Bộ Lao động Hoa Kỳ vừa cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 của Hoa Kỳ chỉ tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng so với cùng kỳ thấp nhất kể từ tháng 3/2021 - thời điểm lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu tăng lên.
Trong tháng 5 vừa qua, giá năng lượng giảm 3,6% là nhân tố chính giúp kìm hãm đà tăng của lạm phát tại Hoa Kỳ. Ngược lại, chi phí nhà ở tăng 0,6% là yếu tố chủ chốt ảnh hưởng tới mức tăng của CPI tổng thể; chi phí liên quan tới nhà ở chiếm 1/3 tỷ trọng rổ giá cả tính CPI tại Hoa Kỳ. Trong khi đó, giá thực phẩm chỉ tăng nhẹ 0,2%; giá xe đã qua sử dụng tăng 4,4%, tương đương mức của tháng 4/2023; và dịch vụ vận tải tăng 0,8%.
Các dữ liệu lạm phát này đều khớp với dự báo của các chuyên gia tham gia khảo sát của Dow Jones được đưa ra trước đó.
Đáng chú ý, khi loại bỏ thực phẩm và năng lượng, bức tranh lạm phát của Hoa Kỳ không quá lạc quan. Chỉ số CPI lõi tháng 5/2023 đã tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022. Qua đó cho thấy mặc dù đà tăng của lạm phát đã phần nào hạ nhiệt nhưng áp lực lên người tiêu dùng Hoa Kỳ vẫn còn lớn. Đồng thời, mức lạm phát hiện nay vẫn còn cách xa mục tiêu lạm phát 2% trong trung và dài hạn của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED).
Ngoài ra, dữ liệu cho thấy tiền lương trung bình mỗi giờ làm việc của người lao động tại Hoa Kỳ trong tháng 5 vừa qua đã tăng 0,3% so với hồi tháng 4 (đã điều chỉnh theo lạm phát). So với cùng kỳ năm 2022, tiền lương thực đã tăng 0,2% sau khi ở mức âm trong phần lớn thời gian của 2 năm vừa qua. Điều này có thể là tin vui cho người lao động nhưng sẽ khiến cuộc chiến chống lạm phát của FED trở nên phức tạp hơn khi vòng xoáy giá cả - tiền lương sẽ khiến lạm phát cao trở nên dai dẳng.
Do đó, các thị trường tài chính phản ứng không quá hào hứng với thông tin trên. Hiện phần lớn thị trường nhận định FED sẽ không tăng lãi suất trong phiên họp định kỳ lần này. Khảo sát của hãng tin Reuters với các nhà kinh tế học cho thấy 90% số người được hỏi nhận định FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6 này nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chu kỳ siết chặt chính sách tiền tệ lần này đã chấm dứt.
Đồng thời, tỷ lệ các nhà kinh tế học cho rằng FED sẽ đảo ngược chính sách tiền tệ trong năm nay đã giảm xuống còn 25%, so với mức 28% trong khảo sát gần nhất. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng vừa nhận định FED sẽ chưa sớm đảo ngược chính sách tiền tệ hiện nay cho dù hoạt động tín dụng tại Hoa Kỳ đã chậm lại đáng kể dưới tác động của lãi suất tăng cao, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế cũng như gây ra các rủi ro đối với hệ thống ngân hàng nước này.