Sự phát triển của hoạt động ngân hàng mở trên thế giới và ứng dụng tại Việt Nam

LÊ THANH PHƯƠNG (Khoa Kinh tế - Quản lý, Trường Đại học Thủy lợi)

TÓM TẮT:

Ngân hàng mở là xu thế tất yếu trong hoạt động của các ngân hàng thương mại trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Trong phạm vi bài báo, tác giả khái quát sự phát triển của hoạt động ngân hàng mở (Open banking), các lợi ích, cũng như thách thức từ hoạt động ngân hàng mở. Bên cạnh đó, bài viết còn bàn đến thực trạng và thách thức phát triển hoạt động ngân hàng mở trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: ngân hàng mở, công nghệ, phát triển thị trường, ứng dụng công nghệ, ngân hàng.

1. Sự phát triển của công nghệ ngân hàng mở

Cùng với sự phát triển của dịch vụ ngân hàng trực tuyến và ngân hàng di động, nhiều khách hàng cho phép bên thứ ba được truy cập dữ liệu cá nhân khi muốn sử dụng các dịch vụ khác. Chia sẻ dữ liệu góp phần tạo nên các dịch vụ tài chính mới, bao gồm các công cụ quản lý tài chính cho phép tập hợp các tài khoản tài chính của một khách hàng vào một nền tảng, thực hiện các thanh toán liền mạch giữa các tài khoản mở tại các ngân hàng khác nhau, các giao dịch có giá trị nhỏ bao gồm các khoản thanh toán trong ngày và các công cụ so sánh phí ngân hàng cũng như các khoản cho vay thế chấp. Việc cung ứng các dịch vụ tài chính cho khách hàng trước đây được liên kết dọc, nay được tách ra và được cung ứng bởi bên thứ ba, ví dụ như công ty công nghệ tài chính. Đồng thời, bên thứ ba có thể tạo ra dịch vụ mới mà các ngân hàng có thể sử dụng và bổ sung thêm vào chuỗi giá trị của ngân hàng. Vậy, ngân hàng mở được hiểu là việc ngân hàng chia sẻ và sử dụng dữ liệu được khách hàng cho phép với các bên thứ ba và các công ty để xây dựng các ứng dụng và dịch vụ.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ dữ liệu và truy cập các dịch vụ mới này, nhiều khách hàng của ngân hàng cho phép các công ty bên thứ ba truy cập thông tin ngân hàng của họ, chẳng hạn như thông tin về người khai thuế, kế toán, cố vấn tài chính và người chuyển tiền thanh toán. Các công ty bên thứ ba này cũng thực hiện các dịch vụ tổng hợp dữ liệu (data aggregators), thông qua các phương thức truyền thống như kỹ thuật quét màn hình (screen scaping) hoặc kỹ thuật đảo ngược (reverse engineering) để thu thập dữ liệu được khách hàng cho phép và đang được lưu trữ tại ngân hàng.

Quét màn hình, một hình thức trích xuất dữ liệu từ các trang web, bắt đầu dưới dạng sao chép và dán thủ công, sau đó phát triển thành một quy trình tự động. Để thu thập dữ liệu khách hàng từ ngân hàng, các phương pháp quét màn hình yêu cầu khách hàng cung cấp cho bên thứ ba thông tin đăng nhập xác thực của họ (ví dụ: tên người dùng và mật khẩu) mà khách hàng sử dụng để đăng nhập vào trang web ngân hàng trực tuyến. Kỹ thuật đảo ngược, dịch ngược câu lệnh (code) của các ứng dụng ngân hàng di động để tìm ra thông tin được trao đổi giữa các ứng dụng này và máy chủ của ngân hàng và sau đó xây dựng phiên bản “thiết kế ngược” của ứng dụng di động với khả năng khai thác trực tiếp thông tin đi và đến các máy chủ của ngân hàng. Cũng như kỹ thuật quét màn hình, thông tin xác thực khách hàng phải được cung cấp khi thực hiện kỹ thuật đảo ngược. Các nhà tổng hợp dữ liệu ưa chuộng kỹ thuật đảo ngược hơn vì nó có khả năng mở rộng và không bị ảnh hưởng bởi những thay đổi do ngân hàng thực hiện đối với giao diện khách hàng của họ. Cả 2 kỹ thuật đều không an toàn cho khách hàng, vì bên thứ ba kiểm soát thông tin đăng nhập và quyền truy cập đầy đủ vào tài khoản của khách hàng, do đó có khả năng truy cập dữ liệu mà chưa được khách hàng cho phép, để thực hiện các giao dịch tài chính và thay đổi thông tin xác thực của khách hàng. Ở một số quốc gia, các giao diện và giao thức truyền thông độc quyền cũng đã được phát triển và sử dụng.

Các ngân hàng, bên thứ ba và cơ quan quản lý nhận ra các rủi ro bảo mật và bảo vệ khách hàng liên quan đến quét màn hình và kỹ thuật đảo ngược. Các bên thứ ba sử dụng các phương pháp này để thu thập và lưu trữ thông tin đăng nhập của khách hàng (bao gồm tên người dùng và mật khẩu), thông tin này có thể bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích, kể cả cho mục đích gian lận thanh toán. Quét màn hình hoặc kỹ thuật đảo ngược có thể làm suy yếu khả năng của ngân hàng trong việc xác định các giao dịch gian lận, vì ngân hàng không phải lúc nào cũng có thể phân biệt giữa khách hàng, tổ chức tổng hợp dữ liệu và bên thứ ba không được ủy quyền, các tổ chức này có thể đăng nhập và trích xuất dữ liệu nhạy cảm của khách hàng. Ngoài ra, sau khi nhận được sự đồng ý của khách hàng, các bên thứ ba (chẳng hạn như tổ chức tổng hợp dữ liệu) có thể đăng nhập vào giao diện khách hàng của ngân hàng và trích xuất khối lượng lớn dữ liệu trong nhiều khoảng thời gian, điều này có thể gây khó khăn cho hệ thống CNTT của ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng thường không từ chối quyền truy cập của bên thứ ba khi có bằng chứng cho thấy khách hàng đã đồng ý.

Các ngân hàng hiện đang nhận thấy rằng phương thức ủy quyền được mã hóa (tokenised authorisation methods) thông qua giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interfaces - API) cung cấp nhiều quyền kiểm soát hơn đối với chủng loại và mức độ dữ liệu được chia sẻ và là một cách an toàn hơn để tương tác với các bên thứ ba. API cho phép các chương trình phần mềm giao tiếp với nhau và chia sẻ thông tin mà không cần sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, việc xây dựng và duy trì các API mở (public API) có thể tốn thời gian và chi phí đối với các ngân hàng (đặc biệt khi được thực hiện trên cơ sở song phương giữa các ngân hàng riêng lẻ và bên thứ ba). Điều này có thể đặc biệt khó khăn đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ trong việc phân bổ chi phí đầu tư. Việc thiếu các tiêu chuẩn API được chấp nhận chung ở một số quốc gia cũng tạo thêm thách thức.

Các bên thứ ba cũng ưa thích các phương thức xác thực được mã hóa thông qua các API mở hơn là kỹ thuật quét màn hình, vì nó hiệu quả hơn và không yêu cầu họ điều chỉnh các quy trình tự động mỗi khi một ngân hàng riêng lẻ thiết kế lại giao diện khách hàng.

Việc áp dụng các API mở có thể tạo cơ hội cho cả ngân hàng và bên thứ ba tăng cường chia sẻ dữ liệu và kích thích đổi mới trong các dịch vụ tài chính. Nền kinh tế chia sẻ dữ liệu (data sharing economy) có thể thay đổi mô hình kinh doanh ngân hàng truyền thống. Tuy nhiên, bất chấp những cơ hội tiềm năng, việc mở rộng chia sẻ dữ liệu cũng khiến ngành ngân hàng gặp phải nhiều rủi ro về hoạt động và uy tín.

2. Lợi ích của công nghệ ngân hàng mở

Hoạt động ngân hàng mở hướng tới nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, người sử dụng cuối cùng không phải là bên duy nhất hưởng lợi ích từ chia sẻ dữ liệu. Doanh nghiệp, ngân hàng và tổ chức tài chính hay người tiêu dùng đều hưởng lợi từ hoạt động ngân hàng mở.

2.1. Lợi ích đối với doanh nghiệp

Giảm chi phí

Ngân hàng mở cho phép các doanh nghiệp trả ít hơn cho các giao dịch kinh doanh. Ví dụ, có thể giảm chi phí giao dịch bằng cách loại bỏ các giao dịch thẻ thanh toán. Các nhà cung cấp thẻ tính nhiều loại phí khác nhau để chấp nhận thanh toán bằng thẻ, điều này làm tăng chi phí giao dịch. Các công ty cũng có thể tiết kiệm bằng cách chọn một dịch vụ có chi phí hiệu quả nhất. Ngân hàng mở đã giúp nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tham gia thị trường và cung cấp dịch vụ với mức giá cạnh tranh.

Gia tăng tỷ lệ chấp nhận thanh toán

Các doanh nghiệp thương mại điện tử và các công ty khác hiện có thể chấp nhận thanh toán từ người tiêu dùng ở bất kỳ đâu. Điều này có thể tăng đáng kể tỷ lệ chấp nhận thanh toán của các công ty. Lợi ích này giúp các công ty mở rộng quy mô kinh doanh và thâm nhập thị trường mới mà không gặp bất kỳ rắc rối nào.

Thanh toán tức thì

Ngân hàng mở tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba để mở rộng các phương thức thanh toán. Thanh toán trực tiếp từ tài khoản đến tài khoản (account to acount payment) thuận tiện sử dụng ngay lập tức, có nghĩa là tiền sẽ di chuyển nhanh hơn. Ngay cả với các khoản thanh toán xuyên biên giới, việc chuyển tiền có thể được xác thực ngay lập tức, cho phép các doanh nghiệp thực hiện các đơn đặt hàng của họ một cách nhanh chóng.

Cá nhân hóa người dùng

Các doanh nghiệp có thể nhận được nhiều dữ liệu hơn về người tiêu dùng, tài chính và thói quen của họ. Có thông tin này cho phép các công ty cung cấp nhiều dịch vụ được cá nhân hóa hơn cho khách hàng của họ. Ví dụ, các công ty có thể tìm hiểu về thói quen chi tiêu của người tiêu dùng và cung cấp cho họ các dịch vụ giúp tiết kiệm tiền.

2.2. Lợi ích với người tiêu dùng

Tăng cường trải nghiệm khách hàng

Trải nghiệm của khách hàng được cải thiện là kết quả của hai khía cạnh ngân hàng mở đã tạo ra: môi trường cạnh tranh và dịch vụ kỹ thuật số. Trước hết, ngân hàng mở thách thức các phương thức ngân hàng truyền thống và đã mở ra cơ hội cho nhiều công ty tham gia thị trường hơn. Tạo ra một môi trường cạnh tranh mang lại lợi ích cho người tiêu dùng bởi vì, để trở nên nổi bật so với các đối thủ, các công ty cần đảm bảo dịch vụ khách hàng của họ đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất. Thứ hai, ngân hàng mở đã làm cho việc quản lý tài chính trở nên đơn giản hơn. Nhờ các quy định liên quan đến ngân hàng mở, các ngân hàng đã cải thiện các dịch vụ trực tuyến của họ, điều này dẫn đến trải nghiệm khách hàng được cải thiện. Ngân hàng mở đang chuyển các dịch vụ tài chính từ trực tiếp sang trực tuyến, giúp quản lý tài chính nhanh hơn và dễ dàng hơn cho người tiêu dùng.

Bảo mật

Bảo mật là cốt lõi của ngân hàng mở. Giờ đây, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán thuộc bên thứ ba phải đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất để hoạt động trên thị trường. Ngân hàng mở cũng đã mang lại sự minh bạch hơn cho ngành ngân hàng vì nhiều công ty phải chia sẻ dữ liệu hơn và các tính năng bảo mật được tiêu chuẩn hóa rộng rãi hơn.

Giảm chi phí dịch vụ

Với nhiều cạnh tranh hơn, các ngân hàng và các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác có nhiều khả năng giảm chi phí dịch vụ của họ để trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng. Nếu người tiêu dùng không đồng ý với mức giá của nhà cung cấp dịch vụ, họ có thể dễ dàng chuyển sang nhà cung cấp khác và tìm kiếm mức giá tốt nhất.

Thông tin tập trung

Ngân hàng mở cho phép chia sẻ thông tin mà trước đây chỉ được lưu giữ bởi các ngân hàng. Dữ liệu này được chuyển đến các nhà cung cấp dịch vụ được cấp phép với sự đồng ý của người tiêu dùng, giúp hoạt động ngân hàng trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn.

Nhờ thông tin tập trung, giờ đây người tiêu dùng có thể nhận được nhiều dịch vụ hơn ở một nơi. Các dịch vụ tài chính có thể đáp ứng nhiều nhu cầu của khách hàng hơn bằng cách cung cấp lời khuyên, thông tin về khoản vay và quản lý chuyển khoản ngân hàng với khả năng hiển thị rõ ràng hơn.

2.3. Lợi ích cho ngân hàng và các tổ chức tài chính

Hợp tác ngân hàng và fintech

Fintech viết tắt từ Financial Technology - dịch là Công nghệ tài chính. Để phù hợp với thế giới tài chính đang thay đổi nhanh chóng, các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể hợp tác với các công ty công nghệ tài chính. Điều này cho phép các ngân hàng đi trước đối thủ và tận dụng cơ sở hạ tầng đổi mới do các công ty fintech tạo ra. Với sự trợ giúp của API, ngân hàng mở cũng cho phép chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng và công ty fintech. Điều này giúp các ngân hàng mở rộng kiến thức trong lĩnh vực công nghệ và cập nhật các giải pháp sáng tạo mới được phát triển trên thị trường.

Công nghệ tài chính mới

Ngân hàng mở cho phép các công ty được cấp phép tham gia sân chơi mà trong một thời gian dài chỉ giới hạn ở các ngân hàng truyền thống. Các công ty này mang đến những ý tưởng mới và có thể tạo ra các giải pháp tài chính sáng tạo mà các ngân hàng hiếm khi có đủ nguồn lực hoặc động lực để đầu tư vào. Các công ty công nghệ tài chính đang nhanh chóng tham gia thị trường và cung cấp nhiều công nghệ tài chính đổi mới khác nhau có lợi cho cả người tiêu dùng và ngân hàng sẵn sàng hợp tác.

Tương tác với khách hàng tốt hơn

Với rất nhiều sự cạnh tranh đang nổi lên trên thị trường, các ngân hàng và tổ chức tài chính buộc phải đẩy mạnh và cải thiện các dịch vụ của họ. Các ngân hàng đang tạo ra các ứng dụng di động mới, cung cấp các cơ hội đầu tư dễ dàng và chuyển các dịch vụ của họ sang thế giới trực tuyến.

Bên cạnh nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, ngân hàng mở cũng có một số nhược điểm:

Các ngân hàng truyền thống đang bị bỏ lại phía sau. Không phải tất cả các ngân hàng đều có khả năng theo kịp các công ty fintech và tất cả những thay đổi trong ngành. Điều này có nghĩa là khách hàng của họ không tận dụng được tất cả các lợi thế của ngân hàng mở. Người tiêu dùng sau đó chuyển sang các nhà cung cấp dịch vụ khác có khả năng cung cấp dịch vụ tốt hơn.

Lòng tin của người tiêu dùng còn thấp. Ngân hàng mở vẫn còn tương đối mới và một số người tiêu dùng và công ty chậm thích nghi với những thay đổi. Tuy nhiên, các ngân hàng, công ty fintech và các bên quan tâm khác đang nỗ lực tuyên truyền để giúp người dùng hiểu được lợi ích của ngân hàng mở.

Tương tác cá nhân đang giảm dần. Với hầu hết các dịch vụ chuyển sang trực tuyến, người tiêu dùng sẽ có ít tương tác cá nhân hơn với ngân hàng hoặc nhà cung cấp dịch vụ tài chính của họ. Các ngân hàng đang cung ứng dịch vụ dựa trên tương tác trực tiếp với khách hàng đang mất dần số lượng khách hàng.

3. Ứng dụng công nghệ ngân hàng mở ở Việt Nam

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 52-NQ/TW về việc chủ động tích cực tham gia cuộc Cách mạng khoa học công nghệ 4.0 (CMCN 4.0). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0. Đây chính là nền tảng về chủ trương, chính sách để các bộ, ngành xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm số. Về phía Ngân hàng Nhà nước, để quản lý hoạt động số hóa ngân hàng theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, Thống đốc NHNN đã thành lập Ban chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính theo Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017, với một trong các nội dung chủ đạo là nghiên cứu, xây dựng việc kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua giao diện ứng dụng mở (Open API). 

Tại Việt Nam, hoạt động ngân hàng mở đang được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau với đa dạng các loại hình dịch vụ khác nhau. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) ra mắt nền tảng API portal vào cuối năm 2019, cung cấp hơn 30 API để các đối tác có thể kết nối hệ thống OCB vào hệ sinh thái. VietinBank đã phát triển nền tảng chia sẻ giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) mang tên VietinBank iConnect. VietinBank đã có hơn 127 API được cung cấp trên thị trường với hơn 73 đối tác trên nền tảng iConnect; BIDV đã thúc đẩy và hoàn thiện cổng thanh toán theo hướng ngân hàng mở (BIDV Paygate) kết nối với gần 2.000 nhà cung cấp dịch vụ bán lẻ và các trung gian thanh toán. Điều này cho phép khách hàng thanh toán hóa đơn điện, nước, truyền hình, Internet, viễn thông, mua vé máy bay, vé xem phim, học phí, viện phí, nộp thuế và các dịch vụ công không dùng tiền mặt; ứng dụng ngân hàng số Timo Plus kết hợp Bản Việt Bank...; TPBank với dịch vụ kết nối thanh toán qua API mở cho phép doanh nghiệp truy vấn, theo dõi sự thay đổi số dư tài khoản, trạng thái của giao dịch chuyển tiền đi và các thông tin khác theo nhu cầu như: lấy mã định dạng của các ngân hàng, thông tin của ngân hàng chuyển tiền đến, lấy thông tin điện chuyển tiền... bất cứ lúc nào không cần phải liên hệ với ngân hàng, giúp doanh nghiệp lớn có nhu cầu thực hiện hàng nghìn giao dịch chuyển tiền mỗi ngày nhanh chóng và đơn giản, gia tăng khả năng quản lý dòng tiền, cũng như tiết kiệm được nguồn nhân lực, thời gian và chi phí tài chính.

Ngân hàng mở đang phát triển mạnh tại các ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về ngân hàng mở lại chưa hoàn chỉnh và còn chậm so với tốc độ phát triển của công nghệ. Hiện nay, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về Open API (những dữ liệu nào được phép chia sẻ, các đối tác được sử dụng dữ liệu như thế nào, theo tiêu chuẩn ra sao,…), chưa có tiêu chuẩn chung về hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin, lưu trữ, bảo mật. Do đó, các ngân hàng thương mại hiện đang áp dụng triển khai các giao thức bảo mật API khác nhau. Trong hệ sinh thái, nếu một vài bên sử dụng giao thức API chưa đủ mạnh, khả năng bị rò rỉ, đánh cắp dữ liệu là rất cao. Đồng thời, khách hàng cũng không thể biết rõ thông tin cá nhân, dữ liệu tài chính của mình được bảo mật và sử dụng như thế nào. Open Banking cho phép các bên cung cấp dịch vụ thứ ba truy cập vào dữ liệu tài chính của người dùng. Do đó, để mở rộng hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ, các ngân hàng sẽ liên kết với các đối tác là công ty công nghệ sở hữu hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ mới mẻ.  Các đối tác này thường cung cấp các phương án bảo mật để hợp tác với ngân hàng, nhưng thực tế có rất ít phương án khả quan. Hệ thống hạ tầng vững chắc, kinh nghiệm và năng lực công nghệ để triển khai, khả năng kiểm soát rủi ro là những tiêu chí mà đối tác công nghệ cần đáp ứng được. Tuy nhiên, thực tế không phải công ty công nghệ nào cũng có thể đáp ứng được tất cả tiêu chuẩn kể trên. Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đã được hình thành, song để đi vào sử dụng và khai thác đòi hỏi sự liên thông, liên kết giữa các bộ ngành.

4. Kết luận

Ngân hàng mở thách thức các phương thức ngân hàng truyền thống. Mục tiêu của nó là mang lại những đổi mới cho lĩnh vực tài chính và tạo ra một hệ thống lấy khách hàng làm trung tâm trong khi vẫn duy trì các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất. Mặc dù ngân hàng mở vẫn còn tương đối mới, nhưng đã mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, người tiêu dùng và các tổ chức tài chính. Các công ty hiện có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán tiết kiệm chi phí hơn, có thể giúp cải thiện tỷ lệ chuyển đổi và chuyển tiền của họ nhanh hơn. Người tiêu dùng đang được hưởng lợi từ các luồng thanh toán được cải thiện, bảo mật tốt hơn và có thể tận hưởng các giải pháp tài chính sáng tạo. Ngân hàng mở cung cấp cho người tiêu dùng nhiều quyền kiểm soát hơn đối với tài chính của họ và mang đến cho họ nhiều lựa chọn hơn. Trong khi đó, các ngân hàng và tổ chức tài chính có thể hợp tác với các công ty fintech và cung cấp cho khách hàng các công nghệ tài chính cải tiến.

Tại Việt Nam, hoạt động ngân hàng mở đã có sự phát triển đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng mở còn thiếu sự toàn diện, hệ thống hạ tầng API còn chưa đồng bộ với nhiều rủi ro cho hệ thống cũng như khách hàng. Để hoạt động ngân hàng mở tiếp tục phát triển và hoàn thiện trong thời gian tới cần các quy định liên quan đến cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa ngân hàng với tổ chức khác. Hệ thống dữ liệu về dân cư cần tiếp tục được hoàn thiện, trong đó cần xây dựng cơ chế khai thác bộ dữ liệu giữa các bộ, ngành liên quan. Cuối cùng các cơ quan quản lý như Ngân hàng Nhà nước cần đẩy mạnh tuyên truyền cho công chúng về lợi ích của hoạt động ngân hàng mở để người dân và doanh nghiệp tin dùng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bank for International Settlement (2019). Report on open banking and application programming interfaces November 2019.
  2. Đặng Hoài Linh (2022). Kinh nghiệm triển khai ngân hàng mở tại một số quốc gia và giá trị tham khảo đối với Việt Nam. Truy cập tại: https://tapchinganhang.gov.vn/kinh-nghiem-trien-khai-ngan-hang-mo-tai-mot-so-quoc-gia-va-gia-tri-tham-khao-doi-voi-viet-nam.htm.
  3. Zachariadis, M., & Ozcan, P. (2017). The API economy and digital transformation in financial services: The case of open banking. Available at: https://papers.ssrn.com/sol3/papers.cfm?abstract_id=2975199.
  4. Brodsky, L., & Oakes, L. (2017). Data sharing and open banking. McKinsey & Company, 1097, 1105.
  5. He, Z., Huang, J., & Zhou, J. (2023). Open banking: Credit market competition when borrowers own the data. Journal of Financial Economics, 147(2), 449-474.

The evolution of Open banking in the world and its applications in Vietnam

Le Thanh Phuong

Faculty of Economics and Management, Thuyloi University

ABSTRACT:

Open banking is an inevitable trend in the operations of commercial banks in the world as well as in Vietnam. This paper outlines the development, benefits and challenges of open banking. Performance and challenges of developing open banking activities in the context of Vietnam are also mentioned in this paper.

Keywords: open banking, technology, market growth, banks.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2023]