Thực trạng và giải pháp phát triển các sản phẩm du lịch của tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới

ThS. PHẠM XUÂN PHÚ (Khoa Du lịch khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hưng Yên là tỉnh trung tâm của đồng bằng sông Hồng, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, gồm: những di tích lịch sử văn hóa, những làng nghề thủ công truyền thống, những đặc sản ẩm thực,… Tuy nhiên, thực trạng khai thác các sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, chưa thực sự thu hút khách du lịch, chưa đem lại hiệu quả cao, chưa mang tính đặc trưng và sức cạnh tranh so với các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung và khu vực đồng bằng sông Hồng nói riêng. Bài viết phân tích thực trạng và giải pháp nhằm phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hưng Yên.

Từ khóa: sản phẩm du lịch, tỉnh Hưng Yên, đại dịch Covid-19.

1. Đặt vấn đề

Hưng Yên nằm ở vị trí trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ thủ đô Hà Nội, là địa phương có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.800 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 172 di tích cấp quốc gia, 250 di tích cấp tỉnh và 5 bảo vật quốc gia; cùng với các làng nghề truyền thống nổi tiếng và hơn 400 lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Hưng Yên còn là quê hương của nhiều đặc sản hấp dẫn, như: nhãn lồng, bún thang, gà Đông Tảo, bánh răng bừa, chè hạt sen long nhãn,... đều là những nguồn tài nguyên có giá trị cho phát triển du lịch.

Trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên đã có những nỗ lực nhất định trong việc đẩy mạnh phát triển du lịch và đã thu được một số thành quả nhất định. Số lượt khách du lịch tăng trên 10%/năm, đến năm 2019 đã đạt 1 triệu lượt khách. Tuy nhiên, bức tranh du lịch tỉnh Hưng Yên còn rất mờ nhạt so với toàn cảnh khu vực cũng như quốc gia, chưa xứng với tiềm năng sẵn có, đóng góp của du lịch trong phát triển kinh tế của tỉnh còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân là sản phẩm du lịch của Hưng Yên còn đơn điệu, nhàn chán, chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có, ít được đầu tư. Thêm vào đó với tác động của đại dịch Covid-19 đã làm cho du lịch Hưng Yên đang gặp rất nhiều khó khăn. Đại dịch Covid-19 khiến lượng du khách sụt giảm mạnh, các hoạt động du lịch gần như phải “ngủ đông”, rất nhiều doanh nghiệp du lịch dừng hoạt động. Đại dịch Covid -19 đã thay đổi ngành Du lịch, tạo ra những xu hướng du lịch mới, như du lịch không chạm, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nội địa và gần nhà,… Chính vì vậy, phát triển du lịch trong bối cảnh mới là một trong những trọng tâm của du lịch Hưng Yên.

2. Thực trạng kết quả ngành Du lịch Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2021

Trong thời gian qua, với định hướng phát triển để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai, Du lịch Hưng Yên đã đạt được những thành tựu đáng kể, có những đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những kết quả đánh giá thông qua khách du lịch và tổng thu từ du lịch, thể hiện thông qua Bảng 1.

Bảng 1. Lượt khách, tổng thu từ khách du lịch giai đoạn 2016 - 2021

TT

Nội dung

ĐVT

Năm 2016

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

1

Lượt khách

người

700.000

750.000

900.000

1.000.000

300.000

 40.000

- Nội địa

người

688.000

731.000

880.000

979.500

250.000

 37.800

- Quốc tế

người

12.000

19.000

20.000

20.500

5.000

 2.200

Tăng trưởng

%

 -

 107,14

 120,00

 111,11

 30,00

 13,33

2

Doanh thu

Tr.đồng

105.000

150.000

200.000

220.000

70.000

12.000

 

Tăng trưởng

%

-

 120,00

 133,33

 110,00

 31,82

 17,14

Nguồn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên

Lượng khách và doanh thu du lịch Hưng Yên tăng qua các năm từ năm 2016 - 2019. Riêng 2 năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nên lượng khách và doanh thu giảm 70% - 80% so với năm 2019.

Giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách tăng nhanh đặc biệt năm 2018 tăng 20% là do cuối năm 2017 đầu năm 2018, Hưng Yên đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và phấn đấu đến năm 2025 đưa du lịch tỉnh Hưng Yên thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo đó, tỉnh Hưng Yên đang tích cực kêu gọi đầu tư, thiết kế nhiều sản phẩm du lịch làng nghề, tăng tính trải nghiệm cho du khách. Số lượng khách du lịch quốc tế và nội địa đều có xu hướng tăng trong giai đoạn 2016 - 2019. Tuy nhiên, cơ cấu khách du lịch đến Hưng Yên vẫn chủ yếu là khách du lịch nội địa, trong đó phần lớn là khách từ các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh,… lượng khách từ các tỉnh miền Trung, miền Nam chiếm tỷ lệ nhỏ.

Khách quốc tế đến Hưng Yên hiện tại không nhiều, trong cơ cấu khách thì khách du lịch quốc tế chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng lượng khách (trong giai đoạn 2016 - 2021, lượt khách quốc tế chiếm tỷ lệ trung bình là 2,2% tổng lượt khách). Khách du lịch quốc tế đến Hưng Yên chủ yếu là khách từ khu vực châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc,…) mục đích chính chủ yếu là thương mại, công vụ, quá cảnh. Lượng khách này thường là các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh tại các khu công nghiệp (khu công nghiệp Thăng Long 2, khu công nghiệp Phố Nối A-B,…). Ngoài ra, Hưng Yên có lượng khách quốc tế tại các quốc gia thuộc thị trường Bắc Mỹ, Đông Âu, Tây Âu,… thường khám phá Hưng Yên theo tuyến du lịch sông Hồng, hoặc đường bộ. Tuy nhiên, thời gian lưu trú không nhiều, chủ yếu chỉ trong ngày.

Tổng thu từ khách du lịch tăng qua các năm từ 2016 - 2019, nhưng từ năm 2020 - 2021 do Covid - 19 nên cũng giảm mạnh. Qua số liệu ta thấy mặc dù doanh thu tăng, nhưng doanh thu trên một lượt khách thấp cao nhất năm 2021 là 300.000/khách, chủ yếu là tiền vé thăm quan và tiền ăn uống. Điều này do khách du lịch đến Hưng Yên chủ yếu trong ngày nên khách ít sử dụng dịch vụ lưu trú, bên cạnh đó sản phẩm du lịch của Hưng Yên còn ít, đơn điệu không thu hút chi tiêu của khách du lịch.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú của tỉnh đã được quan tâm đầu tư cả về số lượng và chất lượng. Số cơ sở lưu trú của tỉnh có tăng trưởng qua các năm, năm 2016 có 198 cơ sở lưu trú, năm 2021 có 270 cơ sở lưu trú. Loại hình khách sạn thì tăng trong các năm từ 2016 đến năm 2019, trong năm 2020, năm 2021 không tăng do tác động của Covid - 19. Song hình thức homestay, loại hình chính góp phần tăng số lượng cơ sở lưu trú, hoạt động khá hiệu quả. Các cơ sở homestay chủ yếu ở khu Ecopark, bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2019, nơi có không khí trong lành, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời, rất phù hợp cho các kỳ nghỉ ngắn ngày, cuối tuần nhằm phục hồi sức lao động của người dân Hà Nội và các vùng phụ cận.

Thêm vào đó, Hưng Yên hiện tại có khoảng 382 điểm ăn uống nằm cả trong và ngoài khách sạn, thực đơn của các nhà hàng không đa dạng, chủ yếu là các món ăn của Việt Nam, ít nhà hàng phục vụ được nhu cầu của các thị trường khách quốc tế. Nhìn chung, các nhà hàng ăn uống còn thiếu về chủng loại và số lượng, nhiều cơ sở kinh doanh có chất lượng chưa cao. Trong tương lai, Hưng Yên cần phát triển thêm các loại hình ăn uống cho phù hợp với nhu cầu của nhiều thị trường khách du lịch. Các tiện nghi ăn uống cần chú ý đến bài trí, trang hoàng, chất lượng vệ sinh và cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên để tạo cảm giác nghỉ ngơi thư giãn.

Ngoài ra, Hưng Yên hiện nay đã có 45 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, hệ thống cơ sở vật chất: điện, đường, trường, trạm,… được đồng bộ, thôn xóm văn minh sạch sẽ. Đây là một trong những điều kiện để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, đáp ứng nhu cầu lưu trú cho khách du lịch.

Từ thực trạng và điều tra các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Hưng Yên những năm qua cho thấy sản phẩm du lịch nói riêng của tỉnh Hưng Yên đã đạt được những kết quả nhất định. Đó là: lượng khách du lịch tăng trưởng khá cao cả về quy mô số lượng và tốc độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, doanh thu từ du lịch Hưng Yên đều tăng trưởng qua các năm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh, thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong sự phát triển của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Hưng Yên vẫn còn một số hạn chế, cụ thể đó là:

Thứ nhất, chưa khai thác được tiềm năng du lịch của tỉnh. Tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng nhưng chưa có sản phẩm du lịch hấp dẫn. Tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, có lượng di tích lịch sử rất phong phú, nhiều làng nghề nhưng số lượng sản phẩm du lịch không khai thác hết những tiềm năng này.

Thứ hai, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu tính đặc thù. Các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động vui chơi giải trí chưa được đầu tư. Các sản phẩm du lịch thường tập trung vào một số thời điểm nhất định, đặc biệt là dịp lễ hội đầu xuân.

Thứ ba, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và du lịch nói riêng. Các dự án đầu tư về du lịch còn chậm so với tiến độ đề ra.

3. Một số nhóm giải pháp phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh Hưng Yên trong thời gian tới

Thứ nhất, giải pháp về hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh.

- Xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại - du lịch trên địa bàn (miễn giảm tiền thuê đất, phí, lệ phí, thuế, đầu tư trở lại từ nguồn thu du lịch; hỗ trợ lãi suất, xúc tiến quảng bá và đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch,...).

- Xây dựng và ban hành quy chế quản lý kinh doanh du lịch để áp dụng cho tất cả các thành phần kinh tế có hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa các thành phần kinh tế thông qua cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các khu vui chơi giải trí thể thao, lưu trú đặc biệt là khu Phố Hiến, khu Đa Hòa - Dạ Trạch.

- Có chế độ hợp lý về thuế, đặc biệt là thuế thuê đất đối với những khu vực khuyến khích phát triển du lịch. Rà soát, điều chỉnh một số chính sách thuế và tính thuế ở mức thấp nhất đối với hoạt động đầu tư cho du lịch; rà soát các khoản phí, lệ phí, các khoản thu khác để đảm bảo không tăng giá dịch vụ đối với khách du lịch. Cho phép để lại nguồn thu từ kinh tế thương mại và du lịch để tái đầu tư theo chương trình, thúc đẩy hoạt động thương mại và du lịch.

Thứ hai, giải pháp tăng cường tổ chức quản lý Nhà nước đối với du lịch và sản phẩm du lịch tại địa phương.

Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhằm giảm chi phí thời gian của doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch. Hỗ trợ ưu đãi, khuyến khích đầu tư; xây dựng cơ chế phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt giữa phòng, ban, nhà đầu tư, các hộ dân và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện dự án, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân sau khi đầu tư đi vào hoạt động ổn định. Thường xuyên tiến hành kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp, các hộ dân kinh doanh để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đồng thời ngăn ngừa tình trạng hoạt động không đúng quy chuẩn hoặc trái pháp luật.

Thứ ba, giải pháp về tài chính và thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch.

Xây dựng và ban hành chính sách khuyến khích đầu tư phát triển thương mại - du lịch trên địa bàn tỉnh (miễn giảm tiền thuế đất, phí, lệ phí, thuế, đầu tư trở lại từ nguồn thu du lịch; hỗ trợ lãi suất, xúc tiến quảng bá và đào tạo nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch,...).

Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa các thành phần kinh tế thông qua cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các khu vui chơi giải trí thể thao.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Văn Đính và Trần Thị Minh Hòa, (2008), Kinh tế du lịch, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân.
  2. Trịnh Xuân Dũng, Phạm Trần Thăng Long (2016), Quản trị kinh doanh điểm đến du lịch, Tập bài giảng Bộ môn Du lịch, Trường Đại học Thăng Long.
  3. Đỗ Cẩm Thơ, (2009), Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch Việt Nam có tính cạnh tranh trong khu vực và quốc tế, đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
  4. Bộ Chính trị, (2017), Nghị quyết số 08- NQ/TƯ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  1. UBND tỉnh Hưng Yên, (2017), Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TƯ ngày 16 tháng 1 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
  2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hưng Yên (2021), Phát triển du lịch Hưng Yên giai đoạn 2016 - 2021, báo cáo, Hưng Yên.

The current situation and solutions for developing tourism products of Hung Yen province in the coming time

Master. Pham Xuan Phu

Faculty of Tourism and Hotels

University of Economic and Technical Industries

Abstract:

Hung Yen is the central province of the Red River Delta and it has great potential for tourism development, including historical and cultural relics, traditional craft villages, culinary specialties, etc. However, the province has not exploited effectively its tourism potential. The province has poor touris products which do not attract tourists. This paper analyzes the current situation of Hung Yen province’s tourism sector and proposes some solutions to help the province develop its tourism products.

Keywords: tourism products, Hung Yen province, COVID-19 pandemic.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 6, tháng 4 năm 2022]