Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên về việc thành lập 3 đoàn công tác giám sát những hoạt động kinh doanh xăng dầu trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, trong ngày 3/9, Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) do Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương làm Trưởng đoàn đã giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên.
Trong quá trình giám sát, Đoàn tập trung vào công tác kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu… Trong đó, chú trọng kiểm tra, giám sát những nơi thông báo hết hàng, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Ghi nhận chung của Đoàn giám sát trong ngày 3/9 cho thấy, hầu hết các CHXD đều đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, cá biệt, có một số nơi hết hàng nhưng chỉ là cục bộ, nhất thời.
Giảm sát 21 cửa hàng xăng dầu
Trên địa bàn thành phố Hà Nội, Đoàn đã di chuyển qua 05 cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn. Theo ghi nhận, đa số các cửa hàng đều hoạt động bình thường, nguồn xăng, dầu đủ để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, tại cửa hàng xăng dầu số 2 của Công ty cổ phần Nam Hồng, tại địa chỉ Km6, đường Bắc Thăng Long Nội Bài-Nam Hồng, Đông Anh, Hà Nội; có thương nhân phân phối là Công ty cổ phần vật tư thương mại Vĩnh Phúc đã hết mặt hàng xăng, chỉ còn kinh doanh dầu. Tại thời điểm Đoàn có mặt, cửa hàng này không treo biển hết xăng để thông báo với người dân.
“Chúng tôi mới hết xăng từ đầu giờ sáng nay. Còn dầu vẫn bán bình thường”, một nhân viên tại đây cho biết.
Truy nguyên nhân vì sao để xảy ra tình trạng hết hàng tại cửa hàng này, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Ánh Dương đã chỉ đạo trực tiếp Đội QLTT phụ trách địa bàn để xác minh.
“Làm việc với cửa hàng, với thương nhân phân phối, xác định rõ lý do vì sao không có hàng để bán; do thiếu nguồn cung hay do hàng về không kịp”, Phó Tổng cục trưởng chỉ đạo và nhấn mạnh, phải truy đến cùng, tìm gốc rễ của tình trạng thiếu hàng, chưa đủ hàng.
Được biết, tại cây xăng này, đội Quản lý địa bàn đã tiến hành lập biên bản ghi nhận tình trạng hết xăng 02 lần vào 02 ngày liên tiếp 01-02/9/2022.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Đoàn di chuyển qua 06 cửa hàng xăng dầu tại huyện Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên. Đoàn giám sát ghi nhận 03/06 cửa hàng thông báo hết mặt hàng xăng RON 95-III đều là các cửa hàng nhượng quyền thương mại của Petrolimex Hà Nội gồm: Cửa hàng xăng dầu số 2 thuộc Chi nhánh Công ty TNHH Hoàng Vân-Vĩnh Phúc, phường Phúc Thắng, TP. Phúc Yên; Cửa hàng xăng dầu Hùng Vương, thuộc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Hoài Nam, địa chỉ tổ 8, phường Hùng Vương, thành phố Phúc Yên; Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Hồng Quân, địa chỉ thôn Hưởng Lộc, xã Đạo Đức huyện Bình Xuyên. Còn các mặt khác vẫn bán bình thường, không hạn chế số lượng bán ra cũng như thời gian bán hàng.
Làm việc với Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc để nắm bắt tình hình, Đoàn giám sát được biết, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 04 thương nhân phân phối xăng dầu (gồm: Chi nhánh xăng dầu Vĩnh Phúc; Công ty cổ phần Vật tư thương mại Vĩnh Phúc; Công ty TNHH TM Anh Long và Công ty TNHH xăng dầu Vạn Cường) và 81 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, với 155 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (trong đó 154 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 01 tàu dầu) đang hoạt động trên toàn tỉnh.
Nhìn chung các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều chấp hành tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, đều là thương nhân được thành lập theo quy định, đảm bảo các điều kiện kinh doanh, điều kiện phòng cháy chữa cháy, niêm yết công khai thời gian bán hàng, niêm yết giá đúng quy định, đảm bảo về đo lường và chất lượng hàng hoá khi bán hàng cho người tiêu dùng.
Song Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Phương chia sẻ, vài ngày gần đây, trên địa bàn có xuất hiện tình trạng kinh doanh gián đoạn cục bộ, một số cửa hàng hết hàng xăng RON 95-III. Sau khi trao đổi với Chi nhánh xăng dầu, lực lượng cũng nắm bắt tình hình, nhắc nhở các cửa hàng sớm điều chỉnh, tránh để tình trạng hết hàng cục bộ kéo dài.
Cũng theo Cục trưởng Hoàng Phương, trong những ngày qua, lực lượng QLTT Vĩnh Phúc đã tăng cường hoạt động giám sát, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn được phân công quản lý, phụ trách và tổ chức phối hợp với các lực lượng chức năng để kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi găm hàng, tăng giá trái phép, dừng bán hàng trái quy định và các vi phạm khác (nếu có) nhằm thu lợi bất hợp pháp.
Trong ngày 03/9, các Đội quản lý địa bàn đã ghi nhận 03 cửa hàng báo hết xăng. Trong số đó, có cửa hàng trùng với quá trình giám sát của Đoàn công tác Tổng cục QLTT. Trường hợp này đã được đoàn kiểm tra tiến hành đo bể vào ngày 2/9 và khẳng định việc hết hàng.
Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, trong ngày 3/9, Đoàn đã dừng chân tại 10 CHXD trên địa bàn huyện Phổ Yên, thành phố Sông Công, thành phố Thái Nguyên. Tại đây tình hình kinh doanh xăng dầu tương đối ổn định. Nhiều cửa hàng cũng như người tiêu dùng cho biết không gặp khó hoặc gián đoạn trong quá trình mua xăng dầu. Duy chỉ có một vài cửa hàng chỉ bán một loại xăng hoặc E5 RON 92 hoặc RON 95-III do “một cột bơm bị hỏng”. Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương đã chỉ đạo Đội QLTT địa bàn nhanh chóng xác minh, làm rõ lý do trên.
Thiếu RON95-III chỉ là tạm thời
Làm việc với Cục QLTT tỉnh Vĩnh Phúc, trưởng Đoàn giám sát, Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương nhấn mạnh và chỉ đạo Cục QLTT Vĩnh Phúc cần xác định nguyên nhân cùng một thương nhân phân phối mà cửa hàng có hoặc không có hàng, để xử lý nghiêm. Không để tình trạng 2 CHXD cùng nhập hàng từ 1 nguồn mà nơi có hàng, nơi thông báo hết hàng.
Đặc biệt, Phó Tổng Cục trưởng yêu cầu, Cục QLTT tỉnh phải xác thực với các thương nhân nhượng quyền về việc nguồn cung có ổn định hay không?; Không để xảy ra tình trạng cửa hàng xăng dầu mà chỉ bán dầu, hết xăng.
Mặt khác, Phó Tổng Cục trưởng cũng đề nghị, Cục QLTT Vĩnh Phúc cần tăng cường giám sát hoạt động của cây xăng trên địa bàn, nếu để xảy ra tình trạng hết hàng mà lực lượng QLTT không nắm bắt được thì quy trách nhiệm của Đội trưởng từng khu vực. Đồng thời, báo cáo tình hình lên Tổng cục để có biện pháp để triển khai, không để tình trạng khách vào rồi lại ra vì không có hàng.
Trong khi đó, theo chia sẻ của lãnh đạo Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, khi làm việc với nhiều cửa hàng kinh doanh trên địa bàn tỉnh thì một trong những nguyên nhân chính được đưa ra là thiếu nguồn cung, hoặc chỉ được nhập với khối lượng hạn chế.
Ông Chu Quốc Khánh, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên cho biết, dịp nghỉ Lễ 2/9, đơn vị đã nhận được công văn báo cáo của một số doanh nghiệp xin tạm dừng bán xăng RON95-III. Đơn cử, Doanh nghiệp tư nhân Trung Dũng (TP. Thái Nguyên) nêu: Tính đến hết ngày 1/9/2022, Cửa hàng xăng dầu tư nhân Trung Dũng đã hết mặt hàng xăng Ron95-III. Doanh nghiệp đã gọi điện lên Công ty Xăng dầu Bắc Thái để xin cấp mặt hàng xăng này, được Công ty trả lời hết nguồn. Do vậy, Doanh nghiệp xin tạm dừng bán xăng Ron95-III đến khi nào Công ty Xăng dầu Bắc Thái cấp nguồn thì tiếp tục bán.
Còn công văn của Công ty TNHH Xăng dầu Quyết Tiến, tổ dân phố Trại, phường Tân Hương, TP. Phổ Yên, ngày 30-8-2022, nêu: Hiện nay, tình hình kinh doanh xăng dầu vô cùng khó khăn về: (1) Nguồn hàng (các đầu mối báo hết nguồn, xuất hàng ra quá nhỏ giọt, tại kho các mặt hàng không đầy đủ). (2) Chiết khấu: Các kho cho chiết khấu bằng 0 đồng/lít gần như là không xuất hàng ra. Để có hàng cấp cho các đại lý, chúng tôi phải lấy hàng từ những nguồn hàng không có chiết khấu. Như vậy, về đến cửa hàng phải bù hoàn toàn cước vận chuyển + phần cộng thêm + chi phí bán hàng. Du đã rất cố gắng để phục vụ nhân dân nhưng với những lý do trên, các đại lý bị lỗ quá nhiều, không thể tiếp tục kinh doanh được nữa, dẫn đến xin tạm nghỉ bán hàng là việc không tránh khỏi…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Huệ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xăng dầu (Petrolimex) Bắc Thái, đơn vị vẫn đủ hàng cung cấp cho các đơn vị theo kế hoạch. Nhưng tại một số thời điểm nhất định, do hàng chưa về kịp nên có tình trạng hết hàng tạm thời, nhưng chỉ một vài tiếng sau sẽ có. Những ngày này, nhu cầu đối với các mặt hàng xăng dầu tăng khoảng 40%. Vì thế, những cửa hàng, đại lý lấy nhiều hơn so với hạn mức đã ký kết hợp đồng với Công ty sẽ không hoặc chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.
Trong buổi làm việc với Cục QLTT Thái Nguyên, trưởng Đoàn giám sát, Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương nhận định, có tình trạng những cây xăng chỉ bán RON95 với lý do không nhập được E5-RON92 hoặc có cửa hàng chỉ bán E5-RON92 mà không bán RON95 với lý do tương tự như trên. Trừ những cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống của PVoil và Petrolimex thì đầy đủ các loại xăng. Khi trao đổi với đại diện các cửa hàng này cho biết, sản lượng mấy ngày gần đây tăng lên gấp đôi do lượng khách đổ dồn về mua hàng, tuy nhiên những cửa hàng này vẫn có thể cung ứng được cho người tiêu dùng.
Song, Phó Tổng Cục trưởng Hoàng Ánh Dương cũng đặt câu hỏi, hiện tượng một số cây xăng dán “hỏng máy”, “hỏng trụ bán hàng”, gây ra điều bất hợp lý, yêu cầu lực lượng chức năng kiểm tra kỹ việc này, tránh để tình trạng găm hàng, bán hàng cầm chừng, đợi tăng giá mới bán.
Tăng cường giám sát, nắm chặt địa bàn quản lý
Xác định xăng dầu tiếp tục là mặt hàng quan trọng, thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều tầng lớp xã hội, đặc biệt là người dân, trong chương trình giám sát nhân dịp người dân đón Tết độc lập, Phó Tổng cục trưởng Hoàng Ánh Dương đề nghị Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc có hiệu quả sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các thương nhân phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh để làm rõ nguyên nhân, lý do một số mặt hàng như xăng E5-RON 92, xăng RON 95 hết hàng, không kịp thời cung cấp nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng cũng lưu ý, các đơn vị tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai đồng bộ, kịp thời các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình để phát hiện các thủ đoạn, phương thức trong kinh doanh, vận chuyển, phân phối, lưu thông mặt hàng xăng đầu, phát hiên, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các đối tượng gian lận thương mại, buôn lậu, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng,…
Đồng thời nâng cao chất lượng hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vận động người dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu; tích cực phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu để xử lý.