Lực đẩy mới cho công nghiệp chế biến, chế tạo

Giữ vai trò chủ chốt trong dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn còn dư địa phát triển nữa nếu có được cơ chế, chính sách có tính đột phá, đủ mạnh để thu hút đầu tư xã hội thông qua nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Điểm sáng tăng trưởng giữa dịch bệnh 

Năm 2021, giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19, sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì và giữ được nhịp độ tăng trưởng tích cực. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2021, sản xuất công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 4,82%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) cả năm 2021 tăng 4,8% so với năm 2020. 

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng GDP cả nước. Cơ cấu hàng công nghiệp chế biến, chế tạo trong xuất khẩu tiếp tục tăng từ 85,19% năm 2020 lên 86,24% năm 2021.

Chỉ số sản xuất năm 2021 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với năm trước như: sản xuất kim loại tăng 22,1%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,2%; sản xuất sản phẩm điện tử máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 9,6%;…

Đặc biệt, công nghiệp hỗ trợ đã tận dụng cơ hội trong dịch bệnh, liên kết trong chuỗi cung ứng được tăng cường vững chắc hơn phục vụ những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, cơ khí…, qua đó từng bước hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đã có thêm những sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như: sơ mi rơ-mooc (Thaco - Trường Hải), máy biến áp 220 kV-250MVA… 

Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác chiến lược và xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang thị trường Hoa Kỳ của Tập đoàn Thaco ngày 15/12/2021
Lễ ký kết Thoả thuận hợp tác chiến lược và xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang thị trường Hoa Kỳ của Tập đoàn Thaco ngày 15/12/2021

Để giải quyết nguy cơ đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu từng xuất hiện trong năm 2020, các doanh nghiệp, với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và Chính phủ, đã mở rộng đầu tư, thắt chặt kết nối nhằm tận dụng tối đa năng lực cung ứng nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng nhiều yếu kém nội tại vốn có của công nghiệp Việt Nam vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản và còn những ảnh hưởng khá nặng nề do dịch Covid-19. Năng lực và trình độ các doanh nghiệp nội địa còn yếu, giá trị gia tăng trong các ngành công nghiệp còn thấp. Tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu còn phụ thuộc rất nhiều vào khối doanh nghiệp FDI. Chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động trong công nghiệp còn chưa có nhiều cải thiện.

Nói cách khác, tính tự chủ của các ngành công nghiệp vẫn là vấn đề cần được giải quyết trong thời gian tới, cả về năng lực cạnh tranh và cơ cấu khu vực kinh tế.

Kỳ vọng từ chính sách mới

Việt Nam đã xác định mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 phấn đấu là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. 

Mục tiêu về tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP cũng lần đầu tiên được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng năm 2021, và được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đó là mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%.

Theo Bộ Công Thương, để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và mức đóng góp của công nghiệp chế biến chế tạo, tăng trưởng bình quân của ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong giai đoạn tới phải duy trì ở mức trên 16%/năm, trong khi con số này của giai đoạn 2011-2020 chỉ ở mức trên 11%. Và để đảm bảo nguồn lực cho tăng trưởng, ngành chế biến chế tạo mỗi năm cần nguồn vốn đầu tư toàn xã hội khoảng từ 800.000 - 1 triệu tỷ đồng, trong đó đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước cần khoảng từ 60.000 - 90.000 tỷ đồng. 

“Mục tiêu đặt ra cho 2025 khá thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc và sự vào cuộc của tất cả các bên liên quan, cũng như những đột phá về hệ thống chính sách hỗ trợ để có thể thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp chế biến chế tạo một cách mạnh mẽ, để trong vòng 5 năm, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP tăng từ 16,7% năm 2020 lên 25% năm 2025”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%

Yêu cầu đổi mới chính sách phát triển công nghiệp quốc gia, mà trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo - theo hướng thay vì tập trung vào công tác quản lý, cần tập trung vào các nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phát triển, đủ trình độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo tiền đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước - do đó là cần thiết hơn bao giờ hết.

Ngày 30/8/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Công Thương xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ (tiến hành trong giai đoạn 2021-2025) và Luật Phát triển công nghiệp (tiến hành trong giai đoạn 2023-2025). Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Cục Công nghiệp cũng như Bộ Công Thương thời gian tới. 

Luật về phát triển công nghiệp được ban hành sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất để thống nhất triển khai các chính sách phát triển công nghiệp của quốc gia, tạo điều kiện bố trí các nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các định hướng, mục tiêu phát triển công nghiệp, cũng như tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai các chính sách cụ thể để hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp. 

Đồng thời, việc thông qua Luật cũng là cơ sở pháp lý để Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chính sách phát triển đối với các phân ngành công nghiệp nền tảng cụ thể như công nghiệp vật liệu, công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp điện tử..., tiến tới huy động sự tham gia của các nguồn lực cần thiết từ Trung ương đến địa phương và các nguồn lực xã hội để hiện thực hóa các mục tiêu mà Đảng, Chính phủ đã đặt ra.

Thy Thảo