Thêm công cụ ngăn chặn, hạn chế sự lưu thông của hàng giả

Từ cuối tháng 11/2021, Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm đã được mở cửa thường xuyên, định kỳ trên phố Tràng Tiền, Hà Nội.

 Đây được coi là một trong nhiều “công cụ” phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm soát, ngăn chặn xử lý các sản phẩm giả, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường.

Thật - giả lẫn lộn

Qua một số khảo sát của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), hàng giả, hàng kém chất lượng đã có mặt ở mọi phân khúc thị trường, từ các vùng nông thôn đến thành phố lớn; từ các giao dịch trực tiếp ở các chợ, cửa hàng đến nhiều trang web thương mại điện tử. Năm 2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, phát hiện và xử lý trên 66.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 136 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm trên 392 tỷ đồng. Đến năm 2021, dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, toàn lực lượng đã nỗ lực phát hiện, xử lý 41.375 vụ vi phạm, ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng.

Hàng giả, hàng kém chất lượng đã vi phạm trong mọi lĩnh vực như: quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, quyền lợi người tiêu dùng…”, lãnh đạo Tổng cục QLTT từng khẳng định.

Phòng trưng bày hàng thật hàng giả
Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh cùng khách tham quan trải nghiệm, nhận diện các sản phẩm hàng thật - hàng vi phạm được giới thiệu tại Phòng trưng bày

Cũng theo vị lãnh đạo này, hàng giả hiện nay đang được làm ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn vi phạm và không dừng lại ở phạm vi sản xuất, kinh doanh trong nước mà còn liên quan đến yếu tố nước ngoài. Một số sản phẩm bị làm giả, làm nhái nổi cộm trong thời gian gần đây như: Kit test nhanh Covid-19, khẩu trang y tế, đồ bảo hộ phòng chống dịch Covid-19, bánh kẹo, sản phẩm thời trang, thuốc, phân bón...

Các đối tượng sẵn sàng đội lốt xuất xứ cho hàng hóa để lừa dối người tiêu dùng với các mánh khóe gian lận như: sản phẩm trưng bày, quảng cáo là hàng chính hãng nhưng hàng bán ra là hàng giả, hàng nhái. Các sản phẩm giả luôn có địa chỉ sản xuất nhưng thường là địa chỉ không có thật. Đối phó với lực lượng chức năng các đối tượng có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối phụ trách ở từng khâu trong quá trình sản xuất, vận chuyển hàng hóa đưa đi tiêu thụ. Nhiều cơ sở vi phạm hoạt động với mục tiêu sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó, không tích trữ số lượng lớn.

Phòng trưng bày hàng thật hàng giả
Phòng Trưng bày hàng thật - hàng vi phạm sẽ là một trong nhiều công cụ phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm soát, ngăn chặn xử lý các sản phẩm giả, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường

“Choáng ngợp” trong không gian trưng bày hàng thật - hàng giả, chị Thu Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, ghé thăm Phòng Trưng giới thiệu hàng thật, hàng vi phạm trên phố đi bộ Hoàn Kiếm, Hà Nội mà không khỏi bất ngờ khi những thực phẩm sử dụng hàng ngày trong gian bếp như: bột ngọt, sa tế, hạt nêm hay rượu, bia... lại được làm giả một cách tinh vi, rất khó phát hiện.

“Tôi không thể phân biệt được đâu là gói mì chính Ajinomoto thật, đâu là hàng giả, hàng vi phạm dù hai sản phẩm này được đặt cạnh nhau. Phải đến khi có người hướng dẫn, chỉ ra các điểm khác biệt giữa hai sản phẩm thật và giả, tôi mới phân biệt được. Hàng giả được làm quá tinh vi, kỳ công, người tiêu dùng rất dễ bị đánh lừa nếu không được trang bị kiến thức để nhận diện”, chị Thu Hoài chia sẻ.

Thêm “công cụ” hiệu quả ngăn chặn hàng giả

Câu chuyện mà chị Thu Hoài chia sẻ không còn là mới, là lạ khi hàng ngày, đường dây nóng của Tổng cục QLTT hay các kênh truyền thông của lực lượng liên tiếp nhận được những cuộc gọi, những phản ánh của người tiêu dùng khi mua, sử dụng phải những sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT từng nhận định, trong công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đặc biệt phải đề cao đến biện pháp phòng ngừa. Do vậy, để công tác này đạt hiệu quả cao hơn nữa, từ tháng 11/2021, Tổng cục QLTT đã mở cửa Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm thường xuyên và định kỳ nhằm cung cấp thông tin, cách nhận biết để người tiêu dùng, khách tham quan nhận diện được các dấu hiệu hàng giả, hàng thật của các sản phẩm hàng hóa.

Không những vậy, Phòng trưng bày được kỳ vọng, giúp nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc mua sắm các sản phẩm chính hãng, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người dân, cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng nhái, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường.

Phòng trưng bày hàng thật hàng giả

Ông Nguyễn Minh Đức - Trưởng đại diện, Giám đốc Quan hệ và Thị trường Chính phủ, Công ty TNHH 3M (đơn vị từng có sản phẩm giới thiệu tại Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả) chia sẻ, Phòng trưng bày không chỉ góp phần bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ các doanh nghiệp với vai trò chủ thể quyền sở hữu trí tuệ mà còn khẳng định, cam kết sự đồng hành của Chính phủ, của các lực lượng chức năng trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Tương tự, ông Nguyễn Trần Tiến - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thời trang Yody cũng cho rằng, Phòng Trưng bày một lần nữa khẳng định sự đồng hành của Chính phủ, của lực lượng chức năng nói chung và của lực lượng QLTT nói riêng với cộng đồng  doanh nghiệp trong việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, doanh nghiệp.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia đến từ các Bộ, ngành, Phòng Trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả, hàng vi phạm của Tổng cục QLTT là một kênh truyền thông rất ý nghĩa, thiết thực trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái tràn lan, giúp người tiêu dùng trang bị được nhiều kiến thức, thông tin mới trong lựa chọn, nhận diện hàng thật, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đặc biệt, đây sẽ là một trong nhiều công cụ phục vụ hiệu quả cho công tác kiểm soát, ngăn chặn xử lý các sản phẩm giả, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường.

Nguyên Vỵ