Sáng 22/4/2023, tại Hà Nội, Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông phối hợp tổ chức Tọa đàm “Logistics và nhu cầu nhân lực logistics của Việt Nam trong môi trường kinh doanh số”.
Tọa đàm có sự tham dự của đại diện Vụ, Cục chức năng của Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo và các Ban nghiệp vụ của Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA); Lãnh đạo và các thầy, cô giáo, sinh viên chuyên ngành Logistics - ngành Quản trị kinh doanh, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông; đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics - chuỗi cung ứng, thương mại điện tử cùng các hội viên là các giảng viên, sinh viên đến từ các trường đại học ở khu vực miền Bắc.
Thuận lợi và khó khăn để phát triển logistics trong xu hướng chuyển đổi số
Cập nhật về tình hình phát triển logistics trên thế giới và Việt Nam, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Chủ tịch danh dự VALOMA cho biết, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát khiến tình hình hàng hóa và logistics bị ảnh hưởng, các quốc gia tăng cường tích trữ hàng hóa dẫn tới hàng hóa khan hiếm và giá dịch vụ vận tải của các hãng vận tải đường biển cũng tăng mạnh.
Đến năm 2022, đặc biệt từ thời điểm cuối năm khi dịch Covid-19 lắng xuống, lượng hàng hóa tồn kho rất lớn. Cùng với đó, xung đột ở Ukraine đã tác động đến toàn cầu, gây ra tình trạng suy thoái kinh tế, ảnh hưởng về an ninh năng lượng, giá cả, dịch vụ và dẫn đến sụt giảm về hàng hóa lưu chuyển trên toàn thế giới.
Tình hình khó khăn của nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động xuất khẩu nói riêng trong quý I/2023 phản ánh rõ những tác động chung đó - hệ quả của một quá trình vừa qua khi Việt Nam cùng với các nước trên thế giới trải qua giai đoạn đặc biệt với những tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất cũng như hoạt động logistics.
Tuy nhiên, theo ông Hải, ba năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng cho thấy vai trò của chuỗi cung ứng và logistics. Khi các biện pháp chống dịch làm gián đoạn các hoạt động sản xuất, hoạt động vận chuyển, phân phối hàng hóa chúng ta mới thấy rằng nhu cầu của hoạt động logistics là không thể dừng được, cần thiết phải duy trì vận hành liên tục.
Hiện nay, không chỉ Việt Nam và các nước xung quanh như Lào, Campuchia hay các nước trên thế giới đều rất quan tâm phát triển lĩnh vực logistics thông qua hàng loạt chính sách đầu tư, hình thành mạng lưới hạ tầng giao thông vận tải, cảng biển, các tuyến hành lang dịch vụ logistics, kho hàng quy mô lớn… nhằm thúc đẩy sản xuất và lưu thông hàng hóa thuận lợi, hiệu quả.
Theo ông Trần Thanh Hải, Việt Nam đang có "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để phát triển lĩnh vực logistics - chuỗi cung ứng.
Thứ nhất, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng, tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và tăng trưởng sản xuất rất nhanh. Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt 732 tỷ USD và là một trong 20 quốc gia có kim ngạch trao đổi thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. Điều này tạo ra nguồn hàng hóa lưu thông lớn, thuận lợi cho ngành logistics phát triển.
Thứ hai, vị trí của Việt Nam gần các khu vực động lực phát triển kinh tế của thế giới, bao gồm khu vực Đông Á cho đến khu vực Đông Nam Á, sang tới Australia, New Zealand…, nằm trên các tuyến đường biển, hàng không thuận lợi.
Thứ ba, thời gian qua Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển lĩnh vực logistics. Bên cạnh việc tạo thêm nguồn hàng hóa, kí kết thêm các hiệp định thương mại tự do với các đối tác để mở cửa thị trường cho hàng hóa của chúng ta ra thế giới được nhiều hơn, nhiều quyết định, kế hoạch hành động được triển khai nhằm thúc đẩy lĩnh vực logistics phát triển, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng logistics… Trong đó việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nhân lực logistics nhằm góp phần cùng các yếu tố khác phát triển mạnh mẽ hơn lĩnh vực logistics của Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh những thuận lợi, lĩnh vực logistics Việt Nam còn nhiều hạn chế như: số lượng doanh nghiệp khá lớn nhưng đa phần kinh nghiệm hoạt động còn ít; quy mô về vốn, nhân lực của các doanh nghiệp còn rất nhỏ và đa phần mới chỉ đảm nhận được các dịch vụ cơ bản của logistics, thiếu kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực logistics quốc tế… Cùng với đó là những rủi ro, nguy cơ như: ảnh hưởng của dịch bệnh, xung đột địa chính trị, cạnh tranh từ các đối thủ nước ngoài, xu thế mua bán và sáp nhập…
Trong bối cảnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đang là xu hướng phát triển rất lớn trong lĩnh vực logistics. Trong đó nổi bật là xu hướng tự động hóa, các phương tiện giao hàng sử dụng nhiên liệu sạch, thân thiện với môi trường; xu hướng sử dụng robot, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các dịch vụ logistics; xu hướng sản xuất, tiêu dùng xanh… đều là những yếu tố tác động lớn đến hoạt động của lĩnh vực logistics.
“Cùng với động lực từ cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin thì vấn đề nhân lực, đào tạo thế hệ tương lai của chúng ta không kém phần quan trọng để có thể thay đổi, đưa lĩnh vực logistics của chúng ta lên những tầm cao mới”, ông Hải chia sẻ.
Tăng cường đào tạo nhân lực logistics về kỹ năng, kiến thức thực tiễn
Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Vũ Tuấn Lâm - Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết, trước nhu cầu cao về nhân lực của ngành logistics Việt Nam, các chương trình đào tạo về Logistics đang có xu hướng phát triển nhanh trong những năm gần đây.
Theo số liệu thống kê tuyển sinh đại học và cao đẳng năm 2022, nước ta hiện có gần 50 trường đại học có đào tạo ngành Logistics ở các mức độ khác nhau. Tại một số trường, điểm chuẩn của ngành Logistics thường ở mức cao như ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính, Trường Đại học Thương mại…
“Điều này phản ánh nhu cầu của xã hội nói chung, nhu cầu của các doanh nghiệp nói riêng về cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực logistics. Nhu cầu thực tiễn của xã hội, của thị trường lao động và doanh nghiệp chính là động lực thúc đẩy các cơ sở đào tạo phát triển chuyên ngành hoặc ngành đào tạo Logistics”, TS. Lâm cho biết.
Trong xu hướng chung đó, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông đã triển khai chương trình đào tạo chuyên ngành Logistics cho sinh viên ngành Quản trị kinh doanh. Học viện xác định, để quá trình đào tạo nhân lực logistics đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, việc tăng cường hợp tác, kết nối giữa Học viện với Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam và các doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết.
Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo trong lĩnh vực logistics thời gian tới sẽ theo hướng tăng cường kỹ năng, kiến thức thực tiễn cho người học để có khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh đầy biến động. Các em sinh viên cần phải xác định định hướng nghề nghiệp dài hạn, đam mê với công việc và có sự chuẩn bị sẵn sàng trước những cơ hội việc làm. Cùng với đó, nhà trường tiếp tục đảm bảo chất lượng giảng dạy đạt chuẩn đầu ra để sinh viên không phải lo lắng trước nhu cầu thị trường và sẽ đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường.
Chia sẻ về yêu cầu đối với nhân lực logistics trong bối cảnh mới, PGS.TS. Trịnh Thị Thu Hương - Phó Chủ tịch VALOMA cho biết, một khảo sát của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam (VLI) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam vào năm 2021 cho thấy các doanh nghiệp logistics Việt Nam đánh giá rất cao về ý thức trách nhiệm xã hội của nhân sự logistics nhưng điểm hạn chế là kỹ năng sáng tạo cũng như kỹ năng chuyển đổi số của nhân lực logsistics.
Báo cáo Logistics Việt Nam năm 2021 do Bộ Công Thương thực hiện và công bố cũng đưa ra khảo sát, đánh giá về các cơ sở đào tạo, chất lượng nhân lực logistics về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm… đối với nhân sự logistics. Kết quả khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp trong ngành đánh giá cao chất lượng đào tạo nhân lực logistics ở bậc trung cấp và cao đẳng hơn so với các trường đại học.
“Điều này có thể hiểu bởi ở cơ sở đào tạo bậc trung cấp và cao đẳng, các bạn sinh viên được giảng dạy theo mô hình đào tạo nghề, cầm tay chỉ việc”, PGS.TS.Trịnh Thị Thu Hương nhận định và cho biết theo khảo sát, các doanh nghiệp cũng đánh giá cao kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin của nhân lực logistics bậc trung cấp và cao đẳng.
PGS.TS.Trịnh Thị Thu Hương cũng cho rằng, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin chính là một trong những yêu cầu quan trọng đối với nhân lực logistics trong tình hình mới hiện nay. Thực tiễn đào tạo được nhìn nhận thông qua các nghiên cứu, khảo sát đặt ra cho chúng ta một câu hỏi, một vấn đề cần phải quan tâm cần làm gì để theo kịp yêu cầu về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin của thị trường logistics trong bối cảnh mới nhiều biến động, nhiều yếu tố khách quan tác động như dịch bệnh, xung đột…
Trong khi đó, bà Phạm Lan Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực logistics tích hợp, đã có những thông tin cập nhật về cơ hội việc làm trong ngành Logistics. Bà Lan Hương cho rằng, về năng lực chung, 100% các vị trí đều cần được doanh nghiệp đào tạo lại, tuy nhiên, mức độ thích ứng sau đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào nền tảng kỹ năng sống của các bạn sinh viên. Để đáp ứng yêu cầu công việc, đa phần các doanh nghiệp đều cần người lao động đáp ứng được khung năng lực bao gồm: năng lực chuyên môn (kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm) và năng lực chung hành vi phù hợp với giá trị cốt lõi của doanh nghiệp.
Tại phiên thảo luận của Tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics về những vấn đề của Logistics trong bối cảnh chuyển đổi số.
Thảo luận đã thu hút sự tham gia sôi nổi của các bạn sinh viên và sự chia sẻ, giải đáp của các chuyên gia xung quanh các vấn đề thực tế như: ảnh hưởng của việc bùng phát lại COVID-19 đối với ngành logistics; tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với việc làm trong ngành logistics; cơ hội việc làm, yêu cầu của doanh nghiệp logistics đối với nhân lực mới gia nhập công ty…
Những thông tin được cung cấp và chia sẻ trong buổi Tọa đàm sẽ giúp các em sinh viên không chỉ thuộc chuyên ngành logistics mà cả khối ngành Kinh tế - Quản trị viên nắm được các kiến thức, kỹ năng cần thiết, kinh nghiệp để có định hướng tiếp cận cơ hội việc làm phù hợp tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.