Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ: Gợi suy cho Việt Nam

ThS. Đỗ Sơn Tùng1 - TS. Trịnh Minh Tâm1 - KS. Ngô Thị Loan1 - ThS. Lưu Thị Thanh Hảo1 - ThS. Vũ Thị Bích Ngọc1 - TS. Lê Thị Kim Chi2 - ThS. Trần Ngọc Ban2 - ThS. Lê Hoàng Hà3 (1 - Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, 2 - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp và 3 - Công ty Cổ phần Kỹ thuật Đóng tàu Việt Nam)

TÓM TẮT:

Cho đến nay trên thế giới chưa có một quốc gia hoặc tổ chức quốc tế nào ban hành tiêu chuẩn riêng về định giá công nghệ, tài sản trí tuệ. Việc định giá công nghệ, tài sản trí tuệ chủ yếu được thực hiện dựa trên nguyên tắc chung cho định giá tài sản vô hình. Dựa trên 3 phương pháp tiếp cận (tiếp cận về thị trường, tiếp cận về chi phí, tiếp cận theo dòng tiền), các tổ chức thực hiện dịch vụ định giá công nghệ xây dựng mô hình định giá cho tổ chức mình. Thông qua kinh nghiệm của các nước, bài viết gợi ý một số bài học góp phần phát triển hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ tại Việt Nam.

Từ khóa: định giá, công nghệ, tài sản trí tuệ, định giá công nghệ, bài học, kinh tế.

1. Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ

1.1. Kinh nghiệm của Hoa Kỳ

Với mục tiêu đặt ra là duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động định giá doanh nghiệp, phục vụ lợi ích của định giá viên doanh nghiệp và người sử dụng kết quả định giá, hệ thống các tiêu chuẩn định giá tài sản vô hình đã được hình thành. Hệ thống các tiêu chuẩn này thuộc tập hợp các Tiêu chuẩn định giá doanh nghiệp (Business Valuation Standards - BVS) do Hiệp hội Định giá viên Hoa Kỳ (American Society of Appraisers - ASA) phê chuẩn từ tháng 7/2008 thông qua Ủy ban Định giá doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng các Tiêu chuẩn thống nhất về hành nghề định giá do Quỹ Tài trợ định giá (Appraisal Foundation) xây dựng. Các hoạt động định giá công nghệ nói chung và định giá tài sản trí tuệ nói riêng ở Hoa Kỳ được dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn định giá tài sản vô hình đó.

Trong một số văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã nêu ra một số cách tiếp cận và phương pháp định giá khác nhau. Tùy vào mục đích định giá, các định giá viên phải xem xét áp dụng cách tiếp cận và phương pháp định giá thích hợp khi tiến hành định giá tài sản vô hình.

Cách tiếp cận thu nhập (Income Approach): Các yếu tố về lợi ích kinh tế do tài sản vô hình tạo ra một cách thích hợp và các rủi ro liên quan tới các lợi ích đó, lợi ích kinh tế do việc khấu hao tài sản nhằm mục đích trả thuế thu nhập, xem xét sự khác nhau giữa tuổi đời kinh tế của tài sản vô hình với tuổi đời pháp lý (thời gian tồn tại theo luật định) của tài sản đó hay không là những khía cạnh cần được tiến hành xem xét và đánh giá.

Cách tiếp cận thị trường (Market Approach): Khi tiến hành thực hiện phương pháp này, nhất thiết phải cân nhắc đến những khác biệt có liên quan giữa chủ thể định giá và hướng phát triển tài sản cũng như là các điều kiện tương ứng về thị trường.

Cách tiếp cận chi phí (Cost Approach): Chi phí được đề cập trong phương pháp này là những chi phí gián tiếp và trực tiếp gắn kết với việc tái sản xuất và tái cơ cấu bởi vì tài sản có thể bị giảm vòng đời cũng như làm mất đi lợi nhuận do lạc hậu về kinh tế hoặc về chức năng.

1.2. Kinh nghiệm của Úc

Đối với Úc, mô hình định giá của tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ toàn cầu sẽ được hoạt động như sau: khi nhận được yêu cầu của khách hàng về việc việc rà soát một cách có hệ thống danh mục tài sản vô hình, tổ chức dịch vụ này sẽ sử dụng các tiêu chuẩn cũng như mô hình định giá tốt nhất, phù hợp với mục đích, yêu cầu thực tế để đánh giá, ưu tiên và lựa chọn ra nhóm rộng nhất có thể của tài sản vô hình hợp pháp và cạnh tranh cấu thành danh mục tài sản vô hình của đơn vị khoa học công nghệ. Từ việc xác định các tài sản ưu thế, tổ chức cung cấp dịch vụ sở hữu trí tuệ toàn cầu Úc sẽ tính toán giá trị lợi nhuận kinh tế tương lai mà khách hàng mong muốn và thu hồi vốn từ việc đầu tư vào nghiên cứu phát triển.

Để việc rà soát kế hoạch kinh doanh nội bộ trong tương lai và ngân sách tiềm năng từ bên ngoài cho các đơn vị khoa học công nghệ được diễn ra thuận lợi, biểu quản lý giá trị tài sản vô hình được đưa ra. Những biểu quản lý giá trị này sẽ không bị giới hạn trong việc thu hồi nợ, ví dụ giá trị tiền mặt của dòng tiền bản quyền đối với các tài sản vô hình, mà còn mở rộng cho việc thu hồi công nợ liên quan đến lợi nhuận thu được từ môi trường, quy định, hiệu suất và cả xã hội mà tài sản vô hình ưu tiên mang lại. Mục tiêu của việc này sẽ thiết lập được đơn vị khoa học công nghệ điển hình trong công tác ghi nhận, xác định ưu tiên, quản lý và định giá tài sản vô hình có được từ hoạt động nghiên cứu triển khai. Và để phản ánh hiệu quả của việc định giá tài sản vô hình cho mô hình khoa học công nghệ rộng hơn, tập đoàn kinh doanh và chu trình lập kế hoạch dự trù ngân sách.

1.3. Kinh nghiệm của Nhật Bản

Ở Nhật Bản, giám đốc trường đại học quốc gia hay tổ chức liên trường quyết định quyền sở hữu các sáng chế do cán bộ nghiên cứu của trường/tổ chức thực hiện dựa trên cơ sở bàn bạc với Ủy ban sáng chế của trường. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản thuộc các trường đại học quốc gia không bắt buộc phải tiết lộ về các phát minh với văn phòng cấp phép li-xăng công nghệ (văn phòng chuyển giao li-xăng - CGLX), nhưng được khuyến khích để làm tốt điều đó. Tuy nhiên, người phát minh tại các trường đại học của Nhật Bản có thể được yêu cầu nhượng quyền cho chính phủ nếu Giám đốc trường đại học đó tuân theo các tiêu chuẩn phân loại nhất định, quyết định rằng sáng chế đó phải thuộc về Nhà nước. Các dữ liệu gần đây về cấp bằng sáng chế và chuyển giao li-xăng tại Nhật Bản cho thấy có sự gia tăng ở số sáng chế được cấp bằng và tiếp lộ phát minh. Điều này cho thấy các nhà phát minh trong các trường đại học Nhật Bản có thể công bố sáng chế và dựa nhiều hơn vào các kênh chuyển giao công nghệ chính thức.

Đối với Nhật Bản, mục đích của định giá tài sản trí tuệ không phải để tìm giá trị tuyệt đối và hoàn hảo. Định giá nhằm mục đích đạt được kết quả mà các bên liên quan có thể chấp nhận và đạt được sự đồng thuận. Do kết quả định giá biến động tùy theo thời gian, quy mô doanh nghiệp, đối tượng doanh nghiệp là bên bán hay bên mua,... Do vậy, để đạt được sự đồng thuận, việc thu thập thông tin phải khách quan như các thông tin về dữ liệu ngành bình quân, dự báo thị trường về quy mô, cạnh tranh của hàng hóa, công nghệ tương tự trên thị trường,... là điều quan trọng nhất trong việc định giá công nghệ, tài sản trí tuệ.

1.4. Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Khi giá thị trường được sử dụng cho các cơ sở đàm phán giá trong kinh doanh hàng hóa, giá trị khách quan của một công nghệ cụ thể phải được trình bày trước cho việc đàm phán được tiến hành giữa người mua và người bán công nghệ. Tuy nhiên, sẽ là khó khăn để thúc đẩy thương mại và chuyển giao công nghệ với quá trình định giá thông thường mà chỉ tập trung vào bản thân công nghệ. Mô hình định giá này chỉ đánh giá được giá trị của công nghệ từ quan điểm của các chủ sở hữu công nghệ và chi phối chủ yếu bởi năng lực công nghệ, vốn, thương hiệu và nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những gì thị trường cần là giá trị của công nghệ như một sản phẩm được giao dịch trên thị trường. Điều này đòi hỏi một giá trị công bằng và khách quan mà không chịu ảnh hưởng bởi các chủ sở hữu nó. 

Tại Hàn Quốc, các tổ chức định giá công nghệ được thành lập dựa trên Luật Xúc tiến chuyển giao công nghệ, bao gồm 42 tổ chức công cộng và 9 tổ chức tư nhân.  Các tổ chức này được thành lập bởi những nhóm hoạt động nhỏ. Ngoài ra, có các tổ chức độc lập khác như: Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), Quỹ Bảo đảm Tín dụng Công nghệ Hàn Quốc (KTCG), Hiệp hội Quản lý Doanh nghiệp nhỏ (SBA) và Viện Kế hoạch và Đánh giá Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (ITEP), Quỹ Bảo đảm tín dụng (Korea Credit Guarantee Fund - KODIT), KISTI (Viện Thông tin khoa học công nghệ Hàn Quốc, NTB (Ngân hàng giao dịch công nghệ)           . 

Quan điểm chủ đạo được các tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá công nghệ ở Hàn Quốc vận dụng là dựa trên khả năng sinh lời của doanh nghiệp khi đưa công nghệ vào khai thác trong tương lai, cụ thể: ITEP định giá các giá trị công nghệ để sử dụng như những tiêu chuẩn trong việc cấp các quỹ hỗ trợ công nghiệp và KDB sử dụng định giá làm cơ sở để tiến hành các hoạt động tài chính như cho vay và đầu tư. Cả 2 tổ chức này đều sử dụng phương pháp thu nhập để quy đổi dòng tiền ước tính tương lai thông qua ước tính giá trị các tài sản vô hình thành giá trị hiện tại dòng (NPV). KTCG tiến hành định giá công nghệ ở các công ty để tính toán giới hạn bảo lãnh, phân bổ vốn và đầu tư. KTCG cho phép áp dụng cả 3 phương pháp, nhưng phương pháp thu nhập vẫn được sử dụng phổ biến hơn. Tuy không có khác biệt cơ bản so với phương pháp của ITEP và KDB, nhưng phương pháp của KTCG có điểm khác nhau là, nếu thời gian tính ước tính thu nhập lớn hơn 5 năm thì thu nhập sẽ được ước tính cho 5 năm và phần thời gian còn lại sẽ được tính như giá trị tận dụng.

Như vậy, phần đặc biệt mang tính chủ quan khi định giá công nghệ, tài sản trí tuệ là phần lựa chọn công nghệ tương tự công nghệ định giá hiện đang được sử dụng. Ví dụ đối với hệ thống của KTCG và KODIT, với mỗi kỹ thuật được định giá, yêu cầu lựa chọn 1 người về kỹ thuật và 1 người về tài chính để tiến hành định giá. Việc áp dụng như vậy dẫn đến nhiều khả năng giá trị định giá mang tính chất chủ quan. Bên cạnh đó, sau khi định giá sẽ phải phát hành Giấy chứng nhận để bảo lãnh tín dụng cho công nghệ, nên vai trò của doanh nghiệp đăng ký xin định giá công nghệ lại càng quan trọng. Do đó không có cách nào khác là phải áp dụng định giá công nghệ mang tính bảo thủ (giống như Nguyên tắc bảo thủ trong kế toán) để đảm bảo an toàn cho doanh nghiệp định giá. Trong thời gian gần đây, các tổ chức liên quan của Hàn Quốc đang cố gắng để khắc phục điểm này.

Theo Bộ Tài nguyên Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (2014), hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn định giá công nghệ, công bố ngày 18/6/2014, số 97, trong đó, đối với việc định giá tài sản trí tuệ có thể áp dụng phương pháp khấu trừ phí bản quyền là phương pháp dự đoán giá trị chi trả phí bản quyền mà người sở hữu công nghệ có thể giảm được nếu đã được cấp phép từ bên thứ 3 và quy đổi thành giá trị hiện tại. Điều kiện để sử dụng phương pháp khấu trừ bản quyền là phải có tài liệu phí bản quyền giao dịch công nghệ có thể so sánh được trên thị trường giao dịch có đủ điều kiện để tiến hành việc so sánh trên. Trong trường hợp tài liệu phí bản quyền giao dịch công nghệ có khả năng so sánh không đạt tiêu chuẩn, có thể sử dụng thống kê phí bản quyền theo ngành nghề. Sau khi tiến hành so sánh thuộc tính của đối tượng công nghệ cần đánh giá với công nghệ khác, phí bản quyền sẽ được tính toán và điều chỉnh lại sao cho hợp lý.

1.5. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những nước châu Á có thị trường khoa học và công nghệ phát triển. Các tổ chức trung gian có chức năng tư vấn định giá công nghệ, tài sản trí tuệ hoạt động trên thị trường khoa học và công nghệ của Trung Quốc trong những năm gần đây đã phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, nhiều tổ chức đã phát triển đến mức độ chuyên nghiệp với sự gia tăng đáng kể các dịch vụ cả về chất lượng và số lượng. Theo thống kê chưa đầy đủ, Trung Quốc hiện có khoảng hơn 60 nghìn tổ chức dịch vụ trung gian cho thị trường khoa học và công nghệ hoạt động ở các thành phố lớn và vừa với hơn 1,1 triệu cán bộ (Khóa Đào tạo chuyển giao công nghệ Trung - Việt năm 2011, Sàn Giao dịch Công nghệ Thượng Hải, Cơ quan Đại diện phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2011). Các loại hình dịch vụ do các tổ chức này cung cấp cũng đa dạng hơn, ngoài những dịch vụ truyền thống nay mở rộng cung cấp thêm các dịch vụ mới phù hợp với xu thế và nhu cầu phát triển của đất nước, điển hình có các dịch vụ định giá công nghệ, tài sản trí tuệ, công ty quản lý đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực khoa học và công nghệ,... Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhận lực trong việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Trung Quốc đã tiến hành chuyển hướng hoạt động đào tạo nguồn nhân lực có đủ phẩm chất và chuyên môn nhằm phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Với cách thực hiện như vậy, Trung Quốc đang từng bước tạo ra một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có năng lực cung cấp cho thị trường khoa học và công nghệ. Để kết nối những người hoạt động trong các tổ chức trung gian, bao gồm cả những chuyên gia hoạt động độc lập, Trung Quốc thành lập, xây dựng các Hiệp hội những người làm trung gian, môi giới.

2. Bài học rút ra cho Việt Nam

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, mặc dù thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam những năm qua đã có những bước phát triển tích cực, tuy nhiên vẫn chưa phát triển đúng với tiềm năng. Số lượng các giao dịch chính thức về công nghệ còn tương đối khiêm tốn, trong khi đó lại tồn tại những giao dịch không chính thức, làm cho thị trường vốn dĩ không phố biến, lại chứa đựng những hoạt động không minh bạch. Cũng theo các chuyên gia, với một thị trường có độ minh bạch kém so với thế giới, việc định giá sẽ bị ảnh hưởng và phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm, đạo đức của người định giá.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp 4.0, thị trường khoa học và công nghệ sẽ luôn có những biến động rất lớn. Chính những sự biến động này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc phân tích và xác định các tham số phục vụ công tác định giá công nghệ, tài sản trí tuệ, như: việc dự báo về tuổi đời công nghệ, tài sản trí tuệ; dự báo về khả năng thị trường, cũng như những vấn đề về áp dụng và nhân rộng công nghệ, tài sản trí tuệ trên thị trường,... Trong bối cảnh thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam còn khiêm tốn so với các quốc gia trên thế giới, tình trạng thiếu thông tin, thông tin không trung thực,... là điều dễ nhận thấy và thường xuyên phải đối mặt. Do vậy, việc định giá công nghệ và tài sản trí tuệ sẽ gặp nhiều khó khăn, không dễ thực hiện.

Tại Việt Nam, định giá cũng là một nghề còn non trẻ so với các ngành nghề khácvà phát triển sau nhiều nước. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Singapore, Thái Lan,... độ lớn của thị trường cũng như trình độ của hoạt động định giá công nghệ của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách không nhỏ. Tại Việt Nam, định giá công nghệ, tài sản trí tuệ mới chỉ được biết đến và có một số bước phát triển trong vài năm trở lại đây. Điều này cho thấy kinh nghiệm của Việt Nam về định giá công nghệ, tài sản trí tuệ không nhiều và không chuyên sâu. Đây cũng là một trong các nguyên nhân dẫn tới những hạn chế trong việc triển khai công tác định giá công nghệ, tài sản trí tuệ của nước ta.

Nguồn lực cung cấp cho hoạt động định giá của Việt Nam cũng còn khiêm tốn. Khối các trường có đào tạo trình độ đại học về định giá và thẩm định giá còn ít. Tại một số trường có đào tạo chuyên ngành này, số lượng sinh viên theo học cũng còn khiêm tốn so với các chuyên ngành khác. Ví dụ, tại học Viện Tài chính, sinh viên theo học chuyên ngành về giá mỗi năm chỉ khoảng 50 - 80 sinh viên. Hơn nữa, đây cũng là một lĩnh vực mới, nên trình độ và chất lượng nguồn nhân lực cũng còn nhiều hạn chế, nhất là nhân lực am hiểu sâu về định giá công nghệ, tài sản trí tuệ. Cũng như kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, tính vô hình của tài sản công nghệ, tài sản trí tuệ là một trong những khó khăn rất lớn trong công tác định giá công nghệ, tài sản trí tuệ. Hơn nữa, ngay cả các tài sản là công nghệ cũng mỗi loại tài sản lại theo một lĩnh vực ngành nghề rất khác nhau, có những đặc điểm riêng chứa đựng những đặc tính riêng biệt. Tài sản công nghệ lại gắn với những sản phẩm trí tuệ đặc biệt,, do vậy tính mới trong tài sản này sẽ làm cho việc định giá gặp nhiều trở ngại từ khâu thu thập thông tin, đánh giá và phân tích về tài sản công nghệ, tài sản trí tuệ cần định giá, cho đến việc thu thập thông tin và đánh giá thị trường,...

Nhìn chung, các nước có hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ phát triển đều là những nước có thị trường khoa học và công nghệ phát triển. Từ việc nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, nhóm nghiên cứu rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, cụ thể như sau:

  • Cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thị trường khoa học và công nghệ;
  • Khẳng định vai trò của Nhà nước đối với sự phát triển thị trường khoa học và công nghệ cũng như các nội dung liên quan đến định giá công nghệ, tài sản trí tuệ;
  • Gắn kết các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu và chuyển giao công nghệ;
  • Theo kinh nghiệm của các nước, các nước cũng đều xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về từng loại công nghệ, đặc điểm, tính năng, cũng như giá giao dịch. Do vậy, Việt Nam cũng cần xây dựng những hệ thống thông tin mang tính chất nền tảng như vậy để phục vụ tốt hơn cho hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ;
  • Đào tạo đội ngũ chuyên gia, nhân lực để thực hiện định giá công nghệ, tài sản trí tuệ. Cần có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học và công nghệ;
  • Sử dụng linh hoạt các phương pháp định giá công nghệ, tài sản trí tuệ. Việc lựa chọn phương pháp định giá cần dựa vào những căn cứ pháp lý, lập luận chặt chẽ, rõ ràng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Andreou, A.N et all. (2007). A framework of intangible valuation areas and antecedents. Journal of Interllectual Capital, 8(1), 52-75.
  2. Benaroch, M. (2001). Option Based management of technology investment risk. IEEE Transactions on Engineering Management, 48(4), 428-444.
  3. Boer, F.P. (2004). Technology valuation solutions. USA: John Wiley and Sons.
  4. Bouteiller, C. (2000). The evaluation of intangible: Advocating for an option based approach. Alternative Perspective on Financing and Accountings conference, Humburg.
  5.  EPO. (2010). Patent Portfolio Management with IPScopre2.2. Retrieved from: https://www.epo.org/.
  6. IVSC. (2012). The Valuation of Intangible Assets. Retrieved from: https://www.ivsc.org/.
  7. Jarosz, R et all. (2010). Patent Auctions: How far have we come? France: Les Nouvelles.
  8. Razgaitis, R. (2007). Pricing the IP of early stage technology. UK: Oxford.
  9. Suzuki, K. (2009). Technology Valuation. France: UNESCO.
  10. Trịnh Minh Tâm, Nguyễn Hữu Xuyên (2017). Khai thác sáng chế và đổi mới sáng tạo - Những vấn đề cơ bản từ lý luận đến thực tiễn. Nxb Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
  11. Trịnh Minh Tâm và cộng sự (2018). Xác định các nhân tố ảnh hưởng đến kết quả định giá công nghệ theo mô hình phân tích thứ bậc: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam. Tạp chí Công Thương, số 5, tháng 4/2018.
  12. Trịnh Minh Tâm và cộng sự (2019). Định giá công nghệ theo mô hình IPScore: Gợi ý cho Việt Nam. Tạp chí Công Thương, số tháng 3/2019.

 

INTERNATIONAL LESSONS LEARNT ABOUT THE TECHNOLOGY

AND INTELLECTUAL PROPERTY VALUATION:

SOME SUGGESTIONS FOR VIETNAM

Master. Do Son Tung1

Ph.D. Trinh Minh Tam1

Ngo Thi Loan1

Master. Luu Thi Thanh Hao1

Master. Vu Thi Bich Ngoc1

Ph.D. Le Thi Kim Chi2

Master. Tran Ngoc Ban2

Master. Le Hoang Ha3

1Vietnam Centre for Science and Technology Evaluation,

Ministry of Science and Technology

2 University of Economics - Technology for Industries

3 Vietnam Shipbuilding Engineering Joint Stock Company

ABSTRACT:

            Up to now, there has been no specific standard for valuing technology and intellectual properties in the world. By using three different approaches, including the market approach, the cost approach, and the cash flow approach, organizations which provide technology valuation services develop their own valuation models. By analyzing experiences of some countries, this paper presents some lessons learnt that can be used to support the development of technology and intellectual property valuation in Vietnam.

Keywords: valuation, technology, intellectual property, technology valuation, lesson learnt, economy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 18(1), tháng 8 năm 2022]