Những bài học kinh nghiệm trong hoạt động khuyến công Lào Cai

Lào Cai, có địa hình chủ yếu là rừng núi nên điều kiện phát triển KT – XH nói chung và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nói riêng còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình, hoạt động khuyến công đã và đang góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, công tác khuyến công Lào Cai đã có những bài học cho riêng mình.

Theo Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Lào Cai, các cơ sở công nghiệp trên địa bàn phần lớn có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ chưa tiên tiến, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề chưa phát triển, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, thị trường nhỏ, phân tán,… Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình, hoạt động khuyến công của Tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và khơi dậy tiềm năng phát triển một số ngành nghề có lợi thế.

Để biến những khó khăn thành thuận lợi, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Lào Cai đã xác định việc tập trung cho công tác khuyến công làm sao phải là “bà đỡ”, khuyến khích được các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) định hướng đầu tư đúng đắn, hiệu quả, mở rộng sản xuất - kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, giúp các doanh nghiêp phát triển bền vững và từng bước tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

Cụ thể, các chương trình, đặc biệt là chương trình đào tạo nghề, truyền nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển đời sống văn hóa - xã hội của địa phương. Để làm được điều này, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Lào Cai thường xuyên tuyên truyền, phổ biến chính sách về hoạt động khuyến công đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp trên các địa bàn dưới các hình thức như hội thảo, tập huấn; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: tờ rơi, tờ dán, báo chí, phát thanh, truyền hình, Internet,… để các thành phần kinh tế nắm và hiểu rõ hoạt động công tác khuyến công.

Mặt khác, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Lào Cai xây dựng kế hoạch khuyến công từ cơ sở cần bám sát vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó chú trọng đối tượng thụ hưởng đủ năng lực. Cùng với đó, Trung tâm thực hiện kiểm tra, báo cáo định kỳ những khó khăn vướng mắc thực tế, tham mưu đề xuất với lãnh đạo các cấp để kịp thời tháo gỡ và đề ra những biện pháp chỉ đạo trong hoạt động khuyến công.

Ngoài việc phát huy lợi thế của từng địa phương phối hợp khai thác thế mạnh của cả vùng, để công tác khuyến công tại tỉnh ngày càng nâng cao chất lượng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Lào Cai luôn lưu ý về công tác nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý và cán bộ làm công tác khuyến công thông qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn về nghiệp vụ. Đồng thời, thực hiện kiểm tra, báo cáo định kỳ những khó khăn vướng mắc trong thực tế để kịp thời tháo gỡ và đề ra những biện pháp chỉ đạo trong hoạt động khuyến công.

 Giai đoạn 2021 -2025, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến Thương mại Lào Cai phấn đấu đạt giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp đạt 5.500 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010).

Hỗ trợ thành lập doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nông thôn cho 27 cơ sở với kinh phí 270 triệu đồng.

- Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, mô hình cơ sở hoạt động hiệu quả cho 14 cơ sở với kinh phí 3.640 triệu đồng.

- Hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất sạch hơn cho 08 cơ sở với kinh phí 1.800 triệu đồng.

- Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp cho 77 cơ sở với kinh phí 14.750 triệu đồng.

 - Hỗ trợ tổ chức bình chọn và trao giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện, cấp tỉnh cho 18 lượt bình chọn với kinh phí 1.050 triệu đồng.

- Hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn cho 41 cơ sở với kinh phí 1.435 triệu đồng.

- Hỗ trợ tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn cho 40 cơ sở với kinh phí 1.365 triệu đồng.

- Hỗ trợ Xây dựng các chương trình truyền hình, truyền thanh; xuất bản các bản tin ấn phẩm; tờ rơi, tờ gấp và các hình thức thông tin đại chúng khác tại cấp huyện cho 01 nội dung với kinh phí 30 triệu đồng.

- Hỗ trợ liên quan đến cụm công nghiệp cho 24 nội dung với kinh phí 12.200 triệu đồng.

 - Các nội dung hỗ trợ khác với kinh phí 7.960 triệu đồng

 

Thăng Long