Là một huyện có nền nông nghiệp phát triển, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vừa tập trung thực hiện các nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, vừa thực hiện các giải pháp khôi phục, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ; sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, huyện đang tập trung chỉ đạo thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao lộ trình giai đoạn 2021-2025; phấn đấu trong năm 2023 sẽ được công nhận.
Kinh tế - xã hội phục hồi tích cực và tăng trưởng trở lại
Năm 2022, huyện Thoại Sơn tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tập hợp sức mạnh của các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân toàn huyện trong thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng (NTM), nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Nổi bật nhất là việc thực hiện đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) theo Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND huyện, trong đó có 09 chỉ tiêu vượt va 11 chỉ tiêu đạt.
Nhờ đó, lĩnh vực Nông nghiệp ước tổng sản lượng lúa cả năm đạt khoảng 755.000 tấn; thu nhập bình quân người dân khu vực nông thôn 68 triệu đồng/người/năm; giá trị sản xuất bình quân /1ha đất nông nghiệp đạt 205 triệu đồng.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn huyện phát triển ổn định và diễn ra khá nhộn nhịp. Thiền viện Trúc Lâm An Giang ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan du lịch, nhất là trong dịp lễ tết. Ước tính trong năm 2022, lưu lượng khách đến tham quan tại huyện trên 250.000 lượt, tăng trên 110.000 lượt so với cùng kỳ. Trong đó, Khu du lịch Hồ Ông Thoại tiếp đón trên 43.000 lượt khách, doanh thu 754 triệu đồng; Thiền viện Trúc Lâm An Giang trên 200.000 lượt khách; Khu Di tích Văn hóa Óc Eo gần 8.000 lượt khách.
Công tác đầu tư mới, sửa chữa các công trình chợ tiếp tục được quan tâm thực hiện đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân, hộ tiểu thương và doanh nghiệp. Các hoạt động xúc tiến, mời gọi đầu tư du lịch huyện được tăng cường; các nội dung, hình ảnh về du lịch Thoại Sơn được giới thiệu, quảng bá ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông, thông tin đại chúng.
Trong công tác thu ngân sách, mặc dù có những lúc tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, nhưng việc thực hiện chỉ tiêu về thu chi ngân sách nhà nước luôn đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND huyện đề ra. Ước tổng thu ngân sách theo dự toán cả năm 2022 đạt 714,4 tỷ đồng, tăng 2% so với chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó thu từ kinh tế địa bàn là 108 tỷ đồng, tăng 12% so với chỉ tiêu Nghị quyết.
Song song với đó, công tác văn hóa xã hội luôn được chú trọng. Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện Thoại Sơn là 52/67 trường, tỷ lệ 77,6%, vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết của HĐND huyện. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công, chính sách an sinh xã hội luôn được đảm bảo. Công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn; quốc phòng – an ninh luôn được giữ vững.
Chú trọng đầu tư hạ tầng, hướng tới huyện nông thôn mới nâng cao
Đầu tư công được xác định là nguồn lực quan trọng đối với quá trình phát triển KT – XH của huyện Thoại Sơn. Để nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, huyện đã tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm trong triển khai hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công, xây dựng phát triển hạ tầng đồng bộ.
Theo đó, huyện quán triệt, triển khai hiệu quả Luật Đầu tư công và các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là việc đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, cắt giảm thủ tục không cần thiết, giao kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu. Kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân các dự án, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cũng là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Phân công lãnh đạo UBND huyện theo dõi từng dự án cụ thể để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Tính đến hết tháng 11/2022, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 của huyện bao gồm cả vốn kéo dài là 109.288 triệu đồng, đạt 77,31% so kế hoạch tỉnh giao, đạt 64,02% so kế hoạch huyện giao, nằm trong tốp dầu các huyện, thị xã, thành phố giải ngân vốn đầu tư cao.
Song song với đó, huyện tiến hành rà soát, cập nhật điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, cập nhật tích hợp quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 23/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo – Ba Thê.
Trong công tác xây dựng NTM nâng cao, với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp lãnh đạo tỉnh cùng sự cố gắng, quyết tâm của các ngành, các cấp và toàn thể nhân dân huyện, đến nay Thoại Sơn đã có 14/14 xã được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận xã NTM nâng cao. Bên cạnh đó, Thoại Sơn đang tập trung thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí huyện NTM nâng cao, phấn đáu được công nhận trong năm 2023. Đồng thời, huyện đang trong lộ trình xây dựng NTM kiểu mẫu đối với xã Vĩnh Trạch, Định Thành và NTM thông minh đối với xã Thoại Giang.
Những kết quả đạt được năm 2022 cùng quyết tâm vượt khó và việc triển khai đồng bộ các giải pháp ngay từ đầu năm sẽ là tiền đề vững chắc để huyện Thoại Sơn thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu KT – XH năm 2023.
Một số chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2023 của huyện Thoại Sơn:
- Nâng cao thu nhập bình quân khu vực nông thôn lên 70 triệu đồng;
- Giá trị sản xuất bình quân 211 triệu đồng/ha đất nông nghiệp;
- Đầu tư mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn 5,8km;
- Đầu tư nâng cấp hệ thống chiếu sáng đường giao thông nông thôn 20,5km;
- Tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán hơn 737,9 tỷ đồng (trong đó thu ngân sách từ kinh tế địa bàn là 105,25 tỷ đồng);
- Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn 2021-2025 giảm còn 1,32%;...