Thời gian qua, sự bùng nổ các ứng dụng từ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã thúc đẩy nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó có dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending).
Cho vay ngang hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro
P2P Lending là hoạt động được thiết kế và xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số để kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay (nhà đầu tư) mà không thông qua trung gian tài chính như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Sự phát triển nhanh chóng của mô hình P2P Lending trên thế giới trong khoảng một thập niên trở lại đây đã tạo ra một kênh cung ứng vốn mới trên thị trường và góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện phát triển. Tuy nhiên, mô hình này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các bên tham gia, có thể gây ra mất ổn định kinh tế xã hội do các bên có liên quan không trả được nợ; để lại những hệ lụy kéo dài, hết sức nặng nề mà nhiều nước trên thế giới đã phải trả giá thời gian qua.
Ở Việt Nam, gần đây đã xuất hiện một số công ty cung ứng dịch vụ tương tự như mô hình các công ty vận hành P2P Lending trên thế giới. Thực tế hoạt động của mô hình này trong thời gian qua cho thấy vẫn còn tồn tại như việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia. Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P Lending.
Ngoài ra, hoạt động P2P Lending còn tiềm ẩn rủi ro như: Thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật; hệ thống lưu trữ thông tin của Công ty P2P Lending có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi hackers dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa ; một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố; hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp; hoặc nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen “núp bóng” các nền tảng P2P Lending để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay được qui định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự năm 2015.
Ngoài ra, Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, được bổ sung, sửa đổi năm 2017 qui định: “1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. 2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.1 Như vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P Lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được NHNN cấp phép là vi phạm pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, các hoạt động kinh doanh huy động tiền gửi hoặc cấp tín dụng phải tuân thủ các quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên đối với quan hệ cho vay trực tiếp không phải hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân (không được thực hiện bởi các TCTD) thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng Internet như một số hoạt động P2P Lending có thể coi là các giao dịch dân sự và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các Tổ chức tín dụng.
Người dân nên thận trọng
Trước những rủi ro tiềm ẩn khi tham gia các nền tảng P2P Lending như đề cập ở trên, NHNN khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kĩ thông tin, thận trọng khi tham gia các nền tảng P2P Lending, NHNN cũng khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ - ngân hàng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài công bố công khai, minh bạch quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, biểu phí, lãi suất, tăng cường cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cả ngân hàng và khách hàng. Bên cạnh đó Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách và hệ thống các TCTD đã tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, các đối tượng chính sách, các ngành nghề kinh doanh cần ưu tiên phát triển (lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thu mua lượng thực, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành cà phê, nuôi trồng thủy, hải sản), cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí để tạo điều kiện nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng cho khách hàng vay với mức lãi suất cho vay phù hợp.
Được biết, hiện tại Ngân hàng Nhà nước đã và đang phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu để có đề xuất xây dựng biện pháp quản lý phù hợp đối với các hình thức thanh toán mới dựa trên nền tảng công nghệ nói chung và hoạt động P2P Lending nói riêng, phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng đổi mới, sáng tạo của thành tựu công nghệ, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia, đặc biệt là quyền lợi hợp pháp của người dân, đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.