Quản lý chi ngân sách nhà nước cấp huyện: Trường hợp huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai

TS. NGUYỄN VIỆT DŨNG (Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên) - NGUYỄN NGỌC TUẤN (Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai)

TÓM TẮT:

Trong những năm qua, công tác quản lý chi ngân sách nhà nước của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã đạt nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục, nhất là trong điều kiện Huyện cần đẩy mạnh thực hiện và hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Bài viết  đánh giá thực trạng công tác quản lý chi ngân sách nhà nước và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện hoạt động quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Từ khóa: Quản lý chi ngân sách nhà nước, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

1. Đặt vấn đề

Ngân sách nhà nước (NSNN) cấp huyện có vai trò quan trọng trong hệ thống ngân sách nhà nước. Trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác quản lý ngân sách nhà nước, đặc biệt là hoạt động chi ngân sách nhà nước cấp huyện. Trong những năm qua, công tác quản lý chi ngân sách của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai đã có nhiều đổi mới và đạt được tiến bộ đáng kể. Tuy vậy, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục về: phân bổ vốn đầu tư và chi thường xuyên; nâng cao ý thức tiết tiệm, chống lãng phí, ý thức kỷ luật tài chính,... Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý chi NSNN trong huyện và công tác giám sát tài chính ngân sách của Hội đồng nhân dân huyện. Do đó, việc tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước cấp huyện là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện và từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý chi NSNN tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

2. Phạm vi và phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu phân tích bao gồm nguồn dữ liệu thứ cấp và nguồn số liệu sơ cấp. Nguồn dữ liệu thứ cấp được thu thập qua các báo cáo tài chính của huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, như: báo cáo về dự toán và quyết toán ngân sách cấp huyện; văn bản hướng dẫn xây dựng dự toán,… được cung cấp bởi UBND huyện Bảo Thắng. Nguồn dữ liệu sơ cấp được thu thập thông qua phỏng vấn và điều tra trực tiếp bằng việc sử dụng các phiếu điều tra ý kiến của cán bộ quản lý, chuyên viên phòng Tài chính và các đơn vị sử dụng ngân sách, với số phiếu điều tra là 104 phiếu.

Phương pháp phân tích số liệu: Phương pháp thống kê mô tả, phân tích so sánh, phương pháp phân tích tổng hợp nhằm đánh giá thực trạng công tác quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thực trạng quản lý chi ngân sách nhà nước tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai

3.1.1. Công tác lập dự toán chi NSNN

- Thực hiện công tác lập dự toán trong giai đoạn 2016 - 2018 đúng theo hướng dẫn hệ thống kế toán và mục lục ngân sách Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính. Dự toán chi NSNN qua 3 năm có xu hướng tăng lên. Năm 2016, tổng dự toán chi NSNN là 515.316 triệu đồng, năm 2017 tăng lên 572.493 triệu đồng, năm 2018 tăng lên 628.190 triệu đồng. Dự toán chi NSNN của huyện tập trung vào 2 nội dung chính là chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên. Chi thường xuyên chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng chi cân đối NSNN, bình quân trong giai đoạn 2016 - 2018 là 72,45%.

- Kết quả khảo sát về công tác lập dự toán chi NSNN của cán bộ quản lý và chuyên viên đạt ở mức trung bình và kém. Mức độ công khai, minh bạch và đúng quy trình trong công tác lập dự toán chi NSNN được đánh giá ở mức 3,22 - đạt mức trung bình cao. Kết quả khảo sát về công tác lập dự toán chi NSNN nhìn chung đã có sự công khai, minh bạch và đúng quy trình. Việc xây dựng dự toán đã có căn cứ vào kế hoạch định hướng, phát triển kinh tế - xã hội của Huyện. Tuy nhiên, mức độ tham khảo của các cơ quan, đơn vị cấp huyện và cấp xã vẫn chỉ đạt ở mức trung bình thấp, cũng như chưa chi tiết đầy đủ các chỉ tiêu cụ thể theo đúng hướng dẫn hệ thống kế toán và mục lục ngân sách.

3.1.2. Công tác chấp hành dự toán chi NSNN

Trong giai đoạn 2016 - 2020,  huyện Bảo Thắngthực hiện chủ trương ưu tiên các dự án trọng điểmtrong chi đầu tư phát triển , để phát triển kinh tế - xã hội . Cụ thể, năm 2018, Huyện đã chi đầu tư phát triển cho chương trình, dự án chủ yếu phân bổ cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể; chi cho hoạt động giáo dục - đào tạo, dạy nghề và chi cho các hoạt động kinh tế, với tỷ trọng trong tổng chi đầu tư phát triển lần lượt là: 68,9%, 12,6% và 5,6%.

Quy mô chi thường xuyên của huyện Bảo Thắng trong giai đoạn 2016 - 2018 tương đối ổn định và có xu hướng tăng nhẹ. Năm 2016, chi thường xuyên NSNN đạt 379.801 triệu đồng; Năm 2017 chi thường xuyên NSNN đạt 397.691 triệu đồng (tương ứng tăng 4,71%); Năm 2018 chi thường xuyên NSNN đạt 406.800 triệu đồng, tăng tương ứng 2,29%. Chi thường xuyên của Huyện cơ bản đã đáp ứng được các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao chất lượng giáo dục,… trên địa bàn. Cơ cấu chi thường xuyên được phân bổ chủ yếu cho hoạt động giáo dục - đào tạo, dạy nghề; y tế, dân số và gia đình.

Kết quả khảo sát về chấp hành chi NSNN cho thấy huyện Bảo Thắng mới chỉ dừng ở mức trung bình. Chỉ tiêu được đánh giá cao nhất trong 5 chỉ tiêu là mức độ nghiêm túc, minh bạch trong công tác quản lý chi NSNN được đánh giá 3,21, đạt ở mức trung bình, tiếp đến là chi tiêu mức độ thông tin kết quả thực hiện chi được thông báo đến nhân dân trong huyện được đánh giá 3,12, đạt ở mức trung bình. Các chỉ tiêu còn lại là mức độ phân bổ NSNN phù hợp với kế hoạch, nhiệm vụ, dự toán đặt ra; mức độ phù hợp trong phân bổ kinh phí cho hoạt động của Huyện trong chi đầu tư phát triển; mức độ phù hợp trong phân bổ kinh phí cho hoạt động chi thường xuyên đạt ở mức độ trung bình thấp.

Từ kết quả khảo sát chấp hành chi NSNN huyện Bảo Thắng cho thấy việc phân bổ kinh phí trong hoạt động chi đầu tư, chi thường xuyên chưa được tốt, còn chi nhiều cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể, mà chưa tập trung chi cho các hoạt động kinh tế, hoạt động khoa học - công nghệ và văn hóa, thể dục, thể thao.

3.1.3. Công tác quyết toán chi NSNN

Kết quả chi ngân sách cho thấy huyện Bảo Thắng chi tương đối sát với thực tế. Tổng chi NSNN huyện năm 2016 đạt 97,6% so với dự toán, năm 2017 đạt 97,9% so với dự toán, năm 2018 đạt 100,7% so với dự toán. Trong tổng chi NSNN huyện, có 3 khoản mục chính là: chi cân đối ngân sách, chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới và chi nộp ngân sách cấp trên. Mục chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới thực hiện đạt 100% dự toán được giao.

Chỉ tiêu quan trọng và biến động trong chi NSNN huyện Bảo Thắng là chi cân đối NSNN, gồm có chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên.

Về chi đầu tư phát triển: Trong giai đoạn 2016 - 2018, công tác quyết toán chi đầu tư phát triển của Huyện chỉ đạt: 74,3% năm 2016 so với dự toán, 82,2% năm 2017 so với dự toán, 88,4% năm 2018 so với dự toán. Công tác thực hiện thấp hơn nhiều so với dự toán, không thực hiện theo đúng kế hoạch dự án của Huyện đề ra, không quyết toán được các dự án theo đúng kế hoạch đã làm cho chi chuyển nguồn của Huyện lớn và có xu hướng tăng qua các năm.

Nguyên nhân là có một số dự án chậm tiến độ, cũng có những công trình hoàn thành nhưng vướng mắc trong hồ sơ thanh toán, dẫn đến phải chuyển nguồn sang năm sau. Thông qua rà soát cho thấy, các dự án có chủ đầu tư thuộc xã, thị trấn quản lý vẫn còn nhiều hạn chế, như: Việc phối hợp chưa kịp thời của các chủ đầu tư với kho bạc nhà nước huyện để thực hiện tất toán tài khoản đóng mã dự án. Việc phối hợp chậm dẫn đến mất thời gian rà soát cũng như thiếu tính chính xác trong báo cáo.

Về chi thường xuyên: Năm 2016 đạt 96,1% so với dự toán, năm 2017 đạt 94,1% so với dự toán, năm 2018 đạt 96,6% so với dự toán. Kết quả này cho thấy công tác quản lý chi thường xuyên của Huyện rất chặt chẽ và tiết kiệm so với dự toán được giao. Tuy nhiên, vẫn có một số khoản mục chưa sát với thực tế, một số đơn vị chưa thực sự tiết kiệm. Đa phần các đơn vị chưa chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ của đơn vị mình hàng năm đến khi thực hiện không có trong dự toán được giao từ đầu năm dẫn đến tình trạng phải đề nghị bổ sung kinh phí sử dụng ngân sách như khoản mục chi cho quốc phòng.

Năm 2016 chi quốc phòng đạt 100,4% so với dự toán, năm 2017 đạt 113,9% so với dự toán, năm 2018 đạt 120,2% so với dự toán. Việc thực hiện cả 3 năm đều vượt dự toán được giao cho thấy công tác lập dự toán không sát với thực tế. Các đơn vị không xác định được nhiệm vụ trong quá trình lập dự toán, phải xin bổ sung kinh phí cấp trên, dẫn đến tình trạng không tự chủ trong quá trình chi, cũng như thực hiện nhiệm vụ của đơn vụ được giao.

3.2. Đánh giá hoạt động quản lý chi NSNN tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai

3.2.1. Kết quả đạt được

Trong giai đoạn 2016 - 2018, công tác quản lý chi NSNN đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể:

- Công tác lập dự toán chi NSNN huyện Bảo Thắng cơ bản đảm bảo đúng thời gian qui định của tỉnh, đảm bảo công khai, minh bạch theo đúng quy định của Nhà nước. Công tác lập dự toán bám sát với hướng dẫn của Bộ Tài chính, Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

- Đối với chấp hành chi đầu tư phát triển: Các khoản chi cho đầu tư phát triển được cơ cấu theo thứ tự ưu tiên, không đầu tư dàn trải, tăng cường thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm khi thực hiện các dự án. Các khoản chi trong giai đoạn 2016 - 2018 được tập trung trong việc nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, kỹ thuật trong xây dựng trụ sở huyện, và trụ sở thị trấn, xã, hội trường UBND các xã và thị trấn, xây dựng các trạm y tế thuộc thị trấn, xã nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trên địa bàn.

- Đối với chấp hành chi thường xuyên: Việc chấp hành chi thường xuyên của huyện đảm bảo đúng nội dung, kinh phí thường xuyên được quản lý, kiểm soát sử dụng đúng mục đích, các đơn vị sử dụng ngân sách đã có ý thức trong việc sử dụng kinh phí một cách tiết kiệm và hiệu quả hơn.

3.2.2. Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý NSNN của huyện Bảo Thắng còn tồn tại một số hạn chế nhất định.

Thứ nhất, công tác lập dự toán chi NSNN: Công tác lập dự toán chi NSNN không dự báo hết được những biến động chi của địa phương, gây khó khăn cho công tác chấp hành và quyết toán ngân sách, phải chuyển nguồn những nguồn chưa thực hiện được, phải giải trình và thay đổi kế hoạch đối với những khoản vượt chi.

Một số đơn vị thụ hưởng ngân sách từ cấp xã đến thị trấn còn xây dựng dự toán không có cơ sở rõ ràng, lập số dự toán chi NSNN cao, dẫn đến dự toán chi không sát với thực tế.  

Một số dự án khi lập dự toán chưa tuân thủ đúng quy trình, khảo sát không cẩn thận, dẫn đến trong quá trình thực hiện phải thay đổi, điều chỉnh, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, gây bị động trong quá trình quản lý chi NSNN.

Thứ hai, công tác chấp hành chi NSNN: Cơ cấu chi NSNN của Huyện đã có những chuyển biến tích cực, nhưng tốc độ tăng chi thường xuyên vẫn lớn hơn tốc độ tăng chi đầu tư phát triển. Chi cho đầu tư phát triển hàng năm tuy đã tăng lên, nhưng so với tỷ trọng trong tổng chi NSNN vẫn thấp.

Chấp hành chi NSNN huyện Bảo Thắng cho thấy việc phân bổ kinh phí trong hoạt động chi đầu tư, chi thường xuyên của Huyện chưa được tốt, còn chi nhiều cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể, mà chưa tập trung cho các hoạt động kinh tế, đặc biệt là chi cho hoạt động khoa học và công nghệ và chi cho văn hóa - thể dục thể thao. Đối với chi đầu tư phát triển: chất lượng tư vấn chưa được tốt trong công tác lập dự toán, thiết kế, nhất là việc tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội sau đầu tư của dự án đó mang lại. Còn nhiều dự án chậm tiến độ, dẫn đến chi chuyển nguồn sang năm sau của Huyện lớn.

Thứ ba, công tác quyết toán chi NSNN: Công tác quyết toán chi NSNN vẫn còn hiện tượng chậm chễ trong việc nộp báo cáo, các khoản chi chưa được rà soát hết, việc tập hợp chứng từ khi thực hiện khóa sổ kế toán vẫn chưa được đầy đủ. Báo cáo quyết toán chỉ dừng lại ở mức độ xác định số liệu trong năm, chưa phân tích, đánh giá số liệu quyết toán để rút ra bài học kinh nghiệm cho công tác lập dự toán, phân bổ và chấp hành chi NSNN cho những năm tiếp theo.

4. Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý chi NSNN tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai

Một là, hoàn thiện công tác lập dự toán chi NSNN:

Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện với tư cách là cơ quan tham mưu cho UBND huyện trong việc quản lý toàn diện về tài chính trên địa bàn, phải căn cứ vào số kiểm tra và văn bản hướng dẫn lập dự toán ngân sách do Sở Tài chính gửi về kết hợp với chỉ đạo của UBND huyện về xây dựng dự toán ngân sách.

Việc lập dự toán ngân sách huyện phải tính đến các kết quả phân tích, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách của các năm trước, đặc biệt là năm báo cáo.

Đối với chi đầu tư phát triển, phải xác định rõ những nội dung chi trọng điểm, thứ tự ưu tiên các khoản chi, bám sát quy hoạch phát triển kinh tế của Huyện.

Hai là, hoàn thiện công tác chấp hành chi NSNN:

Thực hiện tốt chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí đối với các cơ quan, đơn vị; Quản lý chặt chi tiêu công, đảm bảo tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công.

(1) Đối với chi đầu tư phát triển: Căn cứ vào chỉ tiêu, nguồn vốn được giao để bố trí chi theo nguyên tắc phải đảm bảo đúng các công trình, hạng mục được duyệt, không tự ý điều chỉnh cho các hạng mục công trình khác. UBND huyện cần tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các danh mục công trình, với một số công trình không có khả năng hoàn thành sẽ phải có phương án điều chỉnh vốn kịp thời, tránh tình trạng để ứ đọng vốn.

Trong quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, cần chú trọng quản lý chất lượng công trình và triển khai dự án đúng tiến độ. Tiến hành rà soát các dự án chậm tiến độ, hoặc dự án treo để có biện pháp xử lý kịp thời.

(2) Đối với chi thường xuyên: Phải đảm bảo chi lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi đảm bảo hoạt động nhiệm vụ chính trị của ngành, đơn vị. Quản lý cấp phát phải đúng nội dung công việc, theo tiến độ hoàn thành.

Thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, thực hiện chính sách tinh giảm biên chế gắn với khoản chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc, thực hiện cắt giảm tối đa kinh phí gián tiếp. Chủ động sắp xếp các khoản chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ chi quan trọng, đảm bảo nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Đối với các khoản chi phát sinh ngoài dự toán cần phải chấp hành đúng theo quy định của Luật Ngân sách và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kiên quyết hạn chế những khoản chi chưa thật cần thiết.

Ba là, hoàn thiện công tác quyết toán chi NSNN:

Nghiêm túc thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản đối với các dự án hoàn thành đảm bảo về thời gian sau khi thực hiện xong và đảm bảo thời gian thẩm định theo quy định.

Công tác quyết toán ngân sách cần được thực hiện thống nhất theo đúng quy định về: Chứng từ chi ngân sách; Mục lục ngân sách nhà nước; Hệ thống tài khoản, sổ sách, biểu mẫu báo cáo; Mã số đối tượng nộp thuế và mã số đối tượng sử dụng ngân sách.

Các đơn vị tiến hành lập báo cáo quyết toán chi ngân sách gửi phòng TCKH phải đảm bảo đúng thời gian và biểu mẫu theo qui định của Luật Ngân sách.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Tiến Hanh, Phạm Thị Hoàng Phương (2016), Giáo trình Tài chính công, NXB Tài chính, Hà Nội.
  2. HĐND tỉnh Lào Cai (2016), Nghị quyết số 89/2016/NQ-HĐND, ngày 15/12/2016 về nghị quyết ban hành Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách ở địa phương; định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên; thời gian phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương giai đoạn 2017 - 2020, Lào Cai.
  3. UBND huyện Bảo Thắng (2018), Quyết định số 6888/QĐ-UBND, ngày 20/12/2018 về việc Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Lào Cai.
  4. UBND tỉnh Lào Cai (2017), Công văn số 3455/UBND-TH, ngày 20/7/2017 về việc Hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và lập kế hoạch tài chính - ngân sách 3 năm 2018 - 2020, Lào Cai.
  5. UBND tỉnh Lào Cai (2017), Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND, ngày 08/3/2017 về việc Quyết định ban hành quy định một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

STATE BUDGET EXPENDITURES MANAGEMENT:

CASE STUDY OF BAO THANG DISTRICT, LAO CAI PROVINCE

● Ph.D NGUYEN VIET DUNG

University of Economics & Business Administration,

Thai Nguyen University

● NGUYEN NGOC TUAN

Department of Finance - Planning, Bao Thang District,

Lao Cai Province

ABSTRACT:

Although the management of state budget expenditure of Bao Thang District, Lao Cai Province has achieved good results in recent year, the district’s state budget expenditure management still reveals some limitations. To achieve the district’s socio-economic development goals in the period of 2016-2020, it is necessary for Bao Thang District to improve its efficiency of state budget expenditures management. This paper assesses the state budget expenditures management of Bao Thang District, Lao Cai Province and proposes some solutions to perfect the district’s management of state budget expenditures.

Keywords: State budget expenditures management, Bao Thang District, Lao Cai Province.