TÓM TẮT:
Trên cơ sở nghiên cứu tình hình phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trường hợp tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) - Chi nhánh Đồng Nai, bài viết phân tích thực trạng, đánh giá ưu điểm, nhược điểm về tình hình phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại HDBank - Chi nhánh Đồng Nai.
Từ khóa: giải pháp, chất lượng dịch vụ, thanh toán không dùng tiền mặt.
1. Đặt vấn đề
Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Hiện nay, các ngân hàng thương mại Việt Nam mới đang thực hiện khai thác hiệu quả trang website, hoạt động tiếp thị, quảng cáo, tư vấn,... tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và phát triển khách hàng tiềm năng, khách hàng mới. Trong đó, HDBank đã phát triển các hoạt động dịch vụ của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt ở mức độ phù hợp với tình hình thực tế, trình độ phát triển của nền kinh tế; nhu cầu của khách hàng như xây dựng và phát triển trang web; mobile banking; homebanking. Các sản phẩm dịch vụ này sẽ phục vụ cho chính các khách hàng truyền thống, đồng thời thu hút khách hàng mới sử dụng bằng chính sự tiện ích, thông tin đã có của chính ngân hàng. Trước diễn biến dịch của Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho nền kinh tế, thì sự phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt lại trở nên rất quan trọng và vô cùng cấp thiết hiện nay. Vì vậy, tác giả đã tìm hiểu một số ưu điểm và nhược điểm của thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế hiện nay, thực tiễn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh - Chi nhánh Đồng Nai và đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới.
2. Một số ưu điểm và nhược điểm của thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế hiện nay
2.1. Ưu điểm
Nhanh chóng, thuận tiện: Đối với khách hàng thì ưu điểm dễ nhận thấy nhất chính là sự tiện nghi và luôn sẵn sàng của dịch vụ ngân hàng. E-Banking giúp bạn có thể liên hệ với ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất cứ thời điểm điểm nào tại bất cứ nơi đâu. Việc thực hiện các giao dịch như: đóng tiền điện nước, nạp card, mua sắm, chuyển khoản... rất đơn giản và nhanh chóng. Điều này vô cùng có ý nghĩa với những khách hàng có ít thời gian để đến các điểm giao dịch trực tiếp với ngân hàng, các khách hàng cá nhân có số lượng giao dịch với ngân hàng không nhiều, số tiền mỗi lần giao dịch không lớn. Đây là một lợi ích mà các giao dịch truyền thống khó có thể đạt được với tốc độ nhanh, chính xác của thanh toán không dùng tiền mặt.
Tiết kiệm chi phí, tăng doanh thu: Dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt với công nghệ hiện đại tiết kiệm thời gian và giảm chi phí dịch vụ cho khách hàng. Phí giao dịch của E-Banking được đánh giá là ở mức thấp so với giao dịch truyền thống, đặc biệt là giao dịch qua Internet, từ đó góp phần tăng doanh thu cho hoạt động cho ngân hàng.
Mở rộng phạm vi hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh: Thanh toán không dùng tiền mặt thông qua hệ thống ngân hàng điện tử (E-Banking) là giải pháp tốt để các ngân hàng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của ngân hàng. Giúp thực hiện chiến lược toàn cầu hóa mà không cần mở thêm chi nhánh ở trong nước cũng như ngoài nước. E-Banking là công cụ quảng bá thương hiệu của ngân hàng một cách sinh động, hiệu quả.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn: Thông qua các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, các lệnh về chi trả, nhờ thu của khách hàng được thực hiện nhanh chóng, tạo điều kiện cho vốn tiền tệ được chu chuyển nhanh. Qua đó, đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa, tiền tệ.
Tăng khả năng chăm sóc và thu hút khách hàng: E-Banking với mô hình ngân hàng hiện đại, kinh doanh đa năng sẽ cung cấp cho khách hàng các dịch vụ chăm sóc chất lượng nhất. Giúp khách hàng có được sự hài lòng và tin cậy hơn.
Cung cấp các dịch vụ trọn gói: Các ngân hàng có thể liên kết với các công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, công ty tài chính để đưa ra các sản phẩm tiện ích đồng bộ nhằm đáp ứng các nhu cầu của một khách hàng về các dịch vụ liên quan đến ngân hàng, bảo hiểm, đầu tư, chứng khoán,…
2.2. Nhược điểm
Mặc dù, đạt được một số kết quả nhưng phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn một số hạn chế, đó là:
Cơ sở hạ tầng đầu tư cho thanh toán số: Đã phát triển mạnh trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa đồng bộ. Cho đến nay, hệ thống ATM/POS vẫn chủ yếu tập trung ở 5 thành phố lớn là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, trong khi số lượng ATM/POS ở các thành phố nhỏ và khu vực nông thôn còn hạn chế. Các giao dịch thông qua ATM hầu hết là để rút tiền mặt; còn lại là giao dịch chuyển khoản và thanh toán. Hạ tầng thanh toán số trên di động, hóa đơn điện, nước, truyền hình, điện thoại, internet, bảo hiểm, tài chính cá nhân, hành chính công,... đã được triển khai nhưng phạm vi chưa tương xứng với tiềm năng thị trường.
Khả năng rủi ro cao: Một trong những nhược điểm của thanh toán không dùng tiền mặt chính là tính an toàn và bảo mật của hệ thống E - Banking. Khách hàng có thể mất mật khẩu truy cập tài khoản từ lúc nào mà không biết do hacker ăn cắp bằng công nghệ cao. Do đó, tiền trong tài khoản của bạn bị mất mà không biết bản thân mình nhầm lẫn hay do lỗi của ngân hàng.
Sự liên kết giữa hệ thống thẻ của các ngân hàng chưa thực sự hoàn hảo: Các sự cố an ninh bảo mật cũng là hạn chế lớn của dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều trường hợp khách hàng bị đánh cắp dữ liệu, làm thẻ giả, rút tiền trái phép tại các máy ATM hoặc phải thanh toán những khoản nợ thẻ tín dụng mà khách hàng không thực hiện.
Chất lượng dịch vụ của thanh toán không dùng tiền mặt: Còn chưa thỏa mãn khách hàng ở những cấp độ cao hơn như việc gửi tiền mặt vào tài khoản, việc đăng ký sử dụng dịch vụ còn phải tới trực tiếp giao dịch tại chi nhánh ngân hàng. Chất lượng mạng, tốc độ đường truyền, lỗi kỹ thuật hoặc thiết bị đầu cuối không đảm bảo chất lượng dẫn tới chất lượng dịch vụ chưa cao. Hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt phát triển độc lập, chưa có sự liên kết chặt chẽ và bền vững. Việc sử dụng chữ ký điện tử, chứng nhận điện tử chưa được phổ biến rộng rãi và chưa thể hiện được ưu thế so với chữ ký thông thường. Ngoài những nhược điểm trên, thực tế còn có những rủi ro mới, như tin tặc tấn công, virus máy tính,… khiến khách hàng lo sợ và mất lòng tin vào dịch vụ.
3. Thực tế thanh toán không dùng tiền mặt tại HDBank - Chi nhánh Đồng Nai
Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là ngành công nghệ thông tin (CNTT), đã tác động mạnh đến mọi mặt hoạt động của đời sống, kinh tế - xã hội, làm thay đổi nhận thức và phương pháp sản xuất - kinh doanh của nhiều lĩnh vực, nhiều ngành kinh tế khác nhau, trong đó có lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Trong giai đoạn hiện nay, phát triển các dịch vụ của thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng tất yếu, mang tính khách quan trong nền kinh tế hiện đại, trong thời đại hội nhập kinh tế quốc tế.
Hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt, trong những năm qua, HDBank đã triển khai nhiều chương trình ưu đãi siêu hấp dẫn. Theo đó, khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt với HDBank sẽ được hưởng lợi từ nhiều chương trình ưu đãi khi áp dụng các công nghệ giao dịch của Ngân hàng.
HDBank đã có một số chương trình cụ thể như: “Ngày không tiền mặt cùng thẻ ghi nợ nội địa Napas”, HDBank dành tặng 1 voucher du lịch nghỉ dưỡng trong nước trị giá 25 triệu đồng cho chủ thẻ ghi nợ nội địa có tổng giá trị giao dịch thanh toán thành công qua Point of Sale (POS) cao nhất trong thời gian từ ngày 16/6/2019 đến hết ngày 30/6/2019. Riêng trong “Ngày không tiền mặt” (ngày 16/6/2019), khách hàng cá nhân mua vé Hàng không VietJet trả góp hoặc thanh toán vé Vietjet qua mBanking HDBank sẽ được ưu đãi hoàn tiền lên đến 36% giá trị cùng chương trình “Chuyển khoản ngay - Hoàn tiền bay”. Chương trình này được triển khai duy nhất trong ngày 16/6/2019.
Ngoài ra, HDBank còn giảm 36% trên 1 vé hoặc hoàn tiền 36% giá trị vé (tối thiểu 160.000 đồng/vé và tối đa 600.000 đồng/vé) dành cho các khách hàng thanh toán bằng ứng dụng HDBank và Vietjet trong ngày này. Đồng thời, HDBank cũng hoàn 50% giá trị giao dịch khi khách hàng nạp tiền điện thoại qua ứng dụng HDBank mBanking qua chương trình “Happy Day - Nạp alo ngay”. Theo đó, từ ngày 14/6/2019 - 16/6/2019, trong khung giờ từ 10:00 - 23:59 mỗi ngày, 300 khách hàng đầu tiên thực hiện thành công giao dịch nạp tiền điện thoại VnTopup qua ứng dụng HDBank mBanking trong mỗi ngày sẽ được hoàn 50% giá trị giao dịch. Còn với chương trình “Quẹt thẻ nhiều - Sale càng khủng”, khách hàng sử dụng thẻ quốc tế của HDBank mua sản phẩm tại hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim và thanh toán trực tiếp bằng thẻ sẽ được nhận ngay ưu đãi 10% (tối đa 1.000.000 đồng mỗi hóa đơn), đồng thời nhận được phiếu bốc thăm may mắn với phần quà là một chuyến du ngoạn Dubai dành cho gia đình. Ưu đãi được triển khai từ ngày 17/6/2019 đến hết ngày 30/6/2019, áp dụng cho các giao dịch từ 5.000.000 đồng trở lên.
Chương trình “Chủ nhật vàng cùng HDBank - Co.op” dành cho các bà nội trợ sẽ mang lại nhiều niềm vui như vào chủ nhật hàng tuần từ ngày 16/6/2019 - 28/7/2019, khi giao dịch bằng thẻ HDBank tại chuỗi hệ thống siêu thị Co.op trên toàn quốc, khách hàng sẽ được hoàn tiền 15% (tối đa đến 200.000 đồng) cho đơn hàng trên 1.000.000 đồng. Để tận hưởng hoàn hảo một mùa hè rực rỡ, vi vu khắp nơi cùng bạn bè, người thân, bạn có thể thực hiện ngay kế hoạch trên tinh thần tiết kiệm chi phí một cách tối đa bắt đầu từ bước sử dụng thẻ tín dụng đồng thương hiệu HDBank - Vietjet Air để thanh toán vé máy bay và nhận ngay ưu đãi với 2 chương trình: Chương trình “Mua vé máy bay - Giảm ngay giá vé” triển khai từ ngày 1/6/2019 đến 15/10/2019. Khách hàng mở mới và sử dụng thẻ tín dụng quốc tế đồng thương hiệu HDBank - Vietjet để thanh toán mua vé máy bay Vietjet sẽ được hoàn tiền 20% trên tổng hóa đơn thanh toán (lên đến 400.000 đồng). Chương trình “Siêng xài thẻ - Sẽ được hoàn” dành cho chủ thẻ tín dụng đồng thương hiệu HDBank - Vietjet hiện hữu hoặc mở mới sẽ được hoàn tiền 2% (hoàn tiền lên đến 1.000.000 đồng) trên tổng giá trị chi tiêu hàng tháng. Chương trình triển khai từ ngày 15/6/2019 đến ngày 15/10/2019, áp dụng cho các giao dịch thanh toán mua hàng tại máy POS hoặc thanh toán online.
Năm 2020, HDBank cũng đã triển khai rất nhiều các chương trình khuyến mãi cho chủ thẻ HDBank với những ưu đãi hấp dẫn, như: Chương trình “Tài trợ người tiêu dùng” hợp tác cùng Nguyễn Kim giảm 10% lên đến 1.000.000 đồng. Chương trình thanh toán qua GrabPay by Moca bằng thẻ tín dụng/ghi nợ quốc tế HDBank Visa cho các chuyến đi Grab sẽ nhận ngay ưu đãi 100.000 đồng. HDBank hợp tác cùng Gotadi.com (ưu đãi cho giao dịch đặt vé máy bay và đặt phòng khách sạn); ưu đãi khi mua hàng tiki.vn,…
Ngày 6/3/2021, hưởng ứng Ngày không tiền mặt, HDBank đã sẵn sàng với những điều tốt đẹp nhất cho khách hàng, qua đó góp phần mang lại những lợi ích lớn lao hơn cho xã hội và nền kinh tế. Nhằm khuyến khích khách hàng tăng giao dịch online, không dùng tiền mặt, HDBank tiếp tục đẩy mạnh chính sách miễn - giảm phí dịch vụ cho khách hàng sử dụng gói Tài khoản HDBank Pro. Chương trình này dành cho khách hàng cá nhân của HDBank tham gia mở mới 1 trong 3 gói thuộc tài khoản HDBank Pro hoặc chuyển đổi tài khoản tiền gửi thanh toán sang tài khoản HDBank Pro. Theo đó, HDBank miễn 100% các loại phí gồm phí dịch vụ Internet Banking và Mobile Banking, phí chuyển tiền trong hệ thống và ngoài hệ thống, phí rút tiền ATM nội mạng, phí SMS và ATM thường niên (theo gói). Đồng thời, khách hàng được miễn phí phí quản lý tài khoản khi duy trì số dư bình quân tối thiểu tài khoản theo các gói thuộc tài khoản HDBank Pro. Đặc biệt, khách hàng còn được ưu tiên miễn phí chọn số tài khoản đẹp theo nhu cầu.
HDBank hỗ trợ 24/7 và miễn phí 100% cho khách hàng cần sử dụng hỗ trợ qua hotline 19006060 khi có nhu cầu tìm hiểu chương trình, nắm bắt quy trình mở mới hoặc chuyển đổi tài khoản. Trải nghiệm dịch vụ 0 đồng từ tài khoản HDBank Pro giúp khách hàng tận hưởng các lợi ích từ việc tiết kiệm thời gian, chi phí với các khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt dành cho cá nhân sử dụng thanh toán online theo đúng xu hướng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động chuyển đổi số, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số trên nền tảng công nghệ hiện đại, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế của HDBank, mang đến sự hài lòng, tin cậy nhất cho khách hàng trên toàn thị trường.
Trong năm 2021, HDBank cũng tiếp tục triển khai hàng loạt chương trình đặc biệt với nhiều ưu đãi, giảm phí và lãi khác dành cho khách hàng cá nhân và cá nhân thuộc khách hàng doanh nghiệp khi tải App HDBank mới, sử dụng eBanking HDBank hoặc vay đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái, sản xuất kinh doanh hộ cá thể, vay tiêu dùng,…
4. Một số giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại HDBank - Chi nhánh Đồng Nai
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển TTKDTM, thanh toán điện tử đạt được các mục tiêu của Quyết định số 2545/QĐ-TTg, trong thời gian tới, cần tiếp tục bám sát các giải pháp nêu ra tại Quyết định số 2545/QĐ-TTg và Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
4.1. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
- Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông đồng bộ, hiệu quả trong việc phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân, qua đó nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho người dân, khuyến khích sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
- Khẩn trương hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu phát triển các mô hình, sản phẩm dịch vụ thanh toán mới; chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt.
4.2. Đối với Bộ Tài chính
- Tiếp tục hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của các tổ chức tín dụng với hạ tầng của các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử.
- Có hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp trong việc chi trả phí dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt cho tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đảm bảo áp dụng khả thi, thực hiện thống nhất.
4.3. Đối với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam
- Xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các hướng dẫn, tiêu chuẩn, lộ trình chuẩn hóa thông tin dữ liệu về người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, các chế độ an sinh xã hội để có thể kết nối chia sẻ thông tin với tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán thực hiện chi trả các chế độ an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội qua ngân hàng.
- Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai các mô hình thanh toán tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với việc xây dựng và triển khai Chiến lược Quốc gia về Tài chính toàn diện tại Việt Nam; Thúc đẩy thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ.
4.4. Đối với các tổ chức tín dụng và HDBank - chi nhánh Đồng Nai
- Tăng cường các hoạt động marketing hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử.
- Đẩy mạnh tích hợp các loại thẻ với các thẻ thanh toán mà người dân đang sử dụng phổ biến để giảm thủ tục đăng ký mở thẻ và thẻ này có thể sử dụng trong nhiều hệ thống ngân hàng. Chủ động liên kết với nhà mạng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền từ tài khoản của khách hàng sang các ví điện tử của khách hàng tại các thuê bao khi những dự án của nhà mạng được pháp luật cho phép.
- Nghiên cứu điều chỉnh mức phí hợp lý cho những khách hàng có nhiều giao dịch trong một ngày, nhất là những giao dịch nhỏ.
- Tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán, lấy việc cung ứng dịch vụ trên thiết bị di động làm mục tiêu chính; phối hợp với các đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ để kết nối, tích hợp hệ thống công nghệ thông tin của các đơn vị này với hệ thống thanh toán của ngành Ngân hàng; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
5. Kết luận
Xu thế phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt là tất yếu và quan điểm đi tắt, đón đầu trong phát triển công nghệ cần được xem xét kỹ lưỡng xong cần thận trọng, đảm bảo sự phát triển phù hợp với từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế đất nước, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả. Trong điều kiện hiện nay, để phát triển tốt hơn dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, trước hết HDBank cần thực hiện một số bước đi thích hợp. Hy vọng trong xu thế hiện đại hóa, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt sớm được ứng dụng phổ biến và trở thành phương tiện thân thuộc với mỗi tổ chức, cá nhân tham gia dịch vụ ngân hàng, vì tính tiện lợi, kinh tế và hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2019). Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện đề án Thanh toán không dùng tiền mặt.
- Thủ tướng Chính phủ (2020). Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
- Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (2020). Báo cáo tình hình hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
- Nguyễn Thị Ngọc Diễm (2019). Quản lý nhà nước đối với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong thanh toán nội địa của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận án Tiến sĩ, Trường Đại học Thương mại.
- Nguyễn Thanh Thảo (2020). Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Tạp chí Tài chính, Kỳ 1 tháng 3/2020.
- Trần Văn Dũng (2021). Phát triển ngân hàng điện tử ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Tài chính, Kỳ 2 - Tháng 11/2020.
IMPROVING THE QUALITY OF CASHLESS PAYMENT SERVICES PROVIDED BY HO CHI MINH CITY DEVELOPMENT JOINT STOCK COMMERCIAL BANK - DONG NAI BRANCH
NGUYEN THI NGOC THE
Dong Nai Technology University
ABSTRACT:
By analyzing the development of non-cash payment services of Ho Chi Minh City Development Joint Stock Commercial Bank (HDBank) - Dong Nai branch, this paper presents the current situation and assesses the advantages and disadvantages of the bank’s cashless payment services development. The paper also proposes some solutions to help the bank improve its non-cash payment services.
Keywords: solution, service quality, cashless payment.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ,
Số 19, tháng 8 năm 2021]