Quản lý chi ngân sách nhà nước tại thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang: Thực trạng và giải pháp

NGUYỄN MINH NHÃ (Trường Đại học Tiền Giang)

TÓM TẮT:

Phân bổ và sử dụng hợp lý nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) là vấn đề quan trọng đối với các đơn vị sự nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nguồn NSNN. Dựa vào những vấn đề lý luận cơ bản về kế toán NSNN, bài viết đánh giá thực trạng tình hình quản lý chi NSNN tại Ủy ban nhân dân (UBND) thị xã Cai Lậy và đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm hoàn thiện công tác quản lý chi NSNN tại địa phương. Kết quả nghiên cứu cho thấy công tác quản lý chi NSNN của UBND thị xã Cai Lậy phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội địa phương, cơ bản tuân thủ theo Luật NSNN 2015 và các văn bản hướng dẫn của tỉnh Tiền Giang.

Từ khóa: ngân sách nhà nước, quản lý chi ngân sách nhà nước, thị xã Cai Lậy, đơn vị công.

1. Chi ngân sách nhà nước cấp huyện, thị xã

Chi NSNN bao gồm các khoản chi đầu tư phát triển, chi dự trữ quốc gia, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ và những khoản chi khác theo quy định của pháp luật. Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao và phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Đơn vị sử dụng ngân sách không được thực hiện nhiệm vụ chi khi chưa có nguồn tài chính, làm phát sinh nợ khối lượng xây dựng cơ bản, nợ kinh phí thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên. Các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán được bảo đảm kinh phí theo đúng tiến độ thực hiện và trong phạm vi dự toán được giao. Ngân sách cấp dưới được tạm ứng từ ngân sách cấp trên để thực hiện nhiệm vụ chi theo dự toán ngân sách được giao trong trường hợp cần thiết.

Chi NSNN cấp huyện, thị xã là việc phân bổ và sử dụng quỹ NSNN huyện, thị xã để thực hiện các nhiệm vụ của địa phương. Chi NSNN cấp huyện, thị xã bao gồm quá trình phân bổ và quá trình sử dụng NSNN. Do đó, khi quản lý chi NSNN cấp huyện, thị xã cần phải chú trọng quản lý 2 quá trình này. Quy trình quản lý công tác chi NSNN cấp huyện, thị xã có 4 giai đoạn cơ bản, bao gồm: lập dự toán chi, thực hiện dự toán, quyết toán chi và kiểm tra chi NSNN. Các giai đoạn này được tiến hành lần lượt và có điều chỉnh dựa theo tình hình kinh tế - xã hội thực tế tại địa phương.

Giai đoạn 2018 - 2020, các khoản chi NSNN tại UBND thị xã Cai Lậy bao gồm chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các khoản chi khác.

2. Thực trạng quản lý chi NSNN tại UBND thị xã Cai Lậy

2.1. Lập dự toán chi NSNN

Giai đoạn 2018 - 2020, công tác lập dự toán chi NSNN đã đi vào ổn định đúng theo quy trình của Sở Tài chính giao, cơ bản tuân thủ theo Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn. Dự toán chi NSNN được lập theo niên độ. UBND đã thực hiện công khai và quyết định dự toán NSNN, phân bổ NSNN thị xã trước ngày 23/12 hàng năm. Trong đó, chi thường xuyên thị xã đã bố trí kinh phí không thấp hơn mức dự toán chi mà UBND tỉnh đã giao. Tuy nhiên, việc khống chế mức chi đối với lĩnh vực này gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Dự toán chi NSNN tại UBND thị xã Cai Lậy thể hiện trong Bảng 1.

 Bảng 1. Dự toán chi NSNN tại UBND thị xã Cai Lậy

Đơn vị tính: triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Chênh lệch (%)

2018 - 2019

2019 - 2020

Tổng chi

397.357

448.667

482.267

12,9

7,5

Chi đầu tư phát triển

33.313

44.082

50.601

32,3

14,8

Chi thường xuyên

353.094

396.375

413.289

12,3

4,3

Chi khác

10.950

8.210

18.377

-25,0

123,8

Nguồn: UBND thị xã Cai Lậy

UBND thị xã đã xác định các dự án, công trình trọng điểm phải có ý nghĩa quan trọng, có sức lan tỏa lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) đã được phân bổ tập trung vào các công trình trọng điểm. Năm 2020, thị xã dự toán chi đầu tư XDCB là 22.001 triệu đồng, chiếm 4,6% tổng chi NSNN. Khoản chi này là còn quá thấp so với vị trí là cửa ngõ chính nối các tỉnh Miền Tây với TP. Hồ Chí Minh, một trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Tây của tỉnh Tiền Giang.

2.2. Thực hiện dự toán chi NSNN

Kết quả thực hiện dự toán chi NSNN tại UBND thị xã Cai Lậy thể hiện trong Bảng 2 cho thấy sự chuyển dịch đúng hướng trong cơ cấu chi NSNN của thị xã. Trong giai đoạn này, thực chi NSNN đều vượt quá dự toán >100%, tuy nhiên, mức độ vượt thay đổi trong từng năm và có xu hướng tăng dần. Khoản vượt dự toán của chi đầu tư phát triển và chi khác thay đổi khá nhiều, trong khi chi thường xuyên gần như ổn định qua các năm.

Bảng 2. Kết quả thực hiện dự toán chi NSNN tại UBND thị xã Cai Lậy

Đơn vị tính: triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Dự toán

Thực chi

%

Dự toán

Thực chi

%

Dự toán

Thực chi

%

Tổng chi

397.357

492.823

124,0

448.667

647.193

144,3

482.267

853.163

176,9

Chi đầu tư phát triển

33.313

80.654

242,1

44.082

84.358

191,4

50.601

197,706

390,7

Chi thường xuyên

353.094

384.983

109,0

396.375

436.318

110,1

413.289

477.854

115,6

Chi khác

10.950

27.186

148,3

8.210

295.233

3.496,0

18.377

177.603

866,4

Nguồn: UBND thị xã Cai Lậy

Tình hình cân đối thu - chi NSNN của UBND thị xã Cai Lậy chi tiết trong Bảng 3. Trong giai đoạn này, thu NSNN đều đáp ứng đủ cho các nhiệm vụ chi, chênh lệch thu - chi biến động trong 3 năm, tuy nhiên, có điều tiết về NSNN tỉnh Tiền Giang. Giai đoạn 2019 - 2020, tổng thu NSNN và cân đối thu - chi có xu hướng giảm là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Bảng 3. Kết quả thực dự toán chi NSNN tại UBND thị xã Cai Lậy

Đơn vị tính: triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Chênh lệch (%)

2018 - 2019

2019 – 2020

Tổng thu NSNN

736.543

1.003.196

957.608

36,2

-4,5

Tổng chi NSNN

492.283

647.193

853.163

31,5

31,8

Chênh lệch thu – chi

244.260

356.003

104.445

45,7

-70,7

Nguồn: UBND thị xã Cai Lậy

Tổng chi NSNN giai đoạn 2018 - 2020 là 1.992.639 triệu đồng, trong đó chi thường xuyên là 1.299.155 triệu đồng (gấp 3,6 lần so với tổng chi đầu tư phát triển). Cơ cấu chi NSNN của UBND thị xã chưa hợp lý, trái với xu thế chung là tăng chi đầu tư -  giảm chi thường xuyên. Tuy nhiên, UBND thị xã đã điều tiết tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng dần trong giai đoạn này.

Tốc độ tăng chi thường xuyên của UBND thị xã đúng với xu hướng biến động của cả nước. Trong đó, hơn 98% là chi hành chính sự nghiệp. Nhiệm vụ chi quốc phòng, an ninh luôn ở mức trên 0,5% tổng chi thường xuyên để thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc gia và duy trì trật tự an toàn xã hội. Số liệu cụ thể trong được thể hiện trong Bảng 4.

Bảng 4. Chi thường xuyên NSNN tại UBND thị xã Cai Lậy

Đơn vị tính: triệu đồng

Chỉ tiêu

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Chênh lệch (%)

Giá trị

%

Giá trị

%

Giá trị

%

2018 - 2019

2019 – 2020

Chi thường xuyên

384.983

100

436.318

100

477.854

100

2,8

12,7

Chi hành chính sự nghiệp

377.411

98,3

428.027

98,1

469.672

98,3

13,4

9,7

Chi quốc phòng an ninh

3.582

0,9

4.628

1,1

3.114

0,7

29,2

-32,7

Chi hoạt động khác

2.990

0,8

3.663

0,8

5.068

1,1

22,5

38,4

Nguồn: UBND thị xã Cai Lậy

Công tác thực hiện dự toán chi NSNN còn xảy ra tình trạng đầu tư vượt quá khả năng về vốn, dẫn đến nợ đọng kéo dài nhiều năm. Đến tháng 12/2020, cấp thị xã còn 12 dự án nợ đọng XDCB (giảm 17% so với cùng kỳ); với tổng dư nợ là 40.338 triệu đồng (tăng 69,27% so với cùng kỳ), trong đó NSNN tỉnh là 24.170 triệu đồng (tăng 728,31% so với cùng kỳ), ngân sách thị xã là 4.744 triệu đồng (giảm 22,69% so với cùng kỳ); có 7 công trình chuyển tiếp bị chậm tiến độ so với quy định (chiếm 28% số dự án); nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư.

2.3. Quyết toán chi NSNN

Từ năm 2015, chi cục thống kê thị xã đã công bố số liệu quyết toán NSNN thông qua niên giám thống kê; số liệu quyết toán chi NSNN được công khai trên trang thông tin điện tử của thị xã;… Công tác quản lý quyết toán chi NSNN chưa được quan tâm đúng mức, việc quyết toán vốn đầu tư của các dự án có sử dụng vốn NSNN còn chậm, ảnh hưởng đến việc quản lý vốn đầu tư, gây nợ tồn đọng kéo dài.

Đến tháng 12/2020, thị xã còn tồn đọng 39 dự án, công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán; số vốn đã thanh toán là 18.542 triệu đồng (thị xã 10 dự án chiếm 25,64%, với số vốn là 7.531 triệu đồng; các xã, phường 29 dự án chiếm 74,36%, với số vốn là 11.011 triệu đồng). Thị xã có 5 dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 7-24 tháng, 3 dự án chậm nộp báo cáo quyết toán trên 24 tháng.

Quyết toán vốn đầu tư còn trùng khối lượng, tính toán sai định mức và đơn giá. Các báo cáo quyết toán chi NSNN chỉ chú trọng tới việc thực hiện dự toán, chấp hành chính sách, mức chi mà ít quan tâm đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của những khoản chi đó. Các mẫu biểu quyết toán được lập và sử dụng theo đúng qui định. Tuy nhiên, do trình độ và năng lực của cán bộ tài chính cấp xã, phường còn yếu nên còn có nhiều sai sót trong báo cáo quyết toán chi NSNN cấp xã, phường.

2.4. Kiểm tra, giám sát chi NSNN

Cơ quan tài chính của thị xã kiểm tra, giám sát việc thực hiện chi và sử dụng NSNN ở các cơ quan, đơn vị. Qua kiểm tra, đã phát hiện những sai phạm trong quản lý. Từ đó, đã chấn chỉnh việc đầu tư dàn trải, không đúng quy định, những sai phạm trong: đấu thầu, thi công, nghiệm thu và quyết toán công trình. Thị xã đã thu hồi nộp NSNN góp phần tăng thu NS, giảm thất thoát trong chi đầu tư XDCB. Theo số liệu thống kê (được yêu cầu không công khai), các sai phạm chi đầu tư XDCB là rất ít và số tiền NSNN chi sai là không nhiều.

Thị xã đã có chỉ đạo rõ ràng trong công tác kiểm tra đối với các khoản chi sai về giáo dục, khoa học công nghệ, y tế; nếu tiếp tục phát hiện ra chi sai, cơ quan kiểm tra sẽ yêu cầu xuất toán. Theo số liệu thống kê (được yêu cầu không công khai), các sai phạm chi sự nghiệp là rất ít và số tiền NSNN chi sai là không nhiều.

3. Những hạn chế trong công tác quản lý chi NSNN tại UBND thị xã Cai Lậy

Công tác lập dự toán chi và phân bổ NSNN của UBND thị xã còn nhiều sai phạm. Một số xã, phường giao dự toán chi NSNN trễ so với thời gian quy định. Tình trạng bố trí vốn đầu tư cho các dự án không thuộc nhiệm vụ chi, vượt quá thời gian theo quy định,... còn nhiều. Cơ cấu các khoản chi trong dự toán chi NSNN của thị xã chưa hợp lý. Chi đầu tư phát triển còn quá thấp, chi thường xuyên còn ở mức cao. Bố trí vốn đầu tư XDCB còn dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

Công tác thực hiện dự toán chi NSNN của UBND thị xã còn nhiều bất cập. Việc phê chuẩn dự toán chi NSNN còn mang tính hình thức, nhất là cấp xã.

Công tác quản lý quyết toán vốn đầu tư XDCB chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, nhiều dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán, ảnh hưởng đến công tác quản lý vốn đầu tư; quyết toán vốn đầu tư còn sai về khối lượng, định mức, đơn giá,.... Nợ XDCB tồn đọng còn nhiều, chưa xử lý triệt để. Chưa xây dựng lộ trình xử lý dứt điểm nợ XDCB; chưa xác định nguyên nhân nợ đọng XDCB của từng dự án.

Công tác kiểm tra chi NSNN của UBND thị xã thực hiện chưa thường xuyên, chất lượng chưa cao, còn nhiều hạn chế, nhất là đối với cấp xã, phường. Mặc dù, tính công khai, minh bạch đã được cải thiện trong những năm qua, tuy nhiên mức độ công khai chưa cao. Cụ thể: kết quả kiểm tra chưa được công bố rộng rãi; Các báo cáo đánh giá đầu tư chưa công khai đầy đủ.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

Thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, một số xã, phường đã quyết định đầu tư nhiều dự án khi chưa xác định được cơ cấu nguồn vốn, dẫn đến nhiều dự án hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng nhưng vẫn nợ đọng; nhiều dự án, công trình kéo dài thời gian thực hiện, phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Chưa thực hiện nghiêm các quy định về quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB theo qui định.

Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chi NSNN còn yếu kém, đặc biệt là cấp xã, phường. Trình độ chuyên môn, năng lực công tác của cán bộ, công chức không đồng đều, còn nhiều hạn chế, dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững. Các xã, phường có sự yếu kém, tuyển dụng công chức không đúng người, đúng việc, đúng chuyên môn, chưa chú trọng về chất lượng, còn mang tính chủ quan, chạy theo số lượng và bằng cấp. Năng lực của một số chủ đầu tư, tư vấn, giám sát dự án,… chưa đáp ứng được yêu cầu, do đó, việc triển khai các dự án không đảm bảo đúng tiến độ đề ra, gây lãng phí và giảm hiệu quả đầu tư.

Công tác kiểm tra còn mang tính hình thức, cán bộ vi phạm chỉ bị xử lý nhẹ. Chi tiêu lãng phí vẫn chưa khắc phục nhất là tổ chức ngày thành lập ngành, hội nghị các cấp, mua sắm tài sản,… Phần mềm quản lý của các cơ quan trong hệ thống tài chính chưa thống nhất và hoàn chỉnh. Do đó, số liệu không trùng khớp, gây khó khăn trong công tác quản lý chi NSNN và công tác kiểm toán. Việc ứng dụng quản lý thu - chi NSNN đã thực hiện trên phần mềm TABMIS nhưng vẫn còn gặp nhiều lỗi.

4. Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý chi NSNN tại UBND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang

Để hoàn thiện công tác quản lý chi NSNN tại UBND thị xã Cai Lậy, cần khắc phục được những hạn chế, đạt được các mục tiêu phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi mọi mặt của kinh tế - xã hội. Vì vậy, cán bộ, viên chức cần trao dồi thường xuyên để nâng cao chuyên môn, hoàn thành tốt công việc. Việc đào tạo chuyên môn cho cán bộ, viên chức luôn phải được quan tâm, đặc biệt khi được tỉnh tăng cường phân cấp quản lý. Cụ thể: Tổ chức tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, áp dụng hệ thống phần mềm vào quản lý nhằm tăng cường tính hiệu quả; Thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao bằng các chế độ đãi ngộ hợp lý, trẻ hóa đội ngũ cán bộ ở thị xã;...

Nâng cao chất lượng dự toán chi NSNN của UBND thị xã Cai Lậy để giảm lãng phí NSNN. Dự toán chi NSNN cần bám sát các nhiệm vụ chi của thị xã, căn cứ vào các chính sách, tiêu chuẩn, định mức chi theo qui định. Hoàn thiện các định mức, phân bổ,... trong dự toán chi theo đúng quy định tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Thực hiện rà soát các định mức chi; xóa bỏ các định mức lạc hậu; ban hành các định mức có tính khoa học dựa trên cơ sở hợp lý, mức chi đảm bảo tiết kiệm nhưng cũng phải phản ánh đúng, đủ chi phí tiêu hao.

Nâng cao việc thực hiện dự toán chi NSNN của UBND thị xã Cai Lậy. Thực hiện tốt chế độ tự chủ tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị của thị xã phải xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm và được cơ quan tài chính cấp thị xã phê duyệt. Đối với kinh phí cho XDCB phải căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, giá trị khối lượng công việc đã thực hiện. Cần kiểm tra chặt chẽ hồ sơ và thực hiện thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện theo quy định. Người phụ trách công tác tài chính, kế toán các đơn vị sử dụng NSNN phải thực hiện đúng chế độ quản lý chi NSNN, ngăn ngừa, phát hiện và kiến nghị xử lý đối với những trường hợp vi phạm.

Nâng cao công tác quyết toán chi NSNN của UBND thị xã Cai Lậy. Đánh giá thành quả quản lý theo các chỉ số (ROI, KPIs,...). Từ đó, xác định đơn vị, cá nhân nào chưa làm tốt trong quản lý chi NSNN của thị xã. Nâng cao chuyên môn kế toán cho các cán bộ tài chính cấp xã, phường nhằm khắc phục tình trạng yếu kém trong lập quyết toán để rút ngắn thời gian quyết toán và nâng cao chất lượng của quyết toán chi NSNN.

Nâng cao công tác kiểm tra quản lý chi NSNN của UBND thị xã Cai Lậy. Tập trung kiểm tra công tác sử dụng vốn đầu tư XDCB và quyết toán vốn đầu tư XDCB. Kiểm tra tính tuân thủ pháp luật trong chi thường xuyên. Tăng cường tính hữu hiệu của hệ thống kiểm soát nội bộ nhằm ngăn ngừa và nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý chi NSNN tại UBND thị xã./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chi cục Thống kê thị xã Cai Lậy (2021). Niên giám thống kê thị xã Cai Lậy 2020. Tiền Giang, Việt Nam.
  2. Nguyễn Thị Thanh Mai (2017). Hoàn thiện quản lý nhà nước đối với thu - chi ngân sách của thành phố Hải Phòng. Luận án tiến sĩ kinh tế. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương.
  3. Nguyễn Thị Thu Ngân (2017). Quản lý chi thường xuyên ngân sách nhà nước tại thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Luận văn thạc sĩ kinh tế phát triển. Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
  4. Quốc Hội (2015). Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH 13. Hà Nội, Việt Nam.
  5. UBND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (2018). Quyết định số 1791/QĐ-UBND về công bố công khai số liệu dự toán ngân sách năm 2018. Tiền Giang, Việt Nam.
  6. UBND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (2019). Quyết định số 3289/QĐ-UBND về công bố công khai số liệu quyết toán ngân sách năm 2018. Tiền Giang,Việt Nam.
  7. UBND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (2019). Quyết định số 633/QĐ-UBND về công bố công khai số liệu dự toán ngân sách năm 2019. Tiền Giang, Việt Nam.
  8. UBND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (2020). Quyết định số 3790/QĐ-UBND về công bố công khai số liệu quyết toán ngân sách năm 2019. Tiền Giang,Việt Nam.
  9. UBND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (2020). Quyết định số 38/QĐ-UBND về công bố công khai số liệu dự toán ngân sách năm 2020. Tiền Giang, Việt Nam.
  10. UBND thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (2021). Quyết định số 3829/QĐ-UBND về công bố công khai số liệu quyết toán ngân sách năm 2020. Tiền Giang, Việt Nam.

The state budget expenditure management of the Cai Lay Town People's Committee, Tien Giang Province: Current situation and solutions

Nguyen Minh Nha

Tien Giang University

Abstract:

Rationally allocating and using state budget sources are an important issue for non-business units in order to improve the efficiency of state budget management. Based on the basic theoretical issues of state budget accounting, this paper assesses the current state budget expenditure management at the People's Committee of Cai Lay town and proposes key solutions to improve the local state budget expenditure management. The paper finds out that the People's Committee of Cai Lay town’s state budget expenditure management is suitable with the local socio-economic conditions and basically in compliance with the 2015 State Budget Law and guiding documents of Tien Giang Province.

Keywords: state budget, state budget expenditure management, Cai Lay town, public units.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 2, tháng 2 năm 2022]