Kinh nghiệm của Sokfarm: Chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị đặc sản vùng miền, góp phần phát triển kinh tế đồng bào vùng sâu vùng xa

Tính đến thời điểm này, Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam thương mại các sản phẩm từ mật hoa dừa tươi – một đặc sản của xứ dừa Trà Vinh. Sản phẩm đã được bán ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu.

Hành trình khôi phục nghề đã bị mai một từ đặc sản của địa phương

Thạch Thi Chal Thi
Chị Thạch Thị Chal Thi - Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Sokfarm giới thiệu các sản phẩm được sản xuất từ mật hoa dừa tươi 

 

Chia sẻ tại Diễn đàn kinh tế Kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thương mại miền núi, vùng sâu vùng xa và hải đảo năm 2022, do Bộ Công Thương vừa tổ chức, chị Thạch Thị Chal Thi - Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Sokfarm với thương hiệu mật hoa dừa Sokfarm cho biết: “Năm 2018, dừa ở Trà Vinh có những lúc là bỏ mọc mầm không có ai mua. Trong khi đó, Trà Vinh lại là vùng dừa lớn thứ hai của Việt Nam. Trong những vườn dừa bỏ mọc mầm có vườn của ba mẹ Chal Thi và những người dân làng xung quanh”.

Là người tốt nghiệp thạc sỹ ngành Công nghệ thực phẩm tại Đại học Bách khoa, lúc đó Chal Thi suy nghĩ phải tìm một hướng đi mới cho cây dừa, phải đưa chế biến sâu vào. Vì dừa ở Trà Vinh, nếu thương lái Trung Quốc hoặc Bến Tre không thu mua thì bài toán bỏ một phần sẽ diễn ra theo chu kỳ. Khi nghiên cứu về cây dừa, chị Chal Thi nhận thấy đồng bào Khmer có sản phẩm mật hoa dừa rất độc đáo và có giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, người dân chỉ tự thu mật để dùng cho cuộc sống hàng ngày mà chưa ai mang ra trao đổi, mua bán hay chế biến thành các sản phẩm thứ cấp. Nghề thu mật hoa dừa cũng là nghề truyền thống của người Khmer tại Trà Vinh nhưng đã bị mai một dần trong 100 năm trở lại đây.

Trong khi đó, Tổ chức Lương thực Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết đường hoa dừa là chất tạo ngọt bền vững nhất thế giới dựa trên 3 yếu tố: cải thiện kế sinh nhai, phù hợp với biến đổi khí hậu và tính bền vững của xu thế tiêu dung. Một diện tích giống nhau, cây dừa có thể cho lượng đường cao hơn từ 50 -70% so với cây mía. Mật hoa dừa có thể thay thế đường tinh luyện và mật ong. Và đây là sản phẩm thuần thực vật 100% nên thích hợp cho những người ăn chay và cả thuần chay.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, Đồng bằng Sông Cửu Long thường xuyên bị xâm nhập mặn nhưng dừa là cây chịu đựng được biến đổi khí hậu và vùng đất ngập mặn. Những vùng quá mặn, cây dừa sẽ bị rụng trái nhưng hoa vẫn cho mật.

Chị Chal Thi cho biết những điều này càng khiến chị quyết tâm phải nghiên cứu và dấn thân vào để góp phần giải quyết bài toán giá nông sản bấp bênh, nâng cao kinh tế cho nông hộ Khmer trồng dừa cũng như khôi phục ngành nghề truyền thống tại địa phương. Tháng 6/2019, thương hiệu mật hoa dừa Sokfarm được hình thành, đánh dấu điểm khởi đầu cho hành trình thương mại hoá sản phẩm mật hoa dừa của vùng đất Trà Vinh.

Theo chị Chal Thi, khi sản xuất sản phẩm tự nhiên không có phụ gia vào thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chất lượng sản phẩm không đồng nhất khi sản xuất quy mô lớn. Chị phải ứng dụng tất cả những kinh nghiệm của mình khi đi học và làm để tạo ra sản phẩm chất lượng, đồng nhất, hoàn thiện sản phẩm một cách tự nhiên nhất.

Bằng việc ứng dụng công nghệ cô đặc chân không kết hợp với kỹ thuật mát-xa hoa và thu mật truyền thống của người Khmer, Sokfarrm đã sản xuất thành công nhiều sản phẩm tinh chế từ mật hoa dừa tươi. Các sản phẩm của Sokfarm đạt tiêu chuẩn ISO22000:2018 và HACCP, có thời gian bảo quản lâu mà vẫn giữ được các chất dinh dưỡng, màu sắc và mùi vị tốt nhất của mật hoa dừa.

Đón đúng xu hướng tiêu dùng, đưa đặc sản vùng miền lên tầm cao mới

Nông dân thu mật hoa dừa
Sau 3 năm hoạt động, Sokfarm đã tạo được công ăn việc làm ổn định cho hơn 70 hộ nông dân tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, đa phần là đồng bào Khmer

Sokfarm hiện có 6 sản phẩm, gồm: nước uống mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa, mật hoa dừa lên men, giấm mật hoa dừa, nước tương mật hoa dừa. Trong đó, sản phẩm chủ lực là nước uống mật hoa dừa và mật hoa dừa cô đặc không chỉ được tiêu thụ rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hà Lan và Campuchia.

Trên thực tế, khi Sokfarm bắt đầu đưa ra sản phẩm năm 2019 thì không có người dân Việt Nam nào biết mật hoa dừa là gì. Chị Chal Thi chia sẻ, thời gian đầu, chị phải cầm từng chai sản phẩm đi bán và tốc độ tăng trưởng của Sokfarm chỉ đạt 2-3%. Nhờ vào chất lượng vượt trội, các lợi ích về sức khoẻ của sản phẩm và mô hình quảng bá, các sản phẩm của Sokfarm nhanh chóng chinh phục người tiêu dùng.

Chị Chal Thi cho biết: "Sokfarm hiện nay tăng trưởng 200% mỗi năm. Các sản phẩm hiện được tiêu thụ rộng rãi tại hơn 30 tỉnh, thành phố với hơn 200 đại lý phân phối, Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh là 2 thị trường lớn nhất.”

UBND tỉnh Trà Vinh đã chứng nhận sản phẩm nước uống mật hoa dừa Sokfarm đạt OCOP 4 sao. Năm 2021, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chứng nhận các sản phẩm của Sokfarm là ngành hàng thực phẩm Việt Nam chất lượng cao - chuẩn hội nhập. Mật hoa dừa cũng là 1 trong 4 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2021 của tỉnh Trà Vinh được Bộ Công Thương công bố mới đây.

Mỗi năm Sokfram định hướng có thêm từ 1 đến 2 sản phẩm mật hoa dừa để giới thiệu ra thị trường. Hiện tại nhà máy mật hoa dừa của Sokfarm đã đạt chứng nhận hữu cơ của Nhật Bản, Mỹ, Liên minh Châu Âu và doanh nghiệp đang thương thảo hợp đồng xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc và tìm kiếm cơ hội tại Đức.

Sau 3 năm hoạt động, Sokfarm đã tạo được công ăn việc làm ổn định cho hơn 70 hộ nông dân tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, đa phần là đồng bào Khmer. Dự kiến, cuối năm nay, số hộ nông dân tham gia các hoạt động của Sokfarm sẽ được nâng lên khoảng 100 hộ. Đặc biệt, Sokfarm đang triển khai mô hình chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, dùng vườn dừa họ sẵn có, chuyển cho bà con tự thu mật rồi đem bán lại ở nhà xưởng. Nhờ vậy, hộ dân trồng dừa tăng thu nhập đáng kể, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Chị Chal Thi kể: "Sokfarm đang liên kết với 30 hộ nông dân trồng dừa ở huyện Tiểu Cần. Sokfarm hướng dẫn hộ nông dân cách chăm sóc hoa dừa, sau đó hộ nông dân cung cấp mật hoa dừa và Sokfarm có ký hợp đồng với từng hộ nông dân để đảm bảo giá, quyền lợi giữa hai bên. Đây là ngành giúp cho hộ nông dân có thu hoạch gấp 3 tới 5 lần trồng dừa lấy nước. Ví dụ như hộ nông dân có 7 cây dừa nếu trồng để thu mật họ có thể thu nhập từ 2,7 triệu đồng đến 3 triệu đồng/tháng còn nếu trồng dừa lấy quả thì chỉ thu được 500 ngàn đồng/tháng. Thế giới đang càng ngày càng dùng nhiều mật hoa dừa. Dự án mật hoa dừa có tác động tích cực ở quê hương giúp người nông dân vừa bảo đảm sinh kế vừa bảo vệ môi trường”.

Bên cạnh đó, khu vườn 2 ha của gia đình chị Chal Thi cũng được xây dựng lại   để phục vụ cho đối tác và khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm mô hình thu mật thực tế tại vườn. Du khách được tận tay thực hành mát xa hoa dừa, được hòa mình vào một không gian thiên nhiên nơi đậm nét văn hóa Khmer và trải nghiệm nhiều hơn về mô hình nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh tại nhà vườn.

Mục tiêu của Sokfarm đến năm 2030 là liên kết, tạo kế sinh nhai và giúp thoát nghèo bền vững cho hơn 1.000 hộ nông dân trồng dừa, tạo việc làm cho hơn 300 người dân nhờ vào nhà máy sản xuất hoa dừa tại Trà Vinh.

Tháng 9/2022, chị Chal Thi là 1 trong 6 cá nhân được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thành công của Sokfarm đã truyền cảm hứng cho nhiều người dân tộc thiểu số muốn khởi nghiệp từ những sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình.  

Minh Trang