Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng

Ngày 11/7/2023, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng một số lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của hơn 150 đại biểu đại diện lãnh đạo ban, bộ, cơ quan Trung ương, đại diện một số địa phương và đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các cơ sở nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội, doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay ở nước ta, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên tỉ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2.9 triệu tỷ đồng) .

Như vậy, vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư kinh tế - xã hội; việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt là nguồn lực khu vực tư đóng vai trò hết sức quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các quốc gia phát triển như Hàn Quốc, Canada, Pháp .. và những quốc gia đang phát triển.

đối tác công tư PPP
Ông Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu

Trong những năm qua, việc triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng của đất nước. Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư truyền thống bao gồm ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước thông qua cơ chế PPP đã góp phần thay đổi hình ảnh của các địa phương, cải thiện đáng kể hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng. Hàng nghìn tỷ đồng vốn từ nhân đã được huy động để xây dựng quốc lộ, đường cao tốc, nhà máy điện và nhiều dự án góp khác góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Hội thảo nhằm phục vụ việc nghiên cứu, tham mưu tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương định hướng lớn của Đảng về đột phá chiến lược trong hoàn thiện đồng bộ thể chế và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng được nêu tại Văn kiện Đại hội Đảng XIII và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng (Nghị quyết 13-NQ/TW khoá XI, Nghị quyết 55-NQ/TW khoá XII …), thúc đẩy cung cấp dịch vụ công theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết 19-NQ/TW và Nghị quyết 20-NQ/TW khoá XII) và phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết 10-NQ/TW khoá XII); Tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm về thúc đẩy hợp tác công tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội.  

Hội thảo là diễn đàn trao đổi giữa đại diện các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các chuyên gia, nhà khoa học để làm sáng tỏ hơn về mặt lý luận và thực tiễn, tìm hiểu thêm về kinh nghiệm quốc tế. Đồng thời, nhìn lại các cơ chế, chính sách hiện hành của Việt Nam về thúc đẩy hợp tác đối tác công tư trong phát triển hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó tập trung chủ yếu các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, giao thông, năng lượng, cấp nước, xử lý nước thải, rác thải và một số dịch vụ công ích khác.

Tại phiên toàn thể, các đại diện từ bộ, ngành, ngân hàng, tổ chức quốc tế tập trung trao đổi về tình hình thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội, thực trạng và giải pháp; đánh giá khách quan về những kết quả đạt được trong triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư tại Việt Nam; phân tích những khó khăn, hạn chế trong thực hiện triển khai đầu tư theo phương thức đối tác công tư, như: số lượng các dự án mới còn hạn chế; lĩnh vực đầu tư PPP mới chỉ tập trung trong lĩnh vực giao thông; nguồn vốn ngân sách chưa thực sự phát huy được vai trò dẫn dắt thu hút các nguồn lực khác; cơ chế bảo đảm đầu tư còn nhiều bất cập. Nguyên nhân của các hạn chế, khó khăn cũng đã được phân tích, như: Công tác tuyên truyền, hướng dẫn còn thiếu hiệu quả; nhiều dự án được lựa chọn áp dụng PPP chưa khả thi; Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa quy định một số lĩnh vực như văn hóa, thể thao, du lịch; chưa có quy định về cơ chế hiện thực hoá cam kết của phía Nhà nước đối với các bảo lãnh trong hợp đồng PPP…

Các đại biểu đã trao đổi, đề xuất các giải pháp xây dựng môi trường thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư tin cậy, bền vững; thảo luận về  những vướng mắc trong cơ chế tài chính đối với dự án PPP; Kỳ vọng của nhà đầu tư quốc tế đối với phương thức PPP; đưa ra các giải pháp thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư trong các ngành, lĩnh vực như y tế, giao thông; kinh nghiệm triển khai các dự án PPP trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng và xã hội tại địa phương…

Phiên thảo luận bàn tròn sâu 02 chuyên đề: “Giải pháp  thúc đẩy PPP trong phát triển một số lĩnh vực xã hội và cung cấp dịch vụ sự nghiệp công” và “Giải pháp thúc đẩy PPP trong lĩnh vực giao thông, năng lượng, xử lý rác thải, nước thải, cấp nước”.

Theo Ban tổ chức, buổi chiều, các đại biểu trao đổi, chia sẻ quan điểm, luận cứ đối với phương thức PPP nhằm xác định những điểm yếu cần khắc phục, những điểm mạnh cần phát huy trong thu hút khu vực tư nhân cùng tham gia cung cấp hạ tầng và dịch vụ công với khu vực nhà nước. Các tham luận tập trung vào các chủ đề quan trọng, như: Chủ trương của Đảng và Nhà nước về hợp tác công tư trong phát triển kinh tế - xã hội; một số kinh nghiệm và giải pháp thúc đẩy hợp tác công tư, huy động nguồn lực tư nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam; Sử dụng nguồn lực công làm đòn bẩy thu hút khu vực tư trong PPP; quá trình chuẩn bị dự án PPP và các vướng mắc; thu hút đầu tư tư nhân vào lĩnh vực giáo dục đại học ở Việt Nam...

Hội thảo góp phần phân tích làm sáng tỏ hơn lý luận, tư duy, kinh nghiệm quốc tế cũng như phát hiện khó khăn, vướng mắc đối với việc triển khai phương thức đối tác công tư, trong đó tập trung phân tích việc sử dụng nguồn lực công theo khía cạnh dẫn dắt, khắc phục hạn chế của cơ chế thị trường, đồng thời trao đổi, đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ, nâng cao hiệu quả thúc đẩy hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng trong một số lĩnh vực kinh tế, xã hội ở Việt Nam. 

Trên cơ sở kết quả Hội thảo, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến trao đổi, thảo luận, góp ý; nghiên cứu đầy đủ các tài liệu, các tham luận, báo cáo chuyên đề liên quan để phục vụ công tác nghiên cứu, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời gửi các cơ quan chức năng liên quan thực hiện chức năng thể chế hóa, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát triển khai, thực hiện các nghị quyết của Đảng có liên quan đến đầu tư theo phương thức đối tác công tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thăng Long