Phân tích những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập Hiệp định EVFTA

ThS. TÔ LÊ NGUYÊN KHOA (Khoa Tài chính - Kế toán, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập Hiệp định EVFTA. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020 mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, đây cũng là thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU. Hiệp định được kỳ vọng hỗ trợ Việt Nam và EU đẩy mạnh các nỗ lực vực dậy nền kinh tế bị tàn phá nặng nề do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 vẫn đang diễn biến rất khó lường. Hiệp định EVFTA mang lại hi vọng góp phần làm GDP Việt Nam tăng thêm. Đặc biệt, EVFTA đem đến cho các doanh nghiệp Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức cần giải quyết.

Từ khóa: Hiệp định EVFTA, quan hệ thương mại, Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), gọi tắt là Hiệp định EVFTA đã được khởi động và kết thúc trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU. Khi được đưa vào thực thi, EVFTA trở thành cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.

2. Phân tích những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập Hiệp định EVFTA

2.1. EVFTA Hiệp định được kết tinh của một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), khi nói đến Hiệp định EVFTA, là nói đến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị trong suốt một thập kỷ từ khi Việt Nam và Liên minh châu Âu đồng ý tiến hành nghiên cứu khả thi việc đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa hai nước vào tháng 10 năm 2010. Điều này là bởi Việt Nam và Liên minh châu Âu là hai nền kinh tế có sự chênh lệch về trình độ phát triển kinh tế cũng như có sự khác biệt về hệ thống chính trị, văn hóa và lối tư duy. EVFTA lại là một Hiệp định thế hệ mới toàn diện, tiêu chuẩn cao, mức độ hội nhập sâu rộng.

Trong Hiệp định có rất nhiều cam kết trong nhiều lĩnh vực mà ta chưa từng có trong bất kỳ FTA nào trước đây như Chỉ dẫn địa lý (GI), Mua sắm chính phủ (GP), hay Thương mại phát triển bền vững (TSD). Ngoài ra, có rất nhiều nội dung cam kết có cách tiếp cận hoàn toàn khác so với các cách tiếp cận của ta trong các FTA trước đây. Ví dụ như nguyên tắc Đối xử quốc gia trong WTO và trong các FTA khác mà Việt Nam tham gia được áp dụng nếu doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh cùng một mặt hàng.

Tuy nhiên, theo cam kết trong EVFTA, nguyên tắc Đối xử quốc gia được áp dụng trong hoàn cảnh tương tự. Điều này có nghĩa là cam kết còn xét thêm các yếu tố khác, không chỉ phụ thuộc vào việc kinh doanh những mặt hàng giống nhau. Bên cạnh đó, để mang lại Hiệp định EVFTA, tất cả các cơ quan thuộc chính phủ, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực hiện đúng chủ trương và định hướng của Bộ Chính trị đã cùng phối hợp với nhau bàn bạc, thảo luận và đi tới thống nhất tất cả những mục tiêu quan trọng, đặt lợi ích tổng thể, lợi ích của đất nước lên hàng đầu.

Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định này cũng gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.

Trải qua 14 vòng đàm phán, nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, các phiên họp cấp Trưởng đoàn đàm phán và các phiên họp cấp kỹ thuật chính thức và không chính thức, vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại, với sự quyết tâm và nỗ lực, kết tinh của một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ chính là sự kiện Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 8 năm 2020. Đây chính là dấu mốc vô cùng quan trọng trong lịch sử kinh tế thương mại của đất nước.

2.2. Những cơ hội khi Việt Nam gia nhập Hiệp định EVFTA

Sự kiện EVFTA đi vào thực thi vào ngày 1 tháng 8 năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh và biến động thị trường phức tạp, khó lường, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn, tạo động lực mới vực dậy xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế; đồng thời thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư đi vào chiều sâu, hướng tới phát triển bền vững trong thời gian tới. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 là thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU, mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn đưa quan hệ Việt Nam-EU lên tầm cao mới, là sự kiện có ý nghĩa đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm Việt Nam-EU thiết lập quan hệ ngoại giao (1990-2020).

Việc ký và thực thi Hiệp định EVFTA và Hiệp định EVIPA đưa Việt Nam trở thành đối tác hàng đầu của EU trong ASEAN và là một trong những nước châu Á-Thái Bình Dương mà EU có quan hệ sâu rộng nhất cả về chính trị, kinh tế, thương mại, hợp tác phát triển, môi trường, năng lượng bền vững và an ninh quốc phòng. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng và cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai hiệu quả Hiệp định EVFTA, phát huy tối đa các lợi ích mà Hiệp định có thể mang lại cho hai bên, đóng góp vào thúc đẩy tự do hóa thương mại, hợp tác, liên kết tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, góp phần phục hồi tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực đang chịu tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19.

Hiện nay, EU là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) với kim ngạch hai chiều tăng gần 14 lần từ mức chỉ 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 56,45 tỷ USD năm 2019; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng gần 15 lần từ 2,8 tỷ USD lên 41,54 tỷ USD. Thị trường EU bao gồm 27 quốc gia, dân số 450 triệu người, GDP hằng năm đạt khoảng 16.000 tỷ USD cho thấy sự rộng lớn và sức hấp dẫn với Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng tốc xuất khẩu qua thị trường này. Hiện, các thị trường thuộc Liên minh châu Âu (EU) - thành viên của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) là những thị trường xuất nhập khẩu chủ lực của Việt Nam ở EU. Trong đó, điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 12,36 tỷ USD; Nhóm hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 5,06 tỷ USD; Nhóm nông lâm thủy sản lớn thứ hai của Việt Nam (chiếm 15-17% kim ngạch xuất khẩu), chỉ sau Trung Quốc (20-22%). Ngoài ra, dệt may; giày dép; nông sản; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng,… đều đang duy trì được kim ngạch hàng tỷ USD.

Trong thông cáo báo chí ngày 31/7/2020, Ủy ban châu Âu khẳng định lại rằng EVFTA là hiệp định thương mại toàn diện nhất mà EU đã ký kết với một nước đang phát triển. Kinh tế châu Âu hiện cần mọi cơ hội để khôi phục sức mạnh sau cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. Các hiệp định thương mại, chẳng hạn như một hiệp định có hiệu lực với Việt Nam ngày 1/8/2020, sẽ mang đến cho các công ty của châu Âu cơ hội tiếp cận các thị trường mới nổi và tạo việc làm cho người châu Âu. Thỏa thuận này trở thành cơ hội để người dân Việt Nam được hưởng một nền kinh tế thịnh vượng hơn và tham dự vào một sự thay đổi tích cực và có được nhiều quyền lợi hơn với tư cách là một người lao động cũng như công dân.

EVFTA sẽ tiến tới loại bỏ thuế đối với 99% tất cả hàng hóa được giao dịch giữa EU và Việt Nam. Việc kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với các công ty châu Âu: Giờ đây họ sẽ có thể đầu tư và được quyền tham dự vào các hợp đồng chính phủ với cơ hội cạnh tranh ngang bằng với các doanh nghiệp địa phương. EVFTA sẽ tiến tới loại bỏ thuế đối với 99% tất cả hàng hóa được giao dịch giữa EU và Việt Nam.

Việc kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn đối với các công ty châu Âu: Giờ đây họ sẽ có thể đầu tư và được quyền tham dự vào các hợp đồng chính phủ với cơ hội cạnh tranh ngang bằng với các doanh nghiệp địa phương. Theo Hiệp định, lợi ích kinh tế sẽ đi kèm với việc bảo đảm tôn trọng các quyền về lao động, bảo vệ môi trường và Hiệp định Paris về khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững.

Theo báo cáo khảo sát mới nhất về Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) của EuroCham, các doanh nghiệp châu Âu đã có những đánh giá tích cực về tiềm năng cũng như môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam. Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công trên thế giới về ứng phó với đại dịch, cho thấy việc xử lý hiệu quả và chắc chắn của Chính phủ đã có tác động rõ rệt và củng cố thêm niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu trong quá trình đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

2.3. Những thách thức khi Việt Nam gia nhập Hiệp định EVFTA

Tuy nhiên, do EU có thu nhập đầu người 36.000 USD/năm, cao hơn 3 lần thu nhập đầu người của Trung Quốc là 10.000 USD nên thị trường này hết sức khó tính, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn của các quốc gia EU mới tận dụng được thời cơ của EVFTA.

Bên cạnh những cơ hội, EVFTA cũng đặt các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trước hàng loạt thách thức, trong đó, việc thực thi các cam kết trong EVFTA về các vấn đề thể chế, chính sách pháp luật sau đường biên giới, môi trường kinh doanh và chính sách, pháp luật,...

Theo các cam kết kèm theo thì yêu cầu về quy tắc nguồn gốc xuất xứ cũng rất chặt chẽ, thông thường các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi thuế quan thì nguyên liệu phải đáp ứng được một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định (nguyên liệu có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam). Đây là một thách thức lớn đối với các DN Việt, bởi nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc các nước trong ASEAN. Thêm vào đó là các yêu cầu bắt buộc về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dán nhãn, môi trường,... của EU rất khắt khe và không dễ để đáp ứng.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI, hiện tại, hiểu biết về Hiệp định EVFTA của cộng đồng DN Việt Nam không nhiều. Hơn nữa, khả năng thay đổi để thích hợp với EVFTA cũng khá hạn chế khi có tới 40% DN khó cải thiện điều kiện lao động; 55% DN khó đầu tư vào công nghệ mới; 59% DN khó đáp ứng yêu cầu nội địa hóa,… Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh mà EVFTA mang lại được nhận định là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Do đó, EVFTA cũng là cơ hội, sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Điểm yếu của DN Việt là không hợp tác được với nhau. Muốn hợp tác với nhau, các DN phải luôn luôn tự cường và liêm khiết. Để làm vậy, đầu tiên phải tôn trọng và cam kết thương hiệu, hàng hóa, giữa các DN với nhau và với bạn hàng.

DN Việt Nam cần tận dụng tối đa cơ hội từ giảm thuế mang lại, song muốn vào được thị trường EU, ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng chuẩn EU, DN cần nghiên cứu kỹ và cập nhật chính sách mặt hàng, tìm hiểu về rào cản về kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan, chỉ dẫn địa lý, pháp luật thương mại, kinh tế của từng thành viên EU,… để tránh những rủi ro trong quá trình giao thương hàng hóa.

Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội cho Việt Nam phát triển bền vững kinh tế. Nếu Việt Nam đưa được hàng hóa vào thị trường EU thì đó là giấy chứng nhận thông hành để đưa hàng ra thế giới. Ngoài ra, để đưa được hàng vào EU. các DN Việt Nam cần vượt qua chính mình, từ bỏ thói quen làm ăn "chụp giật", thiếu liên kết, không vào các chuỗi, không tạo niềm tin khi hợp tác.

Suy thoái kinh tế ở cả EU và Việt Nam do tác động của đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho những “lợi ích kinh tế” mà EVFTA mang lại trong giai đoạn đầu triển khai sẽ không được như kỳ vọng vì các doanh nghiệp hai bên chưa thể tận dụng hết các ưu đãi do gián đoạn chuỗi cung ứng, gián đoạn lưu thông và nhu cầu của nền kinh tế hai bên vẫn còn yếu.

Tuy nhiên, trong dài hạn, một khi dịch bệnh được kiểm soát và các gói kích cầu kinh tế của hai bên đi vào hoạt động, thương mại hai bên sẽ bùng nổ trở lại, tới lúc đó chúng ta có thể nhìn thấy rõ hơn những tác động to lớn của EVFTA đối với quan hệ thương mại Việt Nam-EU.

3. Giải pháp thúc đẩy Việt Nam phát triển khi gia nhập Hiệp định EVFTA

Với mục tiêu giúp Việt Nam tận dụng triệt để những cơ hội mà Hiệp định EVFTA đem lại, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung triển khai một số giải pháp như:

Thứ nhất, để thỏa mãn khách hàng EU, Việt Nam cần chú trọng phát triển khoa học - công nghệ để phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự gia tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực này mang đến lợi ích to lớn cho Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ hai, các biện pháp hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19 sẽ giới hạn cơ hội tiếp xúc trực tiếp, xúc tiến thương mại truyền thống và tìm hiểu thị trường, do vậy cũng khiến cơ hội kinh doanh bị thu hẹp hơn. Vì thế, nên tạo ra các trang web văn phòng điện tử cùng các trang tương tác trên mạng xã hội như Facebook, Twitter,… để tăng cường tiếp xúc với các bên liên quan sau khi EVFTA có hiệu lực.

Thứ ba, hàng hóa Việt Nam phải được nâng lên một cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa, thân thiện với môi trường, tránh thuốc trừ sâu và chất bảo quản. Điều này không chỉ cải thiện về chất lượng sản phẩm mà còn giúp hàng hóa “made in Vietnam” tránh chủ nghĩa bảo hộ từ các quốc gia khác, không chỉ ở EU.

Thứ tư, Bộ Công Thương, cùng với hệ thống các Thương vụ Việt Nam tại EU cần nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp hai Bên khai thác tối đa lợi thế từ Hiệp định, tích cực triển khai chương trình hành động thực thi EVFTA, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh giao thương, kết nối đầu tư, hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường. Đồng thời, khuyến khích những doanh nghiệp có thực lực, quyết tâm và khát vọng để kết nối đối tác với doanh nghiệp châu Âu.

Thứ năm, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư, kinh doanh. Theo đó sẽ nghiên cứu, rà soát, đề xuất trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật DN, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật lao động và một số Luật về thuế,... để phù hợp với các quy định và tuân thủ nguyên tắc hợp tác trong khuôn khổ EVFTA đưa ra.

4. Kết luận

Có thể khẳng định, Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho quan hệ thương mại Việt Nam - EU. Hiệp định là cơ hội vàng để giúp hai bên đẩy mạnh hợp tác và cùng phát triển. Hiệp định EVFTA góp phần thúc đẩy tự do hóa thương mại, hợp tác, liên kết tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và phần phục hồi tăng trưởng sau những tác động sâu sắc từ đại dịch COVID-19. Với EVFTA, tất cả đang bắt đầu bước vào một cuộc chơi mới, một sự khởi đầu mới đầy hứa hẹn nhưng cũng tiềm ẩn không ít thách thức mà hai bên phải khắc phục để có thể tận dụng hiệu quả “sức mạnh” mà EVFTA mang lại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2020), Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA.
  2. Các website: http://cafef.vn, http://ec.europa.eu, https://evfta.moit.gov.vn, https://trungtamwto.vn

ANALYZING OPPORTUNITIES AND CHALLENGES

WHEN VIETNAM JOINS THE EU-VIETNAM

FREE TRADE AGREEMENT

• Master. TO LE NGUYEN KHOA

Faculty of Finance and Accounting, Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

This article analyzes the opportunities and challenges when Vietnam joins the EU-Vietnam Free Trade Agreement. The EVFTA officially came into effect on August 1, 2020. It opens up great opportunities and prospects, and makes a milestone in the comprehensive cooperation partnership between Vietnam and EU. This free trade agreement is expected to support Vietnam and EU revive the economies which are severly impacted by the on-going Covid-19 pandemic. The EVFTA is forecasted to boost Vietnam’s economic growth and it also brings many challenges to the country.

Key words: EVFTA, trade relations, the Covid-19 pandemic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]