Sự tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng của hộ gia đình tại làng văn hóa du lịch Khmer - Trà Vinh

TS. NGUYỄN THANH LÂM (Phòng Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng) và PHAN ĐÀO NGỌC THẢO (Học viên cao học Khoa Quản trị du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh - HUTECH)

 

TÓM TẮT:

Trà Vinh là nơi hội tụ 3 nền văn hóa của 3 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa, với nền kinh tế nông nghiệp và các làng nghề thủ công lâu đời, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, hình thức tổ chức loại hình du lịch này vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc, làm hạn chế khả năng tham gia của hộ gia đình. Để giải quyết vấn đề đó, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm ra các yếu tố tác động đến quyết định tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng của hộ gia đình tại Làng Văn hóa du lịch Khmer - Trà Vinh.

Kết quả cho thấy, có 6 yếu tố tác động, gồm: lợi ích kinh tế, chính sách địa phương, văn hóa - tôn giáo, vốn xã hội, trình độ học vấn và nguồn lực gia đình. Từ đó, bài viết đưa ra hàm ý quản trị nhằm tăng cường việc tham gia của các hộ gia đình đối với mô hình du lịch cộng đồng tại Làng Văn hóa - Du lịch Khmer để phát triển loại hình du lịch này bền vững và hiệu quả hơn.

Từ khóa: Văn hóa - Du lịch Khmer, du lịch cộng đồng, văn hóa Khmer, Trà Vinh.

1. Đặt vấn đề

Trà Vinh, thuộc Duyên hải phía Đông của đồng bằng Sông Cửu Long, là tỉnh có nhiều tài nguyên du lịch, đặc biệt là hệ thống sinh thái tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa bởi vì Trà Vinh là nơi hội tụ 3 nền văn hóa của 3 dân tộc Việt (Kinh), Khmer và Hoa. Kinh tế nông nghiệp kết hợp với các làng nghề thủ công lâu đời là một trong những thế mạnh để Trà Vinh đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng với những sản phẩm du lịch đa dạng, thu hút khách trong nước và quốc tế.

Dưới sự hỗ trợ và đào tạo của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư trú tại Trà Vinh ngày càng được tăng cường về khả năng tổ chức, vận hành và thực hiện các hoạt động, đồng thời cũng có ý thức trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch sẵn có trong việc xây dựng các sản phục vụ cho du khách.

Hiện nay, Trà Vinh đang đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cộng đồng (DLCĐ), tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hình thức tổ chức loại hình du lịch này vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc làm hạn chế khả năng tham gia của hộ gia đình, đặc biệt là việc cư dân địa phương chưa hiểu rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của họ đối với hoạt động DLCĐ. Do đó, Trà Vinh cần xác định vị trí của hộ gia đình như một yếu tố quan trọng trong mối quan hệ cộng sinh giữa cộng đồng dân cư với phát triển kinh tế - xã hội.

tra vinh
 Trà Vinh là nơi hội tụ 3 nền văn hóa của 3 dân tộc Việt (Kinh), Khmer và Hoa

 2.  sở lý luận

2.1. Khái niệm du lịch cộng đồng

Ngày nay, DLCĐ đã trở thành thuật ngữ căn bản trong lĩnh vực du lịch và quy hoạch phát triển. DLCĐ, còn được gọi là Du lịch dựa vào cộng đồng - Community Based Tourism, là hình thức tổ chức hoạt động du lịch tại các cộng đồng địa phương, do chính người dân đứng ra tổ chức điều hành và cung cấp các sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch; đồng thời họ nhận được các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh du lịch của mình (Okazaki, 2008). Đây là loại hình du lịch được hình thành từ đầu thế kỷ 20 và đang được phát triển ở rất nhiều quốc gia trên thế giới (Tosun & Timothy, 2003). Hiện nay, DLCĐ đã phát triển mạnh và đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng về các mặt kinh tế, xã hội và môi trường, góp phần vào phát triển du lịch bền vững ở các điểm du lịch trên toàn thế giới (Choi, 2013).

Ở Việt Nam có nhiều định nghĩa về loại hình du lịch cộng đồng; chẳng hạn, Trần Thị Mai (2005) cho rằng “DLCĐ là hoạt động tương hỗ giữa các đối tác liên quan, nhằm mang lại lợi ích về kinh tế cho cộng đồng dân cư địa phương, bảo vệ được môi trường và mang đến cho du khách kinh nghiệm mới, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương có dự án”, còn Bùi Thị Hải Yến (2012) định nghĩa “DLCĐ là phương thức phát triển bền vững mà ở đó cộng đồng địa phương có sự tham gia trực tiếp và chủ yếu trong các giai đoạn phát triển và mọi hoạt động du lịch”. Còn Luật Du lịch năm 2017 định nghĩa “DLCĐ là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi”.

Tóm lại, DLCĐ là một loại hình du lịch do chính cộng đồng người dân địa phương phối hợp tổ chức, xây dựng, hình thành, phát triển, quản lý và làm chủ các sản phẩm du lịch để đem lại lợi ích kinh tế và bảo vệ được môi trường chung thông qua các hoạt động khai thác du lịch; giới thiệu với du khách các nét đặc trưng của địa phương. DLCĐ dựa trên sự tò mò, mong muốn của khách du lịch để tìm hiểu thêm về cuộc sống hàng ngày của người dânc từ các nền văn hóa khác nhau.

lang van hoa
Caption

2.2. Các đặc điểm cơ bản của du lịch cộng đồng

a) Các đối tác tham gia bao gồm các bên liên quan như sau: Chính quyền địa phương; Cơ quan quản lý du lịch địa phương; Các cơ quan bảo tồn; Các công ty du lịch, các hãng lữ hành; Các tổ chức phi chính phủ; Cộng đồng địa phương; Khách du lịch,...

b) Cộng đồng địa phương tham gia hoặc chịu trách nhiệm về việc ra quyết định, thực thi và điều hành các dự án liên quan đến hoạt động du lịch dựa vào cộng đồng địa phương.

c) Cộng đồng dân cư bản địa có đối tác liên quan đến khách du lịch; có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên văn hóa và thiên nhiên của địa phương.

d) Các thành viên của cộng đồng địa phương được chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch bao gồm lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần.

e) Quy mô hoạt động nhỏ, thị trường khách du lịch khá hẹp về đối tượng và ít về số lượng. Các sản phẩm thể hiện bản sắc cộng đồng địa phương.

f) Các sản phẩm, dịch vụ du lịch được phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hoá địa phương, giảm thiểu các tác hại về môi trường và điều kiện sống.

2.3. Các nguyên tắc phát triển du lịch cộng đồng

a) Nguyên tắc dựa vào cộng đồng

Đặc thù của hoạt động DLCĐ là dựa vào cộng đồng. Người dân địa phương là chủ thể chính của hoạt động du lịch, các thành viên của cộng đồng địa phương được tham gia lập kế hoạch; thực hiện và quản lý các hoạt động du lịch trong chính cộng đồng của mình. Hơn nữa, các lợi ích kinh tế được chia đều, không chỉ cho các công ty du lịch mà cả cho các thành viên trong cộng đồng.

b) Nguyên tắc phân chia lợi ích hợp lý

Điều kiện để DLCĐ phát triển bền vững là việc phân chia lợi ích hợp lý giữa các bên có liên quan đến hoạt động du lịch bao gồm:

- Cộng đồng địa phương: cung cấp các dịch vụ du lịch, tổ chức các hoạt động du lịch.

- Chính quyền địa phương: đại diện cơ quan nhà nước trực tiếp quản lý các hoạt động tại địa phương, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn cho cộng đồng và du khách.

- Các doanh nghiệp du lịch: phối hợp với cộng đồng địa phương và chính quyền sở tại trong việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt động du lịch.

Ngoài ra, các bên tham gia phải có trách nhiệm đóng góp, duy tu, cải thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng mục đích như tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch và hoạt động dân sinh từ nguồn thu hoạt động DLCĐ. Trên thực tế, việc bảo tồn thiên nhiên và văn hóa địa phương có mối quan hệ mật thiết với phát triển cơ sở hạ tầng cho các hoạt động DLCĐ dựa vào cộng đồng theo nguyên tắc hài hòa.

c) Nguyên tắc người dân quyết định hoạt động du lịch

DLCĐ muốn thực hiện được cần có sự tham gia của cộng đồng dân cư. Việc các thành viên cộng đồng tham gia lập kế hoạch, thực hiện, quản lý hoạt động DLCĐ là một thể hiện quan trọng của việc cộng đồng sở hữu các tài nguyên du lịch, họ làm chủ trong cung cấp dịch vụ, trong việc đảm bảo tính lâu bền của hoạt động du lịch. Du khách có thể trải nghiệm sự đa dạng và phong tục của nền văn hóa địa phương, và quan trọng hơn là để tương tác với cộng đồng.

Cộng đồng là người “chủ nhà” thật sự, họ là những người chia sẻ với du khách những văn hóa địa phương để du khách được tiếp cận, tìm hiểu và chia sẻ văn hóa truyền thống của họ một cách xác thực nhất. Họ trực tiếp chia sẻ các tri thức kinh nghiệm dân gian trong các bình diện của đời sống dân sinh, như: ẩm thực, âm nhạc, văn học dân gian, phong tục - tập quán, nghề truyền thống, lối sống, tín ngưỡng - tôn giáo,...

d) Nguyên tắc bảo tồn giá trị tài nguyên

Hầu hết các hoạt động du lịch đều có thể mang lại những lợi ích to lớn đến cộng đồng địa phương, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận nó mang lại những tác động tiêu cực đối với họ cũng như đối với môi trường tự nhiên. Dù dưới bất cứ hình thức du lịch nào, môi trường thiên nhiên và văn hóa địa phương đều phải chịu những sức ép hữu hình và vô hình.

Cộng đồng phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của chúng đối với cuộc sống của họ và hoạt động du lịch mà họ đang cung cấp. Việc tôn trọng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sắc thái văn hóa địa phương là động lực và nền tảng cho sự tái tạo nguồn tài nguyên cho hoạt động du lịch. Tài nguyên du lịch càng phong phú thì càng có sức hấp dẫn du khách. Để DLCĐ phát triển một cách dài lâu và bền vững thì việc bảo tồn tài nguyên được xem là nhiệm vụ thiết yếu.

khme
 Việc tôn trọng và bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên và sắc thái văn hóa địa phương là động lực và nền tảng cho sự tái tạo nguồn tài nguyên cho hoạt động du lịch

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này được tiến hành qua hai bước chính là nghiên cứu sơ bộ bằng phương pháp định tính và thực hiện nghiên cứu chính thức bằng phương pháp định lượng. Trong đó, nghiên cứu định tính được sử dụng để khám phá các yếu tố tác động đến sự tham gia vào hoạt động DLCĐ của hộ gia đình tại Làng Văn hóa du lịch Khmer - Trà Vinh để từ đó hiệu chỉnh, bổ sung thang đo chính thức cho phù hợp với mục tiêu nghiên cứu.

Sau quá trình thảo luận và phỏng vấn sâu, nhóm tác giả xác định có 6 yếu tố tác động, gồm:

- Lợi ích kinh tế (những lợi ích về mặt kinh tế mà hộ gia đình nhận được khi tham gia vào hoạt động du lịch).

- Chính sách và nguồn lực của địa phương (những hỗ trợ từ chính quyền địa phương đến những hộ gia đình tham gia vào hoạt động du lịch).

- Văn hóa - tôn giáo vùng miền (Những nét văn hóa đặc trưng mang giá trị tinh thần cao, điều này góp phần làm tăng thêm giá trị cho địa điểm du lịch, thu hút khách du lịch).

- Vốn xã hội (Các mối quan hệ của hộ gia đình với những tác nhân khác trong hoạt động du lịch)

- Trình độ học vấn của người dân.

- Nguồn lực của hộ gia đình (bao gồm: nguồn nhân lực - chất lượng và số lượng lao động; nguồn vốn xã hội - mối quan hệ họ hàng, thân quen; nguồn vốn tự nhiên - đất đai thuộc sở hữu của họ; nguồn vốn vật chất - cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện của hộ; nguồn vốn tài chính,...).

4. Phân tích thực trạng tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng của hộ gia đình tại làng văn hóa du lịch Khmer - Trà Vinh

Nghiên cứu được thực hiện thông qua cuộc điều tra khảo sát từ tháng 12/2019-02/2020 với sự tham gia của 159 hộ gia đình có tham gia và hộ gia đình chưa tham gia hoạt động DLCĐ tại Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh. Kết quả cho thấy ngày càng có nhiều hộ quan tâm và tham gia vào hoạt động DLCĐ tại địa phương.

4.1. Về chính sách địa phương

Kết quả nghiên cứu cho thấy “chính sách địa phương” nắm vai trò to lớn, ảnh hưởng mạnh đến việc tham gia vào hoạt động DLCĐ của người dân điạ phương. Cụ thể, địa phương là chỗ dựa vững chắc của người dân khi tham gia vào hoạt động DLCĐ. Chính sách tuyên truyền, hỗ trợ phát triển du lịch phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương là tiền đề để phát triển DLCĐ.

Ngoài ra, đội ngũ tập huấn, hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện DLCĐ là điều kiện duy trì cũng như hướng mọi hoạt động theo chiều hướng phát triển bền vững. Do vậy, các nhà quản lý ở địa phương phải có chính sách xây dựng một khung pháp lý rõ ràng để các hộ dân tham gia hoạt động du lịch, tạo một nền tảng vững chắc cho cư dân địa phương an tâm tham gia vào hoạt động DLCĐ.

4.2. Về văn hóa - tôn giáo vùng miền

Nguồn tài nguyên văn hóa - tôn giáo ở Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh là nguồn lực có sức thu hút mãnh liệt trong việc khai mở các loại hình DLCĐ tại đây. Đó chính là điểm nhấn độc đáo cả về kiến trúc lẫn lịch sử hình thành và cũng là điểm thu hút nhiều khách du lịch.

Ngoài ra, để bản sắc văn hóa - tôn giáo địa phương được truyền bá rộng rãi, nhân rộng ra khắp khu vực thì chính quyền địa phương phải có chính sách tuyên truyền, quảng bá và kêu gọi các dự án đầu tư vào du lịch hợp lý. Tuy nhiên, phải có chính sách bảo tồn và giữ vững nét đẹp văn hóa địa phương để những tài nguyên đó không bị mai một.

chua ang
Nguồn tài nguyên văn hóa - tôn giáo ở Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh là điểm nhấn độc đáo thu hút nhiều khách du lịch

4.3. Về lợi kinh tế và trình độ học vấn

Lợi ích kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến việc tham gia của các hộ gia đình vào hoạt động DLCĐ. Trong nghiên cứu này, những hộ gia đình có thu nhập hằng tháng từ hoạt động du lịch càng cao thì khả năng tham gia hoạt động DLCĐ càng nhiều.

Ngoài ra, nghiên cứu này cũng cho thấy khi trình độ học vấn của hộ gia đình tham gia vào hoạt động du lịch càng cao thì khả năng nắm bắt thông tin thị trường càng cao, khả năng tiếp thu khoa học kỹ thuật, tiếp thu kiến thức, cũng như khả năng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương sẽ dễ dàng, nhạy bén hơn tạo tiền đề mở rộng cơ hội kinh doanh. Đồng thời, những chủ hộ có học vấn cao hơn sẽ nhận thức tốt hơn về lợi ích mà DLCĐ mang lại, từ đó nâng cao ý thức bản thân, nâng cao tinh thần dân tộc cũng như bảo vệ những tài nguyên bản địa sẵn có.

4.4. Về vốn xã hội

Nghiên cứu này cho thấy những hộ gia đình có mối quan hệ tốt với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, quan hệ tốt với láng giềng thì khả năng nắm bắt thông tin mới, chính sách hỗ trợ từ việc tham gia vào hoạt động DLCĐ, các cơ hội kinh doanh và cơ hội hợp tác chia sẽ lợi ích từ hoạt động du lịch sẽ tốt hơn, từ đó dẫn đến nguồn thu cao hơn cho kinh tế cá thể. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần nâng cao tinh thần đoàn kết và tinh thần tương thân tương ái của dân tộc.

4.5. Về nguồn lực hộ gia đình

Nhân khẩu và độ tuổi của các thành viên hộ gia đình là một trong những tiêu chí quyết định hộ gia đình sẽ tham gia vào hoạt động DLCĐ. Những hộ gia đình có nhiều người và nếu là người trẻ nhiều thì khả năng tham gia vào hoạt động DLCĐ càng tích cực. Khảo sát thực tế cho thấy, tham gia hoạt động DLCĐ đòi hỏi hộ gia đình phải có nguồn nhân lực nhất định để có thể phục vụ cho du khách.

5. Thảo luận và kết luận

5.1. Thảo luận

Trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển DLCĐ ở Trà Vinh nói chung và Làng Văn hóa - Du lịch Khmer nói riêng càng có ý nghĩa quan trọng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của kinh tế - xã hội của Tỉnh, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của ngành Ddu lịch và tạo ra sự phát triển du lịch hài hòa và bền vững.

Để ngành Du lịch Trà Vinh nói chung và DLCĐ ở Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tiếp tục phát triển gắn với việc gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên, bảo vệ môi trường và nâng cao mức thu nhập của hộ gia đình, căn cứ vào thực trạng cũng như những thuận lợi khó khăn của hộ gia đình khi tham gia vào hoạt động DLCĐ ở Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh, một số ý được đề ra nhằm phát huy và vận dụng tối đa thế mạnh vốn có của địa phương; từ đó, nâng cao khả năng tham gia của các hộ gia đình vào hoạt động DLCĐ ở Làng Văn hóa - Du lịch Khmer Trà Vinh.

nguon luc
Ngày càng có nhiều hộ quan tâm và tham gia vào hoạt động DLCĐ tại địa phương

Thứ nhất, phát huy các hoạt động nghề truyền thống của tộc người Khmer, tăng cường hoạt động thông tin, truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa tầm quan trọng của việc phát triển ngành nghề truyền thống phục vụ hoạt động DLCĐ ở Làng Văn hóa - Du lịch Khmer Trà Vinh nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung, nhất là những sản phẩm du lịch mang tình đặc thù của người Khmer. Qua đó, làm cho cả cộng đồng người dân tích cực tham gia phát triển DLCĐ.

Bên cạnh đó, phát triển dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy truyền thồng bản sắc văn hóa tộc người. Với các hoạt động nghề truyền thống như sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, vật dụng hàng ngày, các loại bánh và nghệ thuật dân gian kiến trúc tạo hình,... của cộng đồng người Khmer là yếu tố quan trọng sẽ góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch trong Làng Văn hóa - Du lịch Khmer Trà Vinh.

Thứ hai, cần có sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch của người Khmer gắn liền với bản sắc văn hóa và cảnh quan môi trường sống của cộng đồng địa phương vào các dịp lễ hội truyền thống như tết Chol Chnam Thmay, Sen Dolta và Ok Om Bok,… với các hoạt động văn hóa - nghệ thuật và tín ngưỡng - tôn giáo trong sinh hoạt cộng đồng.

Thứ ba, cần tập trung thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường giao thông kết nối các tuyến - điểm du lịch du lịch trong Làng Văn hóa - Du lịch Khmer và tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh đó, khuyến khích và tạo điều kiện cho hộ gia đình trong Làng phát triển mô hình trồng hoa, vườn cây chuyên canh có quy mô lớn nhằm phát huy tối đa lợi thế của địa phương, gìn giữ các ngành nghề truyền thống Khmer, cũng như hình thành và mở rộng dịch vụ homestay và vấn đề phát triển du lịch lưu trú cần được lưu tâm.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ căn bản cho hộ gia đình người Khmer. Bên cạnh đó, tiếp tục mở các khóa học tập huấn về giao tiếp ứng xử trong hoạt động DLCĐ trước xu thế cạnh tranh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, cần mở rộng các khóa học về an toàn vệ sinh thực phẩm và cách thức chế biến món ăn mang đậm phong cách tộc người Khmer như bánh ống, cốm dẹp, bún nước lèo, bánh, canh simlo,... phù hợp với khẩu vị của thị trường khách du lịch.

com det
Cần phát huy tối đa lợi thế của địa phương, gìn giữ các ngành nghề truyền thống Khmer

Cuối cùng, tranh thủ sự hỗ trợ của chính quyền, các cơ quan quản lý chức năng, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, về vốn, kinh nghiệm và tư vấn về kiến thức, kỹ năng làm du lịch. Chủ động triển khai các hoạt động kinh doanh theo những tư vấn, hướng dẫn của họ đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động DLCĐ.

Ngoài ra, chính quyền địa phương cần vận động thực hiện các mục tiêu dự án phát triển du lịch, góp phần vào việc duy trì, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong việc thực hiện quy hoạch phát triển du lịch, với sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương; tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích các hộ gia đình, ưu đãi đầu tư phát triển du lịch bằng nhiều chính sách như: hỗ trợ về vốn, về thuế, đào tạo nhân lực,... để thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp và hộ gia đình.

Đồng thời, cần hỗ trợ các hộ gia đình tham gia dưới hình thức đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, đào tạo nguồn nhân lực và tuyên truyền quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, các biện pháp về an ninh trật tự, về bảo vệ cảnh quan, vệ sinh môi trường; tạo điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia vào DLCĐ tại Làng Văn hóa - Du lịch Khmer Trà Vinh.

Đặc biệt, cần tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động du lịch; hỗ trợ tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm du lịch, quảng bá các chương trình DLCĐ gắn với bản sắc văn hóa Khmer Nam bộ qua các hội chợ, triển lãm du lịch, trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, sách ảnh gắn với hệ thống ứng dụng khoa học và công nghệ.

Bên cạch đó, các doanh nghiệp cần liên kết đầu tư phát triển du lịch, hợp tác với các hộ gia đình để đẩy mạnh phát triển kinh doanh, khai thác các sản phẩm mới, đa dạng phục vụ khách du lịch. Sự hợp tác sẽ bền vững khi quyền lợi của cộng đồng được đảm bảo phân phối hài hòa, hợp lý giữa doanh nghiệp và các hộ gia đình.

Các doanh nghiệp hỗ trợ phát triển du lịch thông qua việc đưa khách du lịch đến tham quan và tiêu thụ các sản phẩm ở địa phương; quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nhất là nguồn nhân lực phục vụ khách du lịch quốc tế; và tuyên truyền quảng bá điểm đến và sản phẩm du lịch của địa phương đến du khách. Do đó, doanh nghiệp là cầu nối giữa du khách với các hộ gia đình, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch, mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, góp phần hạn chế những tác động đến môi trường và phát triển du lịch bền vững.

Đối với các hộ gia đình, cần cải tạo thêm vườn cây ăn trái, xây dựng lối đi tạo điều kiện thuận lợi để du khách tham quan; đầu tư thêm trang thiết bị phục vụ cho du lịch, tránh tình trạng xây dựng không đến nơi, không đến chốn, phá vỡ cảnh quan sinh thái và môi trường. Các hộ gia đình thường là những hộ phục vụ các loại hình trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật, nghề truyền thống, vui chơi, giải trí, đặc biệt là thực phẩm.

Vì vậy, vấn đề vệ sinh môi trường và cảnh quan cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm rất quan trọng và cần được kiểm soát nghiêm ngặt hơn, tận dụng lợi thế của hộ để tạo sản phẩm du lịch đặc trưng. Họ cần nâng cao nhận thức về du lịch, sự tham gia tích cực các hoạt động cung cấp dịch vụ cho khách du lịch, bảo vệ cảnh quan môi trường, giữ gìn vệ sinh các điểm đến du lịch, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng luôn thân thiện, mến khách.

5.2. Kết luận

Nghiên cứu này tìm ra các yếu tố tác động đến quyết định tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng của hộ gia đình tại Làng Văn hóa du lịch Khmer - Trà Vinh, gồm có: lợi ích kinh tế, chính sách địa phương, văn hóa - tôn giáo, vốn xã hội, trình độ học vấn và nguồn lực gia đình. Các hộ tham gia hoạt động DLCĐ tại Làng Văn hóa - Du lịch Khmer đã nhận được nhiều lợi ích khi tham gia vào hoạt động du lịch như cải thiện được kinh tế gia đình, bảo đảm lợi ích cuộc sống, cộng đồng nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, đời sống tinh thần được nâng cao thông qua việc bảo tồn và phát huy hệ giá trị văn hóa tộc người Khmer với các hoạt động phong phú và đa dạng cũng như tạo tiền đề cho việc thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực dịch vụ du lịch vào địa phương. Cùng với đó là việc nâng cao nhận thức về đời sống thông qua các hoạt động tập huấn, giao tiếp và giao lưu với du khách trong quá trình tham gia vào công việc phục vụ du lịch.

Đặc biệt, hộ gia đình tham gia hoạt động DLCĐ đã giúp giải quyết nhu cầu việc làm cho các thành viên trong gia đình và các lao động khác trong khu vực. Mặt khác, với chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh, các hộ gia đình cho rằng họ sẽ mở rộng hoạt động trong tương lai để Làng Văn hóa - Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh có thể phát triển hơn nữa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Thị Hải Yến (2012), Quy hoạch du lịch, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  2. Choi S.H. (2013). The impacts of tourism and local residents’ support on tourism development: A case study of the rural community of Jeongseon, Gangwon province South Korea. Assumption Journal, 6(1), 73-82.
  3. Okazaki E. (2008). A Community-based Tourism Model: Its conception and Use. Journal of Sustainable Tourism, 16 (5).
  4. Tosun and Timothy. (2003). Arguments for Community Participation in the Tourism Development Process. Journal of Tourism Studies, 14(2), 2-15.
  5. Trần Thị Mai (2005), Du lịch Cộng đồng Việt Nam, NXB Thanh Niên, Hà Nội.