Bộ Công Thương là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến

Bộ Công Thương được Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực

Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Đà Nẵng vào sáng nay 31/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo báo cáo tại Hội nghị
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo báo cáo tại Hội nghị.

Kết quả nổi bật là đã triển khai, áp dụng dịch vụ công trực tuyến đạt hiệu quả cao cả về số lượng và chất lượng.

"Qua nhiều lần rà soát thì đến giờ này, Bộ Công Thương còn 303 thủ tục hành chính cấp trung ương, trong đó 267 thủ tục đủ điều kiện để giao dịch trực tuyến. Trong số 267 dịch vụ công trực tuyến (168 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 99 dịch vụ công trực tuyến một phần) với hơn 53.000 doanh nghiệp tham gia khai báo. Tổng số hồ sơ nộp qua các Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương trong 8 tháng đầu năm 2024 là khoảng 1.000.000 bộ hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ", Bộ trưởng thông tin.

Bộ trưởng cũng cho biết dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương đảm bảo việc kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và các hệ thống khác theo yêu cầu của Chính phủ thông suốt, hiệu quả.

Bộ Công Thương đã đưa 129 dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. 8 tháng đầu năm 2024, Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương đã trao đổi hơn 725.000 bộ hồ sơ điện tử với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Hội nghị toàn quốc nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo Bộ trưởng, Bộ Công Thương cũng đã kết nối 16 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia với tổng số hồ sơ thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia trong 8 tháng đầu năm 2024 là hơn 447.000 bộ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, trong 8 tháng đầu năm nay, Bộ đã trao đổi hơn 185.000 bộ hồ sơ với tất cả các nước trong khối ASEAN.

Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc xây dựng Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công của Bộ, kết nối với Kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

"Bộ Công Thương đã hoàn thành sớm việc thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu từ Cổng Dịch vụ công của Bộ với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số. Bộ cũng đã công bố danh mục thủ tục hành chính đủ điều kiện thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Theo Bộ trưởng, ngày 22/12/2023, Bộ Công Thương đã công bố các thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai xây dựng và đưa vào áp dụng tại Bộ và và cũng là cơ sở để các địa phương tham khảo, ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến toàn trình thuộc lĩnh vực Công Thương tại địa phương.

Với các kết quả đạt được, Bộ Công Thương đã được Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến (cả về số lượng dịch vụ công trực tuyến và số lượng hồ sơ điện tử).

Cụ thể, xếp thứ 3 trong các Cổng Dịch vụ công của các Bộ (theo xếp hạng của Bộ Thông tin và truyền thông năm 2023). Xếp thứ nhất trong các Bộ, ngành theo xếp hạng của Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương vẫn bị xướng tên cùng các Bộ ,ngành khác vì việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin còn chậm. "Về vấn đề này, có 2 nguyên nhân chính là do nguồn thì không có, định mức thì chưa rõ, cho nên nếu cố tình triển khai là vô cùng rủi ro", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giải thích.

Loạt nhiệm vụ nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến thời gian tới, Bộ Công Thương dự kiến tiếp tục triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, sẽ cố gắng trong điều kiện có thể để nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan tiếp tục triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu hiện có trên Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương.

Ngoài ra, triển khai thông suốt kết nối định danh điện tử qua VNeID với Cổng Dịch vụ công Bộ Công Thương. Phấn đấu tỷ lệ hồ sơ được số hóa và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 100%.

Tại Hội nghị, thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng mong muốn các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong một số việc cụ thể.

Thứ nhất, đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hỗ trợ Bộ Công Thương hoàn tất các thủ tục pháp lý để kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Thứ hai, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục hỗ trợ các đơn vị trong vấn đề bảo mật an toàn thông tin để đủ điều kiện kết nối đến với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư.

Thứ ba, đề nghị Bộ Tài chính, ngân hàng nhà nước tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương kết nối, chia sẻ dữ liệu về thương mại điện tử với cơ quan thuế, hải quan và các ngân hàng thương mại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nhân dịp này, Bộ cũng đề nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khẩn trương bố trí nguồn kinh phí đặc thù cho nhiệm vụ chuyển đổi số và Đề án 06 vì quy mô chuyển đổi số ngày càng lớn mà không có nguồn thì không thể lấy đâu ra để thực hiện.

Tiếp đến là sớm ban hành định mức kinh tế kỹ thuật cho việc số hóa hồ sơ, tạo điều kiện mở cửa, hướng dẫn các nội dung chi, mức chi cho về số hóa để bảo đảm thống nhất trong phạm vi cả nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận, chuyển đổi số là một hành trình dài, đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn của từng đơn vị, nhất là người đứng đầu và sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, cùng đồng doanh nghiệp, của người dân. Do đó, Bộ Công Thương rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương trong thời gian đến.

Sáng 31/8, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại Trung tâm Hành chính công thành phố Đà Nẵng tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Thượng tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an; Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hạ Vĩ