Phân tích tình hình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh bến tre theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

ThS. Nguyễn Hoàng Anh (Văn phòng Tỉnh ủy Bến Tre)

TÓM TẮT:

Bài viết tiến hành phân tích quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tại tỉnh Bến Tre giai đoạn 2015 - 2019,  từ đó đề xuất giải pháp nhằm tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Những khó khăn cũng được bài viết làm rõ bao gồm nguyên nhân chủ quan từ quá trình triển khai các chính sách của tỉnh và từ người dân, điều kiện thị trường.

Từ khóa: Tái cơ cấu nông nghiệp, Bến Tre, phát triển bền vững.

1. Đặt vấn đề

Tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn là chủ trương và mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ và các địa phương trong quá trình phát triển đất nước. Các địa phương đã mạnh dạn điều chỉnh kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhằm phù hợp hơn với tình hình thực tế, trong đó lấy nông dân là trọng tâm, doanh nghiệp là động lực của đề án tái cơ cấu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp.

Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNN) là một ngành rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bến Tre, với tỷ trọng chiếm khoảng 35% GRDP, diện tích đất nông nghiệp chiếm khoảng 75% so diện tích tự nhiên, lao động nông nghiệp/nông thôn chiếm trên 70% dân số của tỉnh (Niên giám thống kê Bến Tre, 2019).

Thời gian qua, Bến Tre đã xác định mục tiêu cần đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Kết quả, lĩnh vực NN&PTNN có bước phát triển khá tốt, đóng góp tích cực vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với tốc độ tăng trưởng bình quân ước tính giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,73%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 27 triệu lên 42 triệu/năm (Sở NN&PTNN, 2019). Tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại Bến Tre vẫn gặp những khó khăn và hạn chế nhất định.

Trong sản xuất, năng suất có tăng nhưng còn ở mức thấp, số lượng sản phẩm chưa đủ để cung ứng theo yêu cầu thị trường. Hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã chưa đủ sức để làm cơ sở tham gia liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm. Các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ và sự gắn kết chuỗi giá trị sản phẩm chưa thật sự chặt chẽ. Thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Trước tình hình đó, phân tích quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre trong thời gian qua để nhận diện những khó khăn, thách thức là yêu cầu cấp thiết để định hướng những giải pháp phù hợp nhằm phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong thời gian tới.

2. Cơ sở lý thuyết và tiếp cận nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết

Theo H. Chenery (1988), khái niệm chuyển đổi cơ cấu kinh tế là các thay đổi về cơ cấu kinh tế và thể chế cần thiết cho sự tăng trưởng liên tục của tổng sản phẩm quốc dân (GDP), bao gồm sự tích lũy của vốn vật chất và con người, thay đổi nhu cầu, sản xuất, lưu thông và việc làm. Ngoài ra, còn có các quá trình kinh tế - xã hội kèm theo như đô thị hóa, biến động dân số, thay đổi trong việc thu nhập.

Khái niệm chuyển đổi cơ cấu kinh tế được sử dụng đồng nghĩa với cụm từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, được một số tài liệu nghiên cứu khác sử dụng, về bản chất là chỉ sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế. Trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn thể hiện ở sự đa dạng hoá sản xuất, phát triển nông nghiệp toàn diện để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng lên của xã hội và phát triển ngành nghề phi nông nghiệp nhằm rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp và nông thôn, tăng năng suất lao động nông nghiệp và tăng thu nhập của hộ nông dân (Đào Thế Anh và cộng sự, 2004).

Các nghiên cứu của Nguyễn Ngọc Ngân (2017), Vũ Thanh Nguyên (2017), Nguyễn Hữu Thịnh (2018) đều đã chỉ ra các khía cạnh khi nghiên cứu về tái cơ cấu nông nghiệp, bao gồm: Đánh giá về quá trình chuyển dịch giữa các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trong ngành nông nghiệp; Đánh giá về sự chuyển dịch giữa các sản phẩm trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Nghiên cứu của Lê Thị Huyền (2016) bổ sung thêm đánh giá về chuyển dịch cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp khi nghiên cứu về tái cơ cấu nông nghiệp. Báo cáo nghiên cứu của Finn Tarp (2017) đề cập cao về vấn đề thể chế trong tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu và thay đổi nông thôn ở Việt Nam. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Chính phủ, 2013) cũng đã chỉ rõ tái cơ cấu nông nghiệp cần tập trung vào tái cơ cấu các lĩnh vực trong nông nghiệp và tái cơ cấu các sản phẩm trong từng lĩnh vực.

2.2. Tiếp cận nghiên cứu

Dựa trên các cách tiếp cận trước đây và Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của Chính phủ, khung nghiên cứu chính của bài viết bao gồm: (1) Đánh giá về quá trình chuyển dịch giữa các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trong ngành nông nghiệp; (2) Đánh giá về sự chuyển dịch giữa các sản phẩm trong từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Nghiên cứu được thực hiện thông qua các phương pháp phân tích, so sánh, tổng hợp các tài liệu, đề án, số liệu về phát triển nông nghiệp và nông thôn tại Bến Tre trong thời gian qua nhằm phân tích quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Dữ liệu được sử dụng từ nguồn dữ liệu của Cục Thống kê tỉnh Bến Tre.

3. Thực trạng tái cơ cấu nông nghiệp tại Bến Tre

3.1. Tổng quan phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre

Trong giai đoạn 2016-2019, chuyển dịch cơ cấu nông, lâm, thủy sản trong cơ cấu chung của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, theo hướng giảm dần cơ cấu này. Tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản trong GRDP giảm từ 36,4% năm 2015 xuống còn 31,57% vào năm 2019. (Bảng 1)

Trong cơ cấu đóng góp của ngành nông, lâm, thủy sản, lĩnh vực nông nghiệp luôn chiếm tỷ trọng lớn trong GRDP, trung bình là 67,62% trong toàn giai đoạn 2015 – 2019. Trong khi, lĩnh vực lâm nghiệp đóng góp không đáng kể với khoảng 0,5%, còn lại là lĩnh vực thủy sản với đóng góp 31,33%. Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch giữa lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản đã diễn ra theo xu hướng rõ rệt là đóng góp của khu vực nông nghiệp có xu hướng giảm dần và khu vực thủy sản có xu hướng tăng dần. (Hình 1)

3.2. Kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Với định hướng và chính sách phát triển nông nghiệp đồng bộ, sản xuất nông, lâm, thủy sản đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng. Trong đó, hai thế mạnh kinh tế vườn và kinh tế biển được phát huy hiệu quả, cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng năng suất, chất lượng. Bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung, đáp ứng nguồn nguyên liệu ngày càng tốt hơn cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Việc đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trồng xen, nuôi xen được đẩy mạnh, công tác kiểm soát dịch bệnh được tăng cường, hệ thống thủy lợi ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả. Chuyển dịch cơ cấu trong từng lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản đã theo hướng tích cực, giá trị gia tăng ngày càng cao.

Thứ nhất, chuyển dịch cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt. Diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế thấp hơn đang được chuyển dần sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Diện tích lúa, mía giảm dần để chuyển sang trồng dừa và các loại khác có hiệu quả hơn như cây ăn trái, rau màu, cỏ chăn nuôi. Đặc biệt là, diện tích dừa tăng và phát triển theo hướng hữu cơ, diện tích trồng cây ăn trái tăng và phát triển theo hướng chuyên canh, trồng các loại cây đặc sản có giá trị cao và sản xuất theo hướng an toàn sinh học, tiêu chuẩn GAP, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, kết hợp phát triển du lịch. (Bảng 2)

Thứ hai, chuyển dịch cơ cấu trong lĩnh vực chăn nuôi. Cơ cấu các sản phẩm gia súc và gia cầm trên địa bàn tỉnh không có sự thay đổi lớn. Quá trình chuyển dịch trong khu vực chăn nuôi được thực hiện theo hướng chăn nuôi quy mô lớn, giảm dần các hộ nhỏ lẻ, năng suất thấp. Theo đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển khá theo hướng trang trại, gia trại và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. (Bảng 3)

Thứ ba, chuyển dịch cơ cấu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh được duy trì ổn định trong giai đoạn 2015-2019. Tuy nhiên, Bến Tre đã chú trọng chuyển đổi diện tích nuôi trồng sang các sản phẩm có giá trị kinh tế cao hơn, chuyển dịch sang các sản phẩm có khả năng tăng vụ cao để gia tăng sản lượng trên cùng một diện tích. Đặc biệt là nuôi tôm chân trắng thâm canh, bán thâm canh rất có hiệu quả nên được đầu tư nuôi 2 vụ/năm, trong 2 năm gần đây hình thức nuôi tôm chân trắng hai giai đoạn đang phát triển tốt. Đến năm 2019, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 45.850 ha, sản lượng 281.000 tấn. So với năm 2015 diện tích nuôi trồng thủy sản tăng lên 542 ha, sản lượng tăng 57.517 tấn. (Bảng 4)

Thứ tư, hoạt động khai thác thủy sản ổn định và phát triển. Mô hình đánh bắt tổ, đội được nhân rộng tạo thuận lợi cho việc kết nối vệ tinh, giúp ngư dân đánh bắt dài ngày. Dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển khá tốt, năng suất, chất lượng, quy mô không ngừng được nâng lên, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hậu cần nghề cá được quan tâm đầu tư - phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu hoạt động khai thác thủy sản. Đặc biệt là, tỉnh chú trọng vào đội tàu đánh bắt xa bờ để gia tăng sản lượng và chất lượng nguồn thủy sản khai thác, gia tăng giá trị cao hơn.

3.3. Những khó khăn và nguyên nhân trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp tại Bến Tre thời gian qua còn những khó khăn, hạn chế nhất định với những nguyên nhân sau:

Một là, nhiều chính sách không phù hợp và quá trình thực thi còn nhiều bất cập. Nguyên nhân do công tác phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ giữa các Sở, ngành, tỉnh và các phòng, ban, huyện chưa thực sự nhịp nhàng nên việc triển khai các chính sách của Trung ương lẫn địa phương chưa thật sự hiệu quả.

Hai là, sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún, bó hẹp trong mô hình kinh tế hộ. Điều này xuất phát từ tư duy sản xuất nông nghiệp, tư duy kinh tế nông nghiệp theo quy mô lớn của người nông dân và cả đội ngũ quản lý tại địa phương còn hạn chế. Bên cạnh đó, nguồn lực sản xuất tự có hạn hẹp, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay khó khăn cũng khiến quy mô sản xuất nông nghiệp theo hộ gia đình là chủ yếu.

Ba là, chưa hình thành và vận hành được chuỗi giá trị bền vững nên giá trị gia tăng trong nông nghiệp chưa cao. Nguyên nhân là do liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ dịch vụ đầu vào và ký kết tiêu thụ sản phẩm đầu ra chưa bền vững. Điều này xuất phát từ cả người dân và doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị. Nhiều doanh nghiệp phá vỡ các liên kết do thị trường đầu ra bị hạn chế đã làm mất lòng tin của người dân, trong khi đó người dân cũng không tuân thủ các liên kết đã ký kết vì những lợi ích nhất thời.

Bốn là, các hình thức kinh tế tập thể chưa phát huy hiệu quả trong thời gian dài. Nguyên nhân là do đa số các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh mới được thành lập, quy mô còn nhỏ lẻ, chưa có hợp đồng đầu ra ổn định, dẫn đến giảm sức thu hút người dân tự nguyện tham gia.

Năm là, điều kiện tự nhiên, địa lý của Bến Tre còn nhiều khó khăn. Bến Tre là tỉnh có địa hình chia cắt, sông ngòi chằng chịt, địa chất công trình yếu,... nên chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình thủy lợi đầu mối tốn nhiều chi phí, dẫn đến đầu tư thiếu đồng bộ và chậm phát huy hiệu quả sử dụng công trình.

Sáu là, quá trình tích lũy ruộng đất khó thực hiện để sản xuất theo quy mô lớn. Tích tụ đất đai được xem là điều kiện tiên quyết để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, là nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững. Nguyên nhân do mật độ dân số ở Bến Tre đông, diện tích sản xuất nông nghiệp bình quân đầu người thấp nên khó tập trung, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô trang trại.

4. Một số định hướng, giải pháp phát triển

Với thực trạng tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bản tỉnh cũng như những hạn chế và nguyên nhân đã nhận diện được, thời gian tới, Bến Tre cần chú trọng vào các vấn đề trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững:

Về cải cách thể chế, đẩy mạnh thực thi các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác (hợp tác xã, tổ hợp tác) các nhóm kinh tế tự nguyện tham gia vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp. Trong đó, cần tăng cường sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng trong các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn và chuyển giao một số chức năng dịch vụ công của Nhà nước cho các hiệp hội (xúc tiến thương mại, khuyến nông, dự báo thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, xử lý tranh chấp...). Cần đẩy mạnh mối quan hệ liên kết giữa Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Nâng cao năng lực tổ chức quản lý và hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp trong việc cung cấp dịch vụ nông nghiệp đầu vào, chế biến nông sản và tiếp cận thị trường cho các thành viên.

Về hoàn thiện hệ thống chính sách, tỉnh cần tập trung xây dựng các chính sách để phát triển và đa dạng hóa các hình thức khuyến nông, giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác và nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thất thoát sau thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ nông dân kết nối với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm, từng bước hình thành mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng kết nối sản xuất. Bên cạnh đó, cần hạn chế việc thu hồi đất nông nghiệp cho các mục đích khác, tạo điều kiện thuận lợi về chính sách để nông dân chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ ngành, đạt hiệu quả sử dụng cao hơn, đặc biệt là chuyển đổi đất lúa sang các lĩnh vực nông nghiệp khác.

Về quy hoạch phát triển nông nghiệp, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế của tỉnh, đảm bảo thực hiện chiến lược phát triển xanh và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, loại bỏ các dự án treo, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, nhất là sự kết hợp giữa quy hoạch tổng thể của tỉnh với quy hoạch ngành, lĩnh vực và thực hiện công khai, minh bạch đối với các loại quy hoạch.

Về khuyến khích, thu hút đầu tư tư nhân, Bến Tre cần đẩy mạnh hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chuyển dần việc cung cấp một số dịch vụ công sang cho tư nhân và các tổ chức xã hội thực hiện, tăng tỷ lệ vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp. Bên cạnh đó, phát triển các hình thức đầu tư có sự tham gia giữa Nhà nước và tư nhân (đối tác công tư, hợp tác công tư,...) để huy động nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2013), Quyết định số 899/QĐ-TTg về phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
  2. Cục Thống kê tỉnh Bến Tre (2019), Niên giám thống kê 2019.
  3. Finn Tarp (2017), Tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu và thay đổi ở nông thôn Việt Nam, Báo cáo của Viện Nghiên cứu Thế giới về Kinh tế Phát triển, Đại học Liên hợp quốc (UNU-WIDER).
  4. Nguyễn Ngọc Ngân (2017), “Đánh giá sự chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trong vùng đê bao khép kín - Trường hợp nghiên cứu tại huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang”, Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ, Số (2017) (2): 78-86.
  5. Nguyễn Hữu Thịnh (2018), Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang để ứng phó với biến đối khí hậu, Luận án tiến sĩ kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
  6. Lê Thị Huyền (2018), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành trong nông nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên, Luận án tiến sĩ kinh tế, Trường Đại Học Kinh Tế - Đại học quốc gia Hà Nội.
  7. Vũ Thanh Nguyên (2017), Xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp hiện đại ở tỉnh Hải Dương, Luận án tiến sĩ kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương.
  8. Sở Nông nghiệp và PTNT Bến Tre (2019), Báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết, các Chương trình hành động về phát triển nông nghiệp, nông thôn, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020. Đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh giai đoạn 2020-2025 theo hướng sản xuất xanh, sạch, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh, hiệu quả và tính bền vững.

Analyzing the agricultural restructuring process of Ben Tre Province in directtions of increasing added value and developing sustainably

Master. Nguyen Hoang Anh

Office of Provincial Party Committee, Ben Tre Province

ABSTRACT:

This paper analyzes the agricultural restructuring process of Ben Tre Province in the period of 2015-2019, thereby proposing solutions to restructure the provincial agricultural sector in the direction of increasing added value. This paper also presents difficulties including subjective reasons from the policy implementation of tthe province and local people and from market conditions. In the coming time, it is necessary for Ben Tre Province to implement synchronous solutions, in which paying attention to the issues of institutional reform, perfect the system of policies, promote agricultural development, and encourage and attract private investment to restructure the provincial agricultural sector in directtions of increasing added value and developing sustainably.

Keywords: Agricultural restructuring, Ben Tre Province, sustainable development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]