Phê duyệt dự án Cụm công nghiệp Hương Sơn 2, Bắc Giang quy mô 65 ha

Theo quyết định thành lập Cụm công nghiệp Hương Sơn 2, ngành nghề hoạt động thu hút đầu tư của cụm công nghiệp bao gồm: Ngành điện, điện tử, truyền thông; cơ khí; may mặc; thiết bị dụng cụ y tế, dược; chế biến nông lâm sản, thực phẩm; bao bì; công nghiệp chế biến, chế tạo; cho thuê nhà xưởng; công nghiệp hỗ trợ khác.

Ngày 16/5/2023, ông Phan Thế Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định thành lập cụm công nghiệp Hương Sơn 2 tại huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.

Theo quyết định, ngành nghề hoạt động thu hút đầu tư bao gồm: Ngành điện, điện tử, truyền thông; cơ khí; may mặc; thiết bị dụng cụ y tế, dược; chế biến nông lâm sản, thực phẩm; bao bì; công nghiệp chế biến, chế tạo; cho thuê nhà xưởng; công nghiệp hỗ trợ khác. Dự án cụm công nghiệp Hương Sơn 2 có tổng mức đầu tư là 688,015 tỷ đồng.

Cụm công nghiệp Hương Sơn 2
Ngành nghề hoạt động thu hút đầu tư bao gồm: Ngành điện, điện tử, truyền thông; cơ khí; may mặc; thiết bị dụng cụ y tế, dược; chế biến nông lâm sản, thực phẩm...

Cụm công nghiệp (CCN) Hương Sơn 2 có diện tích khoảng 65 ha. CCN có ranh giới phía Bắc giáp Quốc lộ 37 và trụ sở UBND xã Hương Sơn; phía Nam giáp đồi trồng cây ăn quả và dân cư hiện trạng xã Hương Sơn; phía Đông giáp đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và dân cư hiện trạng; phía Tây giáp dân cư hiện trạng và đường quy hoạch.

Quyết định của UBND tỉnh Bắc Giang nêu rõ, CCN Hương Sơn 2 được thành lập và hoạt động theo các quy định hiện hành của pháp luật. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Hương Sơn 2 (Công ty Cổ phần Vĩnh Phát Bắc Giang) có trách nhiệm lập kế hoạch triển khai, tổ chức quản lý và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN theo đúng tiến độ và các quy định hiện hành của Nhà nước. Ngoài ra, việc thành lập được căn cứ Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về tiến độ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật: Giai đoạn 2023 - 2025, từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư đối với diện tích khoảng 50ha (không bao gồm khoảng 15ha phần diện tích chồng lấn với khu vực khai thác đất san lấp); thực hiện các thủ tục pháp lý của CCN: Lập quy hoạch chi tiết, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập thiết kế bản vẽ thi công, phòng cháy chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng.

Từ tháng 5/2024 đến tháng 12/2025, thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích 50ha; hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của CCN, trong đó có trạm xử lý nước thải tập trung; đồng thời, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh trong CCN, lấp đầy tối thiểu 60% diện tích đất công nghiệp.

Giai đoạn sau năm 2025, thực hiện thủ tục đầu tư, môi trường, xây dựng và các thủ tục khác có liên quan đối với phần diện tích khoảng 15ha (phần diện tích chồng lấn với khu vực khai thác đất san lấp sau khi đã kết thúc khai thác); hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích 15ha; hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật của CCN, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp.

Trước đó, ngày 4 tháng 5 năm 2022, UBND tỉnh Bắc Giang có quyết định Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Hương Sơn, huyện Lạng Giang (tỷ lệ 1/500).

Sau khi điều chỉnh quy hoạch, ranh giới Cụm công nghiệp Hương Sơn nằm trên địa bàn xã Hương Sơn thuộc trên các thôn: Thôn Cần Cốc, Đồn 19. Ranh giới Cụm công nghiệp phía Bắc giáp đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn; phía Nam giáp thôn Đồn 19 xã Hương Sơn; phía Đông giáp đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn; phía Tây giáp đường kệnh Bảo Sơn xã Hương Sơn.

Quy mô diện tích lập điều chỉnh quy hoạch khoảng 65,3 ha. Cụm công nghiệp Hương Sơn có tính chất là Cụm công nghiệp với các ngành nghề chính bao gồm: Chế biến nông lâm sản, chế biến thực phẩm, cơ khí chế tạo máy, linh kiện điện tử, bao bì và các ngành công nghiệp phụ trợ,...

Theo giải pháp kiến trúc cảnh quan sau điều chỉnh: Quy hoạch tuyến đường trục chính có mặt cắt rộng 38,0m, tổ chức các tuyến đường giao thông theo mạng lưới ô cờ, bao quanh các nhà máy có mặt cắt từ 13,5m đến 25m thuận tiện cho từng khu vực sản xuất và xuất, nhập hàng hóa.

Các khu nhà máy của Cụm công nghiệp đặt tại trung tâm của Cụm công nghiệp, có diện tích từ 1,1ha cho đến 3,4ha, tầng cao dự kiến khoảng 01 tầng đến 05 tầng tùy thuộc vào dây chuyền công năng phục vụ sản xuất. Khu trung tâm điều hành, thương mại dịch vụ, bãi đỗ xe được bố trí tại khu vực cửa ngõ phía Nam của cụm công nghiệp, tiếp cận với tuyến đường trục chính là nơi điều hành, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và công trình thương mại dịch vụ phục vụ cho cụm công nghiệp. Bố trí dải cây xanh cách ly với khu dân cư tạo cảnh quan, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường và cải tạo vi khí hậu trong cụm công nghiệp.

Những hạng mục chính ưu tiên đầu tư xây dựng bao gồm: Công trình khu hành chính, nhà xưởng sản xuất; hạ tầng kỹ thuật như hệ thống giao thông, hệ thống cấp nước, thoát nước, cấp điện và khu xử lý nước thải.

Thăng Long