Sản xuất công nghiệp duy trì đà phục hồi với mức tăng trưởng khá

Sản xuất công nghiệp trong quý II/2021 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 11,45% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,91%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,06% của cùng kỳ năm 2020.

Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 6,29%; quý II tăng 11,45%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,42% (quý I tăng 8,9%; quý II tăng 13,84%), đóng góp 2,9 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,16%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,75%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 6,61% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 7,3% và khí đốt tự nhiên dạng khí giảm 12,5%) làm giảm 0,25 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/6/2021 tăng 24,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2020 tăng 26,7%); tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2021 đạt 75,2% (cùng kỳ năm trước là 81,5%); số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2021 giảm 1,4% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 1% so với cùng thời điểm năm trước.

công nghiệp chế biến

Một số ngành công nghiệp trọng điểm 6 tháng đầu năm đều có có mức tăng trưởng cao.

Ngành Dệt tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, sản phẩm sợi xe từ các loại sợi tự nhiên có sản lượng tăng 13,4%;  sản phẩm sợi tơ tổng hợp tăng 5%;

Ngành sản xuất trang phục tăng 8,9% do năm 2020 ngành may mặc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid. Năm 2021 các DN ngành may dần vượt qua giai đoạn khó khăn, nhận được nhiều đơn hàng và tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do.

Ngành sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế tăng 3%: Sản lượng sản phẩm xăng động cơ tăng 5,5%. Trong đó, sản lượng sản phẩm của Công ty Lọc hóa dầu Nghi Sơn- Thanh Hóa tăng 2,7%; công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn- Quảng Ngãi tăng 8,2%.

Ngành sản xuất kim loại tăng 37%: Công ty TNHH gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) những tháng đầu năm 2021 hoạt động ổn định và có mức tăng khá cao. Sản lượng sản phẩm Sắt, thép không hợp kim dạng thỏi đúc hoặc dạng thô khác tăng 20,4%; sản phẩm Thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm tăng 35,8%.

Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 17,2%, trong đó các sản phẩm sau có tốc độ tăng cao: Sản phẩm máy in sử dụng trong văn phòng tăng 12,7%; sản phẩm bộ phận của máy tính,  máy tính tiền, máy đóng dấu, máy bán vé tăng 13,7%; sản phẩm máy điều hòa không khí tăng 18,5%….

Sản xuất xe có động cơ tăng 33,1%: Sản phẩm Xe có động cơ chở dưới 10 người tăng 37%, trong đó Công ty Toyota Việt Nam và Công ty Honda có sản lượng 6 tháng tăng 50,5%; Công ty TNHH Vinfast có sản lượng tăng 73,6% nguyên nhân do doanh nghiệp đã đã chủ động, có kế hoạch thích ứng với dịch Covid-19 để duy trì sản xuất kinh doanh. Sản phẩm Xe có động cơ đốt trong chở từ 10 người trở lên của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Sản Xuất Và Lắp Ráp Ô Tô Du Lịch Trường Hải 6 tháng tăng 111,1%…

Theo Tổng cục thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

Đăng Huy