Nhiều yếu tố bất lợi
Năm 2020 là năm có quá nhiều yếu tố kìm hãm sự tăng trưởng. Trước hết là sản xuất nông, lâm, nghiệp và thủy sản gặp nhiều khó khăn do tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất, nhập khẩu và tiêu thụ nông sản.
Tiếp theo, cũng do dịch bệnh, khu vực dịch vụ đạt mức tăng thấp nhất của các năm 2011-2020. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ các năm 2011-2020 lần lượt là: 7,47%; 6,71%; 6,72%; 6,16%; 6,33%; 6,98%; 7,44%; 7,03%; 7,30%; 2,34%.
Thứ ba, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư sụt giảm quá mạnh. Hệ số ICOR đã giảm từ 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017; 5,98 năm 2018 và 6,08 năm 2019.
Bình quân giai đoạn 2016-2019, hệ số ICOR đạt 6,13, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
Nhưng đến năm 2020, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế bị đình trệ, các dự án công trình hoàn thành đưa vào sử dụng chưa phát huy được năng lực nên ICOR năm 2020 đạt 14,28, cao hơn 2 lần so với năm 2019, và là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bình quân giai đoạn 2016-2020 hệ số ICOR lên đến 7,04.
Thứ tư, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2020 tăng 5,7% so với năm 2019, mức thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đến tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thứ năm, do giá dầu thô giảm kỷ lục, nên ta cũng chủ động giảm sản lượng khai thác dầu thô 12,6% và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%.
2 yếu tố động lực
Nhưng vượt lên tất cả, GDP năm 2020 tăng 2,91% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%), tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới.
Thành công này có sự đóng góp rất lớn của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi nên sản xuất công nghiệp trong quý IV/2020 có sự khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 4,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm 2019, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.
Năm 2020 cũng là năm ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%.
Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016. Giá trị xuất siêu các năm giai đoạn 2016-2020 lần lượt là: 1,6 tỷ USD; 1,9 tỷ USD; 6,5 tỷ USD; 10,9 tỷ USD; 19,1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Việt Phong - Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê), đánh giá, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu tận dụng được lợi thế của EVFTA, nhiều mặt hàng xuất sang EU được giảm thuế ngay về 0% hoặc được giảm thuế theo lộ trình, từng ngành hàng.
Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,1 tỷ USD đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế năm 2020; đồng thời sẽ tác động tích cực tới tỷ giá hối đoái, tới dự trữ ngoại hối trong bối cảnh Việt Nam cần có thêm nguồn lực để chuẩn bị cho phục hồi kinh tế hậu COVID-19 trong năm 2021.
Như vậy, công nghiệp chế biến chế tạo cùng với xuất khẩu là 2 bệ đỡ quan trọng giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.