Ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội

TS. DƯƠNG THỊ HỒNG NHUNG (Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội là xu hướng tất yếu của tương lai. Đây được coi là giải pháp hiệu quả để vực dậy ngành Du lịch Thủ đô sau giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh Covid-19. Bài viết trình bày thực trạng ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội, từ đó đưa ra những đánh giá chung và xác định các định hướng giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội trong thời gian tới.

Từ khóa: công nghệ số, phát triển du lịch, du lịch Hà Nội. 

1. Thực trạng ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội

Trước ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, chuyển đổi số được các công ty du lịch triển khai mạnh mẽ hơn. Phần lớn các công ty du lịch hoạt động trên địa bàn Hà Nội, như Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour, VietSense,… đều đã chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Các app ứng dụng kết nối dịch vụ cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D,… đã được triển khai.  Nội dung của ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch tại Hà Nội được thể hiện trên các khía cạnh: Phát triển theo chiều rộng và Phát triển theo chiều sâu.

1.1. Phát triển theo chiều rộng:

Phát triển theo chiều rộng được hiểu là việc đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ du lịch theo hướng ứng dụng công nghệ số nhiều hơn. Để đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch dựa trên công nghệ số có thể triển khai theo nhiều cách:

- Tăng hiệu quả truyền thông, quảng bá bằng cách chào bán sản phẩm và dịch vụ du lịch hiện có trên nền tảng công nghệ số và với cách tiếp cận mới, từ đó tăng khả năng tiếp cận với du khách, đặc biệt là tạo ra sự thích ứng phù hợp trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay.

Trong 10 năm qua, lượng khách đến thăm quan, khám phá và trải nghiệm ở Hà Nội liên tục tăng trong vòng 10 năm (từ 2009-2019).   Sự phát triển của khoa học công nghệ, nền tảng số, mạng xã hội làm cho hoạt động truyền thông, quảng bá về du lịch Hà Nội ngày càng được cải thiện. Trước đây, việc truyền thông thường được thực hiện trực tiếp, thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội chợ, giới thiệu sản phẩm, trải nghiệm về du lịch. Ngày nay, với sự phát triển khoa học công nghệ, các nền tảng xã hội, hệ thống mạng internet và các ứng dụng trong du lịch, các thiết bị thông minh đã dần làm thay đổi về căn bản về hoạt động truyền thông trong lĩnh vực du lịch.

- Trong thời gian qua, du lịch Hà Nội triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, nền tảng số, mạng xã hội trong hoạt động thăm quan, du lịch của Thành phố, như Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch trên thiết bị thông minh, bản đồ du lịch số,… từ đó tạo điều kiện cho khách du lịch tra cứu thông tin, tìm hiểu về sản phẩm, dịch vụ du lịch của Hà Nội. Nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong phát triển du lịch Thủ đô, Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 trong việc nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá cho các hoạt động, sự kiện du lịch của Thủ đô; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch, tăng khả năng tiếp cận khách du lịch, từ đó nâng cao khả năng phát triển du lịch Hà Nội. Hiện nay, Hà Nội tiếp tục nâng cấp cổng thông tin, ứng dụng du lịch của thành phố đã tạo dựng giai đoạn trước. Bên cạnh đó, ngành Du lịch Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý, cung cấp tiện ích cho du khách, một trọng tâm của du lịch Hà Nội là liên kết, thống nhất hệ thống dữ liệu cho hơn 300 điểm du lịch trên địa bàn. Cổng thông tin, ứng dụng du lịch sẽ được phát triển thành cổng thông tin đa phương tiện, để khách có thể xem, nghe, đọc theo hướng tiếp cận thông tin đa dạng, khai thác hơn nữa tiềm năng, thế mạnh di sản văn hóa Hà Nội.

- Để phát triển các sản phẩm theo hướng đa dạng hóa và mang tính đổi mới hơn, các điểm du lịch tại Hà Nội đã nghiên cứu và ứng dụng khá tốt các nền tảng công nghệ số trong khai thác và vận hành các hoạt động du lịch. Cụ thể như, gần đây, fanpage Không gian văn hóa Quốc Tử Giám xưa đã được thiết lập với nhiều hình ảnh sinh động giới thiệu về lịch sử thi cử, khoa bảng ngày xưa; cũng như những hiện vật đang trưng bày. Đây là hoạt động mới để tương tác với nhiều người dùng trên mạng xã hội của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Từ đầu tháng 9/2021, Trung tâm đã xây dựng thêm một fanpage chuyên giới thiệu về không gian văn hóa Quốc Tử Giám xưa nhằm giới thiệu đến công chúng về Trường Quốc Tử Giám xưa.

Theo đại diện cơ quan quản lý của điểm di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, từ khi tạm ngừng đón khách thực hiện giãn cách xã hội, đơn vị tập trung vào công tác đào tạo lại nhân lực, đồng thời nghiên cứu xây dựng sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ thông tin giới thiệu quảng bá giá trị di tích. Trước đó, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đưa vào ứng dụng công nghệ QR Code (mã vạch hai chiều) cho hơn 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Theo đó, du khách chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR Code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại những thông tin cơ bản về hiện vật đó.

Ngoài ra, Hà Nội đã xác định định hướng phát triển du lịch thông minh gắn với việc bảo tồn tại di tích. Theo đó, điểm di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu 3D, số hóa thông tin di tích, hệ thống bia Tiến sĩ, cây xanh, cùng các công trình kiến trúc khác. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu mục tiêu lâu dài là bảo tồn nhưng đây cũng là cơ sở để xây dựng thành các sản phẩm phát triển du lịch. Bên cạnh đó, dự án cũng đề xuất ý tưởng công nghệ để bán vé tham quan trước qua mạng và thực soát vé tự động để hạn chế tiếp xúc và phòng dịch. Công nghệ này không những góp phần lan tỏa giá trị di sản mà còn đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế trở lại trong tương lai.

Cũng áp dụng công nghệ vào hoạt động, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tổ chức triển lãm, trưng bày trực tuyến tại trang web: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn và giới thiệu các tour tham quan ảo 360 độ về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước. Theo đánh giá chung của cơ quản lý điểm di tích này, phương thức trên bước đầu được khá nhiều du khách quan tâm, truy cập vào trang trưng bày trực tuyến để tìm hiểu các cuộc trưng bày, tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long trong thời gian này.

Một số đơn vị quản lý di tích cũng áp dụng công nghệ số phục vụ khách du lịch như: Ban quản lý Phố cổ Hà Nội xây dựng các app (ứng dụng) du lịch giới thiệu các điểm tham quan, khu di tích và hiện vật nhằm giúp du khách tiếp nhận thông tin một cách chủ động. Làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là làng nghề đầu tiên Hà Nội ứng dụng công nghệ VR 3D (thực tế ảo) giúp du khách tham quan làng nghề và hòa mình vào lễ hội làng với đầy đủ các phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua trải nghiệm không gian ảo 3D,…

Trong bối cảnh các điểm tham quan, bảo tàng, di tích liên tục phải đóng cửa, tạm dừng đón khách để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh, ngành Du lịch Hà Nội đã triển khai xây dựng hoạt động trải nghiệm du lịch ảo bằng công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour nhằm hỗ trợ du khách tiếp cận và hiểu thêm về các giá trị tự nhiên - văn hóa của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiện nay, tour du lịch ảo đã chính thức được ra mắt tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội. Đồng thời, các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến, mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng. Một số đơn vị đã có ứng dụng quản lý, bán hàng trên môi trường số như Vietravel, Flamingo,... giúp tăng cường khả năng quản lý khách hàng, tăng cường doanh thu cho doanh nghiệp du lịch.

1.2. Phát triển theo chiều sâu

Về bản chất, đây là việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch theo hướng ứng dụng công nghệ số nhiều hơn. Nội dung của nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch công nghệ số của Hà Nội bao gồm:

-  Giúp du khách đến với Hà Nội nâng cao mức độ trải nghiệm với các sản phẩm du lịch của Thủ đô, tăng cường và thỏa mãn tối ưu các nhu cầu của du khách.

Một trong những điểm hạn chế của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng, đó chính là tính trải nghiệm cho du khách còn ít và những thông tin về điểm đến chưa đầy đủ, thuận tiện. Theo một báo cáo tại Diễn đàn Cấp cao du lịch Việt Nam vừa qua, trong 4 năm gần đây, lượng tìm kiếm về điểm đến du lịch Việt Nam đã tăng khoảng 2 lần. Tuy nhiên, khách đến Việt Nam chỉ tăng khoảng 1,8 lần, doanh thu cũng chỉ tăng 1,5 lần. Điều đó cho thấy, du lịch Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định, thiếu nhiều dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến, trong đó có điểm đến du lịch Hà Nội.

Trong bối cảnh hiện nay, việc nghiên cứu và áp dụng giải pháp công nghệ VR Plus trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp lữ hành ngày càng phổ biến hơn. Các công ty công nghệ đã và đang phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội xây dựng hình ảnh không gian 3 chiều tại nhiều điểm đến ở các quận, huyện, thị xã để phục vụ công tác quảng bá, giới thiệu. Ngoài ra, họ còn phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist tạo nên hình ảnh mô phỏng toàn bộ cổng Hoàng thành Thăng Long trước đây. Những ứng dụng công nghệ đó đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao mức độ trải nghiệm của du khách khi có ý định và đến viếng thăm, du lịch tại Thủ đô Hà Nội.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, Sở đã cùng Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng Hệ thống du lịch thông minh thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020. Sở cũng đã hoàn thiện các bài thuyết minh mẫu tại các điểm đến du lịch quan trọng bằng nhiều thứ tiếng. Theo đó, chỉ với điện thoại thông minh, khách sẽ tải được bài thuyết minh, giúp giải được bài toán thiếu hướng dẫn viên, khi có quá nhiều đoàn khách tại điểm đến du lịch. Việc kết hợp nhiều thứ tiếng khác nhau cũng góp phần xóa nhòa khoảng cách về ngôn ngữ giữa các quốc gia khác nhau, qua đó, giúp du khách có thể tiếp cận và được thỏa mãn các nhu cầu về thăm quan, tìm hiểu, khám phá giá trị của điểm đến trọn vẹn và hiệu quả hơn.

Quận Hoàn Kiếm là địa phương đầu tiên của Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác các điểm đến du lịch, khi đưa vào hoạt động trang “Hoàn Kiếm 360 độ” từ đầu năm 2018, đã trở thành một điểm hấp dẫn không thể bỏ qua, tạo ra sức hút đặc biệt với du khách. Đây cũng được đánh giá là một trong những trang thông tin quảng bá và hỗ trợ du khách khá đầy đủ, hiện đại hiện nay. Nối tiếp, Sở Du lịch Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, như: Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Oai, Ứng Hòa… phối hợp thực hiện quay hình, chụp ảnh các sản phẩm du lịch, cụm di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn bằng giao diện ảnh 360 độ, nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến để thu hút du khách tại các địa phương. Đây là một trong những nội dung nằm trong chiến lược quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch Thủ đô chất lượng, an toàn, mến khách, góp phần nâng cao mức độ trải nghiệm, thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách du lịch.

Hay như Tập đoàn Lux Group đã số hóa toàn bộ doanh nghiệp với các quy trình chuẩn được thiết lập. Theo đó, ngay từ khi thành lập (năm 2004), Tập đoàn này đã ứng dụng công nghệ thông tin, kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, số hóa dữ liệu, đầu tư trang web… Nhờ công nghệ thực tế ảo mà doanh nghiệp dễ dàng phân tích các thị trường: Khách châu Âu thích tìm hiểu gì, ở đâu, ăn món nào…; khách châu Á thích mua gì, chơi đâu, đến vùng khí hậu ra sao…? Quan trọng nữa là kết hợp với nghiên cứu thị trường thực tế để tạo được tệp “big data” (kho dữ liệu) về nhu cầu các hãng lữ hành gửi khách đến Hà Nội.

Trong lĩnh vực lưu trú, ứng dụng công nghệ số cũng khá phổ biến để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Chẳng hạn như khách sạn SOJO Hotel Ga Hanoi nằm trong chuỗi khách sạn thuận ích SOJO đã đưa công nghệ thông tin hiện đại vào quản lý, vận hành. Theo đó, khách lưu trú có thể trải nghiệm đặt phòng, mở cửa bằng chìa khóa số, sử dụng các thiết bị trong phòng như ti vi, đèn, điều hòa, rèm cửa… bằng các ứng dụng trên điện thoại thông minh. Dựa trên xu hướng du lịch “không chạm”.

- Với xu hướng tích hợp các tiện ích trên thiết bị di động như hiên nay, du khách dễ dàng chia sẻ các ý kiến, các đánh giá của bản thân lên các mạng xã hội, như các diễn đàn, các website du lịch hay thậm chí là các trang cá nhân của du khách. Các trang mạng xã hội như facebook, tiktok,… về du lịch hoặc có liên quan đến du lịch là kênh tham khảo hữu ích giúp du khách chuẩn bị chuyến đi của mình. Trên facebook, có rất nhiều trang, hội, nhóm về du lịch Hà Nội như trang fanpage Review Du lịch Hà Nội, Kinh nghiệm du lịch Hà Nội,… với mục đích chia sẻ kinh nghiệm khi đi du lịch Thủ đô. Trên trang này có rất nhiều thông tin, hình ảnh được đăng thường xuyên từ nhiều người về các tour tham quan, điểm đến mới, đẹp; giới thiệu nhiều resort, khách sạn, homestay, trong đó các nơi mới khai trương hoặc chuẩn bị khai trương; các nhà hàng, quán ăn ngon, giới thiệu đặc sản địa phương. Đồng thời còn có các thông tin, chia sẻ về các nơi cho thuê xe, cho khách thuê các loại trang phục để mặc chụp hình tại các điểm du lịch, thuê thợ đi theo chụp hình theo yêu cầu của du khách, hay cách di chuyển thuận tiện đến các điểm tham quan, vui chơi,… Ngoài nội dung hấp dẫn, thiết thực, các trang, hội, nhóm trên còn rất thu hút với nhiều ảnh chụp đẹp, ấn tượng về phong cảnh, con người Hà Nội, trong đó có “cập nhật” những hình ảnh về các điểm check in mới, thường xuyên có sự đầu tư, thay đổi đẹp hơn.

Các trang mạng xã hội nêu trên còn có các thông tin về chuyển nhượng lại vé máy bay; phòng ở, villa tại các khách sạn, resort; các chương trình giảm giá kích cầu du lịch... Đồng thời nhiều người đăng câu hỏi lên trang nhờ tư vấn về chỗ lưu trú du lịch, điểm tham quan, ăn uống đẹp, chi phí… đã được các thành viên cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm.

Ngoài ra, các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, đặc biệt là của các KOLs, rất thu hút được sự chú ý do có đông người theo dõi và nhiều lượt tương tác cũng mang lại những tác động tích cực cho sự phát triển du lịch của Thủ đô.

Đối với khách du lịch, thông qua các tài khoản mạng cá nhân của mình, du khách có thể “du lịch qua mạng xã hội” đến nhiều điểm hấp dẫn khác nhau ở Hà Nội, nhất là các điểm thăm quan nổi tiếng, mang đặc trưng riêng của Thủ đô như Lăng Bác, Hồ Gươm, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội,... Chỉ cần dùng từ khóa “du lịch Hà Nội” trên công cụ tìm kiếm của các trang, ứng dụng mạng xã hội, sẽ hiện ra các trang, các tài khoản cho du khách theo dõi và đánh giá. Nhờ vậy, thông tin và sự trải nghiệm của du khách sẽ mang tính khách quan, nhiều chiều hơn, sự trải nghiệm cũng vì thế mà trọn vẹn, ý nghĩa hơn khi lựa chọn các điểm du lịch Hà Nội.

2. Đánh giá chung về thực trạng ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội

2.1. Thành công         

- Để phát triển du lịch ứng dụng công nghệ số, cần thiết phải phát triển và hoàn thiện hạ tầng mạng, bởi đây là điều kiện quan trọng để triển khai các hoạt động du lịch online. Nhận thức được điều này, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang triển khai lắp đặt các trạm phát wifi miễn phí. Tại Hà Nội, nhiều điểm trên địa bàn thuộc các quận trung tâm đã được lắp đặt trạm phát wifi miễn phí như khu vực quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, các khu phố cổ, đường hoa, chợ hoa, công viên, bến xe, tuyến buýt,… Một số điểm du lịch của Hà Nội cũng đang được triển khai lắp đặt gồm: Bát Tràng, Vạn Phúc, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu -Quốc Tử Giám.

- Các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội cũng rất tích cực tiếp cận CMCN 4.0 để theo kịp xu hướng kinh doanh mới, đáp ứng nhu cầu du lịch đa dạng của du khách. Nhiều doanh nghiệp đang tự cải tiến mình để trở thành những doanh nghiệp thông minh, ứng dụng khá thành công công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội. Theo đó, các hoạt động kinh doanh hầu hết được triển khai trực tuyến: marketing, quảng bá sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường; tư vấn, chăm sóc khách hàng; thực hiện các giao dịch mua - bán, thanh toán,…

2.2. Hạn chế

- Chính sách đặc thù về ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch: Mặc dù đã có nhiều văn bản pháp quy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản cụ thể quy định hay hướng dẫn cụ thể về cách thức triển khai ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch. Hà Nội dù là trung tâm hành chính quốc gia, vẫn luôn trong tâm thế chủ động ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch nhưng quá trình triển khai còn nhiều bất cập.

- Mức độ sẵn sàng cho ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch: Công nghệ số cần được phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ thông tin và truyền thông, đây được coi là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng về công nghệ để phát triển du lịch nhìn chung còn chưa cao.

- Trong thời gian qua, một phần vì dịch bệnh Covid-19, một phần nữa vì yêu cầu của CMCN 4.0, lực lượng nhân lực du lịch Hà Nội có khả năng ứng dụng, triển khai công nghệ số trong vận hành và phát triển hoạt động du lịch luôn bị thiếu hụt rất lớn, cả về số lượng và chất lượng. Mặc dù các địa phương, đơn vị kinh doanh du lịch tại Hà Nội đang nỗ lực bù đắp lực lượng lao động hao hụt, nhưng chất lượng nguồn nhân lực bổ sung là vấn đề khiến nhiều đơn vị lo lắng. Có nhiều lí do, một phần vì đội ngũ nhân sự cũ vẫn bị ảnh hưởng thói quen làm việc cũ, còn lực lượng lao động mới tuyển từ các trường đại học lại thiếu kinh nghiệm thực tế. Ngoài ra, lực lượng nhân sự hiện nay là thiếu các kỹ năng mềm về ứng dụng công nghệ, xử lý tình huống, nhất là trong bối cảnh hiện nay.

- Sự tiếp cận của doanh nghiệp với công nghệ số trong phát triển du lịch còn yếu: Trong các lĩnh vực kinh doanh du lịch chính như: lữ hành, lưu trú, vận tải du lịch, ăn uống, giải trí, mua sắm,… thì khả năng tiếp cận công nghệ, ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch chủ yếu ở một số phân nhánh như lữ hành quốc tế, vận tải hàng không, cơ sở lưu trú cao cấp. Trong đó, cũng chỉ có các doanh nghiệp hàng đầu, có tiềm lực mới có khả năng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tiếp cận nền tảng số.

3. Định hướng giải pháp về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội trong thời gian tới

Ứng dụng công nghệ số là một đòi hỏi bức thiết trong bối cảnh hiện nay. Để thúc đẩy phát triển du lịch Hà Nội, thành phố Hà Nội cần xác định các định hướng phù hợp về ứng dụng công nghệ số, từ đó nâng cao hiệu quả phát triển du lịch. Cụ thể:

- Cần xây dựng, hoàn thiện các thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số, đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự thành công của việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch.

- Cần xác định và nhận diện đầy đủ những lĩnh vực quan trọng, cốt lõi về công nghệ số trong ngành Du lịch, để từ đó nắm bắt và làm chủ như lĩnh vực dữ liệu số, vật liệu thông minh, robot thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo AI, phương tiện thông minh, năng lượng thông minh,… để có giải pháp chính sách hợp lý trong ứng dụng và phát triển. Cả chính phủ và khu vực tư nhân đều cần phải nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số cũng như các giải pháp công nghệ số hiện đại để triển khai ứng dụng số kết nối thông minh, đẩy nhanh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả hóa chính phủ điện tử, góp phần thúc đẩy và tăng cường hiệu quả của ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội.

- Cần có chính sách tăng cường nhận thức của người dân và doanh nghiệp về kinh tế số, các lợi ích và thách thức đi kèm, với các nội dung và hướng dẫn cụ thể.

- Cần khuyến khích thúc đẩy các bên liên quan tham gia chiến lược chuyển đổi số du lịch quốc gia với sự tham gia của nhiều địa phương, ngành nghề, lĩnh vực liên quan.

- Ngành Du lịch nên tối ưu công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường dựa trên những tiến bộ công nghệ thông tin và nền tảng internet, mạng xã hội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Quang Đăng (2019), Cách mạng công nghiệp 4.0 và tiến trình phát triển du lịch thông minh tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch - Tổng cục Du lịch, truy cập tại: http://itdr.org.vn/nghien_cuu/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-tien-trinh-phat-trien-du-lich-thong-minh-tai-viet-nam/
  2. Phạm Thị Thùy Linh (2020), Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch ở Việt Nam, Tạp chí Công Thương, truy cập tại: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/thuc-trang-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-trong-phat-trien-du-lich-o-viet-nam-72312.htm
  3. Ngọc Mai, (2018). Digital Transformation - Từ khóa của thời đại công nghiệp 4.0,truy cập tại: https://marketingai.admicro.vn/digital-transformation-tu-khoa-cua-thoidai-cong-ghiep-4-0/
  1. Lâm Minh (2017). Doanh nghiệp du lịch Việt vẫn “loay hoay” với ứng dụng công nghệ thông tin, truy cập tại: http://toquoc.vn/du-lich/doanh-nghiep-du-lich-viet-van-loay-hoay-voi-ung-dung-cntt-259319.html
  2. Lê Sĩ Trí (2018), Quảng bá du lịch trong thời kỳ 4.0 - Vấn đề đặt ra và kiến nghị, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Phát triển du lịch trong Cách mạng công nghiệp 4.0, truy cập tại: https://news.zing.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-la-gi post750267.html
  3. Trọng Đạt (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề ở Việt Nam, VietNamNet Truy cập tại: http://vietnamnet.vn/vn/thong-tin-truyen-thong/cach-mang cong-nghiep-4-0-va-nhung-van-de-oviet nam-383787.html
  4. Đức Hiếu (2017), Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay đổi mạnh ngành du lịch, truy cập tại: https://dulich.tuoitre.vn/du-lich/cach-mang-40-se-thay-doi-manh-nganh-dulich1334136.htm.
  5. Chính phủ (2018), Quyết định số 2289/QĐ - TTg ngày 31/12/2020 về Ban hành Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030.
  6. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2019), Quyết định số 1783/QĐ - BVHTTDL ngày 17/5/2019 về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025”.
  7. UBND thành phố Hà Nội (2020), Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30/9/2020 do UBND Thành phố Hà Nội ban hành về thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

 Implementing advancements in digital technology to develop tourism in Hanoi

Ph.DDuong Thi Hong Nhung

Thuongmai University

ABSTRACT:

Implementing advancements in digital technology to develop tourism in Hanoi is an inevitable ttrend. This is considered an effective solution for the recovery of Hanoi’s tourism sector after the COVID-19 pandemic. This paper presents the current application of  advancements in digital technology in Hanoi’s tourism sector. Based on the paper’s findings, some general assessments and solutions are proposed to improve the effectiveness of implementing advancements in digital technology in the tourism sector of Hanoi in the coming time.

Keywords: digital technology, tourism development, Hanoi’s tourism.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 4, tháng 3 năm 2022]