Ngày 3/6/2023, tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Mạng lưới CLB Logistics sinh viên Việt Nam, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Tọa đàm “Sinh viên khởi nghiệp cùng Logistics”.
Logistics - cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp trẻ
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) khẳng định, câu chuyện khởi nghiệp luôn là một vấn đề được các cơ sở đào tạo, các em sinh viên cũng như các doanh nghiệp rất quan tâm.
Với sự quan tâm của toàn xã hội, hiện nay Logistics cũng đang là một trong những lĩnh vực đầy tiềm năng, là cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp trẻ.
“Bộ Công Thương đang dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2035 và tầm nhìn đến 2045, trong đó có rất nhiều vấn đề đặt ra, từ hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cấp hạ tầng, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp cho đến việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực logistics. Bên cạnh những yếu tố đó thì câu chuyện về phát triển nhân lực luôn là một trụ cột, một vấn đề hết sức quan trọng trong chiến lược sắp tới và trong đó việc nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng của giảng viên, nâng cao trình độ của các em sinh viên cũng là một chủ đề được quan tâm”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.
Chia sẻ tại Tọa đàm, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, tinh thần khởi nghiệp tại Việt Nam hiện đứng hàng đầu thế giới và khu vực. Giữa rất nhiều lĩnh vực hấp dẫn như: Tài chính, viễn thông, sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp… thì khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics có nhiều điểm nhấn liên quan đến xu thế phát triển, nhu cầu logistics trong sản xuất kinh doanh và đời sống.
Trong đó, nhu cầu về hoạt động logistics của Việt Nam tăng cao hàng năm, nhằm đáp ứng vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, cũng như hoạt động bán buôn, bán lẻ hàng hóa, vận chuyển hành khách tại thị trường trong nước…
Về tiềm năng phát triển, theo TS.Thành, hiện nay lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng nói chung đang ngày càng được quan tâm, trở thành một trong những nội dung quan trọng ở các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Bên cạnh đó, quy hoạch hạ tầng, bao gồm lĩnh vực logistics cũng là một trong những định hướng, giải pháp tại quy hoạch quốc gia và quy hoạch của các địa phương. Trên bình diện quốc tế, với lợi thế vị trí thuận lợi và là thành viên của nhiều FTA, Việt Nam được coi là một Hub (trung tâm kết nối) các nền kinh tế, các đối tác trên thế giới với nhau nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng thương mại toàn cầu.
Mặt khác, khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics còn thể hiện rõ sự bắt nhịp xu thế phát triển hiện đại ở các khía cạnh như: đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ thông tin – chuyển đổi số vốn gắn liền với thế hệ trẻ, sinh viên; xu hướng xanh góp phần tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh, phát triển bền vững là một trong những yêu cầu sống còn đối với mỗi doanh nghiệp.
Hành trình cần sự tích lũy và kết nối
TS.Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho biết, cách đây hơn 10 năm, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải bắt đầu đào tạo chuyên ngành logistics, vận tải đa phương thức. Những năm gần đây nhà trường đào tạo các chuyên ngành về logistics, quản lý chuỗi cung ứng logistics hạ tầng giao thông, hải quan…, cung cấp hàng nghìn nhân lực cho thị trường lao động trong nước và nước ngoài.
Với triết lý đào tạo ứng dụng thực học, thực nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu của thực tiễn sản xuất, trong thời gian qua, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt quan tâm đến năng lực sáng tạo, khởi nghiệp trong sinh viên.
"Thông qua buổi tọa đàm, cùng phần thi tranh biện, trao đổi về khởi nghiệp trong ngành logistics giúp các em sinh viên nhận diện được những thách thức, nắm bắt được những cơ hội, từ đó khơi dậy niềm đam mê và tiếp sức cho các sinh viên trong việc tạo ra những ý tưởng đổi mới sáng tạo, phát triển kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam", TS.Hùng bày tỏ.
Cụ thể, thông qua hai phần thi tranh biện về chủ đề “Sinh viên nên khởi nghiệp hay đi làm thuê?” giữa hai đội thi đến từ Trường Đại học Ngoại thương và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; và chủ đề “Khởi nghiệp ngành Logistics có dành cho sinh viên?” giữa hai đội thi đến từ Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải và Trường Đại học Phenikaa đã chia sẻ những góc nhìn của sinh viên về vấn đề khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics nói riêng.
Những quan điểm, những lập luận chặt chẽ của các đội thi cho thấy những mong muốn, trăn trở suy tư của sinh viên - những người trẻ đang đứng giữa vấn đề lựa chọn tập trung học tập sau đó đi làm thuê hay tự mình khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp của mình; những khó khăn, thách thức đặt ra, đặc biệt về vấn đề tích lũy kinh nghiệm thực tế; giải pháp nào để tìm kiếm nguồn lực, tài nguyên trong bước đầu khởi nghiệp...
Chia sẻ với những băn khoăn của các sinh viên, TS.Đinh Việt Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cho rằng, khởi nghiệp không chỉ ở một thời điểm, trong thời gian ngắn mà là một hành trình dài đòi hỏi phải có sự chuẩn bị, sẵn sàng.
Do đó, dù học tập trên giảng đường hay thử thách với các hoạt động thực tế, các sinh viên đều sẽ tích lũy được những kiến thức, kỹ năng cần thiết chuẩn bị cho mong muốn và hành trình khởi nghiệp của mình.
Đồng quan điểm, TS.Võ Trí Thành nhấn mạnh, cơ hội cho khởi nghiệp rất lớn, nhưng khởi nghiệp cũng đặt ra những yêu cầu quan trọng về yếu tố con người, đòi hỏi không chỉ là sức khỏe, trí tuệ, năng lực, kỹ năng mà còn cần sự kết nối giữa các nguồn lực xã hội, kết nối giữa con người với con người.
“Điều quan trọng là các bạn sinh viên cần phát huy cái hay, giảm bớt cái dở để có thể tận dụng những cơ hội khởi nghiệp phù hợp, qua đó mang lại những giá trị cho chính mình cũng như toàn xã hội”, TS.Thành bày tỏ.
Tại Tọa đàm, Mạng lưới câu lạc bộ Logistics Sinh viên Việt Nam - Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) đã giới thiệu dự án khởi nghiệp “Khóa đào tạo thực chiến dành cho sinh viên Logistics” với mục đích cập nhật kiến thức sát với thực tế, đi kèm với những trải nghiệm giải quyết các tình huống, thực hiện dự án tại doanh nghiệp cho các sinh viên quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp hoặc tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực logistics.
Các khóa đào tạo thực chiến cho sinh viên Logistics sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến, gồm: Nhóm khóa học cơ bản về đào tạo kiến thức (Tổng quan về Logistics; thực chiến nghiệp vụ xuất nhập khẩu; thực chiến nghiệp vụ khai báo chứng từ hải quan; thực chiến nghiệp vụ nghiệp vụ vận hành kho; thực chiến nghiệp vụ nghiệp vụ mua hàng...); Nhóm khóa học đào tạo kỹ năng (Kỹ năng sales logistics; kỹ năng chăm sóc khách hàng trong ngành logistics; kỹ thuật xây dựng giải pháp và tính giá dịch vụ vận tải; kỹ thuật xây dựng giải pháp và tính giá dịch vụ kho; tác phong làm việc chuyên nghiệp...).