Lý luận tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững nền kinh tế ở Việt Nam

ThS. PHẠM THỊ HẰNG (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai) và PHẠM THỊ NGỌC (Trường Đại học Văn Lang)

TÓM TẮT:

Thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, Việt Nam đã tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những tác động tiêu cực của 2 cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực và toàn cầu, đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng, nhiều mục tiêu chủ yếu của Chiến lược đã được thực hiện, đạt bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất, kinh tế tăng trưởng nhanh. Bài viết tập trung đề cập về tăng trưởng kinh tế,, đồng thời đưa ra những giải pháp để phát triển bền vững nền kinh tế ở Việt Nam

 Từ khóa: Tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, chiến lược phát triển kinh tế.

1. Đặt vấn đề

Tăng trưởng kinh tế là một trong những vấn đề cốt lõi của lý luận về phát triển kinh tế. Tăng trưởng và phát triển kinh tế là mục tiêu hàng đầu của tất cả các nước trên thế giới, là thước đo chủ yếu về sự tiến bộ trong mỗi giai đoạn của mỗi quốc gia.  Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2020 của Việt Nam là “Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên 
trường quốc tế.” 

Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, tăng trưởng luôn ở mức cao, tuy nhiên, so với thực tiễn và tiềm năng vẫn còn một số hạn chế nhất định trong quá trình phát triển kinh tế đất nước. Để thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững, cần tiếp tục có nhiều giải pháp được thực hiện song hành trong thời gian tới.

2. NHỮNG LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ VÀ SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

2.1. Tăng trưởng kinh tế 

Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng thu nhập của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định (thường là một năm). 

Sự gia tăng được thể hiện ở qui mô và tốc độ. Qui mô tăng trưởng phản ánh sự gia tăng nhiều hay ít, còn tốc độ tăng trưởng được sử dụng với ý nghĩa so sánh tương đối và phản ánh sự gia tăng nhanh hay chậm giữa các thời kì. Thu nhập của nền kinh tế có thể biểu hiện dưới dạng hiện vật hoặc giá trị. Thu nhập bằng giá trị phản ánh qua các chỉ tiêu GNP, GNI và được tính cho toàn thể nền kinh tế hoặc tính bình quân trên đầu người. 

Như vậy, bản chất của tăng trưởng là phản ánh sự thay đổi về lượng đối với nền kinh tế. Ngày nay, yêu cầu tăng trưởng kinh tế được gắn liền với tính bền vững hay việc bảo đảm chất lượng tăng trưởng ngày càng cao. Theo khía cạnh này, điều được nhấn mạnh nhiều hơn là sự gia tăng liên tục, có hiệu quả của chỉ tiêu qui mô và tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Hơn thế nữa, quá trình ấy phải được tạo nên bởi nhân tố đóng vai trò quyết định là khoa học, công nghệ và vốn nhân lực trong điều kiện một cơ cấu kinh tế hợp lí. 

Để đạt được sự tăng trưởng kinh tế tốt nhất là đề đạt được sự tăng trưởng ở mức cao thì cần có sự phối hợp đồng bộ giữa điều hành vĩ mô và điều khiển vi mô, kết hợp nhân tố khách quan và nhân tố chủ quan, vận dụng các quy luật kinh tế và sử dụng các công cụ đòn bẩy như thuế, tiền tệ, lãi suất, việc làm,... Tăng trưởng kinh tế là vấn đề cực kỳ quan trọng, liên quan đến sự thịnh suy của một quốc gia. Trên cơ sở giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế tạo ra nhiều của cải mới, người ta mới có thể giải quyết hàng loạt vấn đề khác như cân bằng ngân sách, đầu tư chiều sâu, phúc lợi xã hội, giải quyết việc làm, chống lại các loại tội phạm, đảm bảo ngân sách cho quốc phòng an ninh,... Ngược lại nếu không đạt được sự tăng trưởng kinh tế ở mức độ cần thiết thì trong xã hội sẽ có khả năng nảy sinh hàng loạt vấn đề rất nan giải. Bài học của Việt Nam trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế trầm trọng (khoảng những năm 1976 - 1986) đã cho ta thấy rõ vai trò của sự tăng trưởng kinh tế quan trọng như thế nào. 

2.2.  Phát triển bền vững

Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm thỏa mãn các nhu cầu hiện tại của con người nhưng không tổn hại tới sự thỏa mãn các nhu cầu của thế hệ tương lai. 

Ðể xây dựng một xã hội phát triển bền vững, Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc đã đề ra 9 nguyên tắc: 

- Tôn trọng và quan tâm đến cuộc sống cộng đồng. 

- Cải thiện chất lượng cuộc sống của con người. 

- Bảo vệ sức sống và tính đa dạng của Trái đất. 

- Quản lý những nguồn tài nguyên không tái tạo được. 

- Tôn trọng khả năng chịu đựng được của Trái đất. 

- Thay đổi tập tục và thói quen cá nhân. 

- Ðể cho các cộng đồng tự quản lý môi trường của mình. 

- Tạo ra một khuôn mẫu quốc gia thống nhất, thuận lợi cho việc phát triển và bảo vệ. 

- Xây dựng một khối liên minh toàn cầu. 

Phát triển bền vững đang là thách thức cho mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện toàn cầu hóa hội nhập kinh tế quốc tế. Việc lựa chọn con đường, biện pháp và thể chế, chính sách đảm bảo phát triển bền vững luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người trong bước đường phát triển.

Tiêu chí đánh giá 

Tăng trưởng kinh tế được xem xét dưới góc độ chất lượng. Chất lượng tăng trưởng kinh tế được thể hiện ở sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của nền kinh tế, thể hiện qua các đặc điểm sau: 

- Tốc độ tăng trưởng cao và được duy trì trong 1 thời gian dài; 

- Phát triển có hiệu quả, thể hiện qua năng suất lao động, năng suất tài sản cao và ổn định, hệ số, hiệu quả sử dụng vốn (ICOR) phù hợp, và đóng góp của nhân tố năng suất tổng hợp (TPF) cao; 

- Nền kinh tế có tính cạnh tranh cao; 

- Tăng trưởng kinh tế gắn liền với đảm bảo hài hòa đời sống xã hội; 

- Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; 

3. THỰC TRẠNG TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NỀN KINH TẾ Ở VIỆT NAM

3.1.  Tình hình cụ thể

Bước vào năm 2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Khủng hoảng tài chính của một số nền kinh tế lớn trong những năm trước đã đẩy kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái, làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, thị trường vốn, thị trường lao động và tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác. Ở trong nước, thiên tai dịch bệnh xảy ra liên tiếp trên địa bàn cả nước cũng đã gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống dân cư.

Trong bối cảnh không thuận lợi đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn 
suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; Ngày 6/4/2015, Bộ 
Chính trị đã ra Kết luận về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2015 và các giải pháp chủ yếu đến cuối năm 2015. Ngày 19/6/2015, Quốc hội Khoá XIV đã ra Nghị quyết số 72/2015/QH14 điều chỉnh mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 là “Tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó, mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế”. 

Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhạy bén, kịp thời, tập trung và quyết liệt của Đảng, Chính phủ; sự nỗ lực và chủ động khắc phục khó khăn, sự sáng tạo của các Bộ, Ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và của toàn dân nên Việt Nam đã ngăn chặn được suy giảm kinh tế, càng về cuối năm càng nâng cao được tốc độ tăng trưởng. 

3.2. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước 

Theo Tổng cục thống kê, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm 2018 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,90%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,65% và khu vực dịch vụ tăng 7,61%. Tăng trưởng quý IV/2018 thấp hơn tăng trưởng quý IV/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý IV các năm 2011-2016. Trên góc độ sử dụng GDP quý IV năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,51% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 9,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 10,69%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 9,50%. GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương cùng nỗ lực thực hiện. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2019 ước tính tăng 6,97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,62%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,92% và khu vực dịch vụ tăng 8,09%. Trên góc độ sử dụng GDP quý IV/2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,29% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 8,28%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,05%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%.

GDP năm 2019 đạt kết quả ấn tượng với tốc độ tăng 7,02% (Quý I tăng 6,82%, quý II tăng 6,73%; quý III tăng 7,48%; quý IV tăng 6,97%), vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra từ 6,6%-6,8%, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cùng nỗ lực thực hiện để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mức tăng 7,08% của năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của các năm 2011-2017. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,01%, đóng góp 4,6% vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,90%, đóng góp 50,4%; khu vực dịch vụ tăng 7,3%, đóng góp 45%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2019 duy trì mức tăng trưởng cao với 8,86%, đóng góp 2,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò chủ chốt dẫn dắt nền kinh tế tăng trưởng với mức tăng 11,29%, đóng góp 2,33 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp khai khoáng tăng nhẹ ở mức 1,29% sau 3 năm sụt giảm liên tiếp, đóng góp 0,09 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng duy trì đà tăng trưởng tích cực với tốc độ 9,1%, đóng góp 0,66 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Khu vực dịch vụ năm 2019 tăng 7,3%, chỉ thấp hơn mức tăng 7,47% của năm 2011 và 7,44% của năm 2017 trong giai đoạn 2011-2019. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm năm 2019 như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,82% so với năm 2018, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao thứ hai trong khu vực dịch vụ nhưng đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,96 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,62%, đóng góp 0,56 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ với mức tăng 9,12%, đóng góp 0,3 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,71%, đóng góp 0,28 điểm phần trăm.

Riêng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 đạt mức tăng trưởng thấp do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi, nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu. Tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2019 đạt 2,01%, chỉ cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016 trong giai đoạn 2011-2019. Ngành nông nghiệp đạt mức tăng thấp 0,61%, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2019, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,98% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,04 điểm phần trăm. Điểm sáng của khu vực này là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 6,3%, đóng góp 0,21 điểm phần trăm do sản lượng nuôi trồng và khai thác đạt khá.

Về cơ cấu kinh tế năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,96% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,49%; khu vực dịch vụ chiếm 41,64%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,91% (Cơ cấu tương ứng của năm 2018 là: 14,68%; 34,23%; 41,12%; 9,97%).

Trên góc độ sử dụng GDP năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,23% so với năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,91%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,35%.

4. Giải pháp để phát triển bền vững nền kinh tế ở Việt Nam

Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược của Đảng.

Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hoà với phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nước ta có điều kiện phát triển nhanh và yêu cầu phát triển nhanh cũng đang đặt ra hết sức cấp thiết. Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Phải đặc biệt coi trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm đáp ứng sự nghiệp đổi mới của Đảng và thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội. 

Điều cần chú ý là đổi mới hoạt động ngân hàng - tài chính là khâu đột phá trong suốt tiến trình đổi mới nền kinh tế. Cơ chế quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng - tài chính được đổi mới theo hướng thông thoáng hơn, phù hợp với tự do hóa tài chính nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức tín dụng hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế thị trường. Tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường, nhất là thị trường tài chính. Chú trọng liên kết giữa thị trường tiền tệ với thị trường vốn. Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, tăng dự trữ ngoại tệ, khuyến khích thực hành tiết kiệm trong tiêu dùng, tập trung vốn cho đầu tư phát triển. Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ được chuyển từ cơ chế kế hoạch hóa sang cơ chế điều hành dựa vào thị trường với việc từng bước loại bỏ các biện pháp kiểm soát tiền tệ trực tiếp như các kế hoạch tiền mặt, kế hoạch tín dụng, trần tín dụng ấn định lãi suất và đưa vào áp dụng các công cụ chính sách tiền tệ gián tiếp như nghiệp vụ thị trường mở, chiết khấu, dự trữ bắt buộc được vận hành linh hoạt và phù hợp với thông lệ quốc tế. 

       Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

 Phát huy mọi nguồn lực để phát triển nhanh và có hiệu quả những sản phẩm, ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế, đáp ứng nhu cầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Tăng nhanh năng suất lao động xã hội và nâng cao chất lượng tăng trưởng. Triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng tích luỹ cho đầu tư phát triển.

       Tăng nhanh năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đẩy mạnh việc ứng dụng có hiệu quả các công nghệ nhập khẩu. Đi nhanh vào công nghệ hiện đại ở những ngành và lĩnh vực then chốt để tạo bước nhảy vọt về công nghệ và kinh tế, tạo tốc độ tăng trưởng vượt trội ở những sản phẩm và dịch vụ chủ lực. Công nghiệp hoá gắn với hiện đại hoá ngay từ đầu và trong suốt các giai đoạn phát triển. Nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển kinh tế - xã hội, từng bước phát triển kinh tế tri thức ở nước ta.

       Tiếp tục phát triển các thành phần kinh tế để đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Qua hơn 20 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tựu đáng kể. Thực tiễn cho thấy phát triển kinh tế hàng hóa là giai đoạn thấp của kinh tế thị trường, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa trong điều kiện đất nước còn nghèo thì phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là đúng hướng. Những kỳ thị về kinh tế tư nhân đã dần dần không còn mặc cảm. Chính nhờ phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế trang trại đã giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho dân cư, góp phần xóa đói giảm nghèo. Trong thực tiễn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, trở thành triệu phú. Đến Đại hội Đảng X, cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân là một bước nhận thức mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Để thực hiện mục tiêu này, kinh tế nhà nước phải là đầu tàu để cùng các thành phần kinh tế khác phát triển. Kinh tế nhà nước sẽ có mặt ở những nơi khó khăn, xung yếu, làm những việc mà kinh tế tư nhân và các thành phần kinh tế khác không thể làm được, hoặc làm không hiệu quả. Điều quan trọng là bất cứ một đảng cầm quyền nào thì việc điều hành nền kinh tế - xã hội đều phải xây dựng một nền kinh tế mạnh. Sức mạnh của nền kinh tế là phải điều phối được nhịp độ tăng trưởng kinh tế, kiềm chế được tốc độ tăng lạm phát, tự chủ được tài chính quốc gia không phụ thuộc vào kinh tế bên ngoài. Sự độc lập trong tiến trình điều hành đất nước đi theo mục tiêu và định hướng đã chọn là thể hiện thế mạnh của một quốc gia. Để làm được điều đó, kinh tế nhà nước cần được nắm giữ và coi trọng phát triển.

       Phát triển các loại hình dịch vụ trong nền kinh tế thị trường sẽ tạo nguồn thu lớn thúc đẩy nền kinh tế phát triển, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Ở các nước phát triển, các loại hình dịch vụ phát triển chiếm tỷ trọng cao (Mỹ chiếm 70%, Anh, Pháp, Đức là 60%, Nhật Bản là 50%, Hàn Quốc 50%,…) trong nền kinh tế. Sở dĩ ở các nước công nghiệp có các loại hình dịch vụ phát triển. Do yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải có các dịch vụ mới thúc đẩy được sản xuất kinh doanh phát triển.

Điều đáng chú ý là các loại hình dịch vụ ở mỗi ngành lại có tính đặc thù riêng đòi hỏi phải có chuyên môn phù hợp. Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, các loại hình dịch vụ phải vươn lên phục vụ cho các nước. Vấn đề đặt ra là các loại hình dịch vụ phải chuyên sâu, có nghiệp vụ vững mới đáp ứng được yêu cầu của khách hàng trong và ngoàinước. Sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi giai đoạn đòi hỏi các loại hình dịch vụ phải vươn lên thích ứng nắm bắt để phục vụ có hiệu quả. 

5. Kết luận

Tăng trưởng là điều kiện cần, là phương tiện, còn phát triển là động lực, là mục tiêu của nền kinh tế. Để có một nền kinh tế phát triển bền vững phải có sự kết hợp chặt chẽ nhiều yếu tố như bảo vệ môi trường, có cơ cấu kinh tế một cách hợp lý và đặc biệt là phải quan tâm đến việc cải thiện các 
vấn đề xã hội và đời sống cho người dân.  Bền vững về môi trường là giữ gìn được không gian sinh tồn của con người cung cấp được tài nguyên, chứa đựng, xử lý được các phế thải, bền vững về xã hội là mở rộng cơ hội lựa chọn, nâng cao năng lực lựa chọn, mọi người cùng được tham gia và hưởng lợi từ quá trình phát triển.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Đình Mạnh, Trần Đình Hùng (2018), Phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững, Tạp chí Tài chính, Kỳ 2 tháng 6/2018.
  2. Tổng cục Thống kê (2019), Tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019.
  3. Thanh Hằng (2019). Kỷ lục mới của kinh tế Việt Nam, <http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Ky-luc-moi-cua-kinh-te-Viet-Nam/382604.vgp>

 

A DISCUSSION ON THE ECONOMIC GROWTH

AND SUSTAINABLE ECONOMIC DEVELOPMENT OF VIETNAM

Master. PHAM THI HANG

Dong Nai Technology University

PHAM THI NGOC

Van Lang University

ABSTRACT:

During the implementation of the 2001-2010 socio-economic development strategy, Vietnam took advantage of opportunities and made the most out of advantages to overcome many difficulties and challenges, especially the adverse impacts of two regional and global financial - economic crises. The country has gained great and very important achievements and completed many major goals of the national development strategy, achieving encouraged developments in terms of production forces, production relations and fast economic growth. This paper analyzes the economic development of Vietnam and proposes some solutions for Vietnam’s sustainable economic development.

Keywords: Economic growth, sustainable development, economic development strategy.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,

Số 20, tháng 8 năm 2020]