Ông Trịnh Khắc Toàn - Giám đốc Khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, Amazon Global Selling là chương trình do Tập đoàn Amazon chính thức thành lập nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh toàn cầu, tiếp cận khách hàng toàn cầu của Amazon và xây dựng thương hiệu quốc tế. Trải qua 3 năm hoạt động tại Việt Nam, đội ngũ Amazon Global Selling đã sát cánh cùng với rất nhiều doanh nghiệp, các nhà sản xuất, những chủ thương nghiệp, những nhà bán hàng cá nhân trong công cuộc đưa những sản phẩm “Made in Vietnam” ra quốc tế.
Đại diện Amazon Global Selling nhận định, việc xuất khẩu hàng hóa, đặc sản Việt Nam ra thế giới thực sự không phải câu chuyện đơn giản. Hơn cả kết nối xuất khẩu, việc mà Amazon Global Selling hướng đến là hỗ trợ cho những nhà sản xuất, những người nông dân của Việt Nam có thể xây dựng được thương hiệu của riêng mình, để họ không chỉ xuất khẩu sản phẩm mà còn có thể làm chủ thương hiệu, làm chủ gian hàng, làm chủ việc vận hành một ngành hàng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử Amazon.
Qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp, nhà sản xuất nội địa, Amazon Global Selling nhận định lợi thế của Việt Nam là có rất nhiều những sản phẩm gia đình, thủ công, nông sản, thân thiện với môi trường, những sản phẩm không nước nào có được, “đó là chất liệu chúng ta có thể xây dựng những câu chuyện liên quan đến thương hiệu, có thể chia sẻ và đấy cũng là một điểm mạnh”, ông Trịnh Khắc Toàn nhấn mạnh.Đặc biệt, những sản phẩm này có khả năng tận dụng tốt cơ hội trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, bởi xu hướng của người tiêu dùng trên toàn cầu, đặc biệt thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, châu Úc, đang hướng đến những sản phẩm có giá trị thân thiện môi trường, thân thiện với sức khỏe, những sản phẩm không biến đổi gen, những sản phẩm đến từ những đất nước đem lại trải nghiệm mới cho họ. Đó là lợi thế của sản phẩm Việt Nam.
Thời gian qua, có rất nhiều doanh nghiệp, thương hiệu đã đưa được sản phẩm nông sản Việt Nam, sản phẩm thủ công mỹ nghệ thành công lên trên sàn thương mại điện tử Amazon. Ví dụ tiêu biểu có thể kể đến câu chuyện của Rong nho Trường Thọ, từ một sản phẩm rất đặc thù ở Việt Nam trở thành sản phẩm top bán chạy của Amazon toàn cầu và được đưa vào danh sách Amazon lựa chọn dành cho thị trường Mỹ.
Từ một doanh nghiệp nhỏ, với sự cố gắng không ngừng để thành công, anh Trần Văn Tươi - người sáng lập ra thương hiệu Rong nho Trường Thọ đã tự mình đưa doanh nghiệp đạt doanh thu hàng triệu đô la. Sự thành công của Rong nho Trường Thọ trước hết ở chất lượng và tính độc đáo của sản phẩm, bên cạnh đó là câu chuyện mà thương hiệu này “kể” cho người tiêu dùng về hành trình hành trình “from zero to hero” của một anh một kỹ sư dầu khí quyết tâm tạo ra sự đổi mới cho ngành thủy sản Việt Nam, đưa thương hiệu Made in Vietnam của mình chinh phục thị trường thế giới thông qua Amazon Global Selling.
“Đây cũng là một điểm đội ngũ Amazon Global Selling cảm thấy rất tự hào, có thể sát cánh cùng với chủ thương hiệu rong nho Trường Thọ đưa được những sản phẩm của Việt Nam vươn ra tầm quốc tế, khẳng định được về thị trường trên sàn thương mại có tính cạnh tranh toàn cầu như Amazon”, ông Trịnh Khắc Toàn bày tỏ.
Thành công của các doanh nghiệp trên Amazon cho thấy, câu chuyện thương mại điện tử xuyên biên giới có thể còn xa vời đối với bà con nông dân miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, nhưng nếu có sự vào cuộc của các doanh nghiệp hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn ra quốc tế, thì việc phân phối những sản phẩm này lại trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Tuy nhiên, Giám đốc Khu vực miền Bắc Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam trong việc đưa những sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ nói chung và sản phẩm từ miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nói riêng ra thị trường chính là vấn đề liên quan đến tâm lý và kiến thức. Những nhà bán hàng Việt còn đang e ngại trước sự rộng lớn của thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới và lo lắng về khả năng cạnh tranh của sản phẩm.
Khảo sát cho thấy, 80% doanh nghiệp cho rằng họ thiếu thông tin về các quy định liên quan của thị trường nước ngoài. 85% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng họ gặp rào cản về năng lực cạnh tranh trong khu vực và trên toàn cầu. Bên cạnh đó, 81% doanh nghiệp thừa nhận rằng họ chưa được chuẩn bị để đáp ứng được sở thích và tâm lý của người tiêu dùng nước ngoài.
Dù vậy, ông Trịnh Khắc Toàn cho rằng, thương mại điện tử là "sân chơi bình đẳng", mang đến cơ hội kinh doanh cho tất cả. Ngành này hiện không chỉ là lãnh địa dành cho các "ông lớn" mà ngay cả những nhà bán hàng, hộ kinh doanh nhỏ lẻ giờ đây cũng có thể nắm bắt để khởi nghiệp thành công, đưa sản phẩm nội địa vươn tầm thế giới. Và Amazon Global Selling ở Việt Nam chính là để mở ra cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam cũng như những người bán hàng tại Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu xuyên biên giới.
Thứ nhất, Amazon Global Selling mở ra cơ hội cho sản phẩm Việt Nam có thể vươn đến hơn 300 triệu khách hàng trên toàn cầu và tiếp cận trên 200 vùng lãnh thổ trên toàn thế giới thông qua nền tảng Amazon.
Thứ hai, Amazon đưa ra một giải pháp về hậu cần và hoàn thiện đơn hàng quốc tế với tên gọi FBA - Dịch vụ hoàn thiện đơn hàng bởi Amazon (Fulfillment by Amazon). Thay vì phải tự đóng gói, vận chuyển, hoàn thiện đơn hàng, thì doanh nghiệp chỉ cần gửi sản phẩm đến các trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon và Amazon sẽ chịu trách nhiệm nhận hàng, đóng gói và vận chuyển, đồng thời cung cấp các dịch vụ chăm sóc khách hàng như tư vấn và hoàn trả, tiết kiệm nhân lực, vật lực và tài chính cho doanh nghiệp.
“Nếu nói cách dễ nhất để chúng ta có thể vươn lên một tầm cao mới là đứng trên vai những người khổng lồ thì hiện tại Amazon có một hệ thống lên đến 400 trung tâm hoàn thiện đơn hàng trên toàn cầu, với khả năng có thể tiếp cận đến 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đấy chính là một hướng đi, một câu hỏi tôi luôn luôn đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam. Tại sao chúng ta lại không tận dụng nguồn lực mà Amazon đã đầu tư như vậy để chúng ta có thể tiến ra toàn cầu, thay vì chúng ta phải tự đầu tư?”, ông Trịnh Khắc Toàn phân tích.
Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng công cụ của Amazon để trực tiếp xây dựng được thương hiệu của mình và vận hành hoạt động bán hàng của mình thành công thông qua chính nền tảng của Amazon.
"Tại sao chúng ta lại không tận dụng nguồn lực mà Amazon đã đầu tư như vậy để chúng ta có thể tiến ra toàn cầu, thay vì chúng ta phải tự đầu tư?”
Trong hơn 3 năm qua, Amazon Global Selling đã tập trung nâng cao nhận thức về kinh doanh thương mại điện tử xuyên biên giới và giới thiệu khái niệm xuất khẩu thương mại trực tuyến tại Việt Nam. Bên cạnh việc thành lập đội ngũ chuyên trách tại miền Bắc và miền Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, Amazon Global Selling cũng ra mắt Học viện Nhà bán hàng “Seller University” bằng ngôn ngữ tiếng Việt cung cấp hàng trăm khoá học về kiến thức kinh doanh thương mại điện tử và cẩm nang hướng dẫn bán hàng với Amazon.
Ngoài ra, Amazon Global Selling đã nỗ lực tăng cường mối quan hệ hợp tác với các cơ quan chính phủ, hiệp hội ngành hàng để trang bị cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam những kiến thức về thương mại điện tử xuyên biên giới, thông tin, các cập nhật, và xây dựng mối quan hệ kinh doanh,…
Theo ông Trịnh Khắc Toàn, tháng 6/2022 vừa qua, Amazon Global Selling đã ký kết biên bản ghi nhớ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và công bố sáng kiến “Thương mại điện tử Xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”, đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển 10.000 nhân lực cho thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam trong 5 năm tới, từ đó nâng cao năng lực và mở ra cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp địa phương thông qua thương mại điện tử.
Cuối tháng 10/2022 tới đây, Tuần lễ về thương mại điện tử xuyên biên giới Amazon WEEK sẽ được tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhằm chia sẻ xu hướng thị trường, kinh nghiệm từ các chuyên gia và nhà bán hàng thành công cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt tận dụng tốt hơn các công cụ trên nền tảng Amazon.