Siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã giúp cho các phương thức kinh doanh dựa trên môi trường thương mại điện tử, được thúc đẩy nhanh chóng và mang lại nhiều lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp, nhưng bên cạnh mặt tích cực, thì việc quản lý chất lượng hàng hoá vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, cơ chế hoạt động của các sàn thương mại điện tử chỉ nắm giữ khâu trung gian, chính vì vậy mà bất cứ đơn vị bán hàng nào cũng có thể kinh doanh được trên không gian mạng online. Điều này khiến cho nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng lậu trên các sàn thương mại điện tử.

Cần siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử

Chia sẻ về những khó khăn trong việc quản lý chất lượng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội cho biết, qua tổng kết công tác kiểm tra, xử lý vi phạm những năm qua trong lĩnh vực thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất, chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là cá nhân hoặc một nhóm đối tượng (có nhiều trường hợp là học sinh, sinh viên đang theo học hoặc mới tốt nghiệp ra trường); các trang mạng, wesite thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng hoặc của các shop có uy tín để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm. Cá biệt trên các trang mạng xã hội chào bán hàng cấm kinh doanh là các loại thuốc chưa được phép lưu hành, thuốc lá điếu, xì gà nhập lậu. Hàng hóa thường được nhập theo đường tiểu ngạch, xách tay hoặc không rõ nguồn gốc...

Sau đó, khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế hàng hóa bán là hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Thủ đoạn của các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm. 

Thứ hai, khó khăn rất lớn trong việc phát hiện và xử lý tình trạng này là đối với quá trình kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng là phải có sự việc rõ ràng, tức phải có người mua và có món hàng cụ thể.

Thứ ba, đối với các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng chào bán trên các website thương mại điện tử hoặc các sàn thương mại điện tử thường có giá bán, giá niêm yết thấp hơn nhiều so với hàng thật, hàng hóa không khó để nhận biết. Hoặc có những sản phẩm được bán với giá cao như hàng thật nhưng không có bảo hành, chỉ được giới thiệu là hàng xách tay nhưng người mua vẫn sẵn sàng bỏ ra số tiền hàng triệu đồng, thậm chí hàng chục triệu đồng chuyển khoản chờ nhận hàng. Chính sự dễ dãi, dễ chấp nhận của một bộ phận người tiêu dùng hình thành nên có cầu có cung, mặc nhiên tiếp tay cho các đối tượng vi phạm.

Thứ tư, thực tế là số lượng website thương mại điện tử, tài khoản bán hàng trên mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử rất nhiều và đa dạng, gần như không thể nắm bắt được. Một số đối tượng đã bị xử lý nhiều lần nhưng chưa bị cơ quan quản lý gỡ bỏ, thu hồi tên miền nên vẫn mặc nhiên hoạt động vì lợi nhuận thu được là rất lớn so với chế tài xử phạt. Với nhiều trường hợp bán hàng qua Facebook, Zalo hoặc các sàn giao dịch thương mại điện tử đã bị xử lý gỡ bỏ nhưng ngay lập tức đối tượng vi phạm lại lập một tài khoản khác gần tương tự và tiếp tục bán hàng với cách thức quy mô tinh vi hơn.

Ngoài ra, còn có hiện tượng người nổi tiếng tiếp tay cho các đối tượng quảng bá những sản phẩm kém chất lượng trên các mạng xã hội theo hình thức livestream, bán hàng trực tiếp để thu hút người tiêu dùng, gây khó khăn cho công tác quản lý.

Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường thương mại điện tử, ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho hay: Cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng triển khai đồng bộ các hoạt động chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.

Hơn nữa, để phòng ngừa Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, hàng năm đều xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra định kỳ, kế hoạch chuyên đề để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử; chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tích cực phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử: Cục TMĐT và Kinh tế số - Bộ Công Thương, Phòng Quản lý thương mại - Sở Công Thương Hà Nội, các cơ quan công an, các cơ quan truyền thông, phóng viên và các doanh nghiệp chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, các tổ chức, cá nhân chủ sở hữu trang thông tin điện tử để tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về thương mại điện tử. 

Đồng thời, thông qua đó tuyên truyền, khuyến cáo các doanh nghiệp, cá nhân không kinh doanh, chào bán hàng giả, hàng cấm trên mạng; kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng giả theo quy định của pháp luật.

Diệu Hân