Nước mắm Nam Ô nức tiếng bay xa

Các sản phẩm được sản xuất tại Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô được đóng chai theo quy trình lọc tinh, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Những ngày hè năm 2022, cùng với nhịp sống trở lại bình thường, không khí như nhộn nhịp hơn với làng nghề nước mắm Nam Ô, quận Liên Chiểu - Thành phố Đà Nẵng. Trải qua quá trình ủ truyền thống bằng phương pháp cổ truyền có từ đầu thế kỷ 20, nước mắm của làng Nam Ô giờ đây chất lượng ngon hơn, mẫu mã bao bì đẹp mắt và tiện dụng hơn. Các sản phẩm được sản xuất tại Làng nghề truyền thống nước mắm Nam Ô được đóng chai theo quy trình lọc tinh, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nước mắm Nam Ô được đóng chai theo quy trình

Có được kết quả đó là do các chủ cơ sở sản xuất nước mắm của làng Nam Ô đã biết nắm bắt thị trường, nhanh chóng thay đổi và đặc biệt là tận dụng sự hỗ trợ tối đa từ các nguồn hỗ trợ nguồn lực của nhà nước, trong đó phải kể tới nguồn kinh phí khuyến công. Chính từ nguồn kinh phí khuyến công, sự tư vấn của cán bộ Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại Đà Nẵng trong việc đầu tư máy móc, thiết bị, các cơ sở mạnh dạn đầu tư trang thiết bị, hiện đại hóa trong sản xuất, nước mắm Nam Ô đã nhanh chóng chiếm lĩnh sự tin tưởng của khách hàng gần xa.

Các nhãn hiệu nước mắm Nam Ô truyền thống như Hồng Hương, Bảy Tri, Sáu Hoa, Trần Thị Lựu, Lê Thị Hội, Hải Nguyệt,… đang dần chiếm lĩnh thị trường Đà Nẵng, Quảng Nam và các vùng lân cận.

Là thành viên làng nghề nước mắm Nam Ô, cơ sở sản xuất nước mắm Hồng Hương có sản phẩm nước mắm được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, ông Bùi Thanh Phú, chủ cơ sở cho biết, mỗi năm, đơn vị bán ra hơn 20.000 lít nước mắm thành phẩm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thanh Phú cho biết thêm về hiệu quả của đề án khuyến công mà cơ sở Hồng Hương được thụ hưởng. Có nguồn kinh phí khuyến công, cơ sở tập trung cho đầu tư công nghệ nâng cao năng lực sản xuất, tăng lợi nhuận của doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển chuyên sâu nghiên cứu tạo mẫu mã bao bì mới, tạo chất lượng sản phẩm đồng nhất.

Cũng theo ông Phú, dự án góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời tạo ra việc làm ổn định cho người lao động tại địa phương, giải quyết một phần các vấn đề về môi trường và xã hội hiện nay. Khai thác lợi thế về tiềm năng nguồn nguyên liệu trong khu vực và tại địa phương, góp phần ổn định, giải quyết việc làm cho người lao động.

Có nguồn kinh phí khuyến công, cơ sở tập trung cho đầu tư công nghệ nâng cao năng lực sản xuất

Tuy nhiên, ông Phú cũng trăn trở, tình hình đô thị hoá rất nhanh trên địa bàn Đà Nẵng, diện tích đất sản xuất của làng nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Doanh nghiệp mong muốn thành phố hình thành khu sản xuất tập trung cho làng nghề nước mắm Nam Ô nhằm bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề và giải quyết nguồn lao động nhàn rỗi tại địa phương.

 

Thăng Long