Sử dụng năng lượng điện mặt trời liệu có khả thi với ngành chế biến thủy hải sản?

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, trong chuỗi giá trị sản phẩm thủy sản, chi phí năng lượng đứng hàng thứ 3 sau nguyên liệu và công lao động. Vì vậy, việc ứng dụng điện mặt trời áp mái sẽ giúp tăng cạnh tranh cho doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp chế biến thủy hải sản đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, các giải pháp này mới chỉ chủ yếu tập trung vào khâu ánh sáng, điều hòa không khí...; trong khi đó, năng lượng phục vụ sản xuất, chế biến và bảo quản kho lạnh mới chiếm tỉ trọng đáng kể.

Theo kết quả nghiên cứu của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM (ECC HCMC), trong chuỗi giá trị sản phẩm thủy hải sản, chi phí năng lượng, đặc biệt là điện năng xếp thứ 3, chỉ sau chi phí nguyên liệu và công lao động. Riêng lĩnh vực nuôi và chế biến tôm, chi phí năng lượng chiếm hơn 9% tổng chi phí (trong đó 90% là từ hệ thống quạt nước, tạo ôxy) và chiếm 15 - 20% trong hoạt động chế biến tôm

Còn thống kê thực tế từ các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản cho thấy, trong chế biến thủy sản, lượng điện tiêu thụ phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như quy trình chế biến, tuổi thọ của thiết bị, hoạt động bảo trì, mức độ tự động hóa, yêu cầu các loại sản phẩm đang được sản xuất và sự quản lý của mỗi nhà máy. Mức tiêu thụ điện trung bình cho các hoạt động sản xuất trong nhà máy chế biến thủy sản dao động 57 - 2.129 kWh/tấn nguyên liệu và 324 - 4.412 kWh/tấn sản phẩm. Trong đó, mức tiêu thụ điện cho hệ thống lạnh cấp đông là lớn nhất, chiếm tới 70%.

Do đó, việc tiết giảm tiền điện trong hoạt động sản xuất, chế biến, bảo quản kho lành là một trong những mục tiêu phát triển trọng tâm của nhiều doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản. Với lợi thế là quốc gia có tiềm năng phát triển lớn năng lượng mặt trời, nhiều giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời trong hoạt động chế biến thuỷ hải sản đã được đề xuất nhằm giảm chi phí năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và đảm bảo an ninh năng lượng.

điện mặt trời mái nhà
 Điện mặt trời mái nhà được xem là giải pháp phù hợp với các doanh nghiệp chế biến thuỷ hải sản, giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm lượng phát thải khí nhà kính và góp phần bảo vệ môi trường

Nhiều địa phương tại Việt Nam có số giờ nắng cao, cường độ bức xạ mặt trời lớn và ổn định, đặc biệt là các khu vực Cao nguyên miền Trung, duyên hải miền Trung và miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, từ Quảng Trị đến Tuy Hòa, thời gian nắng nhiều nhất vào các tháng giữa năm với khoảng 8 – 10h/ngày. Trung bình từ tháng 3 đến tháng 9, thời gian nắng từ 5 – 6 h/ngày với lượng tổng xạ trung bình trên 3.489 kWh/m2/ngày (có ngày đạt 5.815 kWh/m2/ngày). Còn tại các tỉnh phía Nam, nắng quanh năm, đặc biệt từ tháng 1 – tháng 4 hàng năm thường có nắng từ 7h sáng đến 17h chiều; cường độ bức xạ trung bình thường lớn hơn 3,489 kWh/m2/ngày.

Điện mặt trời áp mái được xem là giải pháp ý nghĩa khi ngành nuôi trồng và chế biến thủy hải sản tập trung phần lớn tại các địa phương có tiềm năng lớn phát triển điện mặt trời. Nhiều chuyên gia cho biết các doanh nghiệp có tận dụng mái nhà các khu xưởng, nhà máy, kho lạnh, toà nhà văn phòng, thậm chí bãi xe… để lắp đặt tấm pin mặt trời, đáp ứng một phần nhu cầu sử dụng năng lượng của hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái còn có tác dụng chống nóng mái nhà, góp phần giảm nhiệt độ bên trong các công trình và tiết giảm chi phí điện cho làm mát.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đang ngày càng có xu hướng giảm mạnh, giúp các doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư và nhanh chóng thu hồi vốn từ việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời.  

Kể từ năm 2017, Tập đoàn Sao Mai đã tiên phong trong việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tại các nhà máy đông lạnh và chế biến thuỷ hải sản có tổng công suất đạt 1,06 MW tại tỉnh Đồng Tháp – nơi có khoảng 5 giờ nắng/ngày và dải cường độ bức xạ lớn hơn 3.489 kcal/m2/ngày. Tổng mức đầu tư dự án là 2 triệu USD. Sau gần 4 năm hoạt động, dòng điện sạch này đã giúp giảm 20% chi phí tiền điện hàng năm cho doanh nghiệp, tương đương 417 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, việc áp dụng nguồn năng lượng tái tạo còn hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận khách hàng tại các thị trường khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản vốn ngày càng quan tâm đến các tiêu chuẩn phát triển bền vững.

Tại tỉnh Bắc Ninh, hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 308 kWp do Chương trình Phát triển Dự án (PDP) của Cơ quan Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), theo ủy nhiệm của Bộ Kinh tế và Năng lượng CHLB Đức triển khai triển khai tại Emergent Cold Việt Nam từ tháng 7/2018 đã giúp đáp ứng 15% tổng nhu cầu năng lượng và góp phần giảm 170 tấn CO2 phát thải cho doanh nghiệp hàng năm.

Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ cùng Viện Fraunhofer về Hệ thống năng lượng mặt trời (ISE) hiện chuẩn bị triển khai thí điểm hệ thống điện mặt trời trên mái của các nhà kính nuôi tôm tại một nhà máy thuộc tỉnh Bạc Liêu trong năm 2022.

Việc triển khai các giải pháp điện mặt trời áp mái là giải pháp có tính kinh tế cao và tác động đa chiều cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thuỷ hải sản, giúp giảm đáng kể chi phí điện năng, giảm phát thải khí nhà kính, đảm bảo an ninh năng lượng, và ”xanh hóa” chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành chế biến thuỷ hải sản ở mức cao và nguồn năng lượng truyền thống đang ngày càng cạn kiệt, việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo có thể giúp ngành thủy sản tại Việt Nam giảm áp lực lên các nguồn tài nguyên hữu hạn, phát triển và bảo vệ môi trường bền vững.

Quỳnh Trang