Tài sản bảo đảm và rủi ro tín dụng trong hoạt động cho vay doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại Việt Nam

ThS. TRẦN CHÍ CHINH (Khoa Ngân hàng - Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết tổng hợp lý thuyết và thực tiễn liên quan đến mối quan hệ giữa tài sản bảo đảm (TSBĐ) và rủi ro tín dụng (RRTD) và phân tích vai trò của TSBĐ trong cho vay doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam. Từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm giảm thiểu những rào cản trong việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp Việt Nam - có liên quan đến TSBĐ.

Từ khóa: Tài sản bảo đảm, thông tin bất cân xứng, sự lựa chọn bất lợi, ngân hàng thương mại.

1. Đặt vấn đề

Khi cho vay đối với doanh nghiệp, các NHTM đều mong muốn doanh nghiệp sử dụng khoản vay hiệu quả và sẽ thanh toán nợ vay đầy đủ, đúng hạn. Tuy nhiên, trong một môi trường luôn tồn tại vấn đề thông tin bất cân xứng như thị trường cho vay, RRTD rất dễ xảy ra. Vì vậy, hạn chế RRTD trong hoạt động cho vay doanh nghiệp luôn là nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu của các NHTM.

Để thực hiện được nhiệm vụ này đòi hỏi các NHTM thu thập được đầy đủ thông tin, qua đó đánh giá được thiện chí trả nợ và khả năng trả nợ của doanh nghiệp trước khi cho vay. Bởi điều này không chỉ giúp các NHTM giảm thiểu được sự lựa chọn bất lợi khi đưa ra quyết định cho vay mà còn giúp họ hạn chế được rủi ro đạo đức từ phía doanh nghiệp. Thực tế tại Việt Nam hiện nay, khi đề cập đến những trở ngại trong việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trở ngại thường được các doanh nghiệp nhắc đến nhiều nhất là vấn đề về TSBĐ. Việc một số người cho vay quá xem trọng yếu tố TSBĐ khi cho vay không chỉ là rào cản ngăn trở việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp, mà còn là rào cản hạn chế khả năng mở rộng cho vay của các NHTM Việt Nam.

Chủ đề về TSBĐ luôn là vấn đề nổi cộm khi đề cập đến những trở ngại trong việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp. Do vậy, bài viết lược khảo lý thuyết và thực tiễn có liên quan đến vai trò của TSBĐ trong việc hạn chế RRTD của khoản vay, phân tích thực trạng sử dụng công cụ TSBĐ trong cho vay doanh nghiệp tại các NHTM Việt Nam và đề xuất một số kiến nghị nhằm giảm thiểu những rào cản trong việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp có liên quan đến TSBĐ. 

2. Các lý thuyết nền tảng và các nghiên cứu trước có liên quan

2.1. Lý thuyết thông tin bất cân xứng và các nghiên cứu có liên quan

Lý thuyết thông tin bất cân xứng được Akerlof (1970) đưa ra nhằm lý giải mối quan hệ giữa chất lượng hàng hóa và sự bất cân xứng thông tin trong các thị trường.

Theo Jaffee và Russell (1976), trong thị trường cho vay luôn có sự hiện diện của hai loại người vay, là người vay trung thực và người vay không trung thực, do đó ngân hàng rất khó phân biệt được bởi sự tồn tại của thông tin bất cân xứng. Do đó, hạn chế tín dụng xuất hiện như là cách thức thị trường cho vay phản ứng lại đối với sự lựa chọn bất lợi.

Còn theo Stiglitz và Weiss (1981), việc thực hiện các khoản vay của ngân hàng thường phụ thuộc vào lãi suất kỳ vọng và mức độ rủi ro dự kiến của khoản vay nên khoản cho vay dựa trên nguyên tắc “đánh đổi rủi ro và lợi nhuận”, và việc khó nhận diện được đâu là “người vay tốt” dẫn đến ngân hàng áp dụng lãi suất đối với khoản vay. Hệ quả của tình trạng thông tin bất cân xứng trong thị trường cho vay gây ra hạn chế tín dụng và làm mất cân bằng tín dụng trong ngắn hạn.

Gestel và Baesens (2009) cho rằng, quản trị RRTD tốt thường được bắt đầu bằng sự lựa chọn tốt về người vay.

2.2. Lý thuyết tín hiệu, lý thuyết sự sàng lọc và các nghiên cứu có liên quan

Lý thuyết tín hiệu được đề xuất bởi Spence (1973) và lý thuyết sự sàng lọc được đề xuất bởi Stiglitz (1975) là 2 lý thuyết đưa ra, nhằm giải quyết vấn đề thông tin bất cân xứng của thị trường. Để hạn chế vấn đề thông tin bất cân xứng, Spence (1973) đề xuất bên có nhiều thông tin hơn sẽ thực hiện một số hoạt động tốn chi phí, được gọi là “phát tín hiệu”. Trong khi đó, Stiglitz (1975) đề xuất bên có ít thông tin hơn sẽ sử dụng một số công cụ phân loại để bên có nhiều thông tin hơn phát tín hiệu, qua đó giúp họ phân loại chất lượng hàng hóa hoặc đối tác, được gọi là “sự sàng lọc”.    

Theo Besanko và Thakor (1987), dựa vào TSBĐ và lãi suất có thể giúp ngân hàng “sàng lọc” người vay bằng cách thiết kế hợp đồng tín dụng trong đó giữa lãi suất và yêu cầu về TSBĐ có mối quan hệ ngược chiều nhau, ngân hàng có thể khiến người vay tiết lộ thông tin về đặc tính của họ, qua đó giúp phân loại rủi ro của người vay. Tuy nhiên, ngân hàng không thể phân loại rủi ro chỉ dựa trên việc lựa chọn TSBĐ của người vay, bởi không phải người vay nào cũng có đủ TSBĐ.

Berger và Udell (1990) cho rằng, có hai mô thức liên quan đến việc phân loại rủi ro của người vay là: phân loại bằng quan sát rủi ro và phân loại bằng thông tin riêng. Theo đó,  nếu phân loại bằng quan sát rủi ro, ngân hàng có khả năng nhận diện và đo lường được rủi ro của người vay, khi đó những người vay có rủi ro cao hơn được yêu cầu phải có TSBĐ; nếu phân loại bằng thông tin riêng, rủi ro của người vay không dễ quan sát bởi họ thường có thông tin riêng mà ngân hàng khó khai thác được. Do đó, TSBĐ được ngân hàng sử dụng như là một công cụ để phân loại người vay.

Boot và ctg (1991) chỉ ra rằng, TSBĐ là công cụ mạnh để xử lý vấn đề rủi ro đạo đức từ phía người vay dưới điều kiện ngân hàng có khả năng đánh giá được rủi ro. Ngoài ra, vấn đề thông tin riêng về người vay cũng làm tăng việc sử dụng TSBĐ trong các hợp đồng cho vay.

Theo Gonas và ctg (2004), TSBĐ thường được ngân hàng yêu cầu nhiều hơn đối với những người vay không được xếp hạng, bởi những người vay này dễ xảy ra sự lựa chọn bất lợi hơn. Jimenez và ctg (2004) cũng cho rằng, nếu thông tin bất cân xứng cao giữa ngân hàng và người vay, yêu cầu về TSBĐ trong các hợp đồng cho vay có thể giúp ngân hàng phân loại chất lượng tín dụng của người vay.

Đề cập đến TSBĐ với vai trò là một tiêu chuẩn bảo đảm an toàn cho khoản vay; Gestel và Baesens (2009) cho rằng, đối với những người vay có rủi ro vỡ nợ cao hơn, TSBĐ sẽ được yêu cầu nhiều hơn để giảm thiểu rủi ro thu hồi vốn. Golin và Delhaise (2013): TSBĐ ngoài việc giảm tổn thất cho ngân hàng khi người vay vỡ nợ, còn thúc đẩy động cơ trả nợ của người vay, bởi TSBĐ có thể bị ngân hàng thanh lý nếu người vay không trả nợ.

Đề cập đến TSBĐ và RRTD nhưng một số tác giả lại cho rằng, sự yêu cầu TSBĐ cao hơn có thể làm tăng RRTD cho ngân hàng. Manove và Padilla (1999), Manove và ctg (2001) tranh luận rằng, ngoài chức năng kinh tế ban đầu là cung cấp nguồn tín dụng rẻ, các ngân hàng còn sàng lọc dự án của người vay, qua đó giúp nền kinh tế giảm thiểu được số lượng các dự án thất bại.

3. Thực trạng sử dụng công cụ TSBĐ trong cho vay doanh nghiệp tại các NHTM Việt Nam

Để phân tích thực trạng sử dụng công cụ TSBĐ trong cho vay doanh nghiệp tại các NHTM Việt Nam; tác giả bài viết đã tiến hành khảo sát 189 người hiện đang là lãnh đạo, nhân viên thẩm định tín dụng tại 12 NHTM Việt Nam (gọi chung là người cho vay) và tiến hành phỏng vấn chuyên sâu với một số phó giám đốc, giám đốc chi nhánh hoặc khối thẩm định khu vực tại 11 NHTM Việt Nam (gọi chung là chuyên gia).   

3.1. Vai trò của công cụ TSBĐ trong việc hạn chế RRTD của doanh nghiệp

Để hạn chế RRTD trong cho vay doanh nghiệp, trước khi cho vay, các NHTM Việt Nam phải thực hiện phân tích tín dụng. Hiện nay, ngoài phương pháp xếp hạng nội bộ, phương pháp phân tích tín dụng chủ đạo được các NHTM Việt Nam sử dụng trong cho vay doanh nghiệp là phương pháp phán đoán - phương pháp đánh giá RRTD thông qua phân tích “5Cs” về tín dụng đối với doanh nghiệp1. Một trong những đặc điểm của phương pháp này, đó là, chúng không đưa ra trọng số mà mỗi yếu tố thuộc “5Cs” về tín dụng sẽ tác động đến RRTD của doanh nghiệp. Việc xác định trọng số của từng yếu tố, đặc biệt là yếu tố quan trọng nhất khi cho vay đối với doanh nghiệp sẽ tùy thuộc vào từng khoản vay và quan điểm của từng người cho vay. Tuy nhiên, trong số các yếu tố thuộc “5Cs” về tín dụng, yếu tố TSBĐ thường chỉ được xem là yếu tố bổ sung, NHTM không được phép cho vay chỉ dựa trên TSBĐ. Do đó, thông thường người cho vay đặt nặng yếu tố TSBĐ là khi họ bị hạn chế về chuyên môn hoặc thiếu thông tin để đánh giá những “Cs” khác về tín dụng đối với doanh nghiệp.

Hình 1: Các yếu tố được người cho vay tập trung phân tích

bằng phương pháp phán đoán

Đơn vị tính: %

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/chinh_9_3.jpg

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát

Kết quả khảo sát cho thấy, trong số các yếu tố thuộc “5Cs” về tín dụng, yếu tố TSBĐ được hầu hết người cho vay nhìn nhận là một trong những yếu tố có ảnh hưởng lớn đến RRTD của doanh nghiệp khi có đến 92.6% số người trong tổng số người được khảo sát sử dụng chúng trong mô hình phân tích (Hình 1). Không những thế, yếu tố TSBĐ còn được 10.1% số người trong tổng số người được khảo sát cho là yếu tố quan trọng nhất khi cho vay đối với doanh nghiệp.

Hình 2: Yếu tố quan trọng nhất được đưa ra bởi người cho vay khi cho vay doanh nghiệp

Đơn vị tính: %

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/chinh_9_3.jpg

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát

Như vậy, các NHTM Việt Nam vẫn tồn tại việc một số người cho vay cho rằng yếu tố TSBĐ là quan trọng nhất khi cho vay. Điều này không chỉ tạo nên rào cản gây trở ngại cho việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vay mà không có TSBĐ, mà còn tạo ra rào cản hạn chế khả năng mở rộng cho vay đối với các NHTM Việt Nam.

3.2. Nguyên nhân dẫn đến việc đặt nặng yếu tố TSBĐ xuất phát từ phía NHTM

Thứ nhất, sự hạn chế về chuyên môn của người cho vay trong đánh giá RRTD đối với doanh nghiệp: Để có thể đưa ra được quyết định cho vay có chất lượng, đòi hỏi người cho vay phải có khả năng đánh giá RRTD của doanh nghiệp. Bởi việc đánh giá tư cách và năng lực của doanh nghiệp là khó nhất, đòi hỏi người cho vay phải có kiến thức chuyên môn sâu, kinh nghiệm, kỹ năng, đặc biệt là khả năng vận dụng các phương pháp đánh giá. Trong khi đó, việc đánh giá RRTD của doanh nghiệp liên quan đến yếu tố TSBĐ đơn giản hơn nhiều vì chỉ phải đánh giá về tính pháp lý, tính thanh khoản, giá trị, khả năng quản lý và thụ đắc TSBĐ. Do đó, đối với những người vay có chuyên môn đánh giá RRTD của doanh nghiệp không cao, họ thường dựa vào TSBĐ để đưa ra quyết định cho vay đối với doanh nghiệp.        

Thứ hai, sự hạn chế về khả năng khai thác thông tin của người cho vay đối với doanh nghiệp: Điều kiện cần để có thể đánh giá được RRTD của doanh nghiệp xác thực, đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải có được đầy đủ thông tin có độ tin cậy cao. Tuy nhiên, theo khảo sát, thông tin được NHTM Việt Nam sử dụng để đánh giá RRTD của doanh nghiệp đôi khi chưa phản ánh đúng bản chất thực tế của doanh nghiệp. Bởi tính xác thực về thông tin phụ thuộc nhiều vào sự trung thực của doanh nghiệp và khả năng thu thập, khai thác thông tin bởi người cho vay, đặc biệt là khả năng thẩm định chất lượng của thông tin. Tuy nhiên, tại các NHTM Việt Nam hiện nay, không phải người cho vay nào cũng có chuyên môn tốt về lĩnh vực này. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có nguồn thông tin từ khách hàng vay và từ CIC là được 100% người cho vay sử dụng. Trong khi đó, các nguồn thông tin còn lại đều không đạt được tỷ lệ 100%. Điều này cho thấy sự hạn chế của người cho vay trong việc thu thập, khai thác thông tin đầu vào dùng để đánh giá RRTD của doanh nghiệp.   

Hình 3: Các nguồn thông tin được người cho vay sử dụng

để thu thập thông tin doanh nghiệp

Đơn vị tính: %

Các nguồn thông tin được người cho vay sử dụng để thu thập thông tin doanh nghiệp 

Nguồn: Tác giả tổng hợp từ kết quả khảo sát

3.3. Nguyên nhân dẫn đến việc đặt nặng yếu tố TSBĐ xuất phát từ phía doanh nghiệp đi vay

Thứ nhất, hạn chế trong việc chứng minh tính khả thi, hiệu quả của phương án hoặc dự án vay vốn: Để được các NHTM Việt Nam chấp thuận cho vay, một trong những điều kiện quan trọng là doanh nghiệp phải chứng minh được phương án/dự án có tính khả thi và hiệu quả. Bởi nguồn trả nợ chính khi các NHTM Việt Nam cho vay đối với doanh nghiệp, là dòng tiền từ chính phương án/dự án. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất trong thực tế hiện nay chính là việc doanh nghiệp không thuyết phục được các NHTM Việt Nam về tính khả thi, hiệu quả của phương án/dự án, đặc biệt là những dự án thuộc những lĩnh vực mới đối với doanh nghiệp. Do vậy, để hạn chế RRTD khi cho vay, người cho vay thường yêu cầu doanh nghiệp phải có TSBĐ. 

Thứ hai, một số doanh nghiệp Việt Nam thiếu minh bạch thông tin trên thị trường: Thực tế hiện nay cho thấy, không phải doanh nghiệp nào khi đi vay, các NHTM Việt Nam cũng yêu cầu TSBĐ. Đối với các doanh nghiệp vay vốn ngắn hạn và có uy tín cao trên thị trường, các NHTM Việt Nam thường cho vay không có TSBĐ. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, ngoại trừ các doanh nghiệp niêm yết, các doanh nghiệp khác khi đề nghị vay vốn, phần lớn cung cấp báo cáo tài chính chưa được kiểm toán. Do vậy, độ tin cậy về số liệu trong các báo cáo này sẽ tùy thuộc vào sự trung thực của doanh nghiệp. Trong khi đó, khả năng thẩm định tính trung thực của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thời gian hoạt động trên thị trường chưa dài là rất khó khăn.      

4. Một số kiến nghị nhằm giảm thiểu những rào cản trong việc tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp có liên quan đến TSBĐ

4.1. Kiến nghị đối với các NHTM Việt Nam

Thứ nhất, đào tạo để phát triển đội ngũ nguồn nhân lực: Các NHTM Việt Nam cần xây dựng chiến lược và chính sách đào tạo phù hợp nhằm đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực nâng cao được trình độ chuyên môn, phát triển được kỹ năng nghề nghiệp, tạo ra môi trường và “văn hóa học tập” trong các NHTM Việt Nam. Trong xu thế hiện nay, bên cạnh được đào tạo, người lao động cần phải biết tự học và tự nghiên cứu. Tuy nhiên, để có được chính sách đào tạo phù hợp đòi hỏi các NHTM Việt Nam phải đổi mới hình thức, phương thức, nội dung, cách thức tổ chức triển khai đào tạo.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu: Các NHTM Việt Nam cần xây dựng kho dữ liệu tập trung để lưu trữ tất cả thông tin về khách hàng, ngành, vĩ mô và thông tin về chính NHTM. Trong đó, việc xây kho dữ liệu tập trung, ngoài việc phải bảo đảm được tính hệ thống cao, còn cần phải dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại.

Thứ ba, phát triển hệ thống công nghệ thông tin: Các NHTM Việt Nam cần xây dựng hệ thống công nghệ thông tin được gắn kết như một tổng thể, từ chính các phần mềm sử dụng như: quản lý thông tin doanh nghiệp, kế toán, chấm điểm và xếp hạng doanh nghiệp, dự báo hỗ trợ hoạt động đánh giá RRTD đối với doanh nghiệp. Bởi điều này không những giúp cho việc tổng hợp thông tin được thuận lợi và dễ dàng; chúng còn giúp cho việc cập nhật thông tin được thường xuyên. Qua đó, cung cấp thông tin kịp thời nhằm hỗ trợ tốt cho việc đánh giá RRTD đối với doanh nghiệp.

4.2. Kiến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam

Thứ nhất, cần xây dựng uy tín và thương hiệu trên thị trường: Thương hiệu của một doanh nghiệp là một trong những tài sản vô hình có ý nghĩa rất lớn. Doanh nghiệp có thương hiệu tốt sẽ thuận lợi trong việc kinh doanh và dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn vay từ phía các NHTM.  

Thứ hai, cần chủ động minh bạch thông tin trên thị trường: Trong chính sách cho vay hiện nay của các NHTM Việt Nam, báo cáo tài chính của doanh nghiệp đi vay không bắt buộc phải có kiểm toán. Tuy nhiên, để các số liệu trong các báo tài chính có tính thuyết phục cao hơn đối với NHTM, các doanh nghiệp nên chủ động sử dụng dịch vụ kiểm toán bởi các công ty kiểm toán có uy tín. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Việc doanh nghiệp chủ động sử dụng dịch vụ kiểm toán, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, dù tốn chi phí nhưng sẽ giúp các doanh nghiệp tốt “phát tín hiệu” cho thị trường, từ đó dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn vay và có thể được vay với những điều kiện ưu đãi.     

5. Kết luận

Trong cho vay đối với doanh nghiệp, TSBD không chỉ có vai trò là một tiêu chuẩn bảo đảm an toàn của khoản vay, nó còn có vai trò là một công cụ sàng lọc RRTD đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, để phát huy được vai trò tích cực của TSBĐ trong việc hạn chế RRTD, các NHTM Việt Nam cần phải vận dụng phù hợp công cụ TSBĐ khi cho vay đối với doanh nghiệp.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1“5Cs” là viết tắt của 5 yếu tố có tác động đến RRTD của doanh nghiệp, bao gồm: tính cách (character), năng lực (capacity), vốn (capital), điều kiện môi trường (condition), tài sản bảo đảm (collateral).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Akerlof, G.A. (1970). The Market for "Lemons": Quality Uncertainty and the Market Mechanism. Quarterly Journal of Economics, 84(3), pp. 488-500.
  2. Berger, A.N. and Udell, G.F. (1990). Collateral, loan quality, and bunk risk. Journal of Monetary Economics, 25, pp.21-42.
  3. Besanko, D. and Thakor, A.V. (1987). Collateral and Rationing: Sorting in Monopolistic and Competitive Markets. International Economic Review, 28(3), pp.671-689.
  4. Boot, A.W., Thakor, A.V. and Udell, G.F. (1991). Secured Lending and Default Risk: Equilibrium Analysis, Policy Implications and Empirical Results. The Economic Journal, 101(406), pp. 458-472.
  5. Boyd, J.H. and Nicolo, J.D. (2005). The Theory of Bank Risk Taking and Competition Revisited. The Journal of Finance, 60(3), pp. 1329-1343.
  6. Gestel, T.V. and Bart Baesens, B. (2009), Credit Risk Management Basic Concepts: Financial risk components, rating analysis, models, economic and regulatory capital. New York, USA: Oxford University Press Inc.
  7. Global Association of Risk Professionals, (2018), Financial Risk Manager: Credit Risk Measurement and Management, 7th edn. Pearson Education, Inc.
  8. Golin, J. and Delhaise, P. (2013), The Bank Credit Analysis Handbook: A Guide for Analysts, Bankers, and Investors, 2nd edn. John Wiley & Sons Singapore Pte. Ltd.
  9. Gonas, J.S., Highfiel, M.J. and Mullineaux, D.J. (2004). When Are Commercial Loans Secured. The Financial Review, 39, pp.79-99.
  10. Jaffee, D.M. and Russell, T. (1976). Imperfect Information, Uncertainty, and Credit Rationing. Quarterly Journal of Economics, 90(4), pp. 651-666.
  11. Jimenez, G., Salas, V. and Saurina, J. (2004). Determinants of Collateral. Working Paper Series seeks to disseminate original research in economics and finance (pp. 1-38).
  12. Manove, M. and Padilla, A.J. (1999. Banking (conservatively) with optimist. RAND Journal of Economics, 30(2), pp. 324-350.
  13. Manove, M., Padilla, A.J. and Pagano, M. (2001). Collateral versus project screening: A model of lazy banks. RAND Journal of Economics, 32(4), pp. 726-744.
  14. Spence, M. (1973). Job Market Signaling. The Quarterly Journal of Economics, 87(3), pp. 355 -374.
  15. Stiglitz, J.E. (1975). The Theory of Sreening, Education and Distribution of Income. The American Economic Review, 65(3), pp. 283-300.
  16. Stiglitz, J.E. and Weiss, A. (1981). Credit Rationing in Markets with Imperfect Information. American Economic Review, 71(3), pp. 393-410.

THE COLLATERAL AND CREDIT RISKS IN CORPORATE

LENDING OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS

● Master. TRAN CHI CHINH

Faculty of Banking, University of Banking - Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This article is to synthesize theories and practices related to the relationship between collateral and credit risk. This article also analyzes the role of collateral in corporate lending at Vietnamese commercial banks, thereby proposing some recommendations to minimize barriers faced by Vietnamese companies to accessing loans related to collateral.

Keywords: Collateral, asymmetric information, adverse selection, commercial banks.