Sự cần thiết xây dựng khung pháp lý đối với hoạt động cho vay ngang hàng (Peer to Peer Lending) tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN NAM TRUNG (Giảng viên Khoa Luật, Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như sự gia tăng mạnh mẽ về nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cùng các rào cản về quy trình, thủ tục cấp tín dụng của các kênh tín dụng chính thức đã dẫn đến sự phát triển mang tính tất yếu của mô hình "Cho vay ngang hàng Peer to Peer Lending" (P2P Lending). Tuy nhiên, mô hình này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, do đó cần ban hành các chính sách, pháp luật để quản lý, kiểm soát, nhằm đảm bảo an toàn tài chính, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia mô hình này.

Từ khoá: Nhu cầu vay vốn, kênh tín dụng chính thức, cho vay ngang hàng, rủi ro, chính sách, pháp luật.

1. Nhu cầu vay vốn ngày càng tăng

Ngày nay, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với những chuyển biến tích cực và toàn diện trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội dẫn tới nhu cầu vay vốn tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng cao. Theo thống kê của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt, với mức tăng trưởng bình quân 29%/năm, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục tăng trưởng mạnh, ước tính từ mức 646.000 tỷ đồng năm 2016 lên 1 triệu tỷ đồng vào năm 2019.[1]

Chưa kể sự biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nguy cơ lây lan, bùng nổ của các dịch bệnh nguy hiểm ngày càng cao, gây gián đoạn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, làm ảnh hưởng đến tính cân đối, bền vững của quỹ đầu tư cá nhân, qua đó làm gia tăng nhu cầu vay vốn để khắc phục khó khăn hiện tại. Điển hình, như dịch bệnh COVID-19 và tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế. Quý I/2020, tăng trưởng GDP đạt mức thấp, trong đó tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm mạnh. Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua.[2]

2. Rào cản trong việc tiếp cận với kênh tín dụng chính thức

Trong khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng thì tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế Việt Nam lại giảm. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 12,1%, trong đó tỷ lệ cho vay tiêu dùng thông qua kênh cấp tín dụng chính thức (tổ chức tín dụng, công ty tài chính,...) tính trên tổng dư nợ ở Việt Nam chỉ mới đạt khoảng 11,4%.  Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 1 thập kỷ qua. Con số này ở các nước phát triển rơi vào khoảng 40-50%[3].

Nguyên nhân bởi các tổ chức tín dụng đang đặt ra quy trình cấp tín dụng gồm rất nhiều bước với nhiều điều kiện, yêu cầu nghiêm ngặt, gây khó khăn trở ngại cho người đi vay, nhất là với các cá nhân có thu nhập thấp, những doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ trong việc tiếp cận nguồn vốn. Theo một nghiên cứu cho thấy, hơn 60% hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ cần vốn nhưng chưa thể tiếp cận được kênh tín dụng chính thức[4].

3. Sự bùng nổ của thị trường tín dụng đen

Hạn chế trên của kênh tín dụng chính thức đã dẫn đến sự phát triển mang tính bùng nổ của "tín dụng đen", là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn vượt qua mức lãi suất pháp luật quy định, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Theo số liệu thống kê trong 5 năm trở lại đây, toàn quốc đã xảy ra gần 8.000 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, trong đó có 56 vụ giết người, 389 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.089 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm và 165 vụ huỷ hoại tài sản.[5]

4. Sự phát triển tất yếu của mô hình P2P Lending tại Việt Nam

Để giải quyết cơn khát vốn của thị trường tín dụng phi chính thức, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng, đối với cá nhân có thu nhập thấp, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; đồng thời đẩy lùi sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thị trường "tín dụng đen", mô hình P2P Lending hiện được xem là giải pháp tối ưu. Cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending - P2P) được hiểu là: "việc kết hợp giữa người vay và nhà đầu tư thông qua một nền tảng trực tuyến và nhà điều hành P2P, với tư cách là đại lý cho các nhà đầu tư và thu hồi nợ của người vay"[6]. P2P Lending gia tăng khả năng tiếp cận vốn trong xã hội, nhất là đối với cá nhân, tổ chức có thu nhập thấp hoặc không có khả năng, điều kiện chứng minh năng lực tài chính, năng lực trả nợ với ngân hàng, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chưa hoặc không tiếp cận được với tín dụng chính thống từ hệ thống ngân hàng.

Báo cáo nghiên cứu của Transperancy Market Research về quy mô, xu hướng phát triển của thị trường P2P Lending toàn cầu giai đoạn 2016 - 2024 nhận định, thị trường này có cơ hội tăng trưởng lên đến 897,85 tỷ USD vào năm 2024. Tốc độ tăng trưởng lũy kế có thể đạt đến 48,2% trong giai đoạn 2016 - 2024. Theo thống kê của Ngân hàng phát triển châu Á, thị trường cho vay ngang hàng toàn cầu ước tính sẽ có mức tăng trưởng lên đến 53%/năm và có thể đạt tới giá trị 490 tỷ USD vào năm 2020. Riêng tại Trung Quốc, giai đoạn 2014 - 2017, dư nợ hoạt động "P2P Lending" đạt xấp xỉ 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ.[7]

Công văn số 5228/NHNN-CSTT, ngày 8 tháng 7 năm 2019[8] của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định: "Hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế, nhất là với các đối tượng yếu thế trong xã hội (có khả năng tiếp cận internet), qua đó có thể góp phần đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen”.

Việt Nam hiện đang có tiềm năng để phát triển hoạt động P2P Lending. Dân số Việt Nam, tính tới thời điểm năm 2019 là 96.208.984 người, trong đó có đến 64 triệu người sử dụng internet. Trong 64 triệu người này, số lượng người dùng truy cập bằng thiết bị di động là 61,73 triệu người (chiếm 96% số người sử dụng internet). Trong 143,3 triệu số thuê bao được đăng ký có tới 45% đã đăng ký 3G/4G. Ngoài ra, trên 79% dân số không có tài khoản chính thức ở ngân hàng và khoảng 53 triệu dân gặp khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay tiêu dùng cá nhân hoặc phục vụ vốn kinh doanh nhỏ.[9]

Thực tế trên đã được minh chứng bởi hoạt động của gần 100 công ty P2P Lending[10], hiện nay, tại Việt Nam (bao gồm cả công ty đã đi vào hoạt động chính thức và một số công ty đang trong giai đoạn thử nghiệm) như Tima, Trust Circle, Vay mượn, Lendmo, Wecash, InterLoan,... Các công ty này dự tính sẽ thu hút nguồn vốn giao dịch rất lớn với sự tham gia đông đảo của các nhà đầu tư, người đi vay. Đơn cử như Tima chỉ hoạt động mới được 4 năm nhưng tổng số tiền cho vay, tính đến thời điểm tháng 5/2020, là 93,402 tỷ; với 4.687.984 người đi vay và 44.057 người cho vay[11]. 

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đã ban hành nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, tạo cơ chế thuận lợi, thúc đẩy việc tham gia tích cực và có hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2025, xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm. Trong đó, việc xây dựng, tạo dựng một hệ sinh thái lành mạnh cho các công ty Fintech (Financial Technology), cung ứng các dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực ngân hàng được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay[12].

Từ những phân tích trên cho thấy, xu hướng phát triển hoạt động P2P Lending tại Việt Nam mang tính tất yếu.

5. Những rủi ro tiềm ẩn

Thực tế tại các nước cho thấy, hoạt động P2P Lending đang tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với nhà đầu tư, bên đi vay, sự an toàn tài chính cũng như sự phát triển ổn định của thị trường tín dụng như:

(i) Rủi ro mất vốn hoặc chậm trả: Khoản vay dưới hình thức P2P Lending thường là những khoản vay không có tài sản bảo đảm. Nhà đầu tư không được bảo hiểm tiền gửi như ngân hàng truyền thống bởi Công vay P2P không phải là trung gian thanh toán.[13]

 (ii) Xâm hại đến bí mật đời tư cá nhân: Khi đăng ký khoản vay, người đi vay thường phải đăng nhập các thông tin liên quan đến đời sống cá nhân, các mối quan hệ gia đình, bạn bè đồng nghiệp. Điều này dẫn đến rủi ro về rò rỉ thông tin do lỗ hổng bảo mật hoặc các hành vi mua bán thông tin trái phép hay khi người đi vay không có khả năng thanh toán nợ, những người thân của họ sẽ phải đối diện với những hình thức đòi nợ, làm phiền trái pháp luật.[14]

(iii) Thông tin bất đối xứng: Mô hình P2P Lending hiện đang hoạt động theo 2 mô hình cơ bản. Một là, mô hình cho vay ngang hàng chủ động: Hình thức này cho phép các nhà đầu tư trực tiếp lựa chọn khoản cho vay để tài trợ từ một nhóm đối tượng đi vay được liệt kê. Hai là, mô hình cho vay ngang hàng chủ động: Nhà đầu tư không chọn được nhu cầu vay cụ thể mà chỉ trực tiếp chọn loại rủi ro, thời hạn và kỳ hạn cho vay mà họ sẵn sàng tài trợ, từ đó các nền tảng vay ngang hàng sẽ khớp các yêu cầu đó với đề nghị vay vốn của nhà đầu tư.[15]

Như vậy, dù là hình thức nào, người đi vay và người cho vay, thông qua nền tảng P2P Lending sẽ không nắm được thông tin trực tiếp về nhau để có thể đưa ra phương án đánh giá, xử lý rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản phù hợp và hiệu quả nhất. Toàn bộ thông tin liên quan đến các khoản vay đều được thu thập và cung cấp bởi công ty P2P Lending; thông qua hệ thống xếp hạng tín dụng. Tuy nhiên, dù hệ thống luôn được cập nhật và có thể kết nối với hệ thống trung tâm thông tin tín dụng quốc gia nhưng vẫn có thể không dự đoán chính xác được cách thức các khoản vay sẽ hoạt động, vì nền tảng P2P Lending có số lượng dữ liệu lịch sử cho vay hạn chế.

(iv) Các công ty P2P Lending thực hiện những hoạt động ngoài phạm vi trung gian kết nối thông tin: Trực tiếp huy động và cấp tín dụng cho người đi vay như một ngân hàng (shadow banking) hay hoạt động theo mô hình xác sống (ponzi) với nhiều dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người cho vay và cả người đi vay; thực hiện cả chức năng trung gian thanh toán.

 (v) Rủi ro vận hành: Vì hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ nên tiềm ẩn các rủi ro trong quá trình vận hành nền tảng như phần mềm bị lỗi hoặc ngưng hoạt động, bên cung cấp dịch vụ rút khỏi thị trường;

(vi) Rủi ro về đạo đức: Bên vận hành nền tảng P2P lending hoạt động như tổ chức huy động vốn rồi đem cho vay, thông đồng lập hồ sơ giả; thổi phồng thông tin; sử dụng tiền nhà đầu tư cho các mục đích khác, không đúng với mục đích ban đầu; khớp nối kỳ hạn của khoản vay không đúng nguyên tắc; ngầm bắt tay với các kênh tín dụng chính thức cho vay ngang hàng để ăn chênh lệch.[16]

6. Hành lang pháp lý còn bỏ ngõ

Để kiểm soát, giảm thiểu, hạn chế những rủi ro trên cũng như khai thác, tận dụng có hiệu quả lợi ích từ mô hình P2P Lending, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định P2P Lending là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Đồng thời, đặt ra các quy định đối với việc triển khai, vận hành mô hình P2P Lending trên thực tế; như: (i) Giới hạn dịch vụ đối với công ty P2P Lending, giới hạn cho vay đối với người cho vay, giới hạn đi vay đối với người vay; (ii) Duy trì hệ thống điện tử an toàn, bảo vệ dữ liệu khách hàng; (iii) Phòng chống rửa tiền và khủng bố; (iv) Trách nhiệm của người đi vay, người cho vay và công ty vận hành nền tảng P2P Lending; (v) Công bố thông tin của công ty P2P Lending; (vi) Quảng cáo, truyền thông; (vii) Một số hành vi bị cấm trong hoạt động P2P Lending; (viii) Hoạt động giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trách nhiệm báo cáo của Công ty P2P Lending.[17]

Việt Nam hiện chưa có bất kỳ quy định pháp luật nào điều chỉnh cụ thể về hoạt động của P2P Lending. Trong hệ thống các ngành nghề kinh tế Việt Nam được ban hành theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ[18], P2P Lending chưa được thừa nhận là một ngành nghề kinh doanh riêng biệt, do đó cũng không có cơ sở để ràng buộc tổ chức vận hành P2P Lending. Các bên tham gia vào cơ chế vận hành P2P Lending phải cam kết thực hiện bất kỳ điều kiện nào (về vốn pháp định; về các giấy phép, các chứng nhận cần có). Rủi ro có thể gây ra từ hoạt động này, có mức độ ảnh hưởng, phạm vi tác động tương tự như hoạt động tín dụng qua các kênh tín dụng chính thống hiện đang được quy định là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Luật đầu tư 2014, sửa đổi bổ sung năm 2017[19]; và chịu sự điều chỉnh của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010[20] với cơ chế giám sát tín dụng đặc thù, đảm bảo hạn chế và khắc phục triệt để các rủi ro nói trên.

Các công ty P2P Lending ở Việt Nam hiện nay, mặc dù đăng ký hoạt động ở các ngành nghề như: (i) Tư vấn tài chính, (ii) môi giới tài chính, (iii) các hoạt động hỗ trợ tài chính; (iv) công ty cầm đồ nhưng vẫn thực hiện rất nhiều hoạt động tín dụng đa dạng và không chỉ giới hạn ở vai trò trung gian thông tin tài chính cho bên vay và bên đi vay. Ngoài ra, còn thực hiện các hoạt động như: (i) Cho vay trực tiếp đối với người cho vay và người đi vay trên hệ thống P2P Platform của công ty; (ii) Cung cấp mô hình định giá (lãi suất) khoản vay, định giá tài sản đảm bảo để người cho vay quyết định; (iii) Trung gian thanh toán; (iv) Mua/bán nợ trên thị trường thứ cấp (trên cơ sở người cho vay bán lại khoản vay); (v) Thu hồi nợ; (vi) Bảo lãnh khoản vay;...

Ngoài ra, do đặc thù hoạt động của công ty P2P Lending, là kênh huy động vốn; kênh tiếp cận vốn vay; là trung gian thông tin tín dụng, kết nối nhà đầu tư với người đi vay và các bên liên quan khác tham gia vào thị trường kinh doanh tiền tệ nên tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về vấn nạn rửa tiền; tức là hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc các tài sản do phạm tội mà có. Thông qua hành vi rửa tiền, các khoản tiền hoặc tài sản từ vi phạm pháp luật được che giấu nguồn gốc và “biến hóa” thành tiền sạch hay tài sản hợp pháp. Vấn nạn rửa tiền càng trở nên nghiêm trọng hơn khi hiện nay, công ty P2P Lending không thuộc phạm vi các tổ chức tài chính, chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012[21].

Trước những thực tế trên, cần thiết phải xây dựng khung pháp lý đối với hoạt động P2P Lending, để thiết lập một "không gian an toàn"; một "cơ chế hữu hiệu" để quản lý, kiểm soát hiệu quả các rủi ro tiềm ẩn, nhằm đảm bảo an toàn tài chính, sự phát triển ổn định và bền vững của nền kinh tế, trật tự an toàn xã hội và đảm bảo sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Thu Thủy, Hạnh Dung (2019). Phát triển bền vững thị trường tài chính tiêu dùng.<https://www.nhandan.com.vn/baothoinay/baothoinay-xahoi/item/39371602-phat-trien-ben-vung-thi-truong-tai-chinh-tieu-dung.html, truy cập 21/05/2020.>, xem ngày 18/05/2020.

[2] Lê Kiên (2020). “Kinh tế ảnh hưởng nặng nề”, Chính phủ báo cáo Quốc hội 2 kịch bản. <https://tuoitre.vn/kinh-te-anh-huong-nang-ne-chinh-phu-bao-cao-quoc-hoi-2-kich-ban-20200515102928307.htm>, xem ngày 18/05/2020.

[3]  Đào Vũ (2019). Tín dụng của nền kinh tế tăng 12,1% trong năm 2019.  <http://vneconomy.vn/tin-dung-cua-nen-kinh-te-tang-121-trong-nam-2019-20191227153056351.htm>, xem ngày 18/05/2020.

[4] Cao Hải Vân (2019), Nhận diện những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn trong hoạt động cho vay ngang hàng, Tạp chí Ngân hàng, số 18, trang 50-56.

[5] Nguyễn Thanh Cai (2019). Giải pháp ngăn chặn hữu hiệu hoạt động tín dụng đen. Tạp chí Tài chính, kỳ 1 tháng 6/2019.

[6] Kevin Davis and Jacob Murphy (2016). Peer to Peer Lending: Structures, Risks and Regulation. JASSA: The Finsia Journal of Applied Finance, 3, 37-44.

[7] Nguyễn Văn Hiệu (2018). Cho vay ngang hàng - kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam. Tạp chí Ngân hàng, số 22, 2018.

[8] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019). Công văn số 5228/NHNN-CSTT ngày 8/7/2019.

[9] Vụ chính sách Tiền tệ (2020). Tài liệu tập huấn "Hoạt động cho vay ngang hàng - P2P Lending".

[10] Vụ chính sách Tiền tệ (2020), Tài liệu tập huấn "Hoạt động cho vay ngang hàng - P2P Lending."

[11] Công ty cổ phần tập đoàn Tima. <https://tima.vn/san-giao-dich.html>, xem ngày 18/05/2020.

[12] Chính phủ (2019). Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 12/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kinh tế chia sẻ.

[13] Derayah financial (2017), A concept Study on Peer - to - Peer Lending, <https://web.derayah.com/wp-content/uploads/2017/12/concept_study_p2p_lending_17.pdf>, xem ngày 18/05/2020.

[14] Eric C.Chaffee and Geoffrey C.Rapp (2012), Regulating online Peer - to - Peer Lending in the Aftermath of Dodd-Frank; In search of an Evolving Regulatory Regime for an Evolving Industry, Washington and Lee Law Review, 69(2).

[15] Murphy. J. (2016), P2P Lending: Assessing sources of competitive advantage, Melbourne Money and Finance Conferene, June 2016.

[16] Nguyễn Văn Hiệu (2018), Cho vay ngang hàng - Kinh nghiệm thế giới và hàm ý cho Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng, số 22/2018.

[17] Vụ chính sách Tiền tệ (2020), "Hoạt động cho vay ngang hàng - P2P Lending", Tài liệu tập huấn.

[18] Chính phủ (2018). Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

[19] Quốc hội (2017). Luật Đầu tư năm 2014 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

[20] Quốc hội (2010). Luật Tổ chức tín dụng năm 2010.

[21] Quốc hội (2012). Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012.

 

THE NECESSITY FOR ESTABLISHING A LEGAL FRAMEWORK FOR THE PEER-TO-PEER LENDING MODEL IN VIETNAM

Master. NGUYEN NAM TRUNG

Faculty of Law, Ho Chi Minh City Cadre Academy

 

ABSTRACT:

The rapid growth of Industry 4.0, the strong growth of demand for loans to finance manufacturing, trading and consuming activities and the procedural barriers in granting loans by official credit channels such as banks and financial institutions have led to the   inevitable development of the model "Peer-to-Peer Lending" (P2P Lending). However, this lending model has huge risks and it is an urgent task for the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam to make appropriate laws and policies on controlling risks of the P2P Lending model in order to ensure the financial and social safety and orders, legitimate rights and interest of parties being involved in this lending model.

Keywords: Demand for loans, official credit channel, peer to peer lending, risks, policies, laws.