Một số giải pháp giảm bội chi ngân sách theo dự toán của năm 2023

THS. NGUYỄN THỊ THU TRANG (Khoa Quản trị và Marketing, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Năm 2022, Bộ Tài chính dự kiến mức bội chi là 372,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng khoảng 4% GDP (bằng tỷ lệ dự toán năm 2021). Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 21 - 22% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN). Đến cuối năm 2022, nợ công khoảng 43 - 44% GDP. Dự kiến bội chi giai đoạn 2022 - 2024 là khoảng 3,8%GDP. Nợ công đến năm 2024 khoảng 43 - 44% GDP. Để bảo đảm bội chi theo dự toán của năm 2023 ở mức 455,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP, cần có hệ thống giải pháp tháo gỡ các khó khăn. Bài viết bàn về thực trạng bội chi NSNN trong một số năm gần đây, đồng thời đề xuất giải pháp kế hoạch tài chính đến năm 2025.

Từ khóa: bội chi ngân sách, bội thu, bội chi, GDP.

1. Đặt vấn đề

Bội chi và thâm hụt là hai cách gọi khác nhau của cùng một hiện tượng khi tổng nguồn thu không đủ trang trải tổng các nhiệm chi của một Chính phủ, một địa phương, một đơn vị trong một thời kỳ nhất định (thường là 1 năm). Bội chi NSNN tức là các khoản chênh lệch thiếu giữa tổng các nguồn thu so với tổng các khoản chi của NSNN trong 1 năm. Tuy nhiên, vấn đề quy định các khoản thu, chi (NSNN) để xác định bội chi ở mỗi quốc gia thường không hoàn toàn giống nhau.

Cách tính chi ở Việt Nam bao gồm cả chi nợ gốc và lãi, không bao gồm các khoản vay về cho vay lại. Còn theo thông lệ quốc tế, chi chỉ bao gồm các khoản trả nợ lãi, không bao gồm trả nợ gốc. Do đó, điều quan trọng trong quản lý bội chi không phải là sự tính toán đơn thuần lấy tổng thu trừ đi tổng chi, mà phải xác định hợp lý và quy định hợp pháp những khoản tiền nào được tính vào tổng thu, những khoản nào được tính vào tổng chi của NSNN trong từng năm.

2. Thực trạng bội chi ngân sách nhà nước

Quyết toán số bội chi NSNN năm 2018 là 153.110 tỷ đồng, bằng 2,8% GDP thực hiện, giảm 50.890 tỷ đồng (0,9% GDP) so với dự toán Quốc hội quyết định; trong đó, ngân sách địa phương (NSĐP) quyết toán không bội chi; ngân sách Trung ương (NSTW) quyết toán bội chi 153.110 tỷ đồng, bằng 2,8% GDP.

Quyết toán số bội chi NSNN 2019 là 161.491 tỷ đồng, bằng 2,67% GDP thực hiện, giảm 60.509 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định; trong đó, NSĐP quyết toán không bội chi, giảm so với dự toán 12.500 tỷ đồng; NSTW quyết toán bội chi 161.491 tỷ đồng, giảm 48.009 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định. Bội chi NSNN năm 2019 so với năm 2018 tăng từ 153.110 lên 161.491 tỷ đồng tăng 8.381 tỷ đồng(+5,5%).

Năm 2020, bội chi NSNN là 251.350 tỷ đồng, bằng 3,99% GDP thực hiện (trong đó, bội chi NSTW chỉ tăng 20,9% mức tăng Quốc hội cho phép). Bội chi NSNN năm 2020 so với năm 2019 tăng từ 161.491 tỷ đồng lên 251.350 tỷ đồng, tăng 89.859 tỷ đồng (+55,6%).

Bội chi NSNN năm 2021 là 286.500 tỷ đồng, giảm 57,2 nghìn tỷ đồng so dự toán, bằng 3,41% GDP thực hiện. Bội chi NSNN năm 2021 so với năm 2020 tăng từ 251.350 lên 286.500 tỷ đồng tăng 35.150 tỷ đồng (+13,9%). (Xem Bảng)

Để ứng phó với dịch Covid-19, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều chính sách về thu, chi NSNN đã được ban hành và triển khai thực hiện trong năm 2021, với phương châm đơn giản hóa quy trình, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tránh việc lợi dụng chính sách để trục lợi từ NSNN. Kết quả cụ thể như sau:

Về chính sách thu NSNN: đã kịp thời ban hành các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, tiền thuê đất, phí và lệ phí... để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho khoảng 121,5 nghìn doanh nghiệp và 19,1 nghìn hộ gia đình, với giá trị thực hiện khoảng 125,4 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành trong năm 2020, nhưng tiếp tục được thực hiện trong năm 2021), trong đó, số gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 99,9 nghìn tỷ đồng; số miễn, giảm thuế, phí, lệ phí khoảng 25,5 nghìn tỷ đồng.

Về chính sách chi NSNN: trong tổ chức triển khai thực hiện đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, nỗ lực cao nhất để kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Đến hết năm 2021, NSNN đã chi 77,6 nghìn tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân (trong đó NSTW đã chi 26,3 nghìn tỷ đồng, NSĐP đã sử dụng 51,3 nghìn tỷ đồng). Bên cạnh đó, đã thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19, với số tiền huy động đến hết ngày 31/12/2021 đạt 8,803 nghìn tỷ đồng. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chi 7,95 nghìn tỷ đồng từ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để mua khoảng 75 triệu liều vắc-xin.

Cùng với nguồn chi trực tiếp từ NSNN, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân còn được thực hiện thông qua các Quỹ bảo hiểm (Bảo hiểm xã hội; Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Bảo hiểm thất nghiệp) với số tiền khoảng 43,37 nghìn tỷ đồng.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng thu 1.327.289 tỷ đồng, tổng chi là 1.086.300 tỷ đồng, bội chi NSNN là 240.989 tỷ đồng; thu NSNN bằng 94% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Đánh giá cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán. Về chi ngân sách, ước hết tháng 9/2022 đạt 60,9% dự toán; trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 48,1% dự toán (46,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Đánh giá cả năm, chi NSNN đạt 2.035,4 nghìn tỷ đồng, bằng 114,1% dự toán; trong đó: giải ngân vốn đầu tư ước đạt khoảng 96% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; chi trả nợ lãi đạt 96,1%; chi thường xuyên đạt 100,7% dự toán. Đến hết tháng 9/2022 đã sử dụng 3,43 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022, chủ yếu để hỗ trợ các địa phương chi phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân (khoảng 2,76 nghìn tỷ đồng). Số dự phòng còn lại (khoảng 17,07 nghìn tỷ đồng), tiếp tục tập trung ưu tiên cho công tác phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, hỗ trợ người dân và các nhiệm vụ cấp bách khác trong những tháng cuối năm. Về cân đối NSNN, bội chi tăng thêm cho nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và dự án cần đẩy nhanh tiến độ của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội là 0,41% GDP. Theo đó, bội chi ngân sách năm 2022 ước thực hiện bằng 4,5% GDP, trong phạm vi Quốc hội cho phép. Trong điều hành, Chính phủ đã và đang chỉ đạo phấn đấu tăng thu ngân sách, rà soát tiết kiệm chi, cắt giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết để tiếp tục giảm mức bội chi so với báo cáo.

Với các giải pháp chính sách tài khóa nêu trên, kết hợp việc tập trung triển khai quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời chính sách, qua đó giúp cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, duy trì các hoạt động sản xuất - kinh doanh, từng bước thích ứng với trạng thái bình thường mới, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những con số cũng cho thấy tình hình bội chi liên tục tăng qua các năm, cơ cấu tăng thu ngân sách nhà nước vẫn chưa vững chắc, tỷ trọng tăng thu từ đất còn lớn. Thu ngân sách địa phương không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán; tồn tại bất cập trong phân cấp nguồn thu giữa trung ương và địa phương. Do đó, cần có những giải pháp nhằm phấn đấu giảm mức bội chi.

3. Một số giải pháp giảm bội chi ngân sách

Một là, tiếp tục cân đối NSNN theo các mục tiêu tại Kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025 và bảo đảm thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, như: Kinh phí bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội; Cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức; Thực hiện chuẩn nghèo, các chính sách an sinh xã hội; Các chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt... Bội chi NSNN các năm 2024-2025 phấn đấu giảm dần để giữ tỷ lệ bình quân giai đoạn 5 năm theo Kế hoạch tài chính 2021-2025 theo Kết luận số 24-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Hai là, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương theo quy định. Trong giai đoạn 2023-2025, cho phép tiếp tục loại trừ một số khoản thu khi tính tăng thu NSĐP so với dự toán để dành nguồn cải cách tiền lương như tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội. Năm 2023 sẽ triển khai các chính sách tiền lương. Từ ngày 01/01/2023, sẽ thực hiện điều chỉnh tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Kết luận 25-KL/TW ngày 30/12/2021 của Bộ Chính trị. Từ ngày 01/7/2023, sẽ thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%), đồng thời tăng 12,5% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do ngân sách đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp.

Ba là, có giải pháp ứng biến trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống của người dân và tăng trưởng kinh tế. Chính phủ trình Quốc hội cho phép giảm tối đa 50% mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế giá trị gia tăng đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cụ thể.

Bốn là, Chính phủ cần đánh giá kỹ về ước thực hiện các khoản thu ngân sách nhà nước năm 2023, bảo đảm thu đúng, thu đủ, sát với tình hình thực tế. Báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong việc nhiều năm liền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp không đạt dự toán; đánh giá kỹ nguyên nhân của tình trạng nợ thuế có xu hướng tăng. Đồng thời cần giải quyết một số vấn đề nổi lên trong việc phân bổ, giao dự toán chi đầu tư phát triển, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển. Hơn nữa, Chính phủ đánh giá khả năng giải ngân vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đến hết tháng năm 2023, khả năng hoàn thành dự toán, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục.

Năm, Bộ Tài chính cần quyết liệt thực hiện thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất, trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý thu; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu. Bộ điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định; tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu... Bộ kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ của chính quyền địa phương, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Bộ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế kiểm tra giám sát bảo đảm sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế...  

Đồng thời, ngành Tài chính phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa theo các chính sách đã ban hành và dự kiến ban hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài chính tiếp tục tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước, xây dựng Chính phủ số; tiếp tục nghiên cứu các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiết giảm chi phí cho sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn làm cho người dân, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững; thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (2022), Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm 2022.
  2. Quốc hội (2015), Luật Ngân sách Nhà nước số 83/2015/QH13.
  3. Quốc hội (2022), Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.
  4. Quốc hội (2022), Nghị quyết số 70/2022/QH15 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2023.
  5. Hoàng Yến, (2022), Năm 2023: Dự toán tổng chi cân đối ngân sách hơn 2,076 triệu tỷ đồng, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, truy cập tại:  https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM248574

 Some solutions to reduce the budget deficit of Vietnam in 2023

Master. Nguyen Thi Thu Trang

Faculty of Marketing and Management, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

The Ministry of Finance estimates that the budget deficit of Vietnam is of 372.9 trillion dong, equal to about 4% of the national GDP in 2022 (equal to the estimate rate in 2021). The government's debt repayment is about 21-22% of the total state budget. By the end of 2022, the public debt is estimated about 43-44% of the national GDP. The country’s budget deficit in the period from 2022 to 2024 is expected to be about 3.8% of the national GDP. The country’s public debt is expected to reach 43-44% of the national GDP by 2024. In order to ensure the budget deficit in line with the estimate of 2023 at 455.5 trillion VND, equal to 4.42% of the national GDP, it is necessary to have a system of solutions to remove fiscal difficulties facing Vietnam. This paper presents an overview of Vietnam’s state budget deficit  in recent years, and proposes financial solutions for Vietnam by 2025.

Keywords: budget deficit, overspending, GDP.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2 tháng 1 năm 2023]