Tìm hiểu về Luật Phá sản ngân hàng và Luật Bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng trong trường hợp ngân hàng bị phá sản

Nghiên cứu "Tìm hiểu về Luật Phá sản ngân hàng và Luật Bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng trong trường hợp ngân hàng bị phá sản" do ThS. Nguyễn Văn Rõ (Trường Đại học Bà Rịa Vũng Tàu) thực hiện.

Tóm tắt:

Hình thức gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại được xem là một trong những hình thức đầu tư an toàn, tiện lợi cho người dân có nguồn tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này cũng sẽ có những rủi ro, ví dụ như ngân hàng bị phá sản. Một ngân hàng có thể bị coi là phá sản khi ngân hàng rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng. Bài viết nghiên cứu một số quy định liên quan đến việc phá sản ngân hàng cũng như quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp ngân hàng bị phá sản.

Từ khóa: ngân hàng bị phá sản, bảo hiểm tiền gửi, Luật Phá sản, Luật Bảo hiểm tiền gửi, ngân hàng thương mại.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, hình thức gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại được xem là một trong những hình thức đầu tư an toàn, tiện lợi cho người dân có nguồn tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, hình thức đầu tư này có thực sự an toàn tuyệt đối hay không? Rủi ro sẽ như thế nào khi nào? Các ngân hàng thương mại có thể bị phá sản hay không? Nếu ngân hàng thương mại bị phá sản thì khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng đó có được nhận lại toàn bộ số tiền đã gửi hay không? Luật Bảo hiểm tiền gửi đã quy định những gì và bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền ra sao? Đây chính là nội dung được nghiên cứu trong bài viết nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về Luật Phá sản ngân hàng cùng như Luật Bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng.

2. Một số vấn đề về Luật Phá sản ngân hàng

Thứ nhất, ngân hàng có thể bị phá sản hay không?

Ngân hàng thương mại là tổ chức, nhận tiền gửi, cho vay, thanh toán chi phiếu, và thực hiện các dịch vụ có liên quan khác cho công chúng. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có một ngân hàng nào bị phá sản. Bởi khi phía ngân hàng thương mại hoạt động không tốt thì ngân hàng Nhà nước sẽ ngay lập tức đưa ra nhiều biện pháp để giải quyết. Hơn nữa, thủ tục phá sản đối với ngân hàng thương mại phức tạp hơn so với nhiều biện pháp phục hồi. 

Theo luật, Việt Nam cho phép ngân hàng thương mại phá sản, các tổ chức tín dụng được yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản. Phá sản là việc ngân hàng thương mại mất khả năng thanh toán và bị tòa án tuyên bố phá sản. Theo đó, một ngân hàng có thể bị coi là phá sản khi ngân hàng đó rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng. Căn cứ vào Điều 155 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017 thì phá sản tổ chức tín dụng được quy định cụ thể như sau:

Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.

Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo quy định nêu trên, tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.

Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng.

Thứ hai, ngân hàng thương mại phá sản trong trường hợp nào?

Căn cứ Điều 152 của Mục 1e Điều 1 Luật sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 thì việc phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt quy định như sau:

Tổ chức tín dụng xem xét, trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 147a hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a hoặc khoản 7 Điều 151d của Luật này khi tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt lâm vào tình trạng phá sản.

Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương phá sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 148, khoản 4 Điều 148c, khoản 2 Điều 149a, khoản 4 Điều 149d, khoản 7 Điều 151a, khoản 7 Điều 151d của Luật này được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 147a của Luật này.

Theo quy định nêu trên, pháp luật cho phép các ngân hàng thương mại hoạt động không hiệu quả được phép phá sản. Tuy nhiên, tỷ lệ để phá sản của một ngân hàng thương mại là rất thấp, bởi khi ngân hàng thương mại hoạt động không hiệu quả sẽ được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo và thực hiện nhiều phương án như phục hồi, hợp nhất, sáp nhập, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, giải thể, chuyển giao bắt buộc. Theo đó, có thể hiểu, khi quyết định để ngân hàng phá sản thì đó chỉ là giải pháp cuối cùng khi ngân hàng đã được ngân hàng nhà nước kiểm soát đặc biệt và không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án đó.

3. Một số vấn đề về Luật Bảo hiểm tiền gửi cho khách hàng gửi tiền

Thứ nhất, bảo hiểm tiền gửi là gì?

Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. (Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012)

Thứ hai, một số quy định về hoạt động bảo hiểm tiền gửi

Theo quy định tại Điều 18, Điều 19 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 thì các loại tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm như sau:

Điều số 18 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 có quy định về tiền gửi được bảo hiểm: Tiền gửi được bảo hiểm là tiền gửi bằng đồng Việt Nam của cá nhân gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi dưới hình thức tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trừ các loại tiền gửi quy định tại Điều 19 của Luật này.

Điều 19 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 có quy định về tiền gửi không được bảo hiểm:

  • Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu trên 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.
  • Tiền gửi tại tổ chức tín dụng của cá nhân là thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó; tiền gửi tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính chi nhánh ngân hàng nước ngoài đó.
  • Tiền mua các giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phát hành.

Thứ ba, phí bảo hiểm tiền gửi:

Phí bảo hiểm tiền gửi được quy định tại Điều 20 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 như sau:

  • Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí bảo hiểm tiền gửi theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
  • Căn cứ vào khung phí bảo hiểm tiền gửi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.
  • Phí bảo hiểm tiền gửi được tính trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
  • Phí bảo hiểm tiền gửi được tính và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính. Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp.
  • Phí bảo hiểm tiền gửi được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Thứ tư, trả tiền bảo hiểm tiền gửi:

  • Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tiền gửi: Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền.
  • Thời hạn trả tiền bảo hiểm tiền gửi: Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi.
  • Hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi: Hạn mức trả tiền bảo hiểm là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi hiện nay được quy định tại Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg: Số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng.

Thứ năm, xử lý số tiền gửi vượt hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi:

Số tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi bao gồm tiền gốc và tiền lãi vượt quá hạn mức trả tiền bảo hiểm sẽ được giải quyết trong quá trình xử lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật. (Điều 22, 23, 24, 27 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012)

4. Khi ngân hàng phá sản, người gửi tiền sẽ được nhận được những gì từ quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi?

Trong trường hợp xấu nhất xảy ra là khi ngân hàng phá sản, người gửi có thể sẽ không rút lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà chỉ nhận lại được một khoản tiền bảo hiểm đền bù. Theo quy định tại Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 thì các ngân hàng nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách.

Cụ thể, tại Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 có sự giải thích như sau:

  • Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
  • Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
  • Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.
  • Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính Nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
  • Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Bên cạnh đó, theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm thì số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi (bao gồm cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng. Ví dụ: một người gửi vào ngân hàng 1.000.000.000 đồng nhưng nếu ngân hàng phá sản thì khách hàng đó chỉ được đền bù số tiền tối đa từ đơn vị bảo hiểm tiền gửi là 125.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, việc phân chia tài sản của ngân hàng phá sản được quy định tại Điều 101 Luật Phá sản năm 2014 sẽ được thực hiện theo thứ tự sau:

  • Chi phí phá sản;
  • Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
  • Khoản tiền gửi; khoản tiền tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải trả cho người gửi tiền tại tổ chức tín dụng phá sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước;
  • Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
  • Trong trường hợp giá trị tài sản không đủ để thanh toán thì các đối tượng thuộc cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.
  • Trường hợp giá trị tài sản của tổ chức tín dụng sau khi đã thanh toán đủ khoản nợ theo thứ tự trên mà vẫn còn thì phần còn lại này thuộc về: Thành viên của tổ chức tín dụng là hợp tác xã; Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Thành viên góp vốn của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; cổ đông của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần.

5. Kết luận

Như vậy, đối với trường hợp ngân hàng phá sản thì người gửi tiền vào ngân hàng đó sẽ được đơn vị bảo hiểm tiền gửi chi trả tối đa 125.000.0000 đồng. Bên cạnh việc nhận tiền bảo hiểm thì người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản. Tuy nhiên, theo Luật Phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt theo thứ tự: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết và sau đó mới đến các khoản tiền gửi ngân hàng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2012). Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012.
  2. Chính phủ (2013). Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ban hành ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật bảo hiểm tiền gửi.
  3. Quốc hội (2014). Luật Phá sản năm 2014.
  4. Quốc hội (2017). Luật sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng năm 2017.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2021). Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ban hành ngày 20/10/2021 về hạn mức trả tiền bảo hiểm
  6. Nguyễn Thụy Hân (2023). Ngân hàng phá sản, người gửi tiền có mất trắng?. Truy cập tại: https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/tai-chinh/46957/ngan-hang-pha-san-nguoi-gui-tien-co-mat-trang.
  7. Lê Minh Trường (2023). Ngân hàng phá sản khách hàng có được nhận lại tiền gửi không? Truy cập tại: https://luatminhkhue-vn.webpkgcache.com/doc/-/s/luatminhkhue.vn/ngan-hang-pha-san-khach-hang-co-duoc-nhan-lai-tien-gui.aspx.
  8. Trần Hoàng Ngân (Chủ biên, 2020). Nghiệp vụ ngân hàng hiện đại. Nhà xuất bản Kinh tế, Hà Nội.
  9. Trần Huy Hoàng (Chủ biên, 2019). Quản trị ngân hàng thương mại. Nhà xuất bản Tài chính, Hà Nội.

 

A study on the Law on Bank insolvency and the Law on Deposit insurance in the event of a bank failure

Master. Nguyen Van Ro

Ba Ria - Vung Tau University

Abstract:

Saving is considered one of the safe and convenient investment channels for people with idle funds. However, this investment type also have some risks, for example the bank insolvency. A bank can be bankrupt when it run into financial distress and it is unable to fulfill its financial obligations to customers. This study analyzes a number of regulations on the bank failure and deposit insurance in the unlikely event of a bank failure.

Keywords: bank failure, deposit insurance, bankruptcy regulations, deposit insurance regulations, commercial bank.