Hoạt động bảo hiểm tiền gửi của Việt Nam và các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương

ThS. PHẠM THỊ MỸ CHÂU (Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết tóm tắt những điểm nổi bật trong quy định pháp lý và hoạt động của bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Việt Nam và các quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Từ đó cho thấy điểm tương đồng cũng như điểm khác biệt của BHTG các quốc gia trong khu vực và gợi ý một số kinh nghiệm cho hoạt động BHTG Việt Nam.

Từ khóa: Bảo hiểm tiền gửi, Việt Nam, APRC, IADI.

1. Hoạt động bảo hiểm tiền gửi và các vấn đề liên quan

Hệ thống BHTG được thiết kế nhằm củng cố niềm tin của công chúng vào sự an toàn của các khoản tiền gửi ngân hàng. Vì vậy, BHTG có đóng góp tích cực vào sự ổn định của hệ thống tài chính (Ketcha, 2007). Theo Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13, bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Mục đích của BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng (NH).

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009 đã đem lại các bài học chính sách quan trọng cho BHTG ở các quốc gia. Diễn biến của cuộc khủng hoảng cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính. Sau khủng hoảng, một số tổ chức BHTG ở các nước đã được mở rộng phạm vi, trách nhiệm cũng như bổ sung thêm các công cụ xử lý ngoài chức năng trả tiền cho người gửi tiền. Việc tăng hạn mức BHTG và hoàn thiện các cơ chế cấp vốn đã giúp hỗ trợ ổn định tài chính tại nhiều quốc gia. Dù dưới bất cứ hình thức bảo vệ nào, các nhà hoạch định chính sách đều đã nhận thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo niềm tin của người gửi tiền (IADI, 2020).

Tính đến tháng 5/2019, Hiệp hội BHTG quốc tế (International Association of Deposit Insurers - IADI) có 89 thành viên và 8 ủy ban khu vực. Ủy ban khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Asia - Pacific Regional Committee - APRC) là ủy ban lớn thứ 2 trong hiệp hội. APRC có 20 thành viên chiếm 22% thành viên của IADI, bao gồm Úc, Azerbaijan, Bangladesh, Brunei, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Kazakhstan, Hàn Quốc, Kyrgyzstan, Malaysia, Mông Cổ, Pakistan, Philippines, Nga, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. APRC được thành lập để đảm bảo quan điểm chung của các thành viên trong khu vực về các vấn đề chính sách quan trọng của IADI được lắng nghe. APRC đóng vai trò như một nền tảng cho khu vực để chia sẻ và trao đổi thông tin, ý tưởng. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các thành viên thảo luận về các vấn đề chính sách chung và quan trọng ảnh hưởng đến khu vực, đồng thời khuyến khích các mối quan hệ hợp tác và đối tác bền chặt. APRC mong muốn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thấu hiểu các giá trị chung của khu vực, đồng thời tôn trọng sự khác biệt của các thành viên (IADI, 2020).

1.1. Về vị trí pháp lý

Có 84% các thành viên của APRC có tư cách pháp nhân độc lập. Chỉ có 2 công ty BHTG được thành lập trong Ngân hàng trung ương (NHTW), riêng Úc có hệ thống BHTG được đặt trong cơ quan giám sát NH. Không có công ty BHTG nào trong khu vực APRC được thành lập bởi hiệp hội các NH hoặc thuộc Bộ Tài chính (IADI, 2020).

1.2. Về nhiệm vụ của tổ chức BHTG

Theo IADI, có thể được phân loại thành 4 loại: Paybox, Paybox Plus, Loss Minimiser và Risk Minimiser. Theo đó, quyền hạn thấp nhất là Paybox - công ty BHTG chỉ chịu trách nhiệm hoàn trả các khoản tiền gửi được bảo hiểm. Cao hơn là Paybox Plus, theo đó Công ty BHTG có trách nhiệm bổ sung, chẳng hạn như các chức năng giải quyết, hỗ trợ tài chính,… Loss Minimiser là một nhiệm vụ mà trong đó công ty BHTG sẽ tích cực tham gia vào việc lựa chọn một loạt các chiến lược giải quyết với chi phí thấp nhất. Quyền hạn đầy đủ nhất là Risk Minimiser, giống như một nhiệm vụ trong đó công ty BHTG có chức năng giảm thiểu rủi ro toàn diện, bao gồm đánh giá, quản lý rủi ro, và có đầy đủ quyền để có thể can thiệp và giải quyết sớm, trong một số trường hợp, công ty BHTG còn có trách nhiệm giám sát một cách cẩn trọng. Do điều kiện và môi trường hoạt động khác nhau nên hơn một nửa số thành viên hoạt động với quyền hạn ở mức cơ bản là Paybox và Paybox Plus (IADI, 2020).

Bảng 1. Quyền hạn của các thành viên APRC

Quyền hạn của các thành viên APRC

Nguồn: IADI (2018)

1.3. Các cải tiến về trách nhiệm và quyền hạn

Sau khủng hoảng, các công ty BHTG đã được gia tăng quyền hạn đáng kể. Trước đây, hầu hết các thành viên APRC đều có nhiệm vụ Paybox. Từ năm 2016, số lượng công ty BHTG có quyền hạn Paybox Plus đã vượt quá số công ty BHTG có quyền hạn Paybox (IADI, 2020).

Hình 1: Quyền hạn của các thành viên APRC giai đoạn 2008 – 2017

Quyền hạn của các thành viên APRC giai đoạn 2008 – 2017

Nguồn: IADI (2018)

Năm 2000, Hàn Quốc đã chuyển từ trạng thái Paybox Plus sang Risk Minimiser, Nga đã gia tăng quyền hạn từ Paybox Plus sang Loss Minimiser vào năm 2008. Năm 2016, Azerbaijan và Singapore đã thực hiện chuyển đổi từ Paybox sang Paybox Plus, trong khi Philippines chuyển từ Paybox Plus sang Loss Minimiser (IADI, 2020).

1.4. Hạn mức bảo hiểm

Mức bảo hiểm trung bình đã tăng lên, đạt khoảng 71.389 USD cho mỗi người gửi tiền trong năm 2017, tăng mạnh so với mức 26.145 USD năm 2008, phản ánh sự phát triển kinh tế và tiến bộ tài chính của khu vực. Mức bảo hiểm trung bình cho mỗi người gửi tiền đang tăng lên, dao động từ 1.210 USD (Bangladesh) đến 456.660 USD (Thái Lan). Các thành viên có mức bảo hiểm cao nhất là Thái Lan (456.660 USD), Úc (195.000 USD), Indonesia (149.740 USD), Đài Loan (100.509 USD) và Nhật Bản (94.127 USD). Giai đoạn 2008 - 2017, các thành viên có sự thay đổi đáng kể nhất về mức bảo hiểm bao gồm Đài Loan từ 54.213 USD lên 100.509 USD (tăng 85,40%), Hồng Kông từ 12.820 USD lên 64.102 USD (tăng hơn 400%), Malaysia từ 43.639 USD lên 61.782 USD (tăng 41,58%); Kazakhstan từ 6.000 USD lên 43.674 USD (tăng hơn 600%), và Philippines từ 23.512 USD lên USD 37.408 (tăng 59,10%). Thái Lan là quốc gia duy nhất giảm hạn mức bảo hiểm từ mức 50 triệu THB (1,6 triệu USD) vào năm 2011, giảm xuống còn 1 triệu THB (0,032 triệu USD) từ tháng 8/2020 (IADI, 2020).

Hình 2: Hạn mức BHTG so với GDP/người

Hạn mức BHTG so với GDP/người

Nguồn: IADI (2018)

Hình 2 cho thấy các quốc gia có mức GDP/người cao có xu hướng đưa ra hạn mức BHTG cao. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ như Thái Lan và Indonesia cung cấp hạn mức BHTG cao nhất và cao thứ ba (456.660 USD và 149.740 USD) trong khu vực, trong khi mức GDP/người lần lượt xếp thứ 11 và 13 (6.595 USD và 3.846 USD). Mặt khác, hạn mức BHTG của Singapore xếp thứ 8 (56.112 USD), trong khi quốc gia này có GDP/người (57.714 USD) cao nhất trong khu vực (IADI, 2020). Việt Nam với hạn mức chi trả bảo hiểm 75 triệu đồng (khoảng 3.300 USD) so với GDP/người đạt hơn 2.700 USD vào năm 2019 (World Bank, 2020). Hạn mức này phù hợp với khuyến nghị của IMF đối với quốc gia về hạn mức chi trả bảo hiểm cho mỗi người gửi tiền từ khoảng 1 đến 2 lần GDP/người (Anginer & Demirguc-Kunt, 2018).

1.5. Về tỷ lệ được bảo hiểm

Khu vực APRC đã tuân thủ Nguyên tắc cốt lõi (CP) của IADI - Mức độ bảo hiểm, trong đó quy định mức độ bảo hiểm nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo vệ đa số người gửi tiền nhưng phải giữ lại một lượng tiền gửi đáng kể tuân theo kỷ luật thị trường. Năm 2017, khu vực APRC bảo hiểm cho khoảng 95,8% người gửi tiền và 46,3% giá trị tiền gửi. Tỷ lệ bảo hiểm dao động từ 88% người gửi tiền ở Hồng Kông đến 99,9% ở Mông Cổ và Thái Lan. Về giá trị tiền gửi, tỷ lệ này từ 16% ở Brunei đến 100% ở Azerbaijan (IADI, 2020).

1.6. Các tổ chức tài chính được BHTG

Bảng 2. Các tổ chức tài chính được BHTG

ác tổ chức tài chính được BHTG

Nguồn: IADI (2018)

Các công ty BHTG (Úc, Hàn Quốc, Malaysia, Nga và Singapore) vận hành một hệ thống BHTG tích hợp. Các tổ chức BHTG ở các quốc gia này mở rộng phạm vi bảo hiểm ra ngoài các tổ chức nhận tiền gửi, bao gồm bảo hiểm nhân thọ và quỹ hưu trí phi chính phủ.

1.7. Về nguồn tài trợ

Tất cả các thành viên APRC đều được tiếp cận với nguồn tài trợ khẩn cấp. Nguồn tài trợ thông thường là đến từ NHTW, chính phủ, tiếp cận thị trường vốn và quyền được tăng phí bảo hiểm bất thường của BHTG. Nguồn tài trợ cũng có thể đến từ các NH tư nhân, NH phát triển và các tổ chức quốc tế (IADI, 2020).

Bảng 3. Nguồn tài trợ khẩn cấp của các tổ chức BHTG

Nguồn tài trợ khẩn cấp của các tổ chức BHTG

Nguồn: IADI (2018)

Tổ chức BHTG có trách nhiệm đầu tư và quản lý hợp lý các quỹ của mình, trong đó tổ chức BHTG phải đảm bảo bảo toàn vốn và duy trì khả năng thanh khoản. Hầu hết các tổ chức BHTG đầu tư vào chứng khoán chính phủ (84%), giữ tiền mặt (68%) và tiền gửi (68%).

1.8. Thời gian dự kiến hoàn trả tiền bảo hiểm

Toàn bộ các nước đã rút ngắn thời gian hoàn trả bảo hiểm. Số ngày trung bình để hoàn trả là 55 ngày (2015 - 2016), giảm xuống còn 40 ngày (năm 2017). Chỉ có 5 công ty BHTG có thể hoàn lại tiền cho người gửi tiền trong khoảng thời gian 7 ngày theo quy định (Úc, Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia và Singapore). Việt Nam trung bình là 60 ngày (IADI, 2020).

Hình 3: Thời gian hoàn trả bảo hiểm

Thời gian hoàn trả bảo hiểm

Nguồn: IADI (2018)

1.9. Số vụ phá sản của các tổ chức nhận tiền gửi

Tính đến năm 2017, đa số thành viên (63%) đã trải qua ít nhất một lần tổ chức nhận tiền gửi bị phá sản, 37% thành viên khác chưa từng gặp phá sản bao gồm Úc, Bangladesh, Brunei, Hong Kong, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Số lượng các vụ phá sản trong khu vực APRC đã tăng lên 2.467 trong năm 2017, tăng 584 tổ chức so với 2011. Hơn một nửa trong số 584 phá sản xảy ra ở Nga (332 vụ), tiếp theo là Philippines (100), Ấn Độ (68), Indonesia (42), Hàn Quốc (23) và Azerbaijan (13) (IADI, 2020).

Hình 4: Tổng số vụ phá sản trong APRC

Tổng số vụ phá sản trong APRC

Nguồn: IADI (2018)

1.10. Về nâng cao nhận thức cộng đồng đối với BHTG

Hầu hết các công ty BHTG (89%) thực hiện liên tục các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng. Theo CP 10 (IADI) - Nhận thức của cộng đồng, tổ chức BHTG phải định kỳ đánh giá hiệu quả của chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các đánh giá độc lập. Theo APRC, 59% thành viên đã đánh giá các chiến dịch của họ bởi 1 bên độc lập, trong khi 41% còn lại thì không. Mức độ nhận biết về hệ thống BHTG dao động từ mức 91% ở Hàn Quốc xuống mức 25% ở Cộng hòa Kyrgyzstan (IADI, 2020). BHTG Việt Nam không tham gia đánh giá chỉ tiêu này.

Hình 5: Mức độ nhận thức của cộng đồng 

Mức độ nhận thức của cộng đồng 

Nguồn: IADI (2018)

1.11. Hợp tác xuyên biên giới

Các thành viên APRC tích cực theo đuổi hợp tác xuyên biên giới. 87% thành viên có ít nhất 1 biên bản ghi nhớ (MoU) với 1 thành viên APRC khác. Trung bình, các thành viên có MoU với 4 thành viên khác trong khu vực. Hàn Quốc với 11 MoUs, là nước có nhiều MoU xuyên biên giới nhất với các thành viên APRC khác, tiếp theo là Đài Loan, Nga và Philippines với 7 MoUs cho mỗi nước. Indonesia và Việt Nam có 6 MoUs. Kazakhstan, Mông Cổ và Thái Lan, mỗi nước có 5 MoUs với các thành viên APRC khác, trong khi Malaysia có 4. Nhật Bản có 2 MoUs và 7 thư trao đổi (LOE) với các thành viên APRC (IADI 2020).

Về các cải tiến liên quan BHTG, theo khảo sát của APRC 2019, khu vực này đã có nhiều cải tiến gần đây, phổ biến nhất là hoàn lại tiền cho người gửi tiền (CP 15), nâng cao nhận thức của cộng đồng (CP 10), phạm vi bảo hiểm (CP 8), nguồn và sử dụng vốn (CP 9). Các công ty BHTG đã tiến hành hoàn chỉnh các quy trình hoàn trả cho người gửi tiền, bao gồm cả việc sửa đổi và cải thiện hệ thống công nghệ thông tin và hoàn trả, tiến hành mô phỏng và mở rộng các trình kích hoạt bồi thường (IADI 2020).

Ngoài ra, các nỗ lực nâng cao nhận thức cộng đồng đã được thực hiện, bao gồm nỗ lực cho phép người gửi tiền ước tính quyền được hưởng khoản tiền gửi đủ điều kiện của họ, tung ra các chiến dịch quảng cáo mới và biểu tượng của công ty, cũng như nỗ lực nâng cao hiểu biết về tài chính cho cộng đồng. Phạm vi bảo hiểm cũng đã được tăng lên và mở rộng cho người gửi tiền mới, bao gồm bảo đảm nguồn tài trợ khẩn cấp, mở rộng việc sử dụng quỹ bảo hiểm tiền gửi để giải quyết, cũng như cải thiện hệ thống thu phí bảo hiểm (IADI, 2020).

2. Kết luận

Bài báo đã ghi lại quá trình phát triển của các thành viên APRC, đồng thời cho thấy những điểm tương đồng, khác biệt, các vấn đề chung, thách thức và khoảng cách giữa các thành viên. Mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn những khoảng trống cần được chú ý và cần nghiên cứu thêm. Các vấn đề lớn như tài trợ, lập kế hoạch dự phòng và quản lý khủng hoảng, bảo vệ pháp lý, hoàn lại tiền cho người gửi tiền và các vấn đề chéo giữa các thành viên APRC cần được thảo luận.

BHTG Việt Nam đã, đang ngày càng hoàn thiện và hội nhập với khu vực, có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp với các nguyên tắc của IADI. Tuy nhiên so với khu vực vẫn còn phải tiếp tục học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất, cải tiến để nâng cao trách nhiệm và quyền hạn của mình, có đầy đủ các công cụ và kế hoạch, kịch bản để ứng phó với khủng hoảng, phù hợp với tình hình mới, tăng cường hơn nữa việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần bảo đảm ổn định và an toàn hệ thống tài chính quốc gia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Anginer, Deniz and Demirgç-Kunt, Asli (2018), Bank Runs and Moral Hazard: A Review of Deposit Insurance. World Bank Policy Research Working Paper No. 8589, Available at SSRN: https://ssrn.com/ abstract=3252233
  2. Ketcha, N. (2007), Deposit insurance system design and consideration, Bank for International Settlement, Policy Papers, 221-239. Available at https://www.bis.org/publ/plcy07o.pdf
  3. International Association of Deposit Insurers (IADI) (2020), Core Principles and Research, Available at https://www.iadi.org/en/core-principles-and-research/core-principles/, accessed 12/10/2020.
  4. International Association of Deposit Insurers (IADI) (2020), Membership Profile of the Asia-Pacific Regional Committee, Research Paper, Available at https://www.iadi.org/en/assets/File/Papers/Regional%20Papers/ Membership_Profile_of_the_APRC_for_Publication-final_clean.pdf, accessed 19/9/2020.
  5. International Association of Deposit Insurers (IADI) (2018), Survey Results - IADI Annual Survey, Available at https://www.iadi.org/en/core-principles-and-research/deposit-insurance-surveys/, accessed 19/9/2020.
  6. The World Bank (2020), Tổng quan về Việt Nam, https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/overview, truy cập 15/10/2020.

THE DEPOSIT INSURANCE OPERATIONS IN VIETNAM

AND SOME COUNTRIES IN THE ASIA - PACIFIC REGION

• Master. PHAM THI MY CHAU

Banking University of Ho Chi Minh City 

ABSTRACT:

The paper presents the highlights in the regulations and operations of deposit insurance of Vietnam and some countries in the Asia-Pacific region. Based on the paper’s summaries, the paper points out the similarities and the differences in the deposit insurance among regional countries and highlights experience in the deposit insurance operations for Vietnam.

Keywords: Deposit insurance, Vietnaam, APRC, IADI.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]