừa đảm bảo cung ứng hàng hóa đến người dân, đặc biệt khu vực bị cách ly phong tỏa./.