Tận dụng năng lực sản xuất dồi dào
Nhận định của Bộ Công Thương tại Hội nghị đảm bảo sản xuất, cung ứng khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 chiều nay (17/3/2020), trong bối cảnh quy mô dịch bệnh ngày càng lan rộng, cả thế giới đang rất thiếu nguồn cung vật phẩm y tế, khẩu trang. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu toàn dân thực hiện đeo khẩu trang tại các nơi công cộng có tập trung đông người từ 16/3.
Do đó, nguồn cung khẩu trang phục vụ nhu cầu của người dân trong nước đang là mối quan tâm hàng đầu, cần xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, quan trọng trong giai đoạn hiện nay và phải được ưu tiên thực hiện với quyết tâm cao nhất, cung ứng đủ vật dụng y tế cho người tiêu dùng phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Dù gặp khó khăn về nguồn cung trong thời gian đầu, nhưng đến nay, Bộ Công Thương cùng hàng loạt doanh nghiệp dệt may đã thành công vào cuộc, tổ chức sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn với mức giá hợp lý, dần chủ động được nguyên liệu đầu vào cũng như đầu ra cho sản phẩm để cung ứng cho người dân.
Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam và kết quả làm việc trực tiếp với gần 10 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang, tính hết tháng 2/2020, số lượng khẩu trang vải kháng khuẩn đã cung ứng ra thị trường là trên 8 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn.
Trong tháng 3/2020, các đơn vị tiếp tục sản xuất và dự kiến đưa ra thị trường khoảng gần 19 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn với mức giá hỗ trợ giao động từ 7.000đ đến 15.000đ/chiếc.
Bên cạnh các doanh nghiệp lớn trong ngành, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ và vừa cũng đang sản xuất và cung ứng khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn ra thị trường với số lượng 1000-2000 chiếc/ngày.
Đặc biệt, để hỗ trợ đẩy nhanh thủ tục công bố hợp quy sản phẩm may mặc theo quy định, ngày 7/2/2020, Bộ Công Thương đã ban hành Công văn số 754/BCT-KHCN gửi các tổ chức đánh giá sự phù hợp sản phẩm dệt may đề nghị thực hiện đánh giá sự phù hợp ngay khi có yêu cầu của doanh nghiệp và hoàn thành trong 1 ngày làm việc đối với các sản phẩm dệt may hỗ trợ và phục vụ hoạt động phòng chống Covid-19, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải phòng dịch.
“Nhờ vậy, trong vòng 30 ngày, các đơn vị có thể cung ứng ra thị trường 50 triệu chiếc khẩu trang vải kháng khuẩn nếu thị trường có nhu cầu (có đơn đặt hàng/có đầu ra)”, đại diện Cục Công nghiệp cho biết.
Mặt khác, từ hôm qua (16/3), Vinatex cũng đã cho ra mắt thị trường sản phẩm khẩu trang mới kháng giọt bắn, kháng khuẩn 3 lớp theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế mới đây. Dự kiến, trong tháng 3 và tháng 4/2020, Dệt Kim Đông Xuân sẽ đưa ra thị trường từ 5-7 triệu chiếc khẩu trang loại mới này, với mức sản lượng tăng dần, đặt mục tiêu đạt 1 triệu chiếc từ nay đến hết tháng 3 và tiến tới 200.000 chiếc/ngày trong tháng 4.
“Có thể thấy, ngành dệt may lao động dồi dào, năng lực sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam hoàn toàn đáp ứng đủ cho nhu cầu nội địa phòng chống dịch”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bộ Công Thương vào cuộc kết nối mạnh mẽ
Với năng lực sản xuất dồi dào này của ngành dệt may, Bộ Công Thương đã phát huy vai trò kết nối của mình trong đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định đầu ra cho sản phẩm. Thông qua hoạt động kết nối các hệ thống phân phối bán lẻ lớn như Vincommerce (chuỗi cửa hàng Vinmart, Vinmart+), Big C, MM Mega Market, AEON, BRG Retail với các doanh nghiệp sản xuất, chuỗi cung ứng sản phẩm khẩu trang tại thị trường nội địa đã được định hình rõ rệt. Các doanh nghiệp phân phối còn chủ động tăng đặt hàng khẩu trang vải nhằm đáp ứng đủ nhu cầu khẩu trang của người dân cho phòng chống dịch bệnh.
Đơn cử, Saigon Co.op đã có đơn hàng đặt mua 30 triệu khẩu trang vải dệt kim kháng khuẩn trong đó chủ yếu từ công ty Dệt Kim Đông Xuân. Đến thời điểm hiện tại, số lượng đã giao là 20 triệu chiếc.
Theo báo cáo trước đó của Bộ Công Thương, trong 15 ngày cuối tháng 3, các doanh nghiệp phân phối cho biết số lượng khẩu trang vải và khẩu trang vải kháng khuẩn dự kiến đưa ra thị trường là 10.338.000 chiếc.
Tuy nhiên, sau cuộc họp chiều 13/3 thúc đẩy sản xuất, phân phối khẩu trang vải phòng chống dịch Covid-19, do Thứ trưởng Đặng Hoàng An chủ trì, các chuỗi phân phối đã đồng loạt nâng khả năng cung ứng lên nhiều lần: Saigon Co.op tăng từ 10.000.000 chiếc lên 20.000.000 chiếc, Big C (Tập đoàn Central Retail) tăng từ 280.000 chiếc lên 2.000.000 chiếc, MM Mega Market tăng từ 58.000 chiếc lên 79.000 chiếc,…
Riêng BRG Retail tăng khả năng cung ứng trong tháng 4 lên 300.000 chiếc (tăng khoảng 10 lần so với tháng 3).
Như vậy, với sự thúc đẩy và kết nối từ Bộ Công Thương, các chuỗi phân phối lớn dự kiến số lượng khẩu trang vải và khẩu trang vải kháng khuẩn cung ứng ra thị trường trong 15 ngày cuối tháng 3 là 23.206.506 chiếc, tăng 12.868.506 chiếc so với dự báo trước đó.
Trong 15 ngày tiếp theo đó (31/3 - 15/4), dự kiến sẽ cung ứng ra thị trường 8.880.873 khẩu trang.
Bên cạnh đó, ngay trong sáng ngày 16/3/2020, thực hiện chỉ đạo của Thứ trưởng Đặng Hoàng An, Vụ Thị trường trong nước đã có Công văn số 1818/BCT-TTTN gửi hỏa tốc tới Bộ Giao thông Vận tải, giới thiệu 16 nhà sản xuất và 5 hệ thống phân phối bán lẻ lớn cung ứng khẩu trang vải trang bị cho hành khách đi máy bay, nhằm đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Tiếp tục kết nối chuỗi cung ứng khẩu trang
Biểu dương nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, với năng lực sản xuất lớn và hệ thống phân phối chủ động vào cuộc, Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện, khả năng đáp ứng sản phẩm dệt may nói chung và khẩu trang kháng khuẩn nói riêng phục vụ nhu cầu phòng chống dịch Covid-19, thậm chí tiến tới khẩu trang 3 lớp vừa kháng khuẩn, vừa kháng giọt bắn theo như Quyết định 870/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Bộ trưởng khẳng định, cuộc họp hôm nay và cả những nỗ lực sau này cần tập trung thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cung cấp khẩu trang kháng khuẩn, kháng giọt bắn đầy đủ phục vụ theo nhu cầu của người dân, xã hội, cùng loại khẩu trang y tế của các cơ sở sản xuất vật tư y tế, “cộng hưởng trách nhiệm để đáp ứng nhu cầu xã hội, tránh khủng hoảng thừa, lãng phí nguồn lực”.
Ngay sau cuộc họp này, Bộ Công Thương sẽ thành lập Tổ công tác về kết nối cung cầu do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng là Tổ trưởng. Tổ công tác do Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phối hợp với Vụ Thị trường trong nước xây dựng, bước đầu đặt mục tiêu nghiên cứu, xác định cụ thể nhu cầu khẩu trang của thị trường nội địa để thống nhất kế hoạch sản xuất và cung ứng.
Tổ công tác được Bộ trưởng giao làm việc với Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Vinatex và các hiệp hội, doanh nghiệp nhằm xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực, đảm bảo nguồn nguyên liệu và sản xuất khẩu trang vải phục vụ nhu cầu của người dân phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng yêu cầu cần tiếp tục làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp phân phối lớn có hệ thống phân phối, siêu thị, bán lẻ trên địa bàn cả nước để tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm khẩu trang. Trong đó, lưu ý chỉ đạo các địa phương phối hợp, xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường và chịu trách nhiệm về vấn đề đảm bảo đáp ứng cung cầu trên địa bàn địa phương mình.
Tổ công tác kết nối cung cầu sản phẩm dệt may sẽ nghiên cứu đề xuất lên Chính phủ phương án cung ứng miễn phí khẩu trang dành cho một số đối tượng xã hội đặc biệt như người cao tuổi, trẻ em, người có bệnh lý nền,… thông qua xem xét sử dụng ngân sách nhà nước hoặc ngân sách nhà nước đã được giao cho các địa phương quản lý để định hình và tạo chuỗi cung ứng nhân văn, phù hợp.
Đồng thời, căn cứ ý kiến của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, cần phân tích và báo cáo tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của hoạt động sản xuất - kinh doanh khẩu trang để sớm có hướng giải quyết cho doanh nghiệp. Đặc biệt, phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ thống nhất quy trình, đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ chứng nhận hợp chuẩn hợp quy cho sản phẩm khẩu trang.
Cùng với đó, cần nghiên cứu và sớm báo cáo Chính phủ phương án xem xét giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu với một số loại nguyên liệu cần thiết cho sản xuất khẩu trang để tạo động lực cho doanh nghiệp chung tay đảm bảo nguồn cung.
Tổ công tác của Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng các cơ chế hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kết nối trực tiếp với doanh nghiệp phân phối, xây dựng các chương trình kết nối cung cầu cụ thể theo nhu cầu tại từng địa phương, có thể sử dụng kinh phí xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng này, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn còn khó khăn.
Các đơn vị thuộc Bộ cũng được giao phối hợp chặt chẽ, tiếp tục tìm kiếm và giới thiệu nguồn cung từ bên ngoài về nguyên liệu, về thị trường thông qua hệ thống thương vụ để sẵn sàng cho việc khai thác cơ hội sau khi năng lực sản xuất đảm bảo đầy đủ nhu cầu thị trường trong nước và có dư địa để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài theo đúng quy định của pháp luật.
“Không thể bỏ qua việc tăng cường truyền thông, đề nghị Tổ công tác làm việc với Bộ Y tế tăng hàm lượng thông tin, khuyến nghị, hướng dẫn chuyên môn trong phòng chống dịch bệnh để người dân biết đến rộng rãi, đảm bảo thị trường khẩu trang có điều kiện và cơ sở phát triển thuận lợi nhất”, Bộ trưởng lưu ý thêm.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cho biết sẽ nghiên cứu gói hỗ trợ của Bộ với các doanh nghiệp để báo cáo Chính phủ, trong đó định hình các nội dung, mức độ ưu đãi, mức độ hỗ trợ cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp ngành dệt may nói riêng để có cơ chế hỗ trợ phù hợp cho từng loại hình doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 27/3/2020.