Nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất
Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2021 của Bộ Công Thương nhận định, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp cả trong nước và trên thế giới tiếp tục ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống, xã hội của nước ta.
Trong nước, chúng ta đang đối mặt với làn sóng dịch Covid-19 thứ tư có quy mô và tính phức tạp cao hơn các đợt dịch trước, lây lan nhanh với biến chủng mới, bùng phát cả ở trong những bệnh viện, nơi có nhiều người bệnh nặng, nhiều bệnh lý nền, cả ở trong cộng đồng nhiều địa phương và ở trong các khu công nghiệp lớn nơi tập trung nhiều lao động. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và các địa phương tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, không chủ quan, lơ là đồng thời triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính phủ đã chỉ đạo đồng bộ, xuyên suốt và cụ thể các giải pháp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Chủ trương “khoanh vùng hẹp” để bảo đảm sản xuất, duy trì phát triển kinh tế được thực hiện đồng bộ ở các địa phương đã giúp hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh.
Cụ thể, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng… nơi tập trung hàng trăm ngàn công nhân nhưng đã nhanh chóng được khoanh vùng, kiểm soát. Cả nước hiện có khoảng 70.000 nhà máy và trên 300 khu công nghiệp tập trung đang hoạt động, nguy cơ dịch bùng phát ở các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp là rất lớn.
Để tập trung phòng, chống, dập dịch hiệu quả, có phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế địa phương và cả nước, đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với 63 Ủy ban nhân dân và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố quán triệt thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Bộ cũng đã tổ chức các cuộc làm việc trực tuyến cùng lãnh đạo tỉnh Bắc Giang (ngày 25/5) và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh (ngày 26/5), để cùng địa phương thống nhất triển khai các biện pháp cấp bách, đẩy lùi khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, bên cạnh tập trung phòng chống dịch nhưng vẫn phải duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, Bộ đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, nghiêm túc thực hiện 5K. Chủ động đánh giá mức độ an toàn của dịch Covid-19, cập nhật bản đồ an toàn, sống chung với dịch bệnh để có phương án sản xuất phù hợp.
Mặt khác, cần khẩn trương truy vết, khoanh vùng, dập dịch nhất là những ổ dịch đã lan vào khu công nghiệp, khu chế xuất. Từng cơ sở công nghiệp phải tự đánh giá sự an toàn của cơ sở và xây dựng tốt phương án duy trì sản xuất theo từng cấp độ, thực hiện các giải pháp bảo đảm phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo sản xuất an toàn không để ngưng trệ, đứt gãy chuỗi sản xuất.
IIP tiếp tục tăng so với cùng kỳ
Nhờ những nỗ lực của toàn hệ thống, sản xuất công nghiệp tháng 5 vẫn giữ được tăng trưởng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước (tháng 5/2020 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước), trong đó ngành khai khoáng giảm 6,4% so với tháng trước và giảm 9,8% so với cùng kỳ; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,6% và tăng 14,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,2% và tăng 12%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 3,1% và tăng 6,8%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, ước tính IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6% (cùng kỳ năm trước tăng 3,2%) tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của ngành công nghiệp; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,3% (cùng kỳ năm trước tăng 2,1%); ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,5% (cùng kỳ năm trước tăng 2,9%); riêng ngành khai khoáng giảm 7% (cùng kỳ năm trước giảm 7,7%).
Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành trọng điểm có chỉ số sản xuất 5 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất kim loại tăng 38%; sản xuất xe có động cơ tăng 35%; sản xuất máy móc, thiết bị chưa được phân vào đâu tăng 15,6%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 15,5%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 13,6%; sản xuất đồ uống tăng 12,8%. Ở chiều ngược lại, một số ngành có chỉ số giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%; khai thác than cứng và than non giảm 3,8%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 0,4%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép cán tăng 60%; ô tô tăng 56%; linh kiện điện thoại tăng 36,4%; điện thoại di động tăng 22,2%; sắt, thép thô tăng 18,4%; xe máy tăng 15,3%; phân hỗn hợp NPK tăng 13,5%; ti vi tăng 13,2%; giày, dép da cùng tăng 12,6%; bia các loại tăng 11,7%. Một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 13,1%; phân u rê giảm 8,1%; dầu thô khai thác giảm 9,4%; xăng, dầu các loại giảm 9,3%; than sạch giảm 3,7%.