Sáng tạo trải nghiệm du lịch cộng đồng trong "trạng thái bình thường mới" ở Việt Nam

ThS. Trần Thị Thu Huyền - ThS. Hà Thanh Tú (Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp - Đại học Thái Nguyên)

Tóm tắt:

Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch đang được chú trọng phát triển ở rất nhiều địa phương trong cả nước và cũng đã có những kết quả khả quan nhất định. Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất to lớn cho toàn ngành Du lịch, đồng thời cũng tạo ra những nhu cầu và xu hướng du lịch mới. Du lịch cộng đồng có rất nhiều thuận lợi dựa trên những nhu cầu và xu hướng này để thiết kế, sáng tạo ra những trải nghiệm du lịch đáng nhớ trong trạng thái “bình thường mới” ở Việt Nam.

Từ khóa: covid 19, du lịch cộng đồng, du lịch bền vững, trạng thái bình thường mới.

1. Đặt vấn đề

Du lịch Việt Nam cũng như thế giới đã chịu những tổn thất nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra. Trọng tâm của ngành Du lịch chuyển hướng vào du lịch nội địa, trong đó rất nhiều địa phương đã nỗ lực phát triển du lịch cộng đồng cả về chất và lượng. Trong trạng thái “bình thường mới”, du lịch cộng đồng có thể tận dụng những xu hướng đang có để phát triển những lợi thế của mình.

2. Du lịch cộng đồng và sự phát triển của du lịch cộng đồng ở Việt Nam

Du lịch cộng đồng (CBT - Community Based Tourism) được hiểu là loại hình du lịch có tính bền vững về môi trường, xã hội và văn hóa. Nó được quản lý và sở hữu bởi cộng đồng, vì cộng đồng, với mục đích cho phép du khách tăng cường nhận thức và tìm hiểu về cách sống của cộng đồng và địa phương. Do đó, CBT có thể được định nghĩa là du lịch thuộc sở hữu và/hoặc được quản lý bởi các cộng đồng và nhằm mục đích mang lại lợi ích cộng đồng rộng hơn (Goodwin & Santilli, 2009, trang 12).

Du lịch cộng đồng được phát triển đúng hướng sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho địa phương, đặc biệt là các tác động này đều đáp ứng được các nguyên tắc phát triển bền vững (xã hội, môi trường và kinh tế). Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (ERST) cho rằng: “các sản phẩm và dịch vụ du lịch cộng đồng của Việt Nam phần lớn thường thấy ở các vùng nông thôn như là vùng núi phía Bắc (Lào Cai, Lai Châu, Hòa Bình, Vịnh Hạ Long,…), vùng ven biển miền Trung (Huế, Hội An, Nha Trang) và xung quanh đồng bằng sông Cửu Long ở phía Nam”.

Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam nói chung vẫn còn nhiều bất cập (Doãn Văn Tuấn, 2015). Người dân và chính quyền địa phương nhiều nơi còn vướng mắc trong việc xây dựng các sản phẩm hấp dẫn khách du lịch, đồng thời gắn với bảo vệ và phát triển các nguồn tài nguyên vật thể và phi vật thể của địa phương. Ở khu vực miền núi phía Bắc, ngoài Sapa và Mai Châu có lượng khách du lịch khá đông và ổn định, các điểm du lịch cộng đồng khác như ở Ba Vì, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Lai Châu,… còn khá đơn điệu, nghèo nàn và hoạt động kém hiệu quả (Chu Hiệu, 2019; Trần Thị Mai An, 2017). Xu hướng phát triển du lịch cộng đồng tại khắp các địa phương trên cả nước đang ngày càng nở rộ, tuy nhiên không phải tất cả đều gặt hái được thành công. Rất nhiều địa phương chưa phát huy hết những nội lực và tiềm năng có thể khai thác, đặc biệt là về khía cạnh văn hóa địa phương. Ngay cả với Sapa, nơi có nhiều điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn thì tỷ lệ khách du lịch lưu trú mới chỉ ở mức 1,8 ngày/khách và tỷ lệ quay lại của khách du lịch quốc tế mới chỉ ở mức 11,2%; trong khi tỷ lệ khách du lịch cũ/khách du lịch mới tại các điểm du lịch cộng đồng của Chieng Mai (Thái Lan) là 70/30. Điều đó cho thấy rõ ràng, mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng việc phát triển du lịch cộng đồng ở Việt Nam còn rất nhiều vấn đề cần xem xét.

3. Đại dịch Covid 19 tác động mạnh mẽ tới ngành du lịch nói chung và du lịch cộng đồng nói riêng

3.1. Ngành Du lịch đối mặt với những tổn thất

Ngành Du lịch thế giới đã phải hứng chịu cuộc khủng hoảng lớn nhất được ghi nhận vào năm 2020 sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Lượng khách du lịch quốc tế (khách qua đêm) năm 2020 giảm 74% so với năm 2019. Điều này dẫn tới sự sụt giảm đột ngột khoảng 1,3 nghìn tỷ USD doanh thu xuất khẩu - gấp hơn 11 lần mức thiệt hại được ghi nhận trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2009. (Hình 1)

Hình 1: Lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm tính theo khu vực năm 2020 do ảnh hưởng của Covid 19

du lịch cộng đồng

Nguồn: World Tourism Organization (UNWTO)

Theo báo cáo cuối năm của Tổng cục Thống kê, năm 2020, do việc đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,8 triệu lượt người, giảm 78,7% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34,1%; tổng thu du lịch đạt 312 nghìn tỷ đồng, giảm 58,7% - mức giảm tương đương 19 tỷ USD. Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%.

3.2. Những vấn đề được quan tâm và những xu hướng mới

Bảo hiểm du lịch

Covid-19 được dự báo sẽ không thể sớm kết thúc cho đến khi phần lớn dân số thế giới được tiêm chủng để tạo ra miễn dịch cộng đồng. Với sự phát sinh của dịch bệnh trong thời gian qua, khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế đã đưa bảo hiểm du lịch lên một vị trí quan trọng hơn. Điều này đồng nghĩa với việc khách du lịch cần biết thông tin chi tiết về hệ thống y tế, và các gói bảo hiểm du lịch ngoài những thông tin chung về điểm đến, dịch vụ,… Điều đó sẽ giúp khách du lịch giảm bớt lo lắng và yên tâm để thực hiện những chuyến đi. Tại Việt Nam, công văn số 493/VPCP-KGVX của văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu thông tin báo chí nêu về đề xuất cho bán bảo hiểm Covid-19 để chuẩn bị mở cửa du lịch quốc tế. Ngoài các loại bảo hiểm du lịch thông thường, loại bảo hiểm mới này sẽ góp phần làm giảm rủi ro cho du khách để thị trường du lịch khôi phục trở lại trong thời gian tới.

Du lịch bền vững

Đại dịch Covid-19 đã buộc ngành Du lịch phải chuyển trọng tâm từ phát triển sang phục hồi, xây dựng tính bền vững và tính liên kết giữa các bên liên quan. UNWTO (Tổ chức du lịch thế giới) gần đây đã công bố hướng dẫn chiến lược về phục hồi có trách nhiệm của ngành Du lịch, khuyến nghị các cách hỗ trợ phục hồi có trách nhiệm từ tình hình hiện tại và xây dựng du lịch tốt hơn. Đặc biệt sau khi các món ăn từ động vật hoang dã được cho là nguồn gốc lây nhiễm đại dịch thì sự quan tâm của khách du lịch đến các chuyến đi “xanh”, mang lại tính bền vững cả về môi trường và đời sống tại điểm đến càng sâu sắc hơn. Khi quyết định đi du lịch, sẽ có một lượng không nhỏ du khách quốc tế cân nhắc lựa chọn những hãng hàng không có biện pháp giảm phát thải carbon, có các đường bay thẳng, máy bay tiết kiệm năng lượng, sử dụng ô tô điện, phương tiện giao thông công cộng, dịch vụ chia sẻ hoặc dùng chung,… Du khách dành nhiều thời gian hơn ở một điểm đến để tạo thêm thu nhập nhiều hơn cho cộng đồng địa phương, ưu tiên lựa chọn dịch vụ thân thiện với môi trường, cơ sở lưu trú áp dụng biện pháp tiết kiệm năng lượng, có biện pháp tái chế chất thải,…

Du lịch nội địa và những kỳ nghỉ tại chỗ

Sự hạn chế di chuyển, các chính sách giãn cách xã hội và rủi ro bệnh dịch đã khiến cho rất nhiều khách du lịch từ bỏ những kỳ nghỉ nước ngoài hoặc đi xa khỏi nơi cư trú. Các kỳ nghỉ tại chỗ - là một kỳ nghỉ tại chính quê hương của mình, không cần xuất ngoại, hoặc dành thời gian ở nhà và có những chuyến du lịch ngắn đến các điểm thú vị trong vùng đã và đang phát triển mạnh mẽ. Số liệu về du lịch tại chỗ ở tất cả các quốc gia sau khi đại dịch do coronavirus bùng phát đã chứng minh điều này, du lịch nội địa với những chuyến đi ngắn, gần nhà, di chuyển bằng phương tiện cá nhân đã trở thành xu hướng phổ biến. Sự quan tâm của du khách đến các kỳ nghỉ tại chỗ (staycations) đã lên đến đỉnh điểm vào tháng 8 năm 2020 với số lượng tìm kiếm từ khóa này tăng gấp nhiều lần so với mức cao nhất của 4 năm trước đó.

Hình 2: Xu hướng tìm kiếm từ khóa “staycation” từ tháng 2/2016 đến tháng 1/2021

du lịch cộng đồng

Nguồn: Google trends (truy cập ngày 24/2/2021)

Vài nghiên cứu được tiến hành cũng đã xác nhận xu hướng du lịch gần nhà là một trong những thay đổi quan trọng trong quyết định của khách du lịch (Amina Chebli và đồng sự, 2020; Marianna Sigala, 2020). Điều này hoàn toàn có thể dễ dàng lý giải khi các chuyến đi bằng phương tiện cá nhân cũng đồng nghĩa là các kỳ nghỉ gia đình trong và sau đại dịch Covid-19 trở nên ngắn hơn và đồng thời chi phí cũng thấp hơn, bên cạnh đó cũng giúp cho các gia đình ít tiếp xúc với các nguy cơ lây nhiễm hơn trong khi vẫn có thể có những ngày nghỉ thư giãn bên gia đình và bạn bè.

Du lịch ngoài trời, không gian mở và với quy mô nhỏ hơn

Tương tự như xu hướng lựa chọn những kỳ nghỉ tại chỗ, sau khi đại dịch bùng phát thì các quyết định du lịch dường như đã chuyển hướng sang những điểm đến ngoài trời, với không gian mở, không tập trung đông người và đặc biệt là các điểm đến biệt lập. Lựa chọn này được cho là có mức độ rủi ro thấp hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, việc tổ chức các chuyến du lịch gia đình, các chuyến du lịch theo nhóm nhỏ với những người quen biết cũng giúp cho du khách giảm bớt những quan ngại về nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch (Amina Chebli và đồng sự, 2020; Marianna Sigala, 2020). Thực tiễn du lịch nội địa ở Việt Nam năm 2020 là một minh chứng cho xu hướng này khi các điểm đến như Sapa, Phú Quốc, Côn Đảo,… nhận được nhiều sự quan tâm và thu hút được một lượng khách du lịch không nhỏ.

3.3. Cơ hội cho du lịch cộng đồng Việt Nam phát triển

Như trên đã trình bày, với những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 thì những xu hướng du lịch bền vững, du lịch tại chỗ, ngoài trời, không gian mở và quy mô nhỏ sẽ trở nên phổ biến. Và thật đáng cân nhắc khi tất cả những đặc điểm này, du lịch cộng đồng đều rất thích hợp để đáp ứng.

Với những kỳ nghỉ tại chỗ, các điểm du lịch cộng đồng tại địa phương là một lựa chọn vô cùng thích hợp với khoảng cách di chuyển ngắn, các “kịch bản” cho chuyến đi đa dạng với số ngày khác nhau và cho phép du khách chủ động thiết kế hành trình mà mình muốn. Bản thân phần lớn các điểm du lịch cộng đồng ở Việt Nam đều nằm ở khu vực nông thôn hoặc miền núi, vùng dân tộc thiểu số nên không gian mở với thiên nhiên khoáng đạt, không đông đúc như các điểm du lịch đại trà (bãi biển, công viên chủ đề, trung tâm thương mại…), đồng thời cũng chỉ thích hợp để đón một lượng du khách không quá lớn. Không chỉ có vậy, du lịch cộng đồng có đóng góp không nhỏ vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương, cũng rất thuận lợi trong việc kêu gọi du khách tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên tại điểm đến. Các tour du lịch tình nguyện tại các điểm du lịch cộng đồng ở các tỉnh vùng cao đã thu hút sự chú ý của du khách nội địa và quốc tế. Với những đặc điểm này, những khách du lịch quan tâm tới tính bền vững sẽ có thêm nhiều lựa chọn khi cân nhắc đến du lịch cộng đồng. Có thể thấy, mặc dù đại dịch Covid-19 khiến cho ngành Du lịch gặp nhiều tổn thất, nhưng cũng đang tạo ra cho du lịch cộng đồng một cơ hội để vươn lên, khẳng định vị trí của mình.

4. Sáng tạo trải nghiệm du lịch cộng đồng trong trạng thái bình thường mới ở Việt Nam

Những nghiên cứu về trải nghiệm du lịch, đặc biệt là trải nghiệm du lịch đáng nhớ trong thời gian gần đây cho thấy đối với du lịch cộng đồng, thì những trải nghiệm mang lại sự hưởng thụ, sự tham gia và văn hóa địa phương tác động nhiều nhất tới ý định hành vi và lòng trung thành với điểm đến của khách du lịch (Kim và cộng sự, 2010; Chen và cộng sự, 2017). Đây là những gợi ý hữu ích cho việc thiết kế và sáng tạo những trải nghiệm du lịch cộng đồng trong trạng thái “bình thường mới”.

Trải nghiệm mang lại sự hưởng thụ cho khách du lịch

Sự hưởng thụ được hiểu là “cảm giác dễ chịu làm bản thân phấn khích” (Dunman và Mattila, 2005; Mannell và Kleiber, 1997; Otto và Ritchie, 1996). Cảm giác dễ chịu này đến từ rất nhiều tương tác khác nhau giữa khách du lịch và điểm đến, có thể được chia làm 3 nhóm tương tác: giữa du khách với cảnh quan thiên nhiên địa phương, giữa du khách với cơ sở hạ tầng và dịch vụ của điểm đến, giữa du khách với người dân địa phương. Để có thể tạo ra cảm xúc mong muốn, các tương tác này cần được tính toán và thiết kế một cách phù hợp với tình hình thực tiễn của từng điểm du lịch cộng đồng. Với mỗi điểm du lịch cộng đồng, các nhà quản lý cần cân nhắc trên cơ sở hiện trạng và tiềm năng phát triển để thiết kế và sáng tạo những trải nghiệm cho khách du lịch. Ví dụ, nơi có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên thì các cơ hội tương tác với cảnh quan cần được thiết kế một cách tỉ mỉ kể cả về không gian và thời gian (địa điểm, mùa, giờ trong ngày). Đối với du lịch cộng đồng, du khách kỳ vọng được có thêm hiểu biết về cuộc sống của người dân địa phương. Do đó, việc thiết kế lồng ghép để các yếu tố hạ tầng và dịch vụ không phá vỡ những thói quen sinh hoạt truyền thống, đồng thời không gây khó khăn cho du khách mà thậm chí khiến họ cảm thấy thích thú là điều vô cùng quan trọng.

Trải nghiệm tham gia, hòa mình cùng các hoạt động tại điểm đến

Khách du lịch có xu hướng nhớ những gì mình trực tiếp tham gia hơn so với những gì họ đứng ở vai trò quan sát (Kim và cộng sự, 2010). Chính vì vậy, để trải nghiệm du lịch cộng đồng trở nên sâu sắc, các nhà quản lý cần thiết kế những cơ hội để du khách được hòa mình vào các hoạt động tại điểm đến: lao động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, phong tục tập quán, nghi lễ tôn giáo, lễ hội,… Điều quan trọng là các hoạt động này cần được thiết kế dựa trên đời sống của người dân địa phương và cần được tính toán tỉ mỉ để khách du lịch đến vào bất kỳ thời điểm nào trong năm cũng có thể tham dự những hoạt động nhất định. Bên cạnh việc tham gia các sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động thiện nguyện cũng thu hút sự quan tâm của rất nhiều khách du lịch. Điều đáng chú ý là tất cả những hoạt động này cần được kiểm soát chặt chẽ, tránh tràn lan, sao chép hoặc mang tính phong trào, khiến khách du lịch cảm thấy như mình đang tham gia một vở kịch phân vai.

Trải nghiệm sâu sắc về văn hóa địa phương

Các trải nghiệm về văn hóa địa phương thường gắn bó chặt chẽ với các sinh hoạt cộng đồng và tương tác giữa khách du lịch với người dân địa phương. Những trải nghiệm này cần được làm sâu để nổi bật các giá trị cốt lõi trong văn hóa của địa phương, của dân tộc hoặc tôn giáo tại điểm du lịch cộng đồng. Để làm được điều này cần có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia về văn hóa dân gian để xây dựng, thiết kế những trải nghiệm thống nhất, xuyên suốt với các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, các công trình kiến trúc và phong tục tập quán địa phương nhưng đồng thời lại hấp dẫn du khách tham quan.

5. Kết luận

Việc sáng tạo các trải nghiệm du lịch cộng đồng là vô cùng quan trọng để có thể tạo ra điểm nhấn cho loại hình du lịch còn mới phát triển này. Tuy nhiên, sự hạn chế về các nguồn lực có thể huy động cũng như số lượng chuyên gia có thể tham gia tư vấn xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng là một trở ngại không nhỏ. Chính vì thế, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình làm du lịch cộng đồng cần có sự kết hợp chặt chẽ và đặt trọng tâm vào những trải nghiệm quan trọng ảnh hưởng tới ý định hành vi của du khách trước khi có thể hoàn thiện tất cả các khía cạnh của trải nghiệm du lịch.

Tài liệu tham khảo:

  1. Doãn Văn Tuấn (2015). Để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng ở Việt Nam. Tạp chí Kinh tế và Dự báo Số 7, tr.57-59.
  2. Nhân Dân điện tử (2019). "Đi nhanh” chưa đủ, du lịch Sa Pa cần “đi xa” hơn, <https://nhandan.com.vn/thong-tin-doanh-nghiep/di-nhanh-chua-du-du-lich-sa-pa-can-di-xa-hon-378073/>.
  3. Kim, J., Ritchie, J. R. B., & Tung, W. S. V. (2010). The effect of memorable experience on behavioral intentions in tourism: A structural equation modeling approach. Tourism Analysis, 15(A), 637-648.
  4. Han Chen, Imran Rahman (2017). Cultural tourism: An analysis of engagement, cultural contact, memorable tourism experience and destination loyalty, Tourism Management Perspectives, 26(2018) 153-163.
  5. Trần Thị Mai An (2017). Du lịch cộng đồng tộc người ở Việt Nam: Xu thế thích ứng nhu cầu hội nhập văn hóa. Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Số 12, tr.73-78.
  6. Amina Chebli & Foued Ben Said. (2020). The Impact of Covid-19 on Tourist Consumption Behaviour : A Perspective Article. Journal of Tourism Management Research, Conscientia Beam, vol. 7(2), 196-207.
  7. Sigala, M. (2020). Tourism and COVID-19: impacts and implications for advancing and resetting industry and research. Journal of Business Research. doi:10.1016/j.jbusres.2020.06.015 
  8. UNWTO (2021) 2020: Worst year in tourism history with 1 billion fewer international <https://www.unwto.org/news/2020-worst-year-in-tourism-history-with-1-billion-fewer-international>
  9. Tổng cục Thống kê (2020) Khách quốc tế giảm mạnh, ngành Du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề <https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/10/khach-quoc-te-giam-manh-nganh-du-lich-chiu-anh-huong-nang-ne/>

CREATING NEW MEMORABLE TRAVEL EXPERIENCES WITH COMMUNITY-BASED TOURISM IN THE CONTEXT OF VIETNAM’S NEW NORMAL PERIOD

Master. Tran Thi Thu Huyen

Master. Ha Thanh Tu

Thai Nguyen University of Technology

Abstract:

Community-based tourism experiences a rapid growth in many localities in Vietnam and it has achieved certain encouraging results. The Covid-19 pandemic has a huge impactt on the tourism industry. However, the outbreak also creates new tourism trends. Community-based tourism has many advantages to follow these new trends in order to create memorable travel experiences in the new normal period in Vietnam.

Keywords: Covid 19, community-based tourism, sustainable tourism, new normal.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3, tháng 2 năm 2021]