Giải pháp phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An

ThS. Cao Thị Thanh Vân, ThS. Trần Thị Hồng Lam (Khoa Kinh tế - Trường Đại học Vinh)

Tóm tắt:

Huyện Con Cuông được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh Nghệ An, với tài nguyên thiên nhiên phong phú và phong tục tập quán nhiều bản sắc. Trong những năm gần đây, hoạt động du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông ngày càng phát triển, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn so với lợi thế của Con Cuông. Bài viết đã nêu rõ thực trạng và đề xuất những giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

Từ khoá: Du lịch cộng đồng, phát triển du lịch, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.

1. Đặt vấn đề

Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái có thể coi là một thế mạnh nổi trội của huyện Con Cuông. Huyện Con Cuông có 128.000 ha rừng nằm trong Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống với hơn 1.200 loài thực vật quý hiếm, cùng hàng trăm loài động thực vật nằm trong Sách đỏ được thế giới bảo vệ. Tháng 11 năm 2007, Vườn quốc gia Pù Mát được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Khu du lịch Sinh thái Pha Lài có diện tích rộng lớn với gần 10ha nằm trên dòng sông Giăng thơ mộng thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều thác nước đẹp như: thác Khe Kèm, khe Nước Mọc và nhiều hang động kỳ thú như hang Thẳm Ồm, Thẳm Nàng Màn, hang ông Trạng…; cùng những di tích lịch sử, văn hóa như bia Ma Nhai, động Ðào Nguyên, thành cổ Trà Lân,...

Diện tích tự nhiên của Con Cuông là 174,451ha, dân số toàn huyện là 17.762 hộ, với 170.335 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Thái, Kinh, Nùng, Hoa, Khơ Mú, Tày và Đan Lai. Trong đó, đồng bào dân tộc Thái là 49.475 người, chiếm 70,3%. Bởi vậy, nơi đây rất thích hợp để phát triển du lịch cộng đồng, bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái và còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo, tập tục và lối sống phong phú của các đồng bào dân tộc, đặc biệt là dân tộc Thái.

Du lịch cộng đồng gắn với sinh thái được xem là một mô hình du lịch đầy tiềm năng trong việc thu hút khách du lịch và giúp xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương trên địa bàn. Giai đoạn 2016-2019, du lịch cộng đồng ở Con Cuông đã có những bước khởi sắc; trở thành một phương thức du lịch hấp dẫn trong hành trình khám phá miền Tây xứ Nghệ. Các điểm du lịch cộng đồng ở Con Cuông còn mang nét hoang sơ, tự nhiên, thuần tuý, ít bị biến đổi; được thiên nhiên ưu đãi có nhiều danh thắng đẹp hoang sơ, nhưng vô cùng đặc sắc. Tuy nhiên, hiện nay, hình thức du lịch cộng đồng tại Con Cuông vẫn chưa được nhiều du khách biết đến.

2. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông

Tại huyện Con Cuông, du lịch cộng đồng vừa giúp bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa góp phần phát triển kinh tế địa phương, cải thiện sinh kế cho đồng bào, đồng thời mang lại những trải nghiệm sâu sắc cho du khách. Với mô hình du lịch này, khách du lịch sẽ được tham quan làng dệt thổ cẩm, trải nghiệm công việc dệt vải, ngắm các sản phẩm thổ cẩm địa phương, thưởng thức các món ăn dân tộc và ngủ lại nhà sàn đón buổi sáng trong ánh bình minh, … Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các điệu dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc trong các trang phục rực rỡ, trải nghiệm các hoạt động sản xuất của địa phương như gặt lúa, hái cam, thi cấy, tham quan hội chợ phiên, nhảy sạp.

Trong giai đoạn 2016-2019, du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái tại Con Cuông đã được biết đến và phát triển. Tuy nhiên, số lượng du khách và doanh thu từ hoạt động này vẫn chưa nhiều. (Bảng 1)

Bảng 1. Thực trạng khách du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông giai đoạn 2016-2019

Năm

Tổng lượt khách (người)

Trong đó

Khách lưu trú

Khách quốc tế

Số lượng

(lượt người)

Tỷ trọng (%)

Số lượng (lượt người)

Tỷ trọng (%)

2016

16.500

16.050

97,27

450

2,73

2017

31.000

30.300

97,74

700

2,26

2018

41.700

40.784

97,8

916

2,2

2019

47.000

45.840

97,53

1.160

2,47

                                          (Nguồn : Tổng hợp từ số liệu của Sở Du lịch Nghệ AnGiai đoạn 2016-2019, du lịch cộng đồng tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An đã được biết đến nhiều hơn, thể hiện thông qua số lượt khách đến tham quan trải nghiệm. Năm 2017, số lượt khách 31.000 tăng gần gấp 2 lần so với năm 2016 và thu hút được khách du lịch nước ngoài nhiều hơn, mang về tổng doanh thu hơn 8,5 tỷ đồng. Năm 2018 lượt khách tham quan tăng 34,5% so năm 2017 và năm 2019 tăng 12,7% so năm 2018. Số lượt khách ngày một gia tăng, nhưng thông qua tỷ trọng khách quốc tế đến tham quan trải nghiệm hàng năm vẫn chỉ chiếm tầm 2%-3%, chưa thực sự bứt phá và thu hút được khách quốc tế.

Năm 2016, huyện Con Cuông được chuyên gia dự án JICA khảo sát và giúp đồng bào làm du lịch cộng đồng. Họ hướng dẫn thành lập các tổ dịch vụ du lịch như: tổ lưu trú, ẩm thực, tổ văn nghệ với sự tham gia của trên 30 người dân địa phương; hướng dẫn thành lập tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm với sự tham gia của 5 hộ dân. Đến năm 2018, số hộ dân tham gia đã gia tăng lên 30 hộ. Bởi vậy, kể từ năm 2016, du lịch cộng đồng tại nơi đây bắt đầu được khởi sắc. Bản Nưa, bản Pha, xã Yên Khê; điểm du lịch cộng đồng bản Khe Rạn, xã Bồng Khê; điểm du lịch cộng đồng Làng Xiềng, xã Môn Sơn là những nơi đang thu hút du khách, nhất là du khách quốc tế ghé thăm.

Tuy nhiên, dù số lượt khách đến với Con Cuông ngày một tăng nhưng thời gian lưu trú của khách rất ít: lưu trú một ngày chiếm 38,5%; 2-3 ngày chiếm 47,2% và trên 3 ngày chỉ chiếm 14,3%. Dù đã được manh nha hơn chục năm, nhưng thực tế cho thấy, các điểm du lịch cộng đồng tại Con Cuông nằm trong quy hoạch nhưng bà con dân tộc nơi đây vẫn còn thụ động trong quảng bá mời gọi du khách, sản phẩm dịch vụ đi kèm, hạ tầng du lịch hạn chế nên chưa giữ được chân du khách. Các gia đình đang làm du lịch theo tính tự phát là chủ yếu, chưa có sự đầu tư thu hút du lịch. Số lượng người dân được tập huấn có tổ chức hoạt động du lịch cộng đồng là rất nhỏ, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc do chưa được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có thói quen và tác phong nghề nghiệp; trình độ ngoại ngữ vẫn còn hạn chế khi tiếp xúc với du khách nước ngoài.

Con Cuông thu hút du khách bởi rất nhiều cảnh đẹp từ thiên nhiên và du lịch cộng đồng, nhưng hệ thống giao thông vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch. Một số tuyến đường tới các điểm tham quan còn nhỏ hẹp, chỉ phù hợp cho xe 16 chỗ trở xuống lưu thông. Đây là một vấn đề bất lợi cho các công ty lữ hành du lịch theo đoàn. Ngoài ra, hạ tầng dịch vụ đi kèm như cây xăng, quầy lưu niệm, trạm dừng chân,… đang là một vấn đề hạn chế.

Tính đến năm 2019, Con Cuông chỉ có 3 khách sạn và 6 nhà nghỉ, với sức chứa hạn hẹp và mới chỉ đáp ứng được du khách về dịch vụ cơ bản. Chỉ có Khách sạn Mường Thanh Con Cuông có 151 phòng nghỉ là lớn nhất với nội thất tiện nghi và dịch vụ chăm sóc khác hàng được nâng cao. Khách du lịch còn có thể trải nghiệm lưu trú tại nhà sàn của các hộ dân nhưng số lượng cũng rất hạn chế. Hiện nay, các khách sạn, nhà nghỉ tại Con Cuông đang dừng lại ở lưu trú, tham quan, thưởng thức ẩm thực dân tộc và giao lưu văn nghệ. Dịch vụ hướng dẫn khách du lịch còn chưa chuyên nghiệp, chưa có sự kết hợp nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, chưa khai thác triệt để các giá trị bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, di tích lịch sử, làng nghề thủ công của bản địa. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch cũng chưa được đầu tư đúng mức và bài bản. Do đó, du lịch cộng đồng tại Con Cuông vẫn chưa được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến. Ngoài ra, sản phẩm du lịch không đa dạng nên không thu hút được khách du lịch đến những lần tiếp theo.

3. Giải pháp phát triển

Giải pháp về nguồn nhân lực: Để phát triển du lịch cộng đồng, cộng đồng địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đây là yếu tố quyết định sự hình thành và thành công của loại du lịch này. Do vậy, cần phải huy động cộng đồng địa phương tham gia vào các hoạt động du lịch và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương. Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của địa phương, Ban quản lý du lịch cồng đồng của các làng bản cần thường xuyên tổ chức các lớp học nâng cao trình độ tay nghề, các chuyến tham quan học tập, giao lưu cho các cá nhân, tập thể làm du lịch; Hướng dẫn cung cấp kiến thức về du lịch và du lịch cộng đồng cho người dân địa phương; Đào tạo kỹ năng tiếp đón và phục vụ khách du lịch như cách giao tiếp, thái độ và hành động đón tiếp; Đào tạo người dân nơi đây tìm hiểu thị hiếu của khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài; Đào tạo về cách nắm bắt thị trường, phân tích thị trường, xây dựng hoàn thiện sản phẩm đáp ứng khách du lịch; Đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ cho người dân địa phương nhằm tạo điều kiện để họ có thể giao tiếp với khách nước ngoài; Đào tạo công tác xúc tiến, quảng bá du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng tại Con Cuông.

  • Giải pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức cho cộng đồng địa phương: Người dân cần được giáo dục ý thức, nâng cao nhận thức đúng và đủ về du lịch cộng đồng, hiểu về du lịch cộng đồng sẽ tạo việc làm, nâng cao thu nhập và nguồn nội lực để bảo vệ và phát triển tài nguyên du lịch của địa phương. Những biện pháp, cách làm để hài hòa lợi ích giữa phát triển kinh tế, xã hội với việc tuyên truyền cho du khách và người dân cùng có ý thức giữ gìn tài nguyên rừng và bảo đảm an ninh biên giới. Vì rừng là tài nguyên lớn tại huyện Con Cuông, có giữ được rừng, giữ được an ninh trật tự yên ổn thì người dân và du khách mới có thể yên tâm phát triển và thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh, khám phá các bản sắc văn hóa của địa phương.
  • Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch của địa phương trên nhiều kênh thông tin: Hoạt động quảng bá du lịch cần được tiến hành bằng nhiều hình thức đa dạng và hiệu quả hơn để có thể tiếp cận nguồn du khách tiềm năng. Ngoài những kênh quảng bá truyền thống như truyền hình hoặc báo chí, Con Cuông có thể sử dụng những kênh quảng bá khác như mạng xã hội, các trang web review về du lịch, các kênh video về ẩm thực và du lịch để có thể tiếp cận đối tượng khách hàng trẻ tuổi, đam mê du lịch trải nghiệm. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng huyện Con Cuông có thể kết hợp cùng các doanh nghiệp, công ty lữ hành trong tỉnh, trong nước và quốc tế để tuyên truyền quảng bá tiềm năng du lịch cộng đồng; Tổ chức các cuộc thi ảnh, sáng tác các ấn phẩm báo chí, tác phẩm văn học nghệ thuật, phim tài liệu, phim truyện giới thiệu các điểm đến du lịch và dùng những sản phẩm thi đạt giải để quảng bá thêm. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của địa phương, Ban quản lý du lịch cồng đồng của các làng bản cần phải thường xuyên giao lưu học hỏi kinh nghiệp của các địa phương khác trong việc quảng bá du lịch để học hỏi kinh nghiệm trong việc thu hút khách du lịch.
  • Giải pháp tăng cường đầu tư và huy động vốn đầu tư cho phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Thái: Cần có các phương án đầu tư hợp lý, hạng mục đầu tư rõ ràng với cơ cấu nguồn vốn khác nhau. Địa phương cần xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, tránh tình trạng đầu tư tự phát, không chọn lọc. Ưu tiên đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch như đường giao thông, bãi đỗ xe, xây dựng nhà máy nước, bãi rác tập trung,… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương huyện Con Cuông cần có những ưu đãi về chính sách nhằm thu hút các công ty lữ hành khai thác và liên kết các tour du lịch, đồng thời đa dạng hóa các loại hình dịch vụ như các hoạt động dưới hình thức tham gia vào một số công đoạn sản xuất; tham quan phong cảnh, con người, văn hóa lối sống của dân tộc Thái,… để giúp du khách trải nghiệm cuộc sống thường nhật của người dân bản địa, khám phá những nét đặc sắc về văn hóa, phong tục, nếp sống nơi đây.
  • Cải thiện xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch cộng đồng: Vào mùa cao điểm, các đơn vị lưu trú ở trung tâm không thể đáp ứng được nhu cầu lớn của khách, nên cần xây dựng đồng bộ các công trình vệ sinh công cộng đảm bảo chất lượng tại các điểm du lịch và các hộ gia đình nằm trong dự án; Tổ chức thanh kiểm tra các cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của các hộ gia đình tham gia vào quá trình phục vụ khách du lịch; Huyện Con Cuông cần nâng cao chất lượng các cơ sở y tế để đủ năng lực chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương và du khách. Ngoài ra, Con Cuông cần phát triển thêm các địa điểm khách sạn, các homestay hấp dẫn khách du lịch. Cùng với đó là gia tăng các dịch vụ mới cho khách du lịch ngay tại nơi lưu trú như: Chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng tại khách sạn với các thảo dược dân tộc gia truyền; Sản phẩm quà lưu niệm trưng bày; Logo và slogan chính thức trên các sản phẩm dệt thổ cẩm, quà lưu niệm; Tổ chức các trò chơi dân gian ngay tại địa điểm lưu trú như nhảy sạp, tung còn, đẩy gậy, kéo co nhằm tôn tạo và phát huy quảng bá các giá trị văn hóa của cộng đồng.
  • Giải pháp về quản lý xây dựng mô hình du lịch cộng đồng: Các khu du lịch phải có quy hoạch chi tiết dựa trên quy hoạch tổng thể của ngành hoặc địa phương; Trong quá trình xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết lập các dự án khả thi đầu tư phát triển du lịch cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành kinh tế, các chuyên gia quy hoạch du lịch với chuyên gia ở các lĩnh vực liên quan đến chủ đầu tư dự án, chính quyền và cộng đồng dân cư; Công tác quản lý thực hiện cần được quan tâm thực hiện một cách đồng bộ.

4. Kết luận

Huyện Con Cuông có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên và phát triển du lịch sinh thái kết hợp với du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc khai thác đang tập trung vào phát triển du lịch sinh thái chưa tập trung nhiều vào du lịch cộng đồng nên chưa thu hút được nhiều du khách biết đến, hình thức hoạt động du lịch cộng đồng mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng bản địa, chưa xứng với tiềm năng của huyện.

Vì vậy, để du lịch cộng đồng phát triển, cộng đồng địa phương cần chú trọng các công tác đào tạo, ý thức sâu sắc về giá trị văn hóa địa phương mình. Song song với đó, các cơ quan chức trách cần tuyên truyền, giáo dục ý thức cho cộng đồng địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá tiền năng du lịch như đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, quan tâm bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên, phát triển văn hóa truyền thống kết hợp khôi phục và bảo vệ các làng nghề truyền thống của làng bản. Đồng thời tăng giải pháp đầu tư, huy động vốn đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, quản lý du lịch cộng đồng để thu hút du khách đến với huyện Con Cuông ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Huyện.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trung tâm Phát triển Nông thôn bền vững, (2017). Báo cáo kết quả tập huấn Du lịch cộng đồng tại bản Xiềng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An.
  2. Nguyễn Thị Minh Phượng, Cao Thị Thanh Vân, Phan Thị Hà, (2018). Phát triển du lịch cộng đồng tại miền Tây tỉnh Nghệ An. Tạp chí Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương số 529, tháng 1/2018.
  3. Trần Thị Thủy, (2019). Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển loại hình du lịch cộng đồng ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Tạp chí Đại học Vinh.

SOLUTIONS FOR PROMOTING THE COMMUNITY-BASED TOURISM ACTIVITIES IN CON CUONG DISTRICT, NGHE AN PROVINCE

Master. Cao Thi Thanh Van

Master. Tran Thi Hong Lam

Faculty of Economics, Vinh University

Abstract: Con Cuong district is considered as an attractive destination of Nghe An province thanks to its rich natural resources and varities of customs and identities. In recent years, Con Cuong district has experienced the increasing development of community-based tourism activities which have contributed to the district’s socio-economic development. However, the achieved results are not commensurate with the advantages of Con Cuong district. This article presents the current situation and proposes some solutions for promoting the community-based tourism activities in Con Cuong district, Nghe An province.

Keywords: Community based tourism, tourism development, Con Cuong district, Nghe An province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2020]