Tác động của hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) đến thu ngân sách của Việt Nam: Cơ hội, thách thức và giải pháp

MAI ĐÌNH LÂM (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, các cam kết trong EVFTA sẽ tác động không nhỏ đến kinh tế - xã hội của Việt Nam, trong đó có cả thu ngân sách nhà nước. Bài viết phân tích tác động 2 chiều của Hiệp định đến thu ngân sách nhà nước, từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức, đảm bảo nguồn thu bền vững trong quá trình thực thi hiệp định.

Từ khóa: EVFTA, thu ngân sách nhà nước.

1. Các cam kết của Việt Nam về thuế quan trong EVFTA

Cam kết về thuế quan trong hiệp định EVFTA được quy định tại chương 2 (Đối xử Quốc gia và Mở cửa thị trường hàng hóa), bao gồm các cam kết cụ thể về việc loại bỏ thuế quan (theo từng dòng thuế, với lộ trình cụ thể theo từng năm tính từ thời điểm EVFTA có hiệu lực), các vấn đề liên quan tới việc xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU (hải quan, thuế xuất khẩu, giấy phép xuất khẩu, thuế phí liên quan tới xuất nhập khẩu,…) và cam kết liên quan tới một số loại hàng hóa đặc thù (hàng tân trang, hàng sửa chữa, một số loại hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, dược phẩm, nông sản, ô tô và linh kiện ô tô,…).

Đối với Việt Nam, liên quan đến cam kết thuế nhập khẩu và thuế xuất khẩu được quy định cụ thể như sau:

Đối với thuế nhập khẩu:

EVFTA có cam kết mạnh về ưu đãi thuế nhập khẩu, cụ thể là loại bỏ thuế nhập khẩu đối với phần lớn hàng hóa từ một bên nhập khẩu vào bên kia (từ EU nhập khẩu vào Việt Nam và ngược lại), đối với Việt Nam cam kết ưu đãi thuế quan cho hàng hóa EU nhập khẩu theo lộ trình như sau: (1) Xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của EU sang Việt Nam; (2) Sau 7 năm, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam; (3) Sau 10 năm, sẽ xóa bỏ thuế quan đối với tổng cộng 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam; (4) Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại Việt Nam cam kết dành hạn ngạch thuế quan như cam kết WTO, hoặc áp dụng lộ trình xóa bỏ đặc biệt (như thuốc lá, xăng dầu, bia, linh kiện ô tô, xe máy).

Đối với EU: Xóa 85,6% số dòng thuế (phần còn lại, EU dành cho VIệt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%); Xóa 91,8% số dòng thuế (phần còn lại áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế dài hơn hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết trong WTO).

Thuế xuất khẩu:

Việt Nam và EU cam kết không áp dụng bất kỳ loại thuế, phí xuất khẩu nào trừ các trường hợp được bảo lưu rõ (theo đó, chỉ Việt Nam có bảo lưu về vấn đề này, EU không có bảo lưu nào). Theo nguyên tắc này, trừ các trường hợp có bảo lưu (của Việt Nam), Việt Nam và EU sẽ không áp dụng loại thuế, phí nào riêng đối với hàng xuất khẩu mà không áp dụng cho hàng tiêu thụ nội địa, không áp dụng mức thuế, phí đối với hàng xuất khẩu cao hơn mức áp dụng cho hàng tiêu thụ nội địa. Bảo lưu của Việt Nam về áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU với các nội dung chủ yếu về việc Việt Nam duy trì đánh thuế xuất khẩu đối với 57 dòng thuế, gồm các sản phẩm như cát, đá phiến, đá granit, một số loại quặng và tinh quặng, dầu thô, than đá, than cốc, vàng,...

Trong số này, các dòng thuế hiện nay đang có mức thuế xuất khẩu cao sẽ được đưa về mức 20% trong thời gian tối đa là 5 năm (riêng quặng măng-gan sẽ được giảm về 10%); các sản phẩm còn lại duy trì mức thuế xuất khẩu hiện hành; Với toàn bộ các sản phẩm khác, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 15 năm.

2. Cơ hội và thách thức đối với thu ngân sách của Việt Nam

Mở cửa và hội nhập kinh tế đã đặt nền kinh tế Việt Nam trước những cơ hội và thách thức vô cùng to lớn trong tất cả các lĩnh vực, từ xuất nhập khẩu, đầu tư, cán cân thanh toán, hệ thống tài chính và thu ngân sách nhà nước (gồm cả cơ hội và thách thức).

2.1. Cơ hội đối với thu ngân sách nhà nước

Thứ nhất, thu ngân sách từ thương mại hai chiều.

Với dân số 500 triệu người và GDP 16 nghìn tỷ USD, EU là thị trường rộng lớn và tiềm năng trong quan hệ thương mại với Việt Nam. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch 2 chiều năm 2019 đạt 56,5 tỷ USD, chiếm 10,9% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD (chiếm 15,7%), kim ngạch nhập khẩu đạt 15 tỷ USD (chiếm 5,9%). So với năm 2010, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và EU đã gấp gần 3 lần, từ 17,6 tỷ USD tăng lên 56,5 tỷ USD[1]. EVFTA được thực thi sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh. 

Biểu đồ 1: Kim ngạch thương mại Việt Nam - EU giai đoạn 2015-2019

Đơn vị: tỷ USD

kim_ngach_thuong_mai_viet_nam_-_eu

Nguồn: Tổng cục Hải Quan

          Theo dự báo, Hiệp định EVFTA có hiệu lựcsẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Về nhập khẩu, nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030[2]. Năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giữ được mức tăng trưởng dương là một thành công đáng tự hào của nền kinh tế nước ta, với kỳ vọng vào EVFTA sẽ vẫn có ảnh hưởng tích cực đến hoạt động thương mại quốc tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). 

Biểu đồ 2: Dự báo tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - EU khi EVFTA có hiệu lực

Đơn vị tính: %

du_bao_tang_truong_kim_ngach_xuat_nhap_khau_viet_nam_-_eu

Nguồn: Bộ Công Thương

Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, dự kiến kim ngạch của ta sẽ tăng trung bình 5,21-8,17% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 11,12-15,27% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 17,98-21,95% (cho giai đoạn 5 năm sau đó), trong đó: Nhóm hàng nông sản: gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%); Nhóm ngành chế biến chế tạo tăng: dệt (67%), may mặc (81%), da giày (99%); Nhóm ngành dịch vụ tăng: vận tải thủy (100%), vận tải hàng không (141%), tài chính và bảo hiểm (21%), các dịch vụ phục vụ kinh doanh khác (80%).

Xét về tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ EU, dự kiến kim ngạch của ta tăng trung bình 4,36-7,27% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 10,63-15,4% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 16,41-21,66% (cho giai đoạn 5 năm sau đó).

Nhóm hàng được dự báo tăng nhập khẩu nhiều nhất từ EU là phương tiện và thiết bị vận tải, chiếm khoảng 12% tổng giá trị nhập khẩu tăng thêm, nhóm hàng máy móc thiết bị (10%), dệt may và điện thoại và linh kiện điện tử (6-7%), nông, lâm, thủy sản (5%).[3]

Với mức dự báo về tác động của thương mại 2 chiều khi thực thi hiệp định EVFTA, có thể thấy do thương mại hai chiều tăng lên, số tuyệt đối về thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu sẽ được phát huy tốt hơn trong trung và dài hạn.

Thứ hai, tác động đến thu ngân sách từ hoạt động đầu tư.

Đối với hoạt động đầu tư, lũy kế đến tháng 4-2019, EU là đối tác đầu tư lớn thứ tư tại Việt Nam với 2.244 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 24,67 tỷ USD, tương đương 7,6% tổng vốn FDI vào Việt Nam. FDI từ EU đặc biệt tăng nhanh sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và đạt mức kỷ lục 2,6 tỷ USD vốn đăng ký năm 2010 và vốn thực hiện khoảng 1,69 tỷ USD[4]. Tuy nhiên, do tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, dòng vốn này chậm lại. Trong vài năm gần đây, FDI từ EU được phục hồi song vẫn chưa đạt được mức kỷ lục của năm 2010.

Do mới bắt đầu được thực thi, số liệu chính xác về thu hút đầu tư từ EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực chưa thể đánh giá cụ thể, đồng thời hoạt động này phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau. Tuy nhiên, kỳ vọng về đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư do thực hiện Hiệp định sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, điển hình là ngay từ năm 2021, Chính phủ đã ban hành và khẩn trương triển khai hai Nghị quyết số 01/NQ - CP ngày 01 tháng 01 năm 2021 về  nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 về  tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021; Nghị định số 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp cụ thể hóa những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những bất cập, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua.

Cùng với đó là các cam kết rộng và sâu về đầu tư của Hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Theo đó, các cam kết về thuận lợi hóa đầu tư cùng với mức độ tự do hóa các ngành dịch vụ dành cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU tăng lên, đặc biệt là dịch vụ kinh doanh, dịch vụ môi trường, dịch vụ bưu chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải biển. Từ đó, sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam tăng trong thời gian tới. Đáng chú ý, sau dịch Covid-19, các nhà đầu tư bắt đầu nhận thấy tầm quan trọng của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tránh tập trung vào một thị trường đơn lẻ. Việt Nam hoàn toàn có lợi thế hơn so với các nước  khu vực trong việc thu hút vốn từ thị trường này. Với kỳ vọng dòng vốn tăng, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động đầu tư nước ngoài, trong đó có đầu tư từ EU sẽ gia tăng trong tương lai.

Thứ ba, thu ngân sách từ tăng trưởng kinh tế do tác động của Hiệp định EVFTA.

Các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố từ chiến tranh thương mại, khả năng Anh rời khỏi EU (Brexit), sự thay đổi chính sách của các nước…, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Phần lớn các dự báo đều chỉ ra rằng, Hiệp định EVFTA dự kiến sẽ góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân từ 2,18 đến 3,25% (cho giai đoạn 5 năm đầu thực hiện), 4,57-5,30% (cho giai đoạn 5 năm tiếp theo) và 7,07-7,72% (cho giai đoạn 5 năm sau đó)[5]. 

Biểu đồ 3: Dự báo tác động của EVFTA đến tăng trưởng kinh tế

Đơn vị tính: %

du_bao_tac_dong_cua_evfta_den_tang_truong_kinh_te

2.2. Thách thức đối với thu ngân sách

Ngoài những cơ hội mang lại đối với thu ngân sách nhà nước, song hành là những thách thức không nhỏ, trong đó, một trong những vấn đề đặt ra là xu hướng giảm thu ngân sách do tác động từ việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan.

Do mức thuế suất thuế xuất nhập khẩu giảm, dự kiến tổng mức giảm thu NSNN từ giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo lộ trình của Hiệp định EVFTA khoảng 1.100 tỷ đồng/năm. 

Biểu đồ 4: cấu thu ngân sách giai đoạn 2011-2019 (tỉ lệ: %)

co_cau_thu_ngan_sach_giai_doan_2011-2019

Nguồn: Bộ Tài chính

Nhìn vào Biểu đồ 4, có thể thấy, từ sau năm 2015, tỷ trọng thu ngân sách nhà nước từ thuế nhập khẩu trên tổng thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm do thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt ngày càng vào lộ trình cắt giảm sâu. Nếu năm 2017 chiếm 21,85%/tổng thu ngân sách nhà nước thì năm 2018 còn 17,4% và đến năm 2019 chỉ còn khoảng 16,7%/tổng thu, đây cũng là thách thức rất lớn trong thu ngân sách nhà nước khi Việt Nam tham gia các hiệp định song phương và đa phương, tròn đó có hiệp định EVFTA.

3. Giải pháp đặt ra

Với các cơ hội và thách thức đối với thu ngân sách đã được nhận diện như trên, để đảm bảo tận dụng được thuận lợi, giảm thiểu những tác động bất lợi do quá trình cắt giảm thuế từ hiệp định EVFTA, từ đó đảm bảo tính ổn định, bền vững cho nguồn thu ngân sách trong dài hạn, giải pháp đặt ra là:

Thứ nhất, tiếp tục tăng cường hoàn thiện công tác pháp luật thể chế, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngân sách nhà nước nhằm hạn chế tác động của việc thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan.

Thứ hai, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch thương mại bền vững để tăng thu từ các sắc thuế nội địa, như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.

Thứ ba, tiếp tục thu hút và cải thiện chất lượng dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam, theo đó cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và trình độ công nghệ, thu hút dòng vốn có chất lượng tốt hơn trong tương lai, như: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính… Từ việc thu hút này, sẽ tạo điều kiện tăng thu ngân sách nhà nước từ các sắc thuế liên quan đến hoạt động đầu tư.

Thứ tư, tiếp tục cải cách hệ thống thuế với mục tiêu xây dựng hệ thống thuế đồng bộ vừa khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, vừa đảm bảo nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, đẩy mạnh các chính sách khai thác các nguồn thu từ thuế nội địa như thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế sử dụng đất,... gia tăng nguồn thu nội địa một cách hợp lý, mở rộng cơ sở tính thuế để bù đắp vào thiếu hụt do giảm tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Bộ Tài chính.

[2] Bộ Công Thương.

[3] Bộ Công Thương.

[4] Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[5] Bộ Kế hoạch và Đầu tư

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2019), Đánh giá tác động của Hiệp định EVFTA tới Việt Nam;
  2. Nguyễn Thị Hải Bình, Lưu Ánh Nguyệt (2020), Kết nối và hợp tác tài chính trong thực thi các FTA thế hệ mới;
  3. Lê Quang Thuận (2019), Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và tác động đối với kinh tế Việt Nam, Tạp chí Tài chính; http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-va-tac-dong-doi-voi-kinh-te-viet-nam-309171.html, cập nhật ngày 1/7/2019.
  4. Trung tâm WTO (2017), Toàn văn Hiệp định EVFTA;
  5. Trung tâm WTO (2020), Báo cáo Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế và thực thi Hiệp định EVFTA;
  6. World Bank (2018), Doing Business 2018: Reforming to Create Jobs, Washington, DC. IBRD.
  7. https://www.mof.gov.vn/

 

IMPACTS OF THE EU - VIETNAM FREE TRADE AGREEMENT ON

VIETNAM’S STATE BUDGET COLLECTION:

OPPORTUNITIES, CHALLENGES AND SOLUTIONS

MAI DINH LAM

National Academy of Public Administration - Ho Chi Minh City Campus

ABSTRACT:

The EU - Vietnam Free Trade Agreement (EVFTA) officially came into effect on August 1, 2020. This free trade agreement has significant impacts on Vietnam's socio-economic development, including the State budget collection. This paper analyzes the two-way impacts from this agreement on the state budget revenues, thereby proposing a number of recommendations to take advantage of opportunities and limit challenges brought by the EVFTA. These recommendations are expected to ensure a sustainable source of revenue during the implementation of the agreement.

Keywords: EVFTA, state budget revenues.