Thu hút FDI đã có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn cần thêm trợ lực mạnh mẽ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù vốn đăng ký đầu tư nước ngoài cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song vốn góp của các nhà các nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư thu hút được trong 5 tháng đầu năm 2020.

Thu hút FDI đã có những tín hiệu khả quan

Tính đến ngày 20/5/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) 5 tháng đầu năm 2020 đạt 13,89 tỷ USD, bằng 83% so với cùng kỳ năm 2019, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Theo đó, vốn đăng ký cấp mới và vốn điều chỉnh tăng hơn so với cùng kỳ, song vốn góp của các nhà đầu tư nước ngoài theo phương thức góp vốn mua cổ phần vẫn tiếp tục giảm mạnh, làm giảm tổng vốn đầu tư thu hút được trong 5 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị, vốn đăng ký vẫn tăng so với cùng kỳ các năm 2016-2018 (tăng 40,3% so với năm 2018, 11,5% so với năm 2017 và 36,7% so với năm 2016). Trong đó, có 1.212 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (GCNĐKĐT), tổng vốn đăng ký đạt 7,44 tỷ USD, tăng 15,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019, có 436 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 13,7% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,45 tỷ USD, tăng 31,4% so với cùng kỳ.

 

thu hút FDI
Cơ cấu vốn đầu tư đăng ký 5 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ các năm 2016-2019

Nguyên nhân của dòng vốn đầu tư tăng là do trong 5 tháng đầu năm có dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp Giấy chứng nhận đầu tư mới với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 53,8% tổng vốn đăng ký mới. Dự án lớn đã đẩy quy mô dự án bình quân tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,7 triệu USD năm 2019 lên 6,1 triệu USD trong năm 2020. Còn về  vốn điều chỉnh, Vốn điều chỉnh trong 5 tháng tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo Bộ kế hoạch đầu tư cho biết, mặc dù số lượt góp vốn, mua cổ phần tăng, song quy mô góp vốn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 5 tháng đầu năm 2019. Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư đăng ký cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ 45,7% trong 5 tháng năm 2019 xuống 21,5% trong 5 tháng năm 2020. Cụ thể, đối với góp vốn, mua cổ phần, có 3.528 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN, tăng 11,6% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 2,99 tỷ USD, bằng 39,1% so với cùng kỳ.

Theo Bộ kế hoạch và đầu tư, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài đã giảm giảm cả về giá trị so với cùng kỳ cũng như tỷ trọng trong kim ngạch xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu kể cả dầu thô đạt 66,06 tỷ USD, bằng 93,1% so với cùng kỳ, chiếm 66,5% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 65,37 tỷ USD, bằng 93,3% so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 65,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 5 tháng đầu năm 2020. Nhập khẩu của khu vực ĐTNN đạt 55,54 tỷ USD, bằng 95,7% so cùng kỳ và chiếm 57% kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Mặc dù giảm so với cùng kỳ, song tính chung trong 5 tháng đầu năm 2020, khu vực ĐTNN vẫn xuất siêu 10,5 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 9,8 tỷ USD không kể dầu thô, bù đắp phần nhập siêu 8,6 tỷ USD của khu vực trong nước, giúp cả nước xuất siêu 1,88 tỷ USD.

thu hút FDI công nghiệp
 Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu

Cần có tư duy mới để đón bắt các dòng đầu tư hậu Covid-19

Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài ứng phó với các thách thức toàn cầu do COVID-19 gây ra, theo một số chuyên gia, có 4 lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tập đoàn quốc tế đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa địa điểm đầu tư và tái định vị cơ sở sản xuất. Thực tế, các nhà đầu tư lớn đã liên tiếp đầu tư mở rộng và triển khai các dự án mới tại Việt Nam. Chúng ta có nhiều cơ hội đón đầu dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các công ty đa quốc gia, là điểm đến tiềm năng trong chính sách đa dạng hóa nguồn cung ứng...

Số liệu báo cáo thể hiện, 5 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,88 tỷ USD, chiếm 49,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,92 tỷ USD, chiếm 28,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực bán buôn bán lẻ, hoạt động kinh doanh bất động sản với tổng vốn đăng ký 945 triệu USD và 801 triệu USD.

Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,31 tỷ USD, chiếm 38,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,45 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,... Nếu xét theo số lượng dự án thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 325 dự án, Trung Quốc đứng vị trí thứ hai với 176 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 133 dự án, Hồng Kông đứng thứ tư với 113 dự án;…  Theo địa bàn đầu tư, các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 57 tỉnh, thành phố, trong đó Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 01 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 28,8% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 1,9 tỷ USD, chiếm 13,9% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba với 1,6 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Hà Nam, Bình Dương... 

Nhằm thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn hậu Covid 19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần có tư duy mới. Các ngành, các địa phương phải đón bắt, đón đầu dòng đầu tư mới này. Thủ tướng đề nghị, phải xây dựng ngay đề án để Thủ tướng có sự chỉ đạo chung trên tinh thần là nhanh và mạnh hơn, rõ hơn. Đặc biệt, đề án phải giải quyết các điểm nghẽn của nhà đầu tư như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực. 

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập tổ công tác đặc biệt để lo vấn đề này, do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, cùng lãnh đạo một số cơ quan. Địa phương nào có dự án thì bổ sung vào tổ công tác thành phần của địa phương đó để giải quyết nhanh các thủ tục, nhu cầu mà nhà đầu tư đặt ra.   “Thu hút đầu tư nước ngoài công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn là hướng đi cần thiết, nhưng bên cạnh đó, tiếp tục tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, nhất là tư nhân, đầu tư làm ăn tại Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tuấn Hưng