Hoạt động pháp chế trong các doanh nghiệp nhà nước: Thực trạng và giải pháp

ThS. NGUYỄN THỊ HỒNG BÌNH (Khoa Luật, Trường Đại học Lao động - Xã hội)

TÓM TẮT:

Trên cơ sở nghiên cứu vị trí, vai trò, hoạt động của tổ chức pháp chế tại các doanh nghiệp nhà nước, bài viết nêu lên thực trạng hoạt động pháp chế trong các doanh nghiệp nhà nước thời gian qua. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế tại doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.

Từ khóa: hoạt động pháp chế, doanh nghiệp nhà nước, thực trạng, giải pháp.

1. Đặt vấn đề

Đất nước ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), vì vậy pháp chế XHCN có tác động đến công cuộc cải cách bộ máy Nhà nước nói chung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Pháp chế XHCN góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức. Pháp chế XHCN là điều kiện quan trọng để thực hiện thành công chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, nhằm tạo môi trường quốc tế thuận lợi để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước. Do đó, việc tăng cường pháp chế XHCN có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

2. Nội dung

2.1. Vai trò của tổ chức pháp chế trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước

Tại Điều 2 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định: “Tổ chức pháp chế là đơn vị chuyên môn, có chức năng tham mưu, tư vấn cho hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến tổ chức, quản lý và hoạt động sản xuất, kinh doanh”. Bộ phận pháp chế là đơn vị giữ vai trò tư vấn cho lãnh đạo các doanh nghiệp khi giải quyết những vấn đề có liên quan đến pháp luật, nhằm đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật. Vai trò của tổ chức pháp chế thể hiện trên 3 phương diện:

Một là, tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi điều lệ doanh nghiệp, xây dựng và ban hành nội dung, quy chế của doanh nghiệp, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Hai là, đại diện pháp lý cho doanh nghiệp: tổ chức pháp chế thay mặt cho chủ doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động; tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện pháp lý theo ủy quyền của chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và người lao động.

Ba là, quản trị rủi ro cho doanh nghiệp: trong đó dự báo, đánh giá và kiểm soát rủi ro là quan trọng, đặc biệt khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, bởi lợi nhuận càng cao, rủi ro càng lớn.

Như vậy, vai trò của tổ chức pháp chế doanh nghiệp vô cùng quan trọng, nhằm dự báo, đánh giá, kiểm soát rủi ro trong môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp đảm bảo an toàn pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp xây dựng được văn hóa tuân thủ pháp luật, góp phần bảo đảm pháp chế XHCN. Việc doanh nghiệp xây dựng cho mình một đội ngũ người “gác cổng” và “thầy thuốc” chuyên phòng ngừa và chữa trị những căn bệnh pháp lý cho chính doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Tất cả các hoạt động của doanh nghiệp, như: ban hành quy chế công ty, nội quy công ty, thương thảo, ký kết các hợp đồng cần có bộ phận pháp chế tư vấn, tham gia ngay từ giai đoạn đầu.

Là một bộ phận chuyên trách chuyển tải kiến thức pháp luật vào đời sống doanh nghiệp, điều này giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật trên cơ sở chuyển biến ý thức, hành vi chấp hành pháp luật từ tự phát sang tự giác. Xây dựng lòng tin của doanh nghiệp vào pháp luật khi pháp luật thực sự bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp, đảm bảo sự công bằng và tổ chức pháp chế hoạt động như một cầu nối giữa việc gắn thực thi pháp luật với hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Mục tiêu chính của các doanh nghiệp khi thành lập ra tổ chức pháp chế là giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn an toàn trong hành lang pháp lý.

2.2. Thực trạng hoạt động của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam trong thời gian qua

Những năm qua, Nhà nước ta đã nhận thấy rõ vai trò của tổ chức pháp chế thông qua việc ban hành Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước, sau đó được thay thế bằng Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (Nghị định số 55/NĐ-CP).

Nghị định số 55/NĐ-CP đã tạo những chuyển biến trong công tác pháp chế của các doanh nghiệp nhà nước nói chung. Ở các doanh nghiệp nhà nước với việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi mô hình tổ chức và hoạt động, các doanh nghiệp nhà nước đã nhận thấy rõ tầm quan trọng của công tác pháp chế. Do đó, nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước đã quan tâm chỉ đạo việc thành lập, bố trí, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác pháp chế; đồng thời chú trọng đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của tổ chức pháp chế, tạo điều kiện để tổ chức pháp chế tham gia vào hoạt động quản lý, sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.

Qua thực tiễn hoạt động có thể thấy bộ phận pháp chế của các doanh nghiệp nhà nước đã thực sự phát huy vai trò của mình và góp một phần quan trọng vào quá trình quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý, uy tín cho doanh nghiệp vững bước trên thương trường hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, hoạt động của tổ chức pháp chế doanh nghiệp còn có những hạn chế, bất cập, chưa phát huy hết vai trò của mình trước yêu cầu thực tế của doanh nghiệp.  

Thứ nhất, hoạt động của tổ chức pháp chế tại doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự được coi trọng. Bộ phận pháp chế ở các doanh nghiệp nhà nước hầu như vẫn chỉ được tổ chức dưới hình thức kiêm nhiệm hoặc lồng ghép trong các phòng/ban dẫn đến hiệu quả công tác pháp chế trong những năm qua chưa thực sự thuyết phục. Tại một số doanh nghiệp các bộ pháp chế trên thực tế còn chưa được thực hiện những nhiệm vụ pháp chế đã được phân công.

Thứ hai, cán bộ làm công tác pháp chế còn ít, chủ yếu là kiêm nhiệm, trình độ pháp lý chưa cao, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ công tác pháp chế. Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng dẫn tới chưa thu hút được những nhân sự có trình độ cao về pháp luật và ngoại ngữ vào làm việc cho bộ phận pháp chế.

Thứ ba, chưa có sự gắn kết chặt chẽ, thường xuyên giữa các doanh nghiệp với tổ chức pháp chế các bộ, ngành hay các cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực về công tác pháp chế.

Hiện nay, chúng ta đang xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền  XHCN, vì vậy pháp chế XHCN có tác động đến công cuộc cải cách bộ máy nhà nước nói chung nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Pháp chế XHCN góp phần quan trọng vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức. Pháp chế XHCN là điều kiện quan trọng để thực hiện thành công chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau, nhằm tạo môi trường quốc tế thuận lợi để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong nước. Sự cần thiết phải tăng cường pháp chế XHCN có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.

2.3. Một số giải pháp nâng cao vai trò của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp nhà nước

Trước yêu cầu đổi mới của đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay, để nâng cao vai trò tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tổ chức pháp chế, sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp nói chung.

Hai là, cần hoàn thiện các quy phạm pháp luật nhằm nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức pháp chế trong các doanh nghiệp nhà nước; quy định rõ ràng cơ cấu tổ chức, nội dung, hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức pháp chế. Nhà nước cần luật hóa pháp chế doanh nghiệp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường thuận lợi để pháp luật đi vào đời sống là hành lang pháp lý bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, cũng như hội nhập quốc tế.

Ba là, Nhà nước cần đầu tư xây dựng, duy trì, cập nhật cơ sở dữ liệu pháp luật kinh doanh quốc gia. Việc này sẽ giúp giải quyết tình trạng bất cập là văn bản quy phạm pháp luật thiếu tính đầy đủ, hệ thống và toàn diện.

Bốn là, các bộ, ngành cần tổ chức, xây dựng, duy trì cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Pháp chế doanh nghiệp cần dựa vào đầu mối hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đó là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp thuộc Bộ Tư pháp và đặc biệt là các đầu mối trong từng lĩnh vực, ngành nghề là các Vụ Pháp chế của các bộ, các phòng, ban pháp chế của các sở, ban, ngành. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật tại các doanh nghiệp. Kịp thời có biện pháp, hoặc gửi ý kiến kiến nghị bằng văn bản về Bộ Tư pháp để phối hợp, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn.

Năm là, các doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp cần nhận thức đúng đắn về vai trò của tổ chức pháp chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cần quy định rõ về thẩm quyền cho tổ chức pháp chế doanh nghiệp. Pháp chế doanh nghiệp phải là một tổ chức hoạt động độc lập dựa trên quy định của pháp luật.

Sáu là, các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư hơn nữa về nguồn lực tài chính và nhân sự cho tổ chức pháp chế. Nâng cao tính chuyên nghiệp, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ làm công tác pháp chế. Doanh nghiệp phải kế hoạch và chiến lược bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tuyển dụng những người làm công tác pháp chế có chuyên môn cao. Có chế độ đãi ngộ, bồi dưỡng cán bộ làm công tác pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

3. Kết luận

Các tổ chức pháp chế là công cụ sắc bén, hữu hiệu, là cơ quan tham mưu về chính sách, pháp luật, là “tai mắt” giúp lãnh đạo theo dõi việc thực hiện chính sách, pháp luật của doanh nghiệp. Tổ chức pháp chế là một bộ phận của công tác tư pháp. Mục tiêu đặt ra đối với công tác pháp chế là góp phần quản lý nhà nước, quản lý xã hội có hiệu lực, hiệu quả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Chính trị (2005), Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chất lượng cải cách tư pháp đến năm 2020, Hà Nội.
  2. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ (2005), Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 24 tháng 01 năm 2005 về mô hình tổ chức pháp chế ở các doanh nghiệp Nhà nước, Hà Nội.
  3. Mác - Ph.Ăng ghen (1993), Toàn tập, tập 23, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Chính phủ (2004), Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức pháp chế, Hà Nội.
  5. Chính phủ (2010), “Chuyên đề công tác pháp chế sau 6 năm triển khai thực hiện Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004”, Đặc san tuyên truyền pháp luật (12), Bộ Tư pháp, Hà Nội.

 

LEGAL ACTIVITIES OF VIETNAMESE STATE-OWNED ENTERPRISES:

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

Master. Nguyen Thi Hong Binh

Faculty of Law, University of Labour and Social Affairs

ABSTRACT:

By studying the position, role and operation of the department of legislation in state-owned enterprises, this paper points out the current legal activities of state-owned enterprises. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the operational efficiency of the department of legislation in Vietnamese state-owned enterprises in the coming time.

Keywords: legal activities, state-owned enterprises, current situation, solutions.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 19, tháng 8 năm 2022]