Hoàn thiện pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực dịch vụ logistics([*])

NGUYỄN VĂN LÂM (Viện Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics ở Việt Nam hiện nay hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có quy mô hạn chế về vốn, nhân lực và kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng giá trị và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Nhu cầu cần có sự hỗ trợ, định hướng của Nhà nước là đặc biệt quan trọng để các DNNVV logistics có thể liên kết với nhau, tận dụng lợi thế sân nhà để cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực dịch vụ logistics. Bài viết này nêu ra thực trạng và đề xuất một số khuyến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về hỗ trợ hoạt động của DNNVV logistics hiện nay ở Việt Nam.

Từ khóa: dịch vụ logistics, DNNVV logistics, pháp luật hỗ trợ DNNVV logistics.

1. Đặt vấn đề

Theo số liệu từ Báo cáo Logistics Việt Nam 2018 của Bộ Công Thương, cả nước hiện có khoảng 30.971 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ logistics, trong đó có khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế, chủ yếu là DNNVV([1]). Cụ thể, có tới 90% số doanh nghiệp dịch vụ logistics có vốn điều lệ đăng ký dưới 10 tỷ đồng với quy mô hạn chế nên chỉ tham gia làm các dịch vụ cung ứng đơn lẻ trong lãnh thổ Việt Nam như dịch vụ giao nhận, dịch vụ đóng gói, cho thuê kho bãi, dịch vụ hải quan... Trong khi đó, các dịch vụ tích hợp, mang tính liên vận quốc tế đều do các doanh nghiệp logistics nước ngoài cung cấp([2]).

Để có thể thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV trong lĩnh vực dịch vụ logistics trong thời gian tới, cần làm rõ thực trạng các quy định pháp luật liên quan đến việc hỗ trợ, trợ giúp các DNNVV logistics nhằm tháo gỡ những khó khăn đang gặp phải, đồng thời đưa ra những khuyến nghị xóa bỏ những rào cản, hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các DNNVV logistics ở Việt Nam hiện nay.

2. Thực trạng pháp luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực dịch vụ logistics hiện nay

Hiện nay, các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics tại Việt Nam tương đối đầy đủ, có tính chất định hướng như quy hoạch, chiến lược phát triển ngày càng hoàn chỉnh, đã tạo môi trường pháp lý nhằm khuyến khích, trợ giúp các DNNVV logistics phát triển. Tuy vậy, hiện nay, các chính sách hỗ trợ DNNVV logistics chưa hướng dẫn một cách chi tiết, cụ thể. Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn đã được ban hành, song lại “không có quy định rõ ràng đối với dịch vụ logistics”([3]).

Thực tế cho thấy, những vấn đề hiện nay về các quy định pháp luật hỗ trợ DNNVV dịch vụ logistics có thể thấy như:

Thứ nhất, quy định về hỗ trợ tài chính, tín dụng. Tiềm lực tài chính của các DNNVV logistics Việt Nam còn yếu (80% doanh nghiệp thành lập có vốn điều lệ dưới 10 tỷ đồng). Các doanh nghiệp mặc dù thiếu vốn, nhưng gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại do thiếu tài sản đảm bảo, hạn chế trong hệ thống sổ sách, quản trị và xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Luật Hỗ trợ DNNVV 2017 quy định rõ việc hỗ trợ tiếp cận tín dụng cho các DNNVV thông qua chính sách tăng dư nợ cho vay theo từng thời kỳ và cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng DNNVV([4]). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng thành lập Quỹ Phát triển DNNVV thực hiện việc cho vay, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV, tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và xử lý rủi ro; quản lý tài chính([5])… Mặc dù vậy, cho đến nay chưa có thông tư hướng dẫn, hành lang pháp lý hỗ trợ việc thẩm định cho vay, nhận tài sản bảo đảm, trích lập dự phòng rủi ro. Trong khi nguyên tắc hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng và Quỹ phát triển DNNVV là phải bảo đảm an toàn vốn, để tiếp cận nguồn vốn này vẫn cần có tài sản bảo đảm. Với các DNNVV logistics quy mô nhỏ không có tài sản bảo đảm thì việc tiếp cận nguồn tín dụng của các ngân hàng cũng rất khó khăn.

Thứ hai, quy định về tiếp cận thông tin và các dịch vụ hỗ trợ của DNNVV logistics. Các DNNVV gặp rất nhiều khó khăn trong việc được đáp ứng nhu cầu thông tin từ thông tin về thị trường. Các doanh nghiệp hiểu biết về thị trường quá ít và chưa đánh giá đầy đủ vai trò và thị phần của mình trên thị trường.

Theo điều tra của VCCI, thì tỷ lệ DNNVV cho biết gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin hầu hết đều cao hơn các doanh nghiệp quy mô lớn. Một số loại tài liệu thông tin các DNNVV có tỷ lệ cho biết khó hoặc không thể tiếp cận cao đáng kể so với doanh nghiệp quy mô lớn như các kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các luật, pháp lệnh, nghị định, quyết định của Trung ương, các văn bản hướng dẫn của các bộ ngành, các văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh, các bản đồ và quy hoạch sử dụng đất, các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, các biểu mẫu thủ tục hành chính…([6]).

Thứ ba, quy định hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực logistics cho thấy, có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn và kiến thức về logistics, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên([7]). Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ trong đó có nhiệm vụ đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực chú trọng vào đẩy mạnh đào tạo logistics ở bậc đại học, nâng cao số lượng và chất lượng giảng viên về logistics và kết nối các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp logistics Việt Nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài.

Tuy vậy, hiện chưa có một chương trình công cụ thể nhằm nâng cao tay nghề kỹ thuật của lực lượng lao động trong DNNVV logistics. Các cơ sở đào tạo nghề chủ yếu tập trung đào tạo kỹ năng cơ bản cho người mới tham gia thị trường lao động và người thất nghiệp, chứ không phải các chương trình nâng cao tay nghề cho người lao động hiện tại, mặc dù đây là chìa khóa để xây dựng năng lực đổi mới của DNNVV logistics.

Thứ tư, quy định về hỗ trợ liên kết, quy hoạch phát triển hoạt động logistics. Các DNNVV logistics chỉ hoạt động ở từng công đoạn riêng lẻ như vận chuyển, cho thuê kho, hoặc đăng ký hải quan… Hiện nay, “các trung tâm logistics được đầu tư manh mún, tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng và chưa có tính kết nối trong chiến lược phát triển tổng thể nền kinh tế. Các hệ thống cơ sở hạ tầng đầu tư nhỏ lẻ, trang bị kỹ thuật thô sơ, chưa có các giải pháp về công nghệ hỗ trợ, đặc biệt là nhóm các trung tâm logistics thuộc sở hữu tư nhân trong nước”([8]). Sự liên kết giữa các DNNVV với các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thông qua việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ vẫn tương đối hạn chế. Theo kết quả điều tra PCI 2015, chỉ có khoảng 3-4% doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ có khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI; tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có khách hàng chính là doanh nghiệp FDI tại Việt Nam dù cao hơn, song cũng chỉ ở mức lần lượt 7% và 11%([9]).

Bản chất của logistics là hoạt động chuỗi liên kết giữa các địa phương, các khu vực, các quốc gia, nhưng tại Việt Nam, mỗi địa phương lại có một chiến lược phát triển logistics riêng, thiếu tính liên kết vùng miền, khu vực. Có lẽ vấn đề này xuất phát từ việc chưa có một quy hoạch phát triển chung, đồng bộ về logistics của khu vực, địa phương dẫn đến sự thiếu thống nhất trong quản lý, đầu tư và cách vận dụng các quy định của pháp luật giữa các địa phương.

Thứ năm, quy định về hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Hiện nay, Luật Hỗ trợ DNNVV dành ưu đãi hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các DNNVV tham gia vào chuỗi và cụm giá trị, nhưng thực ra lại loại trừ các DNNVV không đáp ứng yêu cầu này. Các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo chủ yếu tập trung vào các biện pháp phía cung, trong khi ít chú ý đến việc xây dựng năng lực đổi mới ở cấp độ doanh nghiệp để tăng cường năng lực của các DNNVV trong việc tiếp thu công nghệ bên ngoài (phía cầu). Các công cụ chính sách đơn giản, chẳng hạn như phiếu tặng (voucher) công nghệ hay đổi mới sáng tạo, có thể giúp khắc phục sự thiên lệch này và biến các chính sách đổi mới sáng tạo trở nên toàn diện hơn([10]).

Thứ sáu, hỗ trợ về ứng dụng cộng nghệ thông tin. Các quy định pháp luật hiện hành chưa khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp logistics chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, đào tạo chuỗi cung ứng logistics, tích hợp các dịch vụ logistics với các ngành sản xuất, xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực quản trị và chất lượng dịch vụ.

Có thể nhận thấy rằng, thách thức trong ngành logistics hiện nay là đang rất thiếu sự liên kết giữa các cửa hàng trực tuyến và cửa hàng trực tiếp; thiếu liên kết các hệ thống vận tải/hệ thống thanh toán; thiếu hệ thống quản lý các đơn vị vận đơn trung gian, thiếu thông tin theo dõi vận đơn thời gian thực. Bên cạnh đó, cần làm thế nào để tối ưu lộ trình xe, giảm tình trạng tải rỗng đường về, xác định điểm giao hàng gần nhất; làm thế nào để kiểm soát đội xe và các chi phí liên quan, sự minh bạch về thời gian,... Việc ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số có thể giúp tối ưu hóa hoạt động logistics([11]).

3. Các khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ DNNVV logistics hiện nay

Quá trình hoàn thiện và thống nhất hệ thống pháp luật về quản lý và phát triển ngành dịch vụ logistics của Việt Nam sẽ đảm bảo một hành lang pháp lý đầy đủ, thông suốt, trực tiếp điều chỉnh các hoạt động dịch vụ logistics. Việc xây dựng những chính sách, pháp luật cần mang tính hệ thống, có sự phối hợp hiệu quả giữa nhiều bộ, ban ngành, giữa trung ương và địa phương. Trong quá trình xây dựng, đưa ra các chính sách cần phải tăng cường tham vấn cộng đồng doanh nghiệp nhằm nắm bắt kịp thời những mong muốn và nhu cầu thực sự của các DNNVV logistics, đối tượng thực hiện và thụ hưởng chính của những chính sách, pháp luật này. Bên cạnh đó, những vấn đề pháp lý liên quan trực tiếp đến hoạt động của DNNVV logistics cần được chú trọng hoàn thiện như:

Thứ nhất, gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết để tạo hành lang thông thoáng cho DNNVV logistics hoạt động, đổi mới, cải tiến sáng tạo các quy trình cũ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.

Thứ hai, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hải quan, thực hiện đồng bộ, hiệu quả hệ thống một cửa quốc gia, điện tử hóa kê khai hải quan, thuế, cải cách thủ tục hành chính bằng ứng dụng thương mại điện tử.

Thứ ba, xây dựng và ban hành các hướng dẫn chi tiết chính sách khuyến khích DNNVV logistics ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến trong hoạt động logistics để đón đầu các xu thế mới của thị trường logistics quốc tế (blockchain, thiết bị giao hàng tự hành, phương tiện vận tải giao hàng phù hợp với giao thông đô thị...), hướng tới phát triển logistics xanh, logistics thông minh. Bên cạnh đó, hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics và các doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ ứng dụng cho hoạt động logistics.

Thứ tư, hướng dẫn chi tiết, cụ thể các chính sách hỗ trợ về tài chính, tín dụng cho DNNVV logistics nhằm thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước để nâng cao năng lực, quy mô doanh nghiệp. Đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho DNNVV, tăng cường tìm kiếm và tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ từ các chương trình, dự án ưu đãi của các tổ chức trong và ngoài nước để tài trợ cho DNNVV logistics.

Bên cạnh đó, cần thiết kế các chính sách hỗ trợ DNNVV phù hợp với các giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Đối với giai đoạn mới thành lập và đi vào hoạt động, các chính sách hỗ trợ cần giúp các doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi với các nguồn lực và cơ hội như tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp và hỗ trợ về thủ tục hành chính([12]). Xây dựng các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thiết kế các sản phẩm tín dụng đặc thù phù hợp với đối tượng khách hàng là DNNVV trong quá trình triển khai các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về các vấn đề chính sách và thực thi các hiệp định thương mại tự do, đối tác toàn diện khu vực.

Thứ năm, nghiên cứu và xây dựng các chính sách, giải pháp về công tác tuyển dụng nhân sự ngành logistics, đưa ra bộ tiêu chuẩn nghề và tiêu chuẩn kỹ năng nghề logistics của Việt Nam được doanh nghiệp công nhận, Nhà nước ban hành một cách chính thống và rộng rãi. Đồng thời, quy hoạch các cơ sở đào tạo nhân lực logistics nhằm có sự tham gia của DNNVV logistics góp ý chương trình đào tạo theo xu hướng phát triển của ngành, dành ngân sách cho đào tạo nhân viên, tiếp nhận sinh viên thực tập nhằm hỗ trợ sinh viên trong quá trình áp dụng kiến thức đã học vào công việc.

Thứ sáu, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Các địa phương và vùng tiếp giáp nhau cần có chương trình hành động chung trong việc quy hoạch, xây dựng các trung tâm logistics và kho phân phối tập trung của vùng giúp phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng và có thể đáp ứng nhu cầu của khu vực thị trường rộng lớn hơn. Việc xây dựng các kho phân phối tập trung cũng có vai trò tích cực trong việc tăng chất lượng dịch vụ và giảm chi phí lưu kho cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần xây dựng những chính sách hỗ trợ nhằm hình thành mạng lưới các doanh nghiệp lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường; tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng, giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và đặc biệt là nâng cao vai trò kết nối của hiệp hội rất quan trọng.

Như vậy, để tạo chuyển biến thực chất cho việc hỗ trợ DNNVV logistics, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc hoàn thiện đồng bộ, thống nhất các quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước có vai trò quan trọng nhằm hỗ trợ, trợ giúp các DNNVV logistics phát triển toàn diện về quy mô và phạm vi hoạt động. Bản thân các DNNVV phải tăng cường liên kết để tận dụng tốt mọi nguồn lực, thế mạnh của từng doanh nghiệp vào đầu tư phát triển dịch vụ logistics trọn gói mới có thể cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và từng bước khẳng định uy tín đối với khách hàng, đối tác. Chỉ có vậy, mục tiêu đến năm 2025, “tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”([13]) mới mang tính khả thi.

*Nghiên cứu này nằm trong các nội dung của đề tài cấp cơ sở phân cấp tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật về dịch vụ logistics ở Việt Nam”, Mã số: T2020-PC-041 năm 2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Công Thương (2018), Báo cáo Logistics Việt Nam 2018, Hà Nội.

2. Quỳnh Nga (2019), Phát triển doanh nghiệp logistics: Vẫn là bài toán vốn, truy cập tại https://congthuong.vn/phat-trien-doanh-nghiep-logistics-van-la-bai-toan-von-123075.html

3. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) (2018), Nâng cao hiệu quả nhanh logistics nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, Hà Nội, tr.34.

4. Chính phủ (2018), Nghị định số 34/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

5. Chính phủ (2019), Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

6. VCCI (2016), Môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hà Nội, tr.24

7. Vũ Đình Chuẩn (2019), Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Logistics Việt Nam, Tạp chí Tài chính, https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/giai-phap-phat-trien-nguon-nhan-luc-nganh-logistics-viet-nam-310729.html

8. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) (2018), Nâng cao hiệu quả nhanh logistics nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, Hà Nội, tr. 88.

9. VCCI (2015), Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015: Đánh giá chất lượng điều hành kinh tế để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, truy cập tại https://pcivietnam.vn/an-pham/bao-cao-pci-2015-ct169

10. OECD (2021), Báo cáo chính sách doanh nghiệp nhỏ và vừa và Khởi nghiệp tại Việt Nam, truy cập tại https://doi.org/ 10.1787/30c79519-en

11. Hà Anh, Tạo liên kết, tăng giá trị cho ngành logistics, truy cập tại https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/tao-lien-ket-tang-gia-tri-cho-nganh-logistics-643724/

12. VCCI (2016), Môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Hà Nội, tr.50.

13. Thủ tướng Chính phủ (2017), Quyết định số 221/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Improving Vietnam’s regulations on supporting small and medium-sized logistics enterprises

Ph.D Nguyen Van Lam

School of Economics and Management, Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

Most of logistics enterprises in Vietnam are small and medium-sized enterprises with limitations in terms of capital, human resources and international operation experience, connections with stages in the value supply chain, and connections with other logistics enterprises and import - export enterprises. It is necessary for the state to provide guidelines and supports to small and medium-sized logistics enterprises in order to form linkages among them. These linkages can take advantage of each enterprises to fairly compete with foregin logistics enterprises. This paper presents the current situation of small and medium-sized logistics enterprises in Vietnam and proposes some recommendations to improve Vietnam’s regulations regarding the support for small and medium-sized logistics enterprises.

Keywords: logistics service, small and medium-sized logistics enterprises, regulations on supporting small and medium-sized logistics enterprises.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2021]