Một số giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam

THS. PHẠM PHÚ THÁI (Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Đông Á)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích, đánh giá vai trò của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong quản lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về thực trạng nợ xấu và quản lý của NHNN đối với nợ xấu của hệ thống NHNN Việt Nam, tác giả đề xuất các nhóm giải pháp đối với NHNN. Nhóm giải pháp tập trung vào 4 vấn đề: (1) môi trường pháp lý về hoạt động tín dụng và quản lý nợ xấu của NHNN, (2) tổ chức thực hiện quản lý của NHNN đối với nợ xấu của hệ thống NHNN Việt Nam, (3) kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng và nợ xấu của các NHNN, và (4) xử lý vi phạm của NHNN khi có nợ xấu vượt ngưỡng trong hoạt động tín dụng.

Từ khóa: Quản lý nhà nước, nợ xấu, ngân hàng thương mại, hệ thống ngân hàng thương mại, Việt Nam.

1. Mở đầu

Trong bối cảnh thị trường tài chính mở rộng như hiện nay, hệ thống NHTM Việt Nam đang chuyển mình trong xu thế toàn cầu hóa. Giữa áp lực cạnh tranh trên con đường hội nhập, hoạt động tín dụng của các NHTM luôn được mở rộng và phát triển, tuy nhiên vấn đề rủi ro tín dụng, nợ xấu vẫn chưa thực sự được kiểm soát và xử lý hiệu quả. Nhận thức được tầm quan trọng này, hoạt động quản lý nợ xấu của NHNN được chú trọng hàng đầu.

Từ năm 2012, NHNN đã có những định hướng và giải pháp cụ thể theo lộ trình cho hoạt động quản lý nợ xấu. Nhờ vậy, nợ xấu của hệ thống NHTM Việt Nam đã dần được kiểm soát. Tuy nhiên, tín dụng là hoạt động thường nhật của các NHTM, do đó nợ xấu luôn tồn tại và có xu hướng tăng mạnh gây ảnh hưởng đến toàn ngành.

Xuất phát từ thực tế đó, tác giả thực hiện nghiên cứu các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước đối với nợ xấu của hệ thống NHTM tại Việt Nam. Mục đích nhằm hệ thống hóa, mở rộng thêm cơ sở lý luận và thực trạng về quản lý của NHNN đối với nợ xấu của hệ thống NHTM Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý của NHNN đối với nợ xấu của hệ thống NHTM Việt Nam.

2. Tổng quan nghiên cứu về quản lý nhà nước đối với nợ xấu của NHTM

Nợ xấu là một trong những vấn đề chính yếu mà các ngân hàng liên tục phải đối mặt. Nợ xấu trong hoạt động tín dụng của NHNN phát sinh do các nguyên nhân sau (Beck và các cộng sự, 2013):

Thứ nhất, các yếu tố khách quan của môi trường xung quanh: Môi trường thiên nhiên như thiên tai, hỏa hoạn, bão lụt,...; môi trường pháp lý; sự yếu kém trong hoạt động kinh doanh của khách hàng; đạo đức khách hàng (Nguyễn Lê Nguyên Dung, 2019).

Thứ hai, các yếu tố kinh tế vĩ mô: Theo Fisher (1933), trong giai đoạn mở rộng của nền kinh tế, nợ xấu rất ít khi xảy ra. Nhưng đến thời kỳ bùng nổ tiếp theo, khi tín dụng được mở rộng và áp dụng các khách hàng có chất lượng thấp, tình trạng nợ xấu gia tăng cho đến khi giai đoạn suy thoái kinh tế diễn ra.

Thứ ba, nguyên nhân chủ quan: Sự tăng trưởng nhanh chóng của các khoản cho vay (Sinkey và Greenwalt, 1991); lãi suất cao (Rajan và Zingales, 2003); các điều khoản tín dụng dễ dãi (Waweru và Kalini, 2009).

Quản lý nhà nước đối với nợ xấu tại các NHNN là sự tác động có tổ chức, mang tính quyền lực công của NHNN và các cơ quan trong bộ máy của NHNN, thông qua hệ thống pháp luật và chính sách để điều chỉnh các hành vi và quy trình tín dụng của NHNN, nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng. Trong đó, nhà nước thực thi các biện pháp nhằm phòng ngừa và hạn chế sự phát sinh của nợ xấu cũng như các biện pháp xử lý nợ xấu để các NHNN tăng doanh thu, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của mình.

Hoạt động quản lý nợ xấu của Nhà nước bao gồm: Nhận diện nợ xấu, các biện pháp phòng ngừa nợ xấu và xử lý nợ xấu, trong đó bao gồm các biện pháp thu hồi nợ xấu phát sinh để các NHNN hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững. Vấn đề quan trọng nhất trong hoạt động quản lý nợ xấu là tiến hành các biện pháp hạn chế nợ xấu phát sinh, bởi khi nợ xấu gia tăng, sự phát triển của nền kinh tế, của cả hệ thống tài chính sẽ bị ảnh hưởng. Tùy vào đặc điểm ngân hàng ở mỗi quốc gia mà có những mô hình quản lý nợ xấu khác nhau, nhưng theo Ghosh (2015), quản lý nợ xấu là một quá trình phải được thực hiện liên tục thì hoạt động tín dụng của các NHNN mới có thể đảm bảo được sự an toàn, hiệu quả và phát triển bền vững.

Quản lý của Nhà nước đối với nợ xấu của NHNN cần thiết khách quan xuất phát từ 4 yếu tố sau:

Thứ nhất, xuất phát từ chức năng chung của Nhà nước: Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước không chỉ đóng vai trò bảo vệ cho nền kinh tế mà còn phải tham gia vào quá trình điều tiết các ngành và lĩnh vực để đạt được mục tiêu phát triển đã đề ra. Sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, quá trình hội nhập có tầm ảnh hưởng sâu rộng và tác động lớn đến định hướng chính trị và pháp lý của mỗi nước.

Thứ hai, xuất phát từ vai trò quan trọng của NHNN trong nền kinh tế: Sự ổn định của hệ thống NHNN chính là cơ sở để một nền kinh tế có thể phát triển bền vững. Cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã cho thấy hoạt động của hệ thống NHNN đã tác động đến nền kinh tế như thế nào. Vì vậy, việc quản lý nợ xấu thông qua NHNN của Nhà nước phải được xây dựng và triển khai một cách đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế (Zhu Ning, Wang Bing và Wu Yanrui, 2015).

Thứ ba, xuất phát từ đặc điểm hoạt động kinh doanh: So với các loại hình kinh doanh khác, hoạt động của NHNN có độ rủi ro cao hơn và có ảnh hưởng lớn, mang tính dây chuyền đối với nền kinh tế. Vì thế, hoạt động của các ngân hàng thường được điều chỉnh và kiểm soát chặt chẽ thông qua những đạo luật riêng biệt để đảm bảo sự vận hành an toàn và hiệu quả của hoạt động này.

Thứ tư, xuất phát từ vai trò quản lý vĩ mô về tài chính ngân hàng của Nhà nước: Nhà nước sử dụng hệ thống tài chính tiền tệ là công cụ trong quản lý nền kinh tế ở mức độ vĩ mô nên có thể nói hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế. Sự phát triển hay trì trệ của hệ thống ngân hàng sẽ tỷ lệ thuận với sự phát triển kinh tế của đất nước. Nhà nước cần quản lý hoạt động tín dụng và nợ xấu của các NHNN thông qua NHNN để đảm bảo sự phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường tiền tệ (Rose, 2004).

3. Thực trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam

Nợ xấu hiện nay có xu hướng tăng cao ở một số NHNN, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế và làm giảm lãi suất cho vay. Theo số liệu thống kê từ báo cáo tài chính quý I/2019 của các NHNN cho thấy, đến hết quý I/2019, tổng số nợ xấu nội bảng ước tính là 84.200 tỷ đồng, tăng so với điểm đầu năm. Nhìn chung số NHTM có nợ xấu tăng vẫn chiếm tỷ trọng cao, có tới 15 trong 22 ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối tăng. Bức tranh về tình hình nợ xấu của các NHNN Việt Nam có thể nhìn qua tiêu chí tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ hay còn được gọi là tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước giai đoạn 2010 – 2018 (Hình 1).

Hình 1: Tổng nợ xấu của hệ thống NHTM Việt Nam giai đoạn 2010-2018

Vai trò của NHNN về quản lý nhà nước đối với nợ xấu của hệ thống NHTM thể hiện qua việc NHNN xây dựng khuôn khổ pháp lý đối với sự hoạt động các NHTM ở Việt Nam. NHNN đã chủ trì soạn thảo, xây dựng, bổ sung và sửa đổi các khuôn khổ pháp lý về điều chỉnh tổ chức và hoạt động của các NHNN, các tổ chức tín dụng để trình lên các cấp có thẩm quyền.

Kể từ năm 1990 đến nay đã có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật về tiền tệ trong ngành ngân hàng. Luật NHNN Việt Nam và Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) tạo cơ sơ pháp lý để NHNN nâng cao trách nhiệm, thẩm quyền và sự chủ động trong việc quản lý, giám sát an toàn hoạt động của các NHTM.

NHNN đã ban hành hệ thống các quy định trong hoạt động của hệ thống ngân hàng bao gồm quản lý rủi ro, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn, tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, mức độ đủ vốn, minh bạch hóa hoạt động của ngân hàng.

Để đảm bảo sự an toàn, chặt chẽ trong hoạt động của các NHTM, NHNN đã lập và thực hiện các đề án cơ cấu và kiểm soát nợ xấu ở các NHTM, được chia làm 2 giai đoạn chính 2011-2015 và 2016-2020. Trước tình hình nợ xấu gia tăng sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, NHNN thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” ban hành theo Quyết định số 254/QĐ-TTg. Khi thực hiện đề án này, phía NHNN đã đánh giá lại thực trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, xây dựng và đệ trình lên Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 843/2013/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 về phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)”.

Về phía Nhà nước, NHNN chỉ đạo và kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các NHTM và các TCTD, bao gồm: Các nội dung kiểm soát tăng trưởng tín dụng và nâng cao chất lượng tín dụng; hoàn thiện các văn bản pháp lý hỗ trợ cho quá trình đánh giá; kiểm tra, kiểm soát và xử lý nợ xấu; trích loại và sử dụng dự phòng rủi ro hiệu quả nhất. Nhờ đó các NHMT hoạt động an toàn hơn và thúc đẩy xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.

Khuôn khổ pháp lý về mua bán, xử lý nợ xấu thuộc phạm vi quản lý của NHNN gồm: Thứ nhất, ban hành các văn bản quy định về thành lập, cơ cấu tổ chức và hoạt động của VAMC; Thứ hai, ban hành quy định mới về mua, bán nợ của các TCTD; Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành ban hành các văn bản quy định về hoạt động xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của TCTD và VAMC.

Giai đoạn tiếp theo, Đề án “Cơ cấu hệ lại thống TCTD gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2016-2020” được ban hành kèm theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg. Ở đề án này, NHNN yêu cầu các NHTM rà soát lại toàn bộ thực trạng nợ xấu, hướng dẫn công tác thu giữ tài sản được xác định theo các quy định tại Nghị quyết 42; thành lập Ban chỉ đạo, các tổ công tác xử lý nợ xấu và ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị.

NHTM có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, tập huấn nội dung Nghị quyết cho cán bộ từ Hội sở đến các chi nhánh trong toàn hệ thống. Các NHTM phối hợp với VAMC, các đơn vị liên quan, chính quyền các cấp để tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ trong quá trình xử lý nợ xấu; truyền thông đến khách hàng đang có nợ xấu theo Nghị quyết số 42 hiểu rõ quyền lợi hợp pháp của TCTD cũng như trách nhiệm trả nợ của khách hàng.

Bên cạnh đó, các ngân hàng tích cực đôn đốc, yêu cầu khách hàng trả nợ, vận dụng linh hoạt các giải pháp hỗ trợ để xử lý tài sản đảm bảo có hiệu quả. Đồng thời, NHNN tiếp tục yêu cầu các TCTD phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định và tăng cường công tác quản lý rủi ro, nâng cao năng lực quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ để phòng ngừa, kiểm soát nhằm hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và định kỳ báo cáo NHNN tình hình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

NHNN cũng chỉ đạo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố yêu cầu các chi nhánh TCTD trên địa bàn chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về cấp tín dụng, bảo đảm tiền vay, các quy định an toàn trong hoạt động. Các TCTD phải có văn bản cảnh báo nợ xấu đối với các QTDND có nợ xấu vượt mức cho phép; đồng thời thanh tra, giám sát công tác tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý thu hồi nợ, phát hiện và xử lý kịp thời các TCTD và cá nhân có hành vi vi phạm nhằm nâng cao chất lượng tín dụng.

Đối với VAMC, NHNN giao nhiệm vụ hoàn thiện việc sửa đổi và ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ phù hợp với các quy định mới; ký thỏa thuận hợp tác, phối hợp với một số TCTD (6 TCTD: Agribank, BIDV, Vietinbank, ACB, Sacombank, Techcombank, không bao gồm hệ thống QTDND) thí điểm triển khai đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42; hoàn thiện phương án mua nợ xấu theo giá thị trường, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền và khách hàng vay để hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý và đề nghị được áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao và xử lý TSBĐ; đánh giá thực trạng các khoản nợ, nợ xấu và tài sản đảm bảo cho các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ, từ đó, có biện pháp xử lý phù hợp; tích cực tìm kiếm các đối tác mua nợ đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ.

Để giám sát, kiểm soát nợ xấu của các NHTM, NHNN còn chú trọng xây dựng, tổ chức bộ máy quản lý đối với hoạt động NHTM ở Việt Nam, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng được các yêu cầu và nhiệm vụ trong công tác của NHNN trong việc điều tra, đánh giá nợ xấu của NHTM. NHNN hiện nay còn sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát nợ xấu, đề phòng rủi ro đối với các NHTM bằng các công cụ như, dự trữ bắt buộc, tái cấp vốn,… góp phần đảm bảo hệ thống NHTM hoạt động an toàn.

Ngoài ra, công tác thanh tra, giám sát các NHTM trong lĩnh vực nợ xấu vẫn được NHNN thực hiện theo định kì. Hoạt động thanh tra, giám sát của NHNN được quy định trong Luật NHNN năm 2010. Tổ chức bộ máy thanh tranh giám sát được cơ cấu nhằm nâng cao năng lực hoạt động. NHNN thực hiện giám sát từ xa dựa trên cơ sở nợ bằng các nội dung: diễn biến cơ cấu tài sản Nợ và Có, chất lượng tài sản có, vốn tự có, tình hình thu nhập, việc thực hiện các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động. Buộc các NHTM phải thực hiện chuẩn mực quốc tế về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Các chuẩn mực quốc tế Basel I, II đang được áp dụng tại nhiều NHTM hiện nay để quản trị rủi ro tốt hơn.

4. Giải pháp đề xuất

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu định lượng, tác giả đề xuất một số giải pháp với NHNN Việt Nam, gồm:

Thứ nhất, giải pháp xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của các NHTM và quản lý của NHNN. NHNN cần chú trọng tập trung việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động NHTM theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam. Đây là một trong các nhân tố quan trọng để thúc đẩy, hỗ trợ tích cực cho hoạt động của NHTM phát triển ổn định, an toàn và bền vững.

Thứ hai, giải pháp đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc NHTM. Quản lý của NHNN đối với hoạt động của các NHTM sẽ kém hiệu quả, nếu quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng kéo dài. Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bao gồm các hoạt động như: Giải thể một số ngân hàng yếu kém; tiến hành sáp nhập một số ngân hàng yếu vào ngân hàng khoẻ mạnh; củng cố tổ chức và hoạt động của các ngân hàng còn lại trong hệ thống.

Thứ ba, giải pháp tập trung, xử lý nợ xấu đối với các NHTM. Theo đó, cần tập trung xử lý, giải quyết được cơ bản vấn đề nợ xấu của các NHTM, từ đó sẽ khơi thông được dòng tín dụng, ổn định tính thanh khoản toàn hệ thống, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của NHNN đối với hoạt động của các NHTM.

Thứ tư, giải pháp về xử lý sở hữu chéo trong hệ thống các NHTM. NHNN cần có đánh giá đầy đủ về tình hình sở hữu chéo trong hệ thống NHTM, từ đó rà soát lại các quy định pháp lý để tiến hành sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng ban hành mới các quy định để kiểm soát, hạn chế, ngăn ngừa các tác động tiêu cực của sở hữu chéo đối với NHTM.

Thứ năm, giải pháp hoàn thiện cơ chế thanh tra, giám sát đối với hoạt động NHTM. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến thanh tra, giám sát NHTM: Cần chú trọng việc xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn về thanh tra, giám sát NHTM, vì đây là một trong những tiền đề quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát. Hệ thống pháp luật nói chung, các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng nói riêng cần được ban hành đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, được hướng dẫn triển khai thực hiện kịp thời; tránh chồng chéo trong áp dụng. Đặc biệt các văn bản pháp luật liên quan đến việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các tội phạm kinh tế liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Cần khắc phục và tránh tình trạng như trước đây, khi luật hết hiệu lực nhưng văn bản hướng dẫn luật vẫn còn hiệu lực. Các quy định khác nhau trong nguyên tắc áp dụng luật chuyên ngành, nhất là các quy định còn chung chung do sử dụng từ ngữ trong các quy định của luật. Còn không ít văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, nhưng chưa có quy định về chế tài xử lý, dẫn đến việc gây nhiều tranh cãi và khó khăn cho công tác thanh tra, giám sát…

Thứ sáu, đổi mới cơ chế chỉ đạo điều hành hoạt động thanh tra, kiểm tra và giám sát ngân hàng. Đồng bộ và thống nhất công tác quản lý mang tính hệ thống từ trung ương đến địa phương và tạo sự tương thích với xu hướng quản trị rủi ro tập trung của các NHTM hiện nay. Xuất phát từ thực tế, cơ chế chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm tra giám sát nợ xấu của NHNN hiện nay tập trung ở NHNN cấp trung ương. Điều này dẫn đến một số vụ việc vi phạm về quản lý nợ xấu không được phát hiện xử lý kịp thời. NHNN cần phân rõ trách nhiệm gắn với từng vị trí đảm nhiệm trong hệ thống cơ quan thanh tra từ trung ương tới địa phương.

5. Kết luận

Nghiên cứu phân tích hoạt động quản lý của NHNN đối với nợ xấu của hệ thống NHNN Việt Nam. Tác giả đã phân tích thực trạng nợ xấu và quản lý của NHNN đối với nợ xấu của hệ thống NHNN Việt Nam hiện nay. Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất các nhóm giải pháp đối với NHNN tập trung vào giải quyết 4 vấn đề, bao gồm: (1) môi trường pháp lý về hoạt động tín dụng và quản lý nợ xấu của NHNN, (2) tổ chức thực hiện quản lý của NHNN đối với nợ xấu của hệ thống NHNN Việt Nam, (3) kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng và nợ xấu của các NHNN, và (4) xử lý vi phạm của NHNN khi có với nợ xấu vượt ngưỡng trong hoạt động tín dụng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Beck Roland, Jakubik Petr, Piloiu Anamaria (2015). "Key Determinants of Non-performing Loans: New Evidence from a Global Sample," Open Economies Review, Springer, vol. 26(3), pages 525-550, July.
  2. Đoàn Phương Thảo, Tạ Nhật Linh (2014), “Nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam: Thực trạng và định hướng giải pháp”, Kinh tế & Phát triển, số 207 (II), tháng 09 năm 2014, tr. 61-68.
  3. Fisher I. (1933) "The Debt-Deflation Theory of Great Depressions," Econometrica, 1 (4): 337-57.
  4. Ghosh Amit (2015), “Banking-industry specific and regional economic determinants of non-performing loans: Evidence from US states”, Journal of Financial Stability, Volume 20, Pages 93-104.
  5. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2010 - 2018), Báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2010-2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  6. Nguyễn Lê Nguyên Dung (2019), “Thực trạng xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu các tổ chức tín dụng ở Việt Nam và một số đề xuất”, Tạp chí Khoa học & Đào tạo Ngân hàng, Số 200+ 201- Tháng 1&2. 2019.
  7. Rajan Raghuram G., Zingales Luigi (2003), “The Great Reversals: The Politics of Financial Development in the Twentieth Century”. Journal of Financial Economics, 69(1): 5-50.
  8. Rose Peter S. (2004), Quản trị Ngân hàng thương mại (sách dịch), NXB Tài chính, Hà Nội.
  9. Sinkey Joseph F. Greenwalt Mary B. (1991). “Loan-Loss Experience and Risk-Taking Behvior at Large Commercial Banks”. Journal of Financial Services Research, 5: 43-59.
  10. Waweru N.M., Kalani V. M. (2009), “Commercial banking crises in Kenya: causes and remedies”, African Journal of Accounting, Economic Economics, Finance and banking research, 4(4): 12-32.
  11. Zhu Ning, Wang Bing, Wu Yanrui (2015), “Productivity, efficiency, and non-performing loans in the Chinese banking industry”, The Social Science Journal, Volume 52, Issue 4, Pages 468-480.

Some solutions to perfecting the state management over the non-performing loans of Vietnam’s commercial banking system

Master. Pham Phu Tai

Faculty of Finance – Accounting, Dong A University

ABSTRACT:

This study analyzes and assesses the role of the State Bank of Vietnam (SBV) in managing non-performing loans of commercial banking system in Vietnam. Based on the analyses, this study proposes some solutions to the SBV to help the central bank improve its efficiency in managing non-performing loans of Vietnam’s commercial banking system. These solution focuses on 4 following issues (1) the legal environment for the credit operations and non-performing loans management of the SBV, (2) the perform of the SBV’s non-performing loans management, (3) the inspection and supervision on credit activities of commercial banks and (4) the violation solving of the SBV when the non-performing loans of commercial banks exceed the limit.

Keywords: State management, non-performing loans, commercial bank, commercial banking system, Vietnam.