Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

ThS. BÙI THỊ NHÂN - ThS. NGUYỄN THỊ TOÀN - ThS. NGUYỄN ANH THƯ - ThS. LÊ THỊ TÚ TRINH (Trường Đại học Phan Thiết)

TÓM TẮT:

Theo Báo cáo thanh toán Thế giới năm 2020 do Cappemini (một trong những nhà cung cấp hàng đầu thế giới về tư vấn, dịch vụ công nghệ của Pháp) công bố ngày 06/10/2020, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên toàn cầu tăng gần 14% trong giai đoạn 2018 - 2019, đạt 708,5 tỷ giao dịch - mức tăng trưởng cao nhất được ghi nhận trong một thập kỷ qua. Tại Việt Nam, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Việt Nam đã có hơn 140 triệu thuê bao di động cùng với hơn 60 triệu người dùng internet. Bài viết đề cập đến xu hướng, cơ hội và thách thức, từ đó đề xuất những giải pháp phát triển nhằm góp phần đưa hình thức TTKDTM vào trong cuộc sống; đáp ứng yêu cầu Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển tài chính toàn diện đã được ban hành vào tháng 01/2020.

Từ khóa: thanh toán không dùng tiền mặt, internet, điện thoại thông minh.

1. Xu hướng TTKDTM trên thế giới

Nhờ sự phổ biến của internet và điện thoại thông minh, cùng với sự tác động mạnh mẽ của Covid-19 đã đẩy nhanh việc áp dụng phương thức TTKDTM khi hầu như các nhà bán lẻ đã chuyển sang thanh toán không tiếp xúc. Theo nghiên cứu của Futurist Group, khoảng 38% người tiêu dùng hiện đang xem việc không tiếp xúc là một tính năng cơ bản của việc thanh toán. Báo cáo của Juniper Research cho biết một nửa dân số thế giới sẽ sử dụng ví điện tử vào năm 2024.

Hình 1: Các phương thức TTKDTM trên thế giới

Các phương thức TTKDTM trên thế giới

Nguồn: Worldpay Global Payments Report 2020

Trong khi đó, theo thống kê của Capgemini, với tốc độ tăng trưởng gần 25%, châu Á - Thái Bình Dương dẫn đầu xu hướng TTKDTM trên toàn cầu với khối lượng kỷ lục là 243,6 tỷ USD vào năm 2019, do sự gia tăng nhanh chóng của điện thoại thông minh, sự bùng nổ mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT), việc áp dụng ví điện tử cùng với thanh toán di động và mã QR. Khối lượng TTKDTM của châu Âu đã tăng hơn 12% từ năm 2018 -2019. Các nước không thuộc Liên minh châu Âu đã tăng hơn 19%. Trung Đông và châu Phi (MEA) tăng trưởng 19%. Châu Mỹ Latinh tăng 18%, trong khi tốc độ tăng trưởng của Bắc Mỹ ổn định ở mức 6%.

Hình 2: Tốc độ tăng trưởng TTKDTM trên thế giới giai đoạn 2014 – 2019

Tốc độ tăng trưởng TTKDTM trên thế giới giai đoạn 2014 – 2019

Nguồn: Tính toán của tác giả

Cùng với sự bùng nổ của xu hướng TTKDTM, doanh số của TMĐT cũng có sự gia tăng đáng kể, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, doanh số TMĐT toàn cầu đã tăng từ 3.535 tỷ USD  năm 2019 lên ước tính 4.206 tỷ USD vào năm 2020. Xu hướng này dự kiến sẽ tăng thêm 700 tỷ USD vào năm 2021 (theo thống kê của VpnMentor).

2. Thực trạng phát triển TTKDTM tại Việt Nam

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam, trong hoạt động thanh toán, đặc biệt là TTKDTM và thanh toán dịch vụ công trong quý 3/2020 tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh.

Xét về mặt yêu cầu và xu hướng phát triển, hoạt động TTKDTM hiện nay, phát triển hiệu quả gắn liền với một số xu hướng phát triển tích cực sau:

Thứ nhất, các dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển đa dạng và tiện ích, linh hoạt theo nhu cầu và xu hướng phát triển của thị trường. Gắn liền với các yếu tố thị trường, mỗi ngân hàng có những sản phẩm hấp dẫn thu hút khách theo từng phân khúc thị trường và lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế.

Thứ hai, dịch vụ ngân hàng điện tử phát triển mạnh và có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua. Đặc biệt là dịch vụ liên quan đến tài khoản khách hàng, tài khoản cá nhân, với các sản phẩm TTKDTM: thẻ, ví điện tử, internet banking; mobile banking,… trong đó, thanh toán qua ví điện tử (liên kết bởi ngân hàng và các trung gian thanh toán) đã và đang được người dân sử dụng ngày càng phổ biến hơn, mở rộng và tăng trưởng cao nhất là tại các thành phố lớn, như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số thành phố trung tâm khác.

Thứ ba, nền tảng và điều kiện cho tăng trưởng và phát triển của hoạt động TTKDTM hiện nay rất tốt. Với tất cả các cơ sở hạ tầng sẵn có, dịch vụ ngân hàng sẵn có và sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng điện tử trong giai đoạn (2016 - 2020) là điều kiện thuận lợi, thời cơ để đột phá tăng trưởng và phát triển hoạt động TTKDTM hiện nay. Chỉ tính riêng trên địa bàn các thành phố lớn, kết quả quan trọng này phản ánh cụ thể trên một số lĩnh vực sau:

- Dịch vụ thẻ tiếp tục tăng trưởng theo xu hướng tích cực, gắn liền với tốc độ tăng trưởng cao của hệ thống máy POS. Theo đó, so với cuối năm 2016, số lượng thẻ trên địa bàn các thành phố lớn tăng 39,2%; số lượng máy POS đạt 52.300 máy, tăng  trên 43% so với cuối năm 2016. Trong khi đó, số lượng máy ATM chỉ tăng 1,86%. Đây là sự tăng trưởng tích cực theo hướng mở rộng và TTKDTM, khách hàng đã sử dụng thẻ để thanh toán qua máy POS ngày càng phổ biến hơn.

- Dịch vụ internet banking, mobile banking phát triển nhanh và đạt tốc độ tăng trưởng khá, gắn liền với quá trình phát triển của các hoạt động TMĐT và các dịch vụ ăn uống, giải trí, du lịch, giao thông vận tải. Đây là điều kiện rất thuận lợi để các ngân hàng thương mại nói chung và trên địa bàn các thành phố lớn nói riêng phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại ứng dụng trên nền tảng công nghệ số, trên môi trường mạng; máy tính và điện thoại thông minh. Theo đó, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tăng trưởng nhanh qua từng năm. Trong đó, doanh nghiệp đang sử dụng dịch vụ thanh toán qua internet bình quân tăng khoảng 11,58%/năm, cá nhân tăng 11,04%/năm, khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua Mobile bình quân tăng 10,5%/năm.

Thứ tư, cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ của các ngân hàng ngày càng phát triển, theo xu hướng phù hợp với sự phát triển của tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một số tổ chức tín dụng đã ứng dụng sinh trắc học và công nghệ hiện đại trong phát triển dịch vụ, theo xu hướng số hóa và tự động hóa. Đây là điều kiện thuận lợi để mở rộng TTKDTM, nhờ thu hút khách hàng bằng tiện ích và lợi ích mang lại tối đa hóa từ các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại.

Trong quá trình này, trên cơ sở định hướng và các đề án phát triển ngân hàng số của Ngân hàng Trung ương, các tổ chức tín dụng đã và đang tích cực chủ động tiếp cận và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong mở rộng và TTKDTM phụ thuộc nhiều vào nhu cầu từ khách hàng, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt là nhận thức và ý thức sử dụng các phương tiện TTKDTM trong hoạt động mua bán, thanh toán và tiêu dùng hàng ngày của người dân, của doanh nghiệp. Cải thiện và thay đổi được tình hình này, sẽ là giải pháp đột phá trong mở rộng và tăng trưởng hoạt động TTKDTM và trên thực tế. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người dân đã sử dụng ngày càng nhiều hơn các dịch vụ thanh toán qua ví điện tử, quét mã QRCode để thanh toán, đặt mua hàng mà không cần đến trực tiếp các cửa hàng, trung tâm thương mại,… Sự thay đổi tích cực này là cơ hội để mở rộng TTKDTM. Bằng tiện ích và lợi ích mang lại thực tiễn của việc sử dụng dịch vụ thanh toán qua điện thoại, internet banking và mobile banking đã và đang thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân nói chung và khu vực đô thị nói riêng.

Mặc dù vậy, việc phát triển TTKDTM tại Việt Nam cần lưu ý 6 thách thức chính, gồm: Một là, thói quen thanh toán dùng tiền mặt ở Việt Nam không dễ dàng thay đổi một sớm một chiều; Hai là, với đặc thù là sản phẩm công nghệ cao, được cung cấp chủ yếu qua các nhà mạng, việc giám sát và quản lý cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an,…; Ba là, nếu việc định danh khách hàng, quản lý sim rác và giao dịch ẩn danh không được thực hiện chặt chẽ, giao dịch TTKDTM có thể là kênh để "rửa giao dịch", ảnh hưởng đến công tác phòng chống rửa tiền; Bốn là, phát triển mạng lưới đại lý sẽ phát sinh rủi ro liên quan đến trình độ, năng lực, nhận thức và trách nhiệm của mạng lưới này; Năm là, nếu không có phương án quản lý và bảo mật phù hợp, tiền của khách hàng nguy cơ bị mất, có thể bắt nguồn từ phía nhà cung cấp, đại lý, tội phạm công nghệ thông tin hoặc thậm chí là những người thân; Sáu là, môi trường pháp lý cho giao dịch TTKDTM còn chưa hoàn thiện, đồng bộ. Việt Nam chưa hoàn thiện việc cấp mã công dân, các quy định về giao dịch ẩn danh và cho phép nhà cung cấp dịch vụ linh hoạt thiết lập các yêu cầu về định danh tối thiểu; Cơ sở hạ tầng và môi trường đầu tư ở mức trung bình khá (65/100 điểm) do Việt Nam chưa có CSDL quốc gia về dân cư và quy định cho phép sử dụng, phân phối lãi cho các tài khoản tiền di động.

3. Giải pháp phát triển TTKDTM tại Việt Nam

Thứ nhất, hạn chế rủi ro về thông tin, dữ liệu: các quy định pháp luật về bảo mật, an toàn thông tin - dữ liệu nên được ưu tiên xây dựng, trong đó cần có qui định về chia sẻ thông tin - dữ liệu giữa cá nhân với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với đối tác, trong nội bộ doanh nghiệp và giữa các cơ quan quản lý. Chẳng hạn, việc chia sẻ kết quả định danh khách hàng giữa các doanh nghiệp cung cấp giải pháp TTKDTM với các tổ chức tín dụng cần làm rõ; cùng với việc nâng cao ý thức bảo vệ thông tin - dữ liệu cá nhân của mỗi khách hàng.

Thứ hai, giảm thiểu rủi ro liên quan đến hệ thống đại lý: theo đó, cơ quan quản lý cần ban hành các khung tiêu chuẩn hệ thống đại lý (về đối tượng, trình độ, năng lực, vốn tối thiểu,…) để định hướng cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TTKDTM có thể thiết lập các tiêu chí nội bộ trong lựa chọn đại lý. Quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dich vụ TTKDTM và đại lý cần qui định rõ, kèm theo yêu cầu về đào tạo, chuẩn hóa quy trình, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của hệ thống đại lý.

Thứ ba, đối với rủi ro hệ thống (kỹ thuật): các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TTKDTM cần làm chủ hệ thống xử lý giao dịch, trung tâm thanh toán; xây dựng quy trình, kịch bản ứng phó để kiểm soát, hạn chế các rủi ro hệ thống có thể làm gián đoạn hoặc ngừng giao dịch; hoàn thiện quy trình nghiệp vụ và quy trình quản lý rủi ro hoạt động, nhất là rủi ro CNTT.

Thứ tư, hạn chế rủi ro mất tiền trong tài khoản khách hàng: cần qui định phải luôn có mã xác thực, mã pin hoặc mật khẩu khi thực hiện giao dịch trên điện thoại nhằm xác minh danh tính người dùng; cho phép mọi giao dịch được giám sát, có thể định vị thuê bao di động thực hiện giao dịch. Ngoài ra, khách hàng cần nâng cao ý thức và hành động bảo mật, để hiểu về quyền, về thủ tục khiếu nại để giải quyết hiệu quả khi rủi ro xảy ra.

Thứ năm, giải pháp giảm thiểu giao dịch rửa tiền, đánh bạc, tài trợ khủng bố: cần có quy định về giới hạn số tài khoản khách hàng có thể nắm giữ, hạn mức mỗi lần giao dịch hay mỗi tháng giao dịch, số dư tối đa trên tài khoản; có hệ thống giám sát các luồng giao dịch, có khả năng cảnh báo cho nhà cung cấp dịch vụ các giao dịch đáng ngờ.

Thứ sáu, thúc đẩy thói quen TTKDTM thông qua gia tăng tính năng, tiện ích của dịch vụ; đảm bảo nhanh chóng, chi phí thấp (có thể miễn phí đối với giao dịch nhỏ trong thời gian đầu), an toàn (khi xảy ra sự cố sẽ được giải quyết nhanh chóng); thực hiện công tác truyền thông, tiếp thị một cách bài bản; cùng với việc tăng cường giáo dục tài chính (qua kênh Mobile cũng sẽ rất hiệu quả như một số quốc gia đang làm). Theo đó, cần sớm hoàn thiện và ban hành chiến lược quốc gia về giáo dục tài chính (như một cấu phần quan trọng nhằm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện); trong đó, cần qui định giáo dục tài chính cá nhân như là môn học bắt buộc từ bậc phổ thông trung học.

Thứ bảy, làm rõ quy trình phối hợp, trách nhiệm của các bên liên quan trong việc quản lý, giám sát và vận hành các giao dịch TTKDTM. Theo kinh nghiệm trên thế giới, do là một dịch vụ thanh toán, cơ quan đầu mối quản lý nên là NHTW và cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Tài chính,… Đồng thời, cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TTKDTM, tổ chức tín dụng và đại lý cũng cần được qui định cụ thể.

Thứ tám, hoàn thiện công tác định danh khách hàng thông qua hoàn thiện và ban hành các quy định về xác minh, định danh khách hàng; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp mã công dân. Các doanh nghiệp viễn thông cũng cần nhanh chóng hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, định danh khách hàng, kiểm soát sim rác,…

Thứ chín, sớm hoàn thiện khung pháp lý cho giao dịch TTKDTM theo hướng khuyến khích, song vẫn đảm ảo an toàn, khả thi và hiệu quả. Theo kinh nghiệm thế giới, các yếu tố chính tạo nên khung pháp lý hiệu quả cần tập trung vào cả 8 vấn đề nêu trên. Đồng thời, cần qui định rõ thời gian thí điểm và cách thức đánh giá, tổng kết thí điểm kịp thời, chuẩn xác để có thể quyết định bước phát triển tiếp theo như thế nào.

4. Kết luận

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các hoạt động kinh doanh cùng với các hình thức thanh toán giao dịch mới ra đời. Giao dịch TTKDTM là một trong những hình thức thanh toán mới và được dự đoán sẽ là một kênh thanh toán phổ biến, tồn tại bên cạnh hình thức thanh toán truyền thống. Đây là hình thức thanh toán ứng dụng khoa học công nghệ vào trong lĩnh vực tiền tệ, các khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thanh toán tài chính thông qua internet, mạng viễn thông mà không cần phải thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt. Vì vậy, hình thức TTKDTM sẽ tác động nhiều mặt đến nền kinh tế - xã hội Việt Nam: giúp quá trình thanh toán dễ dàng và đơn giản hơn, an toàn hơn; giúp người dân ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận các dịch vụ trên nền tảng internet như y tế, giáo dục, tài chính, việc làm và an sinh xã hội; tạo nên nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế số; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việc nghiên cứu các hình thức TTKDTM tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 là một vấn đề lớn, đòi hỏi phải nghiên cứu sâu hơn, cụ thể hơn. Nghiên cứu này gợi mở cho các nghiên cứu sau nhằm đi sâu hơn các hình thức giao dịch thanh toán mới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thống kê. (2020). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2021. TP. Hà Nội.
  2. Lê Hữu Hưng. (2021). Thay đổi thói quen hướng tới sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trước tác động của đại dịch Covid-19. Tạp chí Ngân hàng, 5, 30-32.
  3. Cảnh Chí Hoàng và Trần Vĩnh Hoàng. (2020). Đẩy mạnh các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Tạp chí Tài chính, 736, 76-78.
  4. Các website: gso.gov.vn, vietnambiz.vn, vietnamtourism.gov.vn, thuvienphapluat.vn, tapchinganhang.com.vn

CASHLESS PAYMENT IN VIETNAM:

CURRENT SITUATION AND SOLUTIONS

• Master. BUI THI NHAN1

• Master. NGUYEN THI TOAN1

• Master. NGUYEN AN THU1

• Master. LE THI TU TRINH1

1Phan Thiet University 

ABSTRACT:

According to the World Payments Report 2020 published by Cappemini on October 6, 2020, global non-cash transactions surged nearly 14% from 2018-2019 to reach 708.5 billion transactions, the highest growth rate recorded in the past decade. Before Covid-19 pandemic, Vietnam had more than 140 million mobile subscribers and more than 60 million Internet users. This paper presents trends, opportunities and challenges to the cashless payment development in Vietnam. Based on the papers findings, some solutions are proposed to promote cashless payment in Vietnam, meeting goals set by the Government of Vietnam in the National Comprehensive Financial Strategy.

Keywords: cashless payment, the Internet, smartphone.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]